Tỉnh Bình Dương: Thành tựu và triển vọng sau chặng đường một phần tư thế kỷ
TCCS - Được tách ra từ tỉnh Sông Bé, thời đó Bình Dương là một tỉnh nghèo có xuất phát điểm thấp. Từ ngày thành lập đến nay, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo, có tính đột phá để lãnh đạo xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh phát triển năng động, là địa bàn quan trọng gắn kết các tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương quyết tâm tiếp tục phát triển nhanh, khẳng định những đổi thay vượt bậc để trở thành một nơi đáng sống, đáng làm việc và đáng đầu tư.
Tự hào chặng đường một phần tư thế kỷ
Ngày 1-1-1997, tỉnh Bình Dương chính thức được thành lập với 4 đơn vị hành chính cấp huyện, 77 xã, phường, thị trấn. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 2.717 km2, dân số 679 nghìn người. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng quyết định thành lập Đảng bộ Bình Dương với 9 đảng bộ trực thuộc, 303 chi bộ, đảng bộ cơ sở với hơn 9.000 đảng viên. Những ngày đầu tái lập, tỉnh Bình Dương có xuất phát điểm thấp so với các tỉnh, thành phố trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiến bộ về văn hóa - xã hội chưa theo kịp đà phát triển kinh tế... Kế thừa những chủ trương, chính sách của tỉnh Sông Bé trước đây, đồng thời có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo để từng bước ổn định bộ máy tổ chức điều hành, lãnh đạo cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức và luôn hướng về cái mới, tương lai với quyết tâm xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh công nghiệp phát triển năng động. Sau 25 năm, nhiều lần được điều chỉnh về địa giới, tỉnh Bình Dương hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 3 thành phố, 2 thị xã, 4 huyện với 91 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, thành phố Thủ Dầu Một là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh, được công nhận đô thị loại I vào năm 2017. Dân số toàn tỉnh hiện nay khoảng trên 2,6 triệu người. Đảng bộ tỉnh Bình Dương có 14 đảng bộ trực thuộc, 597 tổ chức cơ sở đảng với hơn 48.500 đảng viên. Bình Dương được Trung ương đánh giá là địa phương thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu trong sự nghiệp đổi mới với kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm khá cao, sức cạnh tranh và quy mô được nâng lên đáng kể, tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.
Về phát triển kinh tế, việc phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp tập trung, nhất là xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị đã thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt 24,6%/năm; kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP. Hiện nay, cơ cấu kinh tế tính theo GRDP công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 67,91% - 21,31% - 3,11% - 7,67%; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 150,98 triệu đồng, tăng hơn 26 lần so với năm 1997 (5,8 triệu đồng). Sự tăng trưởng nhanh của hầu hết các ngành kinh tế đã tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 1997 - 2020 tăng 26,1%/năm đã góp phần đưa Bình Dương sớm trở thành một trong những địa phương có mức thu ngân sách nằm trong Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng, có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương đứng thứ 3 của cả nước. Năm 2021, tổng thu ngân sách của tỉnh ước đạt 61.200 tỷ đồng, gấp 74 lần so với năm 1997 (817 tỷ đồng). Nhiều năm liền Bình Dương là 1 trong 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ xuất siêu lớn với bình quân khoảng 6 tỷ USD/năm. Nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng tăng cường liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Đến năm 2019, toàn tỉnh đạt 100% xã chuẩn nông thôn mới.
Để huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, tỉnh triển khai chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” và “Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài”, đặc biệt chú trọng đổi mới mô hình trong thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, tập trung thực hiện quyết liệt chủ trương đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trong đó, hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư trước một bước để mở đường cho kinh tế phát triển.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo giải quyết ngày càng tốt hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách. An sinh, phúc lợi xã hội ngày càng mở rộng và nâng cao, bảo đảm mọi người dân đều được chăm lo, thụ hưởng đầy đủ, công bằng từ các thành quả phát triển kinh tế. Tỉnh huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục, y tế và giải quyết tốt các vấn đề đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động. Công tác giảm nghèo đạt thành tựu quan trọng, trong năm 2017, Bình Dương được công nhận không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn riêng của tỉnh chỉ còn tỷ lệ dưới 1%. Tiềm lực khoa học và công nghệ được đầu tư và ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Bình Dương luôn xem trọng công tác đối ngoại để tận dụng tối đa ngoại lực, các mối quan hệ hợp tác khu vực, quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu. Tỉnh đã ký kết hợp tác hữu nghị với 10 địa phương nước ngoài, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, tạo động lực tăng trưởng thông qua hợp tác triển khai Đề án xây dựng Thành phố Thông minh Bình Dương. Tỉnh đã chính thức gia nhập Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF); 3 năm liền được vinh danh là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới...
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh rất chú trọng giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống cách mạng; gắn việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng và khát vọng xây dựng quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Có thể tự hào và khẳng định rằng, 25 năm qua, thành quả lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương là vượt qua nghèo khó, xây dựng quê hương theo hướng văn minh, thông minh, hiện đại, có nền kinh tế phát triển năng động, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng, an ninh được giữ vững ổn định, hệ thống chính trị được xây dựng ngày càng trong sạch, vững mạnh, thân thiện, vì nhân dân phục vụ.
Những khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những thành tựu được xem là cơ bản, sau 25 năm phát triển, tỉnh Bình Dương vẫn còn những yếu kém, hạn chế nhất định, cũng như đã và đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là:
- Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bền vững. Các loại hình dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn chưa tương xứng với tiềm năng hiện tại; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển; sự liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước chưa được như kỳ vọng.
- Một số lĩnh vực văn hóa - xã hội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh do còn chịu áp lực lớn từ việc gia tăng dân số cơ học. Nhiều công trình trọng điểm về văn hóa, xã hội triển khai còn chậm.
- Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trong một số ngành, lĩnh vực có lúc chưa chặt chẽ. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở một vài nơi chưa thật hiệu quả.
- Công tác điều hành của chính quyền, công tác cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn chậm so với tốc độ phát triển. Đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được chuẩn hóa, nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao, có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của nền hành chính hiện đại.
- Quá trình triển khai, quán triệt nghị quyết của Đảng từng bước đổi mới nhưng chưa thật rõ nét. Công tác tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội, dự báo diễn biến tư tưởng có lúc, có nơi, chưa kịp thời. Tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức đảng và đảng viên chưa cao. Còn nhiều khó khăn trong xây dựng, phát triển tổ chức đảng và đảng viên tại các doanh nghiệp.
- Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã có đổi mới nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế.
Những khó khăn, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan, khó tránh khỏi trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, xét toàn diện và tổng thể trong 25 năm xây dựng và phát triển thì những thành tựu vẫn là chủ yếu, những khó khăn, hạn chế sẽ từng bước được khắc phục để tiếp tục đưa tỉnh Bình Dương tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn
Thứ nhất, kết hợp giữa tinh thần đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương với việc không ngừng tìm tòi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vượt mọi khó khăn để thực hiện khát vọng vươn lên. Đồng thời, kế thừa và phát huy một cách tốt nhất những thành quả, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đây chính là nền tảng cơ bản, động lực chủ yếu để phát triển nhanh theo hướng bền vững.
Thứ hai, luôn trân trọng, phát huy tối đa những lợi thế so sánh của địa phương; đi đôi với tranh thủ, huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển.
Thứ ba, xác định chính xác các đột phá chiến lược trong từng thời kỳ; trong đó, xem phát triển hạ tầng là trọng tâm, là bước đột phá để phát triển, đặc biệt là hạ tầng về giao thông. Chú trọng xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở một cách bài bản, khoa học, hiện đại và điều hành tuân thủ theo đúng quy hoạch đề ra.
Thứ tư, bảo đảm phát triển kinh tế, gắn với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển; trong đó, chú trọng phát triển bền vững, xây dựng thành phố và làng thông minh, xanh, thịnh vượng. Phát triển luôn hướng đến mục tiêu vì con người, chú trọng lợi ích của nhân dân bằng cách giải quyết từng bước vững chắc, có hiệu quả các vấn đề xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân để mỗi người dân ở tỉnh Bình Dương đều được hưởng thụ một cách tốt nhất, đầy đủ nhất từ những thành quả của sự phát triển.
Thứ năm, chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, sự tin tưởng và đồng thuận của nhân dân và toàn xã hội. Đặc biệt, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có tri thức, trung thành, tận tụy phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển. Phát huy tối đa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; luôn giữ quan điểm “lấy dân làm gốc”, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ sáu, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện để giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, đáp ứng mục tiêu phát triển.
Phấn đấu sớm trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh của vùng và cả nước
Tự hào với những thành tựu đạt được, quyết tâm khắc phục những hạn chế cùng với phát huy những bài học kinh nghiệm quý, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã đề ra mục tiêu phát triển trong thời gian tới là: “Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”. Để đạt được mục tiêu trên, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, thống nhất trong nhận thức và hành động, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm nhanh chóng tổ chức quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Hai là, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, theo hướng tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao tương xứng với phát triển công nghiệp và đô thị; tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; tập trung chỉ đạo đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Ba là, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo nên những động lực mới, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư, xuất, nhập khẩu và xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.
Bốn là, sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước, đồng thời huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để mở rộng kết nối vùng, khu vực, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nghiên cứu và chủ động đề xuất với Trung ương triển khai đầu tư tuyến đường sắt phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách; huy động các nguồn lực từng bước phát triển hệ thống giao thông đường thủy, gắn với hạ tầng logistic...
Năm là, quan tâm và chú trọng đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư, ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là về giáo dục, y tế, việc làm, nhà ở, các thiết chế văn hóa phục vụ cho người dân và công nhân lao động. Song song đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị.
Sáu là, thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự. Tăng cường công tác dự báo, nắm chắc tình hình, chủ động ngăn chặn từ xa, từ sớm và xử lý kịp thời những yếu tố có nguy cơ gây mất ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn.
Bảy là, nâng cao chất lượng công tác dân vận, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chính quyền, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phấn đấu sớm đưa Bình Dương trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại và đô thị thông minh của cả nước  (20/03/2022)
Khơi thông, huy động nguồn lực xã hội cho tái thiết, phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID-19  (08/03/2022)
Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022  (04/03/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay