Một số giải pháp để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới

TS. Nguyễn Thị Tường Vân
Ủy ban Chứng khoán nhà nước
12:13, ngày 26-11-2022

TCCS - Thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh theo hướng bền vững. Để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát triển ngành công nghiệp này trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Vai trò và đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2025 nước ta sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) trong GDP đạt trên 25%; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22-3-2018, về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, của Bộ Chính trị, đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tỷ trọng công nghiệp CBCT trong GDP đạt 30%; tăng trưởng giá trị gia tăng ngành CBCT đạt bình quân trên 10%/năm; đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Để đạt được những mục tiêu đã đặt ra, trong giai đoạn tới, từ 2021 - 2030, ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và đặc biệt ngành CBCT trên cả nước phải tăng trưởng với tốc độ cao hơn nhiều so với giai đoạn trước để có thể đạt được mục tiêu về đóng góp trong GDP. Điều đó có thể thấy, công nghiệp CBCT được xác định là một trong những yếu tố tạo động lực tăng trưởng của giai đoạn tới, là con đường phát triển, là chìa khóa để tạo nên sự thịnh vượng của quốc gia nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Vốn đầu tư vào ngành công nghiệp CBCT có xu hướng tăng và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng vốn đầu tư vào các ngành kinh tế. Sơ bộ năm 2020, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của ngành CBCT đạt 590,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào các ngành kinh tế và gấp 3,2 lần năm 2011; tính chung trong cả giai đoạn 2011 - 2020 đạt 3.953,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,6%. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội bình quân đạt 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng vốn đầu tư vào ngành CBCT đạt 10,1%/năm, cho thấy nhu cầu đối với các sản phẩm của ngành CBCT ngày càng cao, tác động lan tỏa của ngành CBCT tới các ngành kinh tế khác càng lớn.

Xét về mức độ đóng góp vào GDP của các ngành kinh tế, số liệu thống kê từ năm 2010 đến nay cho thấy, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển đổi tích cực theo hướng công nghiệp hóa, với sự giảm dần của nông nghiệp và tăng dần của công nghiệp và dịch vụ. Bốn ngành có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế gồm CBCT, nông nghiệp, bán buôn, bán lẻ, và khoáng sản. Như vậy có thể thấy, công nghiệp CBCT đã đóng vai trò động lực cho phát triển của nền kinh tế trong thời gian vừa qua. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2011 - 2020, ngành CBCT tăng 0,37 điểm phần trăm; năm 2021 ngành CBCT đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Đối với tỉnh Quảng Ninh, ngành CBCT từ 6,7% GRDP năm 2010 đã tăng lên chiếm 10% GRDP trong năm 2020 và năm 2021 trở thành ngành có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn thứ ba trong nền kinh tế của tỉnh (chiếm 11,9 %), tăng 32,19 % so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn 9,12 điểm % so với cùng kỳ, đóng góp 3,3 điểm % trong tốc độ tăng GRDP của tỉnh, mặc dù bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Trong 9 tháng năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,12% của tỉnh, ngành CBCT tăng 17,26%, chiếm tỷ trọng 10,9% trong GDP. Trong đó, tính riêng ngành CBCT tại khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh tăng trưởng trên 16%, với các sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ, như thân mũ gần 28 triệu cái, tăng trên 100%; vải dệt từ sợi tổng hợp trên 1,6 triệu m2, tăng trên 15%; màn hình ti-vi trên 800.000 cái, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngành công nghiệp CBCT còn tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện ở vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành CBCT thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký trong giai đoạn 2011 - 2020, nhất là trong các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như viễn thông; điện tử, công nghệ thông tin; sản xuất thép; xi măng; dệt may; da giày... với sự xuất hiện của nhiều công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới như Tập đoàn Sam sung, Tập đoàn Intel, LG… Điều này đã tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm 2021, dù số dự án đầu tư nước ngoài vào nước ta giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song ngành CBCT vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhờ thu hút lượng lớn vốn FDI, khu vực này đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, xây dựng mô hình tiên tiến, phương thức kinh doanh hiện đại, khai thác tiềm năng và huy động các nguồn lực tốt hơn cho việc phục vụ cho quá trình sản xuất trong nước; nâng cao trình độ sản xuất cho doanh nghiệp, kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế, từ đó giúp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta.

Riêng tỉnh Quảng Ninh, ngành CBCT năm 2010 đạt 3.697 tỷ đồng, đến năm 2020 đã tăng lên 20.269 tỷ đồng. Năm 2021 là năm đầu tiên Quảng Ninh ghi nhận “làn sóng” đầu tư FDI vào ngành CBCT với nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn (Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam và Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar PV Việt Nam với tổng mức dự án gần 900 triệu USD). Tổng vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế toàn tỉnh đạt trên 1 tỷ USD, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2020 và đạt 269% kế hoạch năm. Tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án FDI, với vốn đăng ký trên 960 triệu USD; cấp giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho 17 lượt dự án FDI, trong đó có 4 dự án tăng vốn, với số vốn tăng thêm đạt gần 112 triệu USD. Đặc biệt, các dự án FDI lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp CBCT và công nghiệp điện tử đi vào hoạt động sản xuất ổn định, tạo giá trị lớn, như Nhà máy S-Việt Nam của Công ty TNHH Competiton Team Technology (Tập đoàn Foxconn); Nhà máy Bumjin Electronics Việt Nam của Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina…

Xét về góc độ tạo việc làm của các ngành kinh tế, số liệu thống kê từ năm 2010 đến nay cho thấy, thay đổi về cơ cấu kinh tế đã dẫn đến những thay đổi về cơ cấu lao động, với sự giảm sút đáng kể của lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, và sự gia tăng của lao động làm việc trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Ngành công nghiệp CBCT đã cho thấy vai trò chủ đạo của mình trong việc hấp thụ lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp, với tỷ trọng lao động tăng từ 13,5% lên 17,9%, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho hơn 60% lao động cả nước trong 3 ngành kinh tế chính. Với xu hướng giảm dần lao động trong ngành nông nghiệp, ngành công nghiệp CBCT cùng với ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc tạo thêm nhiều việc làm để đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội bao gồm cả lao động phổ thông và lao động chất lượng cao làm việc trong các ngành thâm dụng lao động và ngành ứng dụng công nghệ cao.

Đối với tỉnh Quảng Ninh, các dự án trong lĩnh vực công nghiệp CBCT đã tạo việc làm cho gần 1 vạn lao động mới, nâng tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực này lên trên 63.000 người. Đặc biệt, vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất, nhiều ngành kinh tế khác gần như bị đình trệ, lao động không có việc làm thì số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp CBCT vẫn tăng. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. 

Để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trong giai đoạn tới

Trong bối cảnh sự biến động không ngừng của tình hình thế giới, sự xuất hiện của nhiều yếu tố an ninh phi truyền thống bất giờ ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành CBCT đối với nền kinh tế của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cùng với kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011 - 2020 và đặc biệt trong hai năm 2020 - 2021, cho thấy sự chuyển dịch tập trung sang lĩnh vực công nghiệp CBCT của tỉnh là quyết định phù hợp với thực tiễn và tầm nhìn chiến lược. Điều này thể hiện qua việc ban hành và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-TU, ngày 16-11-2020, của Tỉnh ủy, về “Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, lấy ngành công nghiệp CBCT làm trọng tâm, song song với đó, phát triển hiệu quả các ngành dịch vụ phân phối và dịch vụ cho các nhà sản xuất để tạo động lực kép thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Phát triển công nghiệp CBCT chính là tạo thị trường cho các ngành dịch vụ phát triển.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-TU của Tỉnh ủy, cần thực hiện các giải pháp đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp CBCT tại tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn tới. Cụ thể:

Thứ nhất, xác định rõ về quan điểm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy ngành công nghiệp CBCT trở thành ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế của tỉnh, tạo lực phát triển ngành dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao phù hợp với nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Thứ hai, đa dạng hóa nguồn lực tài chính là quan trọng. Tập trung thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân, đặc biệt là từ đầu tư nước ngoài để đầu tư, phát triển công nghiệp CBCT trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, địa bàn trọng điểm. Thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, đa ngành, có vai trò dẫn dắt vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là ngành dịch vụ tổng hợp hiện đại, công nghiệp CBCT, công nghệ cao, công nghệ thông minh, logistics, …

Chuyển đổi các khu kinh tế, khu công nghiệp có năng lực cạnh tranh thành các khu kinh tế, khu công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, khu công nghiệp chuyên sâu để phát triển theo chiều sâu, phục vụ thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời giảm bớt được các khu công nghiệp tổng hợp. Tập trung hoàn thiện và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại để thu hút dự án, doanh nghiệp vào khu công nghiệp CBCT. Đồng thời, xây dựng mô hình khu công nghiệp đô thị dịch vụ để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp CBCT. Tăng tính liên kết giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế, hình thành các cụm sản xuất quy mô lớn, liên kết ngành của tam giác Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trong vùng động lực phía Bắc và hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh theo Nghị quyết số 138/NQ-CP, ngày 25-10-2022, của Chính phủ về “Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050”.

Thứ ba, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển ngành công nghiệp CBCT nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chủ động về nguồn cung nguyên vật liệu và sản phẩm để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất (thượng nguồn và hạ nguồn) trong nước để xuất khẩu mở rộng ra quốc tế.

Thứ tư, hình thành đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao là then chốt để phát triển ngành công nghiệp CBCT. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhất là đội ngũ chuyên gia trong các ngành kỹ thuật và công nhân lành nghề đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Do đó, cần có những chính sách trọng tâm, giải pháp “đột phá” để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới. Bên cạnh các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, cần chú trọng chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực hiện tại nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về nhân lực cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp CBCT và các ngành dịch vụ có liên quan. Đồng thời, tiến đến đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Mô hình liên kết “Trường đại học trong lòng doanh nghiệp” là hướng mở để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đáp ứng đúng nhu cầu, đúng lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh cũng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. 

Thứ năm, các nguồn lực xã hội (tài chính, nhân lực, đất đai,…) nên tập trung vào việc xây dựng và nâng cao năng lực, năng suất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong tỉnh, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp mạnh, các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản xuất trong nước, có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp trong nước có thể lớn mạnh, tạo ra giá trị gia tăng trong nước lớn hơn, kết nối được với khu vực đầu tư nước ngoài và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu./.