Định hướng giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
TCCS - Được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử, các giá trị văn hóa Việt Nam đã tạo nên bản lĩnh, cốt cách con người Việt Nam, là nhân tố hàng đầu giúp dân tộc ta đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc định hướng giá trị văn hóa cho mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
1- Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, như kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường…, trong đó có đời sống tinh thần, tâm lý, hành vi, lối sống của mỗi cá nhân, gia đình, xã hội; đồng thời tác động không nhỏ đến quan niệm về các giá trị văn hóa (gồm giá trị văn hóa truyền thống và giá trị văn hóa mới hình thành dưới tác động của các cuộc cách mạng khoa học, công nghệ và nền kinh tế thị trường hiện đại) theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần xác định và định hướng giá trị văn hóa phù hợp với những điều kiện mới của đất nước và thời đại cho thế hệ trẻ, nhằm giúp họ vừa giữ gìn vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc trong thời kỳ mới, để qua đó rèn luyện ý chí, bản lĩnh, khơi dậy sức sáng tạo và những năng lực tiềm ẩn trong xây dựng, phát triển đất nước. Đại hội XIII của Đảng cũng xác định cần: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(1).
Bên cạnh đó, trong quá trình giao lưu sâu rộng, đa chiều với thế giới hiện nay, sự tiếp biến văn hóa và việc tiếp thu các giá trị văn hóa mới mang tính thời đại cùng những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc khác là điều tất yếu xảy ra. Do đó, việc định hướng giá trị văn hóa cần mang tính khoa học, vừa phù hợp thực tiễn trong nước, vừa phù hợp quy luật khách quan của lịch sử.
Giá trị văn hóa là cái có thể nhận thức, có thể đạt được và có vai trò định hướng, giáo dục, thúc đẩy con người hành động hướng tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Trong cuộc sống của mỗi cá nhân và trong lịch sử của mỗi dân tộc qua nhiều thế hệ, có những giá trị văn hóa mới hình thành, có những giá trị trở nên lỗi thời, nhưng cũng có những giá trị văn hóa được duy trì, lưu giữ, lan tỏa rộng rãi, được bồi đắp, kế thừa và phát huy, trở thành các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa của quốc gia - dân tộc.
Các giá trị văn hóa truyền thống của bất cứ dân tộc nào cũng đều bắt nguồn từ nền tảng xã hội và lịch sử của dân tộc đó. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta được kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm giữ nước và dựng nước trong điều kiện thiên tai, địch họa vô cùng khắc nghiệt, hiểm nguy, mà tiêu biểu là lòng yêu nước, ý thức tự lập, tự cường, lòng khoan dung, lòng vị tha, kính già, yêu trẻ, quý trọng gia đình, tinh thần lao động kiên trì, cần cù; đó còn là ý thức tôn sư trọng đạo, tính ham học hỏi, không chùn bước trước những khó khăn; sự linh hoạt, thích nghi và dễ hòa nhập với những đổi thay… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đúc kết rằng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(2). Chính những giá trị văn hóa cốt lõi được kết tinh qua lớp lớp thế hệ ấy đã làm nên sức mạnh lớn lao để dân tộc ta vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách trong lịch sử hàng nghìn năm qua để đạt được những thắng lợi vẻ vang.
2- Trân trọng quá khứ, biết kế thừa có chọn lọc những giá trị văn hóa từ quá khứ là điều kiện quan trọng để các thế hệ sau bước tiếp. Tuy nhiên, quá khứ không phải là “quan tòa” để phán định hiện tại và quyết định tương lai. Do đó, con cháu không được ỷ lại vào quá khứ để dừng lại, bởi dừng lại tức là tụt hậu, là có lỗi với các thế hệ đi trước. Trong khi cả thế giới đang chuyển biến ngày càng mạnh mẽ đến khó lường; khoa học và công nghệ đang tạo nên những bước ngoặt mang tính cách mạng mà ít ai ngờ tới, thì trọng trách phát triển đất nước nhằm đuổi kịp và vượt lên hàng các nước tiên tiến đặt lên vai thế hệ trẻ là rất vẻ vang nhưng vô cùng nặng nề, khó khăn. Thế hệ trẻ có thể đảm nhận và hoàn thành được sứ mệnh đó hay không thì trước hết chính họ phải tự ý thức được việc cần thiết phải kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp nhận những giá trị tinh hoa của nhân loại, của thời đại. Thế hệ trẻ cũng cần ý thức và xác định họ có khả năng tạo ra những giá trị văn hóa mới nào, hay cần loại bỏ những giá trị gì không còn phù hợp và đang cản trở họ. Điều này phụ thuộc vào ý chí tỉnh táo, sự sáng tạo và đầu óc phê phán có căn cứ khoa học của mỗi người. Về điều này, vào thời mình, nhà triết học người Anh, J.S. Mill (1806 - 1873) đã từng nói: “Mọi sức mạnh phần nhiều cốt yếu là ở ý chí”(3); “Tính thụ động, không có ý chí, không có ham muốn là những cản trở đối với sự cải tiến”(4). Chỉ nhờ có sức mạnh của sự khai sáng, của trí tuệ và sự đam mê tìm ra chân lý thì mới có thể tạo ra các giá trị mới.
Hơn lúc nào hết, trong điều kiện hiện nay, cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội đều có trách nhiệm định hướng giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ trên cơ sở sự đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu và tôn trọng. Các thế hệ đi trước có thể gợi mở cho thế hệ trẻ những điều cần làm và những điều không nên làm để họ tự do lựa chọn; khơi dậy ở họ niềm đam mê tìm tòi, khám phá và tạo ra những giá trị văn hóa mới. Cần nhớ rằng: “Bản chất con người không phải là cái máy được chế tạo ra theo một khuôn mẫu và nhằm làm đúng một công việc định trước, mà nó giống như cái cây cần được lớn lên và phát triển ra mọi phía tùy theo khuynh hướng của sức mạnh bên trong nó, cái sức mạnh làm cho nó là một sinh vật”(5).
Nói cách khác, định hướng giá trị văn hóa cho giới trẻ trước hết là tìm cách giúp họ nhận biết được và tự ý thức được cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái hay, cái lợi cho mọi người chứ không phải chỉ cho bản thân mình và chỉ vì bản thân mình; từ đó đánh thức được sức mạnh và những khả năng đang tiềm ẩn trong con người họ, biến chúng thành động lực để hành động nhằm đạt được những giá trị mới. Trong bối cảnh tình hình thế giới và đất nước đang thay đổi với những điều kiện lịch sử - xã hội và thực tiễn nhất định, thì hệ thống các giá trị văn hóa cũng có những biến đổi. Nhận biết những biến đổi đó để xác định xem đâu là những giá trị cũ cần được bảo tồn, phát huy hay bổ sung, đâu là những giá trị cũ cần thay đổi hoặc phải loại bỏ. Chắc chắn đây không phải là công việc dễ dàng và càng không được xử lý một cách dễ dãi, tùy tiện.
Chẳng hạn, chúng ta thường nói đến đức tính tiết kiệm trong đời sống vốn được nhân dân ta nhiều đời tôn trọng. Liệu trong điều kiện hiện nay chúng có còn giữ nguyên vai trò như trước đây không? Thời nào cũng vậy, tiết kiệm vẫn là một giá trị. Tuy nhiên, giờ đây sự tiết kiệm quá mức lại không kích thích được tiêu dùng, không thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Chẳng hạn, giới trẻ hiện nay khi có điều kiện, họ sẵn sàng thay điện thoại khi có một mẫu điện thoại thông minh mới với nhiều tính năng vượt trội được quảng cáo và xuất hiện trên thị trường. Họ làm như vậy là không sai, trái lại đó lại là sự kích thích tiêu dùng, là động lực thúc đẩy họ lao động hăng say hơn để có tiền và qua đó kích thích sản xuất. Song, nếu điều kiện kinh tế không cho phép, làm việc kém hiệu quả, thu nhập thấp mà họ vẫn cứ theo trào lưu để cho "bằng bạn bằng bè" thì lại là điều khó chấp nhận. Nói cách khác, tiết kiệm với tính cách là một giá trị trong điều kiện kinh tế thị trường cần được hiểu đúng trong bối cảnh mới hiện nay.
Tương tự như vậy, sự kiên định trong việc chọn nghề là một giá trị văn hóa được các thế hệ trước đề cao. Một người chọn cho được nghề mà mình đam mê và cố gắng theo đuổi nó đến cùng là điều rất đáng trân trọng, là một bảo đảm cho sự thành công. Song, nếu chọn nghề theo tâm lý đám đông vì là ngành “hot” với hy vọng sẽ được hưởng mức lương cao mà bản thân không đủ khả năng thì chắc chắn sẽ thất bại, sẽ vỡ mộng. Trong sự cạnh tranh quyết liệt chỗ làm việc như hiện nay thì “giá trị hành nghề” là một giá trị mới kế thừa giá trị xưa đã được cha ông ta đúc kết là kiên trì để có được “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”.
Những giá trị văn hóa từ xưa đến nay được bàn luận nhiều và cũng có nhiều quan điểm khác nhau là các giá trị dân chủ và tự do. Ngay từ thời cổ đại, Plato (427 - 347 TCN) đã coi mục đích và đặc điểm nổi bật của thể chế dân chủ là tự do, coi tự do là ưu điểm của xã hội dân chủ, vì thế đó là xã hội duy nhất người có tinh thần tự do thích sống”(6). Sau ông, Aristotle (384 - 322 TCN) cũng cho rằng, nền tảng, cơ sở của một nhà nước dân chủ là tự do(7); tự do là một đặc tính chỉ có được trong một nhà nước dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng viết: “Tự do… là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người”(8). Xét trên tất cả các mặt, dân chủ và tự do là tiêu chuẩn để đánh giá sự tiến bộ của lịch sử nhân loại nói chung, đồng thời cũng là thước đo sự tiến bộ của một xã hội cụ thể và thước đo trình độ giải phóng con người. Từ xưa đến nay, dân chủ và tự do chính là những giá trị văn hóa phổ biến, mang tính toàn nhân loại. Tuy nhiên, hoàn toàn không có dân chủ và tự do "vô bờ bến". Dân chủ và tự do bao giờ cũng được quy định trong luật pháp, bị giới hạn bởi những điều kiện lịch sử - xã hội nhất định. Mặc dù vậy, trong thời đại chúng ta, dân chủ và tự do đang và nhất là trong tương lai, phải trở thành môi trường tốt nhất để cho mọi cá nhân có thể phát huy được khả năng sáng tạo để mang lại những giá trị văn hóa tốt đẹp cho cuộc sống và rộng hơn là để cho toàn thể nhân loại thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nền văn minh trong kỷ nguyên số.
Thời gian qua, một bộ phận lớp trẻ chưa nhận thức đầy đủ những giá trị này, coi tự do là không có giới hạn, vi phạm pháp luật, tự do phá phách, tự do tụ tập đua xe trên đường phố đông người, tự do xâm phạm thân thể người khác hoặc một số kẻ đã lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để xâm phạm đời sống riêng tư hay bôi nhọ danh dự người khác, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ và xuyên tạc đường lối của Đảng, phủ nhận những thành tựu trong thực tiễn đổi mới của đất nước... Mặc dù toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mang đến cơ hội cho thế hệ trẻ được tiếp xúc với nhiều thông tin cùng nhiều giá trị văn hóa đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, song cũng đặt ra nhiều thách thức khi xuất hiện không ít mặt trái với những hiện tượng phản văn hóa, phi giá trị đã, đang lan rộng nhanh chóng thông qua sự phát triển của internet và các phương tiện truyền thông mới. Vì vậy, giới trẻ cần được định hướng, giáo dục để trang bị “bộ lọc” khoa học và tỉnh táo, rèn luyện bản lĩnh để chống lại những phản văn hóa, phản giá trị từ bên ngoài.
Trước tiên, cần giáo dục, định hướng thế hệ trẻ thông qua truyền thống gia đình, bằng phương pháp nêu gương. Thông qua những tấm gương sáng trong gia đình, như ông bà, cha mẹ, anh em… để giáo dục niềm tự hào về gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước; xây dựng, bồi đắp nhân cách cho thế hệ trẻ, hướng họ tới lối sống lành mạnh, sống có tình nghĩa, có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội. Ngoài ra, để công tác giáo dục đạo đức, lối sống, định hướng giá trị cho thế hệ trẻ đạt hiệu quả cao hơn, bên cạnh vai trò của gia đình, cần có sự gắn kết với nhà trường và toàn xã hội. Trong đó, gia đình và xã hội là nơi vun đắp, nuôi dưỡng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự hình thành giá trị đạo đức tốt đẹp và xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại trong thế hệ trẻ; nhà trường giữ vai trò cung cấp kiến thức và giáo dục định hướng, uốn nắn những hành vi của thế hệ trẻ theo chuẩn mực của xã hội. Bên cạnh đó, cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể để tạo sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống, định hướng giá trị cho thế hệ trẻ. Cần đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền, giáo dục, trong đó tập trung nhấn mạnh vào các giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp, lối sống lành mạnh, theo chuẩn mực đạo đức xã hội và phù hợp với sự phát triển của đất nước; từ đó làm nền tảng để thế hệ trẻ hình thành những giá trị cốt lõi, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước./.
--------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. I, tr. 143
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 38
(3) J.S. Mill: Chính thể đại diện, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 59
(4) J.S. Mill: Chính thể đại diện, Sđd, tr. 122
(5) J.S. Mill: Bàn về tự do, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2005, tr. 137
(6) Plato: Cộng hòa, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2013, tr. 589
(7) Xem: Aristotle: Chính trị luận, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2013, tr. 328
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 378
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm