TCCSĐT - Với chuyến thăm Nga của Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn-hi hồi đầu tháng 9-2016, Nga và Hàn Quốc mong muốn một sự kết nối và hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, để Nga và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn nữa, để Hàn Quốc trở thành đối tác quan trọng của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hai nước còn phải vượt qua không ít rào cản.

Hợp tác cùng có lợi

Nga là đối tác kinh tế quan trọng trong nhiều năm qua của Hàn Quốc, Hàn Quốc hiểu rõ và ghi nhận vai trò của Nga đối với bán đảo Triều Tiên. Điều đáng chú ý, trong quan hệ Nga - Hàn Quốc không có những vấn đề lịch sử cũng như lãnh thổ chưa được giải quyết. Tăng cường hợp tác với Nga, các chính trị gia Hàn Quốc hy vọng rằng, nước Nga, cùng với uy tín của Tổng thống V. Pu-tin, có thể gây sức ép đối với Triều Tiên trong vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân và chế tạo tên lửa đạn đạo của nước này. Vì vậy, Hàn Quốc tuy là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng Hàn Quốc không tham gia “Câu lạc bộ trừng phạt Nga” do Mỹ khởi xướng. Phá hỏng quan hệ với Nga - nước có ảnh hưởng lớn tới Triều Tiên - sẽ làm mất đi cơ hội quan trọng cho cả hai miền bởi các cuộc đối thoại cần phải đi tới những hành động cụ thể. Nước Nga có thể là một chất xúc tác quan trọng thúc đẩy quá trình đó sớm trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, để đáp trả việc Triều Tiên triển khai tên lửa hạt nhân và tàu ngầm, Hàn Quốc đã tăng cường hợp tác, sử dụng công nghệ Nga phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp vũ khí trong nước, như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), tên lửa đất đối không tầm trung đến xa M-SAM Cheolmae-2. Hàn Quốc hy vọng có thể vượt trội hơn Bắc Triều Tiên do Bắc Triều Tiên cũng đang áp dụng công nghệ tên lửa S-300 của Nga vào SLBM.

Trên khía cạnh kinh tế, Nga luôn là đối tác quan trọng trong việc cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, các phương tiện giao thông, điện thoại, các sản phẩm của ngành hóa dầu… cho Hàn Quốc. Ngoài ra còn có các lợi ích được phát triển trên lĩnh vực công nghệ thông tin, năng lượng hạt nhân, y tế và sinh học. Năm 2016 đánh dấu 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nga và Hàn Quốc. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Nga và Hàn Quốc đã dần mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế. Năm 2014, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt mức cao nhất 26 tỷ USD. Có khoảng 400 công ty như Công ty chế tạo ôtô Hyundai, Hotel Lotte, Samsung Electronics và các công ty Hàn Quốc khác đang hoạt động ở Nga (1). Mặc dù điều kiện kinh tế đối ngoại những năm gần đây không thuận lợi, trong đó có việc suy giảm của giá dầu, nhưng không có công ty Hàn Quốc nào rút khỏi thị trường Nga. Nga có những công nghệ nền tảng, còn Hàn Quốc là cường quốc công nghiệp và sự liên kết hai nước sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế mỗi nước.

Đáng chú ý, Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn-hi đang nỗ lực thúc đẩy “Sáng kiến Á - Âu”, kêu gọi mở rộng mối liên kết giữa các quốc gia hai châu lục với nhau, kết nối các tuyến đường bộ và đường sắt để tạo nên con đường tơ lụa mới từ Hàn Quốc tới châu Âu thông qua Triều Tiên, Nga và Trung Quốc. Dựa trên nền tảng là hệ thống đường sắt xuyên Xi-bê-ri (TSR) của Nga, tuyến đường sắt tơ lụa có sự tham gia của Hàn Quốc dự kiến sẽ mở ra một cung đường vận tải thông suốt từ châu Âu nối đến cảng Bu-san ở miền nam Hàn Quốc, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa qua lại giữa quốc gia này với châu Âu. Việc kết nối tuyến đường sắt sẽ góp phần vào hòa bình, thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Đông Bắc Á, thúc đẩy hợp tác phát triển Á - Âu. Tại Phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Đông (tháng 9 - 2016), Tổng thống V. Pu-tin đã quyết định thành lập nhóm công tác liên chính phủ về xây dựng siêu vòng cung năng lượng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nga sẵn sàng cung cấp cho các thành viên của dự án điện năng với giá đặc biệt, cạnh tranh bằng việc ký kết hợp đồng cung cấp dài hạn. Riêng đối với Hàn Quốc, Tổng thống V. Pu-tin đã có cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Pắc Cưn-hi để thảo luận về mối quan hệ hiện tại và triển vọng phát triển quan hệ hai nước. Sau cuộc hội đàm, lãnh đạo hai bên chứng kiến lễ ký kết một gói các văn bản về hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ y tế, thủy sản và quản lý môi trường. Để mở rộng hợp tác kinh tế tại khu vực Viễn Đông của Nga, hai nước đã ký 24 biên bản ghi nhớ (MOU) trị giá 395 triệu USD (2), chủ yếu là hợp tác song phương trong các hoạt động không gian, nghiên cứu về Bắc Băng Dương và khoa học hàng hải.

Hiện thực còn nhiều thách thức

Bên cạnh các mặt thuận lợi đã đạt được, phát triển quan hệ song phương Nga - Hàn Quốc còn đối mặt với không ít rào cản. Các yếu tố cơ bản cản trở việc thực hiện các thỏa thuận giữa Nga và Hàn Quốc là sự sụt giảm nhu cầu nhập khẩu tại Nga, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga vẫn còn hiệu lực. Mối quan hệ Nga - Hàn Quốc chưa phải ở mức cao nhất. Sau khi đồng rúp Nga mất giá mạnh, kim ngạch thương mại giữa hai nước giảm sút, chủ yếu là giảm 50% nhập khẩu từ Hàn Quốc (3). Chính phủ Hàn Quốc, mặc dù không tham gia các lệnh cấm vận do phương Tây áp đặt đối với Nga nhưng cũng hạn chế việc thúc đẩy triển khai các dự án mới, còn trong lĩnh vực tài chính cũng hạn chế các hoạt động với Nga. Tổng thống hai nước đã không gặp nhau 3 năm trở lại đây, còn các thỏa thuận đạt được từ trước đó về cơ bản vẫn chỉ trên giấy tờ.

Hiệp định tự do song phương giữa Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) do Nga dẫn đầu và Hàn Quốc chủ yếu là mang giá trị tượng trưng. Các cam kết của EAEU không có lợi cho các mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Hàn Quốc như xe hơi và hàng điện tử. Nga quan tâm việc thành lập hệ thống năng lượng và giao thông vận tải hậu cần hợp nhất giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên. Theo đề xuất từ phía Nga, về lâu dài, dự án này không chỉ liên quan tới việc vận chuyển bằng đường sắt mà còn vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Bắc Triều Tiên; hay như việc thành lập các trạm điện cao thế để vận chuyển điện từ Nga. Nhưng hiện nay, tất cả mới chỉ là lý thuyết. Về phần mình, Hàn Quốc quan tâm đến dự án Con đường biển phía Bắc, công nghiệp đóng tàu, cũng như việc vận chuyển hàng hóa và nguồn tài nguyên thiên nhiên dọc theo tuyến đường đó. Khối lượng trao đổi thương mại hai bên giảm đáng kể do sự suy giảm về giá dầu và giá nguyên liệu. Kim ngạch thương mại giữa Nga và Hàn Quốc giảm mạnh trong năm 2015 (giảm khoảng 33,8%) và tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2016 là 25%. Hàn Quốc hiện chiếm khoảng 3,5% thương mại nước ngoài của Nga. Trên thực tế, hầu như không có đầu tư mới từ Hàn Quốc, mặc dù việc nghiên cứu nhiều dự án vẫn được triển khai. Kể từ năm 2010 đến nay, khối lượng đầu tư trực tiếp giảm đi 1/3 (từ 1,9 tỷ USD xuống còn 1,3 tỷ USD) (4). Trước đây, Hàn Quốc đã xây dựng các doanh nghiệp lắp ráp ô tô, điện tử và sản xuất bánh kẹo ở Nga, bày tỏ sự quan tâm đến ngành đóng tàu. Hai nước còn thành công trong hợp tác cả ở lĩnh vực vũ trụ. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả chỉ dừng lại ở mức độ “nghiên cứu”. Xét về số tiền đầu tư và quy mô hợp tác, ở châu Á, ba quốc gia dẫn đầu đầu tư vào Nga là Trung Quốc, Nhật Bản và Xin-ga-po, trong khi Hàn Quốc không đứng trong danh sách 10 nước đứng đầu (5).

Bên cạnh đó, dưới áp lực của Mỹ, tháng 7-2016, Hàn Quốc đã chấp nhận triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở phía Nam của bán đảo Triều Tiên với lý do đề phòng “các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên”. Điều đáng nói là khi đó cuộc gặp giữa Tổng thống V. Pu-tin và Tổng thống Pắc Cưn-hi đã được ấn định. Trước thềm chuyến thăm Nga tháng 9-2016, Tổng thống Pắc Cưn-hi khẳng định, việc chính phủ Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai THAAD là “một biện pháp phòng thủ không thể tránh khỏi”. Tổng thống Pắc Cưn-hi nhấn mạnh hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với an ninh và hòa bình của khu vực, kêu gọi Nga tham gia các nỗ lực quốc tế để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Về phía Nga, Nga coi việc Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á như yếu tố làm thay đổi sự cân bằng chiến lược hiện tại trong khu vực, chống lại ảnh hưởng của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - kéo dài từ Đông Nam Á đến A-lát-xca. Mặc dù vậy, Nga đã không thay đổi kế hoạch thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc của mình, bởi điều quan trọng là Nga muốn vô hiệu hóa những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Nga ở châu Á. Tuy nhiên, bầu không khí quan hệ giữa Nga và Hàn Quốc vẫn bị ảnh hưởng ít nhiều.

Chuyến thăm của Tổng thống Pắc Cưn-hi đến Nga tham dự Diễn đàn Kinh tế Đông nhằm nhiều mục đích. Giới doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm tới thị trường Nga, mong muốn được đầu tư vào thị trường nước này. Thời gian tới, các doanh nhân Hàn Quốc dự kiến sẽ thâm nhập vào lĩnh vực nông nghiệp ở vùng Viễn Đông, củng cố vị thế trong lĩnh vực ngư nghiệp, cấu trúc lại năng lực chế biến, phát triển cơ sở cảng biển ở Viễn Đông và lĩnh vực đóng tàu; xây dựng các dịch vụ y tế, thúc đẩy hợp tác khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thương mại hóa.

Ngoài hợp tác kinh tế, Tổng thống Pắc Cưn-hi còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Thông qua chuyến thăm của Tổng thống Pắc Cưn-hi, Hàn Quốc hy vọng có thể thuyết phục Nga áp dụng một đường lối cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, về vấn đề này, Nga muốn xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với Triều Tiên, cam kết thực thi các biện pháp trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nhằm trừng phạt Triều Tiên, nhưng không có ý định thực thi một cách quá rộng rãi, đặc biệt là gây thiệt hại tới các lợi ích kinh tế của Triều Tiên. Nga quan tâm khả năng tham gia của Triều Tiên vào các dự án năng lượng và hệ thống giao thông vận tải - hậu cần chung ba bên giữa Nga - Hàn Quốc - Triều Tiên. Các thỏa thuận này ra đời năm 2013, kết nối Hàn Quốc với dự án hậu cần thí điểm “Khasan-Rajin”, nhưng sau đó đã không được thực hiện do sau các vụ thử tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, Hàn Quốc đã từ bỏ việc theo đuổi dự án này.

Cuối cùng, yếu tố quan trọng để gắn kết hai nền kinh tế Nga và Hàn Quốc, đó là hợp tác năng lượng nhiên liệu. Năm 2016, khoáng sản tự nhiên chiếm 3/4 tổng số hàng hóa Nga xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng là đối tác mua khí hóa lỏng tự nhiên lớn thứ hai của Nga. Hàn Quốc hiện cũng đang tìm cách đa dạng hóa cơ cấu năng lượng của nước này, đồng thời, lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân và mong muốn nguồn này chiếm 44% năng lượng cả nước (6). Nga có thể đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hạt nhân Hàn Quốc, trao đổi kinh nghiệm và thông tin không chỉ trong chu trình nhiên liệu hạt nhân, mà còn trong việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Hy vọng rằng, sự gắn kết nhiều hơn về kinh tế sẽ giúp lập trường, quan điểm về các vấn đề quốc tế của cả hai bên Nga - Hàn Quốc sẽ xích lại gần nhau hơn, góp phần tích cực vào hòa bình, thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á nói riêng, thế giới nói chung./.

----------------------------

(1) Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trả lời phỏng vấn cơ quan truyền thông quốc tế Sputnik, http://vn.sputniknews.com/, ngày 02-9-2016

(2) S. Korea-Russia Cooperation: S. Korea Wins Russia’s 3 Largest Projects Worth 6 Trillion Won, http://www.businesskorea.co.kr/english/news/politics, ngày 05-9-2016

(3), (4), (6) Russia-South Korea: Is a “Neighbourly Agreement” Possible?, http://russiancouncil.ru/en, ngày 02-9-2016

(5) Russia beyond the headlines, http://rbth.com/business/2016/08/29/western-sanctions-affect-russia-south-korea-economic-engagement-trutnev_624921, ngày 29-8-2016