Quảng Ninh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19
TCCS - Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công nghệ số đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện, góp phần phòng, chống dịch hiệu quả; đồng thời, khôi phục, duy trì và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Tích cực, chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch COVID-19
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là sau khi biến chủng Delta xuất hiện. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 có quy mô lớn, tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm và khó kiểm soát. Cùng với cả nước, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nghiêm túc, quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh, phát huy tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, “chống dịch như chống giặc”, sự đồng thuận xã hội, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”…, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tính đến đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh vẫn đang là địa phương an toàn, ổn định, phát triển, là một trong những tỉnh đứng tốp đầu cả nước về tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Số mũi tiêm/số vắc-xin được phân bổ chiếm tỷ lệ 99,99%. Tính đến giữa tháng 11, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin đạt 87,7% và nằm trong nhóm 15/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc-xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%. Ngành y tế tỉnh Quảng Ninh cũng đang bảo đảm sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 ở mọi tình huống. Theo tiêu chí phân cấp độ dịch, Quảng Ninh thuộc cấp 1, ở trạng thái bình thường mới, tương ứng với địa bàn vùng xanh an toàn. Năm 2021, Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) trên 10% và tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 51.000 tỷ đồng, hoàn thành “mục tiêu kép”, góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 8,6%, cao hơn so với trung bình cả nước.
Đạt được những kết quả trên, gần 2 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để quyết tâm giữ vững vùng xanh an toàn. Thời gian tới, theo dự báo, dịch bệnh sẽ còn diễn biến rất phức tạp, khó kiểm soát, có khả năng kéo dài, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân và ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo. Tỉnh Quảng Ninh xác định công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn dân trong giai đoạn hiện nay. Đây là điều kiện tiên quyết để tỉnh Quảng Ninh hoàn thành “mục tiêu kép” trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả
Ngay từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở giải pháp tích hợp ứng dụng trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không chỉ phục vụ yêu cầu xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, mà còn phục vụ đắc lực cho yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021, của Chính phủ về việc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tỉnh Quảng Ninh thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với dữ liệu về tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người mắc COVID-19 khỏi bệnh để triển khai thống nhất việc ứng dụng mã QR trên thẻ căn cước công dân (hoặc hình thức phù hợp đối với những người chưa có thẻ căn cước công dân mới) phục vụ việc quản lý đi lại của người dân và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chính quyền các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh yêu cầu tất cả mọi người khi vào phải thực hiện quét mã QR-Code; kiểm tra, xử lý nghiêm, dừng kinh doanh, hoạt động của các đơn vị nếu để người ra, vào không thực hiện quét mã QR-Code.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh chủ động ban hành ngay hướng dẫn cụ thể phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch tại ba cấp tỉnh, huyện, xã theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh điều chỉnh các kế hoạch xét nghiệm, các biện pháp hành chính phù hợp bao gồm các quy định, hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người… Sở Giao thông - Vận tải và ủy ban nhân dân các địa phương ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện đúng theo hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho xe chở người, hàng hóa ra, vào tỉnh Quảng Ninh để phục vụ sản xuất, kinh doanh bảo đảm lưu thông thuận lợi, không gây ách tắc, không làm gián đoạn chuỗi cung ứng, duy trì tăng trưởng kinh tế.
Thông qua các hạ tầng nền tảng công nghệ thông tin và viễn thông của hệ thống Chính quyền điện tử, như Cổng dịch vụ công của tỉnh, hệ thống email công vụ, hệ thống Wi-Fi công cộng… Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối phát đi các thông điệp, diễn biến trong phòng, chống dịch cũng như công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh; cung cấp thông tin về phòng, chống dịch cho cơ quan báo chí, truyền thông cũng như các hệ thống thông tin cơ sở, kể cả những nội dung thông tin liên quan đến công tác truy vết. Ở những thời điểm có yếu tố đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đều sản xuất các bản tin hay nội dung thông tin nhằm cung cấp thông tin kịp thời, nhanh nhất và bảo đảm chính xác tuyệt đối đến báo chí và hệ thống thông tin cơ sở.
Các nền tảng mạng xã hội, như facebook, zalo,… cũng được triển khai phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, giúp tỉnh Quảng Ninh truyền đi những thông điệp đến người dân để mỗi người dân biết và chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả mọi lúc, mọi nơi.
Trước đó, ngày 29-9, Quảng Ninh đã thí điểm việc kết nối đồng bộ dữ liệu và vận hành hệ thống tự động kiểm soát người ra, vào tỉnh tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 Trạm thu phí cầu Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên). Hệ thống mới này được lập trình tự động kiểm soát người ra, vào bằng các camera tự động. Khi người dân đưa mã QR vào vị trí quy định, camera sẽ tự động quét và tiếp nhận thông tin dữ liệu, giấy tờ tùy thân truyền đến máy tính, sau đó cán bộ trực sẽ kiểm tra thông tin người dân đã khai báo có chính xác với giấy đi đường và giấy tờ tùy thân hay không. Camera quét mã QR tự động xử lý thông tin nhanh hơn nhiều so với quét mã bằng điện thoại di động được sử dụng trước đó, lái xe chỉ cần thời gian 2 phút để thực hiện các bước theo hướng dẫn trên các máy quét mã QR tự động là có thể qua bàn kiểm soát để kiểm tra lại và đóng dấu qua chốt kiểm soát. Việc lắp đặt và vận hành thí điểm hệ thống tự động kiểm soát người ra, vào tỉnh còn giúp cán bộ trực tại chốt hạn chế tiếp xúc gần với người dân, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và giảm số lượng nhân lực thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát.
Trong thời gian qua, đặc biệt là đợt dịch COVID-19 lần thứ 3 và thứ 4 trong năm 2021, Quảng Ninh đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, như khai báo y tế tự nguyện NCOVI dành cho người dân; khai báo y tế trực tuyến tại địa chỉ tokhaiyte.vn (ứng dụng VietNam Health Declaration); Bluezone phát hiện tiếp xúc gần với người bệnh, người nghi nhiễm thông qua Bluetooth của điện thoại thông minh; hệ thống bản đồ chống dịch tại địa chỉ antoancovid.vn dành cho các cơ sở dịch vụ, lưu trú, các địa điểm công cộng đông người như trường học, cơ sở khám, chữa bệnh…; hệ thống ghi nhận người đến và đi các địa điểm công cộng thông qua quét QR code tại các ứng dụng trên điện thoại thông minh, như NCOVI, VietNam Health Declaration, Bluezone…
Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chính vì vậy để thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp và toàn thể người dân phải chủ động, quyết liệt chống dịch hơn nữa, luôn thường trực ở mức cao nhất. Trong đó, mỗi khu dân cư, mỗi gia đình là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch, tuyệt đối không vì đã tiêm vắc-xin mà lơ là, chủ quan, luôn nâng cao ý thức tự giác, phát huy hiệu quả vai trò là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch. Với tinh thần nới lỏng nhưng tuyệt đối không buông lỏng phòng, chống dịch. Trong đó, tiếp tục quyết tâm cao, huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân giữ cho được vùng xanh an toàn, bảo vệ sức khỏe nhân dân; tiếp tục đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết; phát huy vai trò người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn. Ý thức người dân là một trong những yếu tố có tính quyết định, do vậy, người lao động phải được nâng cao ý thức hơn nữa trong thực hiện các quy định phòng, chống dịch, tuân thủ nguyên tắc 5K và tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầy đủ. Áp dụng đồng bộ các nền tảng, giải pháp công nghệ phục vụ đắc lực cho phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh và quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới. Đặc biệt cần phải bảo đảm các giải pháp có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng tài nguyên chung và phát huy hiệu quả thiết thực./.
Công an Hà Nội thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự vàphòng, chống dịch bệnh COVID-19  (30/11/2021)
Phát huy vai trò của các cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam hiện nay  (30/11/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên