Triển khai nhiều giải pháp quan trọng phát triển bền vững y tế biển đảo
“Lênh đênh” sức khỏe ngư dân
Theo ông Dương Minh Thạnh, Ủy viên Ban chấp hành Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngư dân đi biển thường phải đối mặt với rất nhiều tình huống tai nạn bất ngờ: Những khi gặp bão tố thì một chiếc dây thừng, một thanh gỗ nhỏ trên cánh buồm cũng dễ gây ra những thương tích nặng cho ngư dân.
Nguy cơ mắc bệnh và gặp tai nạn cao nhưng cả chục năm nay, mỗi khi ra biển, tủ thuốc của tàu ông Dương Minh Thạnh chỉ có vỏn vẹn một ít thuốc cảm, thuốc cầm máu, thuốc xoa bóp và băng gạc cá nhân. Nếu như bị ốm nhẹ, các thuyền viên trên tàu tự điều trị bằng những loại thuốc đơn giản đó. Trường hợp ai đó không may bị thương nặng thì chỉ có một cách duy nhất là quay tàu vào bờ hoặc tìm một đảo gần nhất để nhờ sự cấp cứu của lực lượng quân y.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam, khi đi biển, ngư dân có nguy cơ mắc bệnh đau đầu, đau bụng, đau dạ dày, những tai nạn gây đa chấn thương hoặc ngừng tim, ngừng tuần hoàn... Trong những trường hợp này, nếu tàu không có nhân viên y tế hoặc người có hiểu biết sơ đẳng về cách sử dụng thuốc, sơ cứu để đưa người bệnh về cơ sở y tế gần nhất thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, thực tế, phần lớn các tàu cá (cả gần và xa bờ) đều chưa có nhân viên y tế, thiếu cả tủ thuốc dự phòng.
Mạng lưới y tế mỏng
Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Bạch Long Vĩ, huyện Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cho biết: “Bệnh viện đã được Sở Y tế và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng quan tâm, đầu tư nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Nhưng vì điều kiện cơ sở vật chất chưa đồng bộ, ví dụ có máy nhưng không có hóa chất làm xét nghiệm, không có điện nên rất khó khăn trong quá trình khám, chữa bệnh”.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa huyện Bạch Long Vĩ cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực y tế. Là bệnh viện dân sự duy nhất trên đảo, bệnh viện kiêm nhiệm cùng lúc nhiều chức năng: Khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số - kế hoạch hóa gia đình… Trung bình mỗi năm, bệnh viện khám cho từ 2.000 - 2.500 lượt bệnh nhân, mổ vài trăm ca tiểu phẫu và hàng chục ca trung phẫu… Tuy nhiên, do chỉ có 10 cán bộ biên chế, 5 cán bộ hợp đồng nên các cán bộ trong bệnh viện phải chia nhau phụ trách nhiều công việc, gây khó khăn không ít cho công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân ở huyện đảo cũng đang gặp không ít khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu do chính sách hỗ trợ đối với y, bác sĩ chưa phù hợp nên một số cán bộ chưa thực sự yên tâm công tác ở đảo. Trung tâm thiếu nhiều cán bộ chuyên khoa, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa ngoại, khoa sản nên khó khăn khi có bệnh nhân cấp cứu. Các trang thiết bị tuy đã được đầu tư, song vẫn chưa đồng bộ so với nhu cầu thực tế.
Thực tế, không chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa huyện Bạch Long Vĩ, Trung tâm y tế huyện đảo Cô Tô cũng gặp khó khăn do thiếu nhân lực, trang thiết bị và nhiều cơ sở y tế tại các huyện đảo khác cũng đang ở trong tình trạng tương tự.
Triển khai đồng bộ các giải pháp quan trọng
Theo PGS, TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, thời gian tới, để nâng cao công tác khám chữa bệnh cho quân và dân trên vùng biển, đảo, ngành y tế tiếp tục phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương để triển khai đồng bộ hàng loạt các giải pháp quan trọng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Cụ thể, sẽ tổ chức, đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực, cơ sở vật chất cho 6 khoa Hồi sức cấp cứu thành Trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển, đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa (Telemedecine). Các trung tâm này đặt tại tại 6 bệnh viện ven biển gồm Viện Y học biển - thành phố Hải Phòng, Bệnh viện Quân Y 4 Nghệ An, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Quân Y 87 - Nha Trang, Bệnh viện thuộc Liên doanh Việt Nga (Viesopetro) - thành phố Vũng Tàu, Bệnh viện quân dân Y 78 - Phú Quốc.
Bên cạnh đó, sẽ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho 4 trung tâm y tế/bệnh viện huyện đảo trọng điểm (quốc phòng - an ninh, nghề cá) để các đơn vị này có thể triển khai các kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2. Xây dựng 2 mô hình trợ giúp y tế từ các bệnh viện trung ương, tỉnh, thành phố đến bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo và nhà giàn. Ban hành tiêu chuẩn về sức khỏe, độ tuổi, giới; nghĩa vụ, trách nhiệm, chính sách, chế độ thu hút, ưu đãi; quy định về đào tạo và đào tạo lại đối với cán bộ viên chức ngành y tế được bố trí công tác trên biển, đảo.
Đặc biệt, để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ giỏi chữa bệnh cho ngư dân bám biển và nhân dân sống trên các xã đảo, Bộ Y tế đã chỉ đạo y tế các địa phương, bộ, ngành cần tăng cường kết hợp quân dân y, thực hiện tốt Đề án luân chuyển cán bộ, Đề án cử cán bộ trẻ tăng cường cho y tế cơ sở, tăng cường huấn luyện cho lực lượng dân quân biển về kỹ thuật cấp cứu,…
Về việc hỗ trợ cho ngư dân, đặc biệt những ngư dân đánh bắt xa bờ, Bộ Y tế đang đẩy mạnh hoạt động tập huấn, trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo để các ngư dân có thể tự bảo vệ sức khỏe, biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo trong trường hợp xảy ra sự cố.
Ngày 31-5, Bộ Y tế cũng đã phát động phong trào “Cùng ngư dân bám biển”, sau 3 tháng đã vận động quyên góp trên toàn quốc tặng được hơn 30.000 tủ thuốc cho chủ tàu cá đánh bắt xa bờ thuộc Nghiệp đoàn nghề cá tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Mặt khác, Bộ Y tế cũng đã đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố ven biển ưu tiên kinh phí đầu tư mua sắm các tủ thuốc để trang bị cho toàn bộ tàu cá của địa phương./.
Gần 3.730 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới Quốc hội  (20/10/2014)
Chủ tịch nước tiếp Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak  (20/10/2014)
Chính phủ dự kiến kinh tế cả nước tăng trưởng ở mức 5,8%  (20/10/2014)
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng  (20/10/2014)
Phó Thủ tướng tiếp Ðoàn các nhà khoa học y tế Liên bang Nga  (20/10/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay