Văn hóa chính trị trong Đảng và một số vấn đề đặt ra hiện nay
TCCS - Văn hóa chính trị thời nào cũng có và luôn vận động, thay đổi. Dù có thăng trầm, thoái bộ hay tiến bộ, thì dòng chảy văn minh chính trị vẫn luôn tồn tại, thậm chí trong nhiều thời kỳ còn đóng vai trò là “dòng chảy” chủ đạo, mang tính định hướng, dẫn dắt các “dòng chảy” khác. Từ khi ra đời, sự vận động chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy rất rõ tính tiếp biến của văn hóa chính trị, tuy có thăng, có trầm, nhưng căn bản là ngày càng hoàn thiện, ngày càng tạo dựng được vị thế chính trị - xã hội trong lòng nhân dân.
Văn hóa chính trị trong Đảng hiện nay
Văn hóa có rất nhiều khái niệm, định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, có những điểm tương đồng, nhất quán cơ bản là: văn hóa là cái đẹp, là giá trị được tích lũy từ hoạt động lao động của con người, hướng tới sự hoàn thiện.
Văn hóa trong Đảng cũng bao hàm các giá trị hướng đến cái đẹp, hướng đến sự hoàn thiện, nhất là trong hoạt động của từng đảng viên và tổ chức đảng. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ khi ra đời và trong suốt 90 năm qua, những nét văn hóa chính trị đặc trưng được thể hiện ở chỗ vừa có sự kế thừa, sàng lọc, mang tính tiếp biến của văn hóa chính trị các thời kỳ, vừa có sự kết tinh của những giá trị văn hóa, khoa học chính trị tiên tiến của thời đại. Bài viết đề cập đến một số góc nhìn về văn hóa chính trị cụ thể:
Một là tính thẩm mỹ, nghĩa là phù hợp với phạm trù “cái đẹp”, thỏa mãn nhu cầu giải trí, tinh thần. Nếu xét sinh hoạt đảng dưới giác độ văn hóa chứa đựng yếu tố thẩm mỹ thì đó là thẩm mỹ chính trị. Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo là một trong những biểu hiện sinh động về văn hóa chính trị dưới giác độ thẩm mỹ. Nó đẹp vì tính đại chúng (dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo) của ngôn từ, vì tính nhân bản (hướng tới đời sống tốt đẹp của người lao động) của nội dung, và là sản phẩm trí tuệ của một nhân cách lớn, được ngưỡng mộ (chứng minh bằng sự tôn vinh của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc - UNESCO).
Hai là tính tích tụ giá trị theo dòng thời gian. Những giá trị văn hóa được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Theo thời gian, cái đẹp sẽ tự lọc bỏ những yếu tố “phản văn hóa”. Các công trình hàng ngàn năm khi được tu sửa cần theo nguyên tắc bảo tồn tối đa mới có giá trị. Thời gian là thước đo, là thử thách của những giá trị lao động và giao tiếp của con người. Khách du lịch đến quốc gia nào cũng đều rất chú ý thăm quan các di tích lịch sử, văn hóa bởi ở đó tích tụ văn hóa đặc trưng nhất cho thấy đặc điểm văn hóa, con người trong từng giai đoạn, của từng dân tộc. Nhìn chung, văn hóa chính trị của Đảng được thể hiện đậm nét thông qua các giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể, trong các di tích lịch sử - văn hóa, các bảo tàng lịch sử... trên cả nước.
Ba là tính tiếp biến văn hóa. Tiếp biến là sự ổn định nhưng có phát triển, sàng lọc và có bổ trợ, tiếp nhận và có truyền bá giá trị văn hóa nhân loại. Tiếp biến cũng là phạm trù động, nghĩa là luôn có sự vận dụng và cải cách. Đây cũng chính là sự vận động trong đời sống chính trị của Đảng ta. Tính tiếp biến hướng tới sự hoàn thiện của con người - chủ thể các giá trị văn hóa, thể hiện ngay trong cộng đồng, địa phương, nội bộ các sắc tộc và có tính quốc tế. Hiện tượng lan tỏa quốc tế về văn hóa có từ lâu, trong đó có văn hóa chính trị, văn hóa đảng phái.
Bốn là tiếp cận văn hóa đảng từ giác độ khoa học chính trị. Nghiên cứu văn hóa chính trị phải thể hiện qua thuộc tính của các khái niệm căn bản của đời sống chính trị. Văn hóa trong Đảng biểu hiện thông qua hoạt động của Đảng, của các tổ chức, của đảng viên, phải lấy tiêu chí dân chủ, tiến bộ xã hội, sự hài lòng, ủng hộ của người dân để đánh giá. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không ngoại lệ và cần soi chiếu qua các phạm trù “vì dân”, “vì nước”, “trung thành với dân tộc”, “vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc”...
Trong thực tiễn xã hội, nhóm lợi ích tồn tại theo các cộng đồng, các lực lượng khác nhau, có nhóm theo tiêu chí giới (đàn ông và đàn bà), theo thế hệ (lớp già và lớp trẻ), theo nghề nghiệp, tầng lớp (như nông dân, công nhân, trí thức...) và theo ý thức hệ, nhất là ý thức giai cấp. Nhóm lợi ích muốn bảo vệ lợi ích của nhóm, thì trước hết ngoài sự phải vượt trội về kinh tế, còn phải sử dụng lợi thế chính trị bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có giải pháp trực tiếp tham gia vào bộ máy quyền lực (công quyền, nhà nước). Khi đó pháp luật sẽ hình thành theo hướng có sự chi phối của nhóm lợi ích do các đảng có người đại diện. Vì vậy, mục đích trực tiếp trong xã hội của các đảng chính trị là giành và sử dụng quyền lực nhà nước của nhóm lợi ích giai cấp. Các đảng chính trị đều giống nhau ở bản chất là đại diện cho lợi ích gia cấp nhất định; nhưng khác nhau ở chỗ nhóm lợi ích giai cấp có đồng hành phụng sự dân tộc, đất nước hay không, đồng hành nhiều hay ít, đồng hành bằng chủ trương, chiến lược, giải pháp nào mà thôi. Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài, ngày 21-1-1946: “... Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam...”(1) là lối nói ẩn dụ chính trị rất hay về văn chương, rất sâu sắc về đạo đức chính trị, phản ánh động cơ, phương hướng, lương tâm chính trị của một đảng viên mà ngày nay Điều lệ Đảng khẳng định: Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ, người sáng lập Đảng nên đó cũng là mong muốn của Người về Đảng, mong muốn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà không thừa nhận tính lợi ích của một đảng. Lợi ích của một đảng chính trị càng đi cùng với lợi ích của dân tộc bao nhiêu thì tính văn hóa của đảng đó càng cao bấy nhiêu.
Nghiên cứu về đảng chính trị ở Việt Nam, trước hết thuộc về khoa học chính trị và luôn cần có những khái niệm căn bản. Nghiên cứu “văn hóa trong đảng” là nghiên cứu các khái niệm, cần, kiệm, liêm, chính (của đảng viên)..., nghiên cứu mặt tích cực, tiến bộ, cái giá trị, như tính tiên phong của Đảng, tính gương mẫu (của đảng viên), sự trung thành (của đảng viên với Đảng và của Đảng với lý tưởng, đường lối đã vạch ra).... Những khái niệm phản ánh sự đối lập, như “lười nhác” trái với “cần”; “lãng phí” trái với “kiệm”, “luồn cúi” trái với “chính”... chính là việc đi ngược văn hóa trong đảng. Bức tranh tổng quát về sự phát triển của Đảng ta và những đặc sắc văn hóa trong đảng có thể khái quát như sau: Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đã theo đuổi mục tiêu lấy lợi ích của đại đa số những người lao động, lợi ích dân tộc, lấy mục tiêu độc lập, hùng cường, thịnh vượng của dân tộc... làm tiêu chí xây dựng và trưởng thành. Đảng ta đã trải qua không ít gian khó, trải qua các hình thái khác nhau về đấu tranh và xây dựng, khác biệt và thống nhất cao, cam go và thử thách... để có được những giá trị văn hóa tốt đẹp (trong Đảng và các đảng viên) như ngày hôm nay, được thể hiện trên nhiều mặt.
Thứ nhất, là tính “nhất quán chính trị”, đó là nhất quán từ xây dựng thể chế, xây dựng tổ chức, xây dựng đội ngũ... và bao trùm lên tất cả là yếu tố văn hóa bởi sự nhất quán này phản ánh và đáp ứng xu thế tiến bộ của con người và của thời đại.
Thứ hai, là tính “nhạy bén chính trị”. Tính nhạy bén thể hiện ngay từ những ngày đầu thành lập và giữ vai trò lãnh đạo của Đảng, đó là sự sáng suốt trong dẫn dắt đất nước đi qua từng giai đoạn, từ chiến tranh đến thống nhất đất nước, là những quyết sách đổi mới kinh tế - xã hội trong hòa bình, những ứng biến trong quan hệ quốc tế...
Thứ ba, là tính đồng hành cùng dân tộc qua sự lắng nghe, tiếp thu phản biện, năng lực giải trình của Đảng mà biểu hiện cụ thể là phẩm chất “tự chỉ trích” nghĩa là dũng cảm thừa nhận những sai lầm, thậm chí sai lầm về chủ trương. Đây đang là một trong những yếu tố văn hóa rất được chú trọng trong Đảng hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng - đây thực sự là một cảnh báo chính trị văn minh. Hiện nay, việc thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết bằng những khái niệm cốt lõi: “thoái hóa”, “biến chất”, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ... đã cho thấy sự chuyển biến quan trọng về nhận thức.
Một đảng chính trị đạo đức, văn minh phải là một đảng mạnh về tổ chức, có cơ sở triết lý theo đuổi, có khả năng dẫn dắt một dân tộc - quốc gia phát triển bền vững, có tín nhiệm, tạo được sự hài lòng và đồng thuận với nhân dân và củng cố vị thế dân tộc trên trường quốc tế. Từ quan điểm chứa đựng yếu tố văn hóa nói về Đảng Cộng sản Việt Nam “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” thì thấy các thuộc tính trong quan niệm về đảng văn minh cũng chính là những tiêu chí hoàn thiện của Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối xây dựng Đảng và lãnh đạo đất nước chính là thực hiện sứ mệnh chính trị (sứ mệnh cầm quyền) và sự tự hoàn thiện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhận thức những vấn đề đặt ra hiện nay cần phải giải quyết thì có nhiều nhưng có thể nêu một số nhóm vấn đề có tính căn bản, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Đảng ta.
Xem xét yếu tố văn hóa chính trị trong Đảng từ góc độ lãnh đạo, cầm quyền cho thấy:
Vấn đề thứ nhất, văn hóa chính trị của Đảng thể hiện ở sự lãnh đạo của Đảng thông qua Nhà nước, ở việc huy động được sức mạnh toàn dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong lý luận về hình thái kinh tế - xã hội, V.I. Lê-nin đã chỉ ra, xã hội mới thay thế được xã hội cũ bằng chính năng suất lao động nó đạt được. Có nghĩa là với vị thế một đảng cầm quyền, lực lượng chính trị dẫn dắt xã hội, sứ mệnh lãnh đạo của Đảng là phải xây dựng một nền kinh tế có năng suất lao động ngày càng cao để bảo đảm tính hơn hẳn của chế độ, đó chính là vấn đề văn hóa chính trị căn bản của Đảng giữ trọng trách cầm quyền.
Vấn đề thứ hai là trong mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Hiện nay đã và đang có lúc, có nơi, có nhà nước đặt vấn đề lợi ích dân tộc một cách quá mức đã tạo ra sự xung đột lợi ích. Họ đã bỏ qua các nguyên tắc, các quy định của luật pháp quốc tế bằng nhiều cách thức. Có thể nói, chủ quyền quốc gia là lợi ích tiền đề trong các lợi ích của một dân tộc. Đảng ta luôn quán triệt và thực hiện nguyên tắc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ theo công pháp quốc tế, và đây là cách hành xử văn minh.
Vấn đề thứ ba, đào tạo nhân tài và tạo môi trường cho nhân tài thể hiện. Nhân tài là ai, làm thế nào để xác định người tài, đó là việc của khoa học và quản lý đất nước mà bất kỳ đảng lãnh đạo nào, nhất là các đảng cầm quyền phải xác định được. Quan điểm về vị trí của nhân tài trong xã hội cũng phải được khẳng định bởi nhân tài quyết định sự phát triển của xã hội về mặt cơ hội, thúc đẩy và dẫn dắt. V. I. Lê-nin khẳng định, không có lãnh tụ, thì không có phong trào. Lãnh tụ là người tích tụ các yếu tố tài năng, uy tín gương mẫu (không bó hẹp khái niệm lãnh tụ trong hoạt động chính trị mà trong mọi lĩnh vực). Hiện trạng đất nước cho thấy, không chỉ chúng ta thiếu nhân tài, mà còn vì chưa có cơ chế sử dụng người tài một cách hiệu quả. Không thể chỉ lấy bằng cấp, học vị, hay bình xét để xác định nhân tài, mà giá trị kinh tế - xã hội của sản phẩm họ làm ra, sự đóng góp của họ vào sự phát triển của đất nước mới là tiêu chí để đánh giá nhân tài. Muốn có nhân tài phải xây dựng một môi trường văn hóa, nhân văn trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và đó chính là môi trường văn hóa chính trị quan trọng, là nền tảng bền vững, xây dựng niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng.
Xem xét yếu tố văn hóa trong Đảng từ góc độ biểu hiện, hành vi của đảng viên và các tổ chức của Đảng thời gian qua cho thấy có một số vấn đề nổi cộm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên:
Vấn đề thứ nhất là hiện tượng “thờ ơ chính trị”, đó là thái độ, tâm lý bỏ mặc việc xây dựng đảng cho Đảng, cho cấp trên, cho người khác, chỉ lo để bản thân.
Vấn đề thứ hai là vi phạm các tiêu chí “cần, kiệm, liêm, chính”. Từng cá nhân đảng viên phải thể hiện tính công minh, chính trực, sự minh bạch trong từng hoạt động chính trị, trong lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. “Cần, kiệm, liêm, chính” không phải chỉ là những biểu hiện bên ngoài, mà còn bắt đầu từ tự nhận thức bản thân từ bên trong. Một đảng viên có nhận thức đúng đắn không thể chây lười, vi phạm chữ “cần”, không thể lãng phí để phạm vào chữ “kiệm”, họ phải có trách nhiệm, tự kiềm chế để rèn bản thân theo chữ “liêm”. Tham nhũng là gốc của mọi “khuyết tật” chính trị khác trong đạo đức chính trị của đảng viên. Mà đạo đức luôn đồng hành, tỷ lệ thuận với văn hóa. Người kém đạo đức không thể là người có văn hóa. Trong rèn luyện bản thân đối với đảng viên, chữ nào cũng quan trọng trong các tiêu chí cần, kiệm, liêm, chính nhưng chữ “chính” lại có tác động tới mọi “ngõ ngách” phẩm chất của con người nói chung và của đảng viên nói riêng.
Một số giải pháp cơ bản thời gian tới
Thứ nhất, để lãnh đạo đất nước, huy động được sức mạnh toàn dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời bảo vệ chủ quyền quốc gia, cần xác định hiện trạng xã hội, kinh tế, văn hóa tương ứng với trình độ phát triển, từ đó vạch ra lộ trình, bước đi với từng thang bậc phát triển phù hợp. Trong thời điểm hiện nay, cần tập trung đẩy nhanh xã hội hóa, nhất là xã hội hóa dịch vụ công bởi thực tế cho thấy, trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất, kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nghiên cứu khoa học..., thì những nơi được trao quyền tự chủ đều có hiệu quả hoạt động cao khi họ tự chọn cho mình bộ máy quản trị, tự tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo quy định pháp luật; xây dựng chính phủ kiến tạo làm minh bạch trách nhiệm công quyền, nhất là trong xây dựng hành lang chính sách; thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển và bảo đảm phúc lợi xã hội. Đồng thời, có sự đầu tư thích đáng, có chính sách đối ngoại phù hợp, gìn giữ hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Thứ hai, cần kết hợp đồng bộ giữa định chế chính trị, quy chế pháp lý, cơ chế thực hiện đối với người đứng đầu của tổ chức. Xây dựng cơ sở chính trị, cơ chế pháp lý và phát huy dân chủ chắc chắn sẽ tạo ra người đứng đầu thực sự là đầu tàu của mọi phong trào. Ở nước ta, định chế chính trị chính là các nghị quyết, quy định của Đảng liên quan đến người đứng đầu. Pháp luật đã có nhiều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn người đứng đầu nhưng trách nhiệm hành chính vốn là bản chất của điều hành tổ chức công thì vẫn chưa phát huy được. Dường như vẫn có sự quan ngại khi áp dụng các chế tài mạnh về hành chính, cụ thể là rất ít quy định về mức độ, hành vi khiến người đứng đầu phải mất chức, giáng chức, giảm bậc thu nhập. Luật pháp Việt Nam quy định công vụ không bó hẹp trong cơ quan hành pháp (như đa số các nước), công vụ thể hiện ở nơi nào có sử dụng công chức và viên chức. Nghĩa là chế tài hành chính đối với công chức đứng đầu áp dụng không chỉ trong cơ quan hành chính, mà còn trong các cơ quan đảng, bộ máy nhà nước và một số đoàn thể nhân dân. Do vậy, xây dựng môi trường xã hội trong sạch trên cơ sở một nền quản trị xã hội hiệu quả, có sự thống nhất, phối hợp giữa chủ trương chính trị, quy định pháp lý, giải pháp thực hiện và lựa chọn con người là giải pháp quan trọng.
Thứ ba, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, đề cao yếu tố văn hóa đạo đức trong các cấp, các ngành, các lĩnh vực, xây dựng môi trường làm việc, môi trường kinh doanh,... lành mạnh; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vừa có tài, vừa có đức; tăng cường kiểm tra, giám sát trong Đảng, bảo đảm từng đảng viên, từng tổ chức đảng luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sáng tạo; luôn trung thành, gắn bó với nhân dân; coi trọng đoàn kết thống nhất trong Đảng, luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính”, thực hiện tốt Quy định về những điều đảng viên không được làm.../.
---------------------------------
(1) Xem “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền ở Việt Nam”, http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-dang-cam-quyen-o-viet-nam-2421, ngày 7-10-2015