Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo

PGS, TS. HUỲNH THÀNH ĐẠT
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
17:35, ngày 05-12-2021

TCCS - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo ở các địa phương, đồng thời yêu cầu xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình hành động thúc đẩy hoạt động này. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhân tố then chốt, là động lực chính thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng của các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các vùng kinh tế động lực (vùng kinh tế trọng điểm) và đô thị lớn.

Tiềm năng, cơ hội phát triển và các thách thức

Các vùng kinh tế trọng điểm là các cực tăng trưởng quan trọng, nhất là hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Nam, nơi tập trung các yếu tố tiềm lực rất mạnh của nền khoa học - công nghệ nước nhà với số lượng các tổ chức khoa học - công nghệ lớn nhất cả nước, trong đó có hai viện hàn lâm, hai đại học quốc gia và nhiều viện nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng thuộc các bộ, ngành, nhiều trường đại học có hoạt động nghiên cứu mạnh, ngành nghề đào tạo đa dạng, có khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương trong vùng và cả nước. Đây cũng là nơi tập trung đông nhất các chuyên gia đầu ngành và các tập thể khoa học mạnh trong các lĩnh vực nghiên cứu tiên phong.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thăm Nhà máy Hanwha Aero Engines tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, thành phố Hà Nội _Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Các vùng kinh tế trọng điểm đều có thị trường công nghệ năng động và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo giàu tiềm năng, nhất là địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, có sức hút đầu tư rất lớn về phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ với các khu công nghệ tập trung, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao đóng vai trò hạt nhân lan tỏa và thúc đẩy sự phát triển của vùng dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Với các cơ hội rất lớn, song các kết quả và tác động của khoa học - công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng kinh tế trọng điểm nước ta và các đô thị lớn trong vùng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Khoa học - công nghệ chưa thực sự phát huy được vai trò động lực trong khai thác các thế mạnh của vùng và địa phương. Năng lực hấp thụ, làm chủ, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ trong thực tiễn sản xuất và đời sống còn hạn chế. Mức độ đổi mới, chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp nội địa thấp. Bên cạnh một số ít sản phẩm địa phương đặc thù đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhiều sản phẩm chưa được quan tâm xây dựng thương hiệu nên giá trị thương mại chưa cao.

Chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng người lao động, năng suất lao động ở nhiều vùng của nước ta còn thấp. Ngoại trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh cận kề hai đô thị lớn này, hầu hết các tỉnh, thành phố đều đối mặt với sự thiếu hụt cán bộ trình độ cao chủ trì các công trình nghiên cứu tầm quốc gia để giải quyết các vấn đề lớn của địa phương. Nhân lực khoa học - công nghệ làm việc trong doanh nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, trình độ chuyên môn chưa cao, còn thiếu công nhân kỹ thuật tay nghề cao, làm hạn chế năng lực tiếp thu, làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn.  

Đầu tư cho khoa học - công nghệ của các tỉnh, thành phố chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng phát triển. Kinh phí đầu tư cho khoa học - công nghệ chủ yếu từ nguồn ngân sách tỉnh, thành phố, chưa huy động được đáng kể nguồn vốn từ doanh nghiệp (trừ một số ít tỉnh, thành lớn). Quỹ phát triển khoa học - công nghệ của các tỉnh, thành phố chưa thực sự phát huy được hiệu quả; nhiều địa phương (28/63 địa phương) còn chưa thành lập quỹ này. Việc phân bổ kinh phí chủ yếu cho hoạt động nghiên cứu chưa chú trọng đến hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp; kinh phí hỗ trợ thấp, chưa đủ để kích thích doanh nghiệp và tạo đột phá trong tăng trưởng.

Sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn yếu. Các tổ chức khoa học - công nghệ của nhiều tỉnh, thành phố còn thiếu và yếu nhưng chưa có cơ chế hợp tác, liên kết chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học mạnh trong nước để nâng cao trình độ, năng lực hoạt động. Các doanh nghiệp địa phương chưa tận dụng được cơ hội tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường tập trung vào các ngành có nhiều ưu đãi đầu tư, thu hút nhân công giá rẻ, gia công, lắp ráp thiết bị, chưa quan tâm nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ hay hỗ trợ các các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các chuyên gia nghiên cứu công nghệ tại phòng sạch Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh _Ảnh: TTXVN

Phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các mục tiêu phát triển địa phương, vùng kinh tế trọng điểm

Để đạt được các mục tiêu phát triển đến năm 2030, các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm cần phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn, coi đó là khâu đột phá chiến lược. Phát huy vai trò đầu tàu và ảnh hưởng lan tỏa của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh như các trung tâm khoa học - công nghệ hàng đầu. Trong thời gian tới, cần nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các mục tiêu phát triển địa phương, vùng kinh tế trọng điểm và thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo vùng với các liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa khu vực hàn lâm và khu vực công nghiệp (các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong vùng). Phát huy vai trò hạt nhân lan tỏa của các khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, vai trò đầu tàu của hai viện hàn lâm, hai đại học quốc gia và các trường đại học bách khoa trong cung cấp tri thức, giải pháp công nghệ, chuyên gia và đào tạo nhân lực trình độ cao cho địa phương.

Thứ hai, lấy doanh nghiệp và các khu, cụm kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trong vùng làm trung tâm của hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ. Tăng cường năng lực hấp thụ, khai thác, ứng dụng công nghệ và các tiến bộ khoa học - công nghệ trong giải quyết các vấn đề của vùng và từng địa phương. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong vùng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nội địa, hợp tác với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ, tiến tới thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển trên địa bàn.

Thứ ba, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của địa phương và vùng kinh tế trọng điểm để nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao. Dành nguồn ngân sách cần thiết kết hợp với các nguồn lực tư nhân và nước ngoài (quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần) để hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp; quan tâm đầu tư hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, các vườn ươm, không gian làm việc chung, đội ngũ cố vấn, huấn luyện khởi nghiệp; phát triển thị trường cho khởi nghiệp, khuyến khích mua sắm công và sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ tư, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương của vùng kinh tế trọng điểm trong chuỗi giá trị, khai thác tiềm năng và phát triển các sản phẩm đặc thù có thế mạnh của vùng. Lấy các đô thị lớn tạo thành hành lang công nghệ hoặc trung tâm công nghệ của vùng và cả nước; lan tỏa, hỗ trợ cho sự phát triển của các địa phương, địa bàn khó khăn.

Thứ năm, thiết lập nền tảng số hoặc hành lang kỹ thuật số (e-Platform) giúp kết nối, tương tác giữa viện, trường, doanh nghiệp trong hệ thống đổi mới sáng tạo địa phương và vùng; cung cấp cơ sở dữ liệu công nghệ, chuyên gia, thông tin khoa học - công nghệ phục vụ doanh nghiệp và người dân. Tăng cường vai trò của các sàn giao dịch công nghệ, kết nối với các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ của địa phương.

Đổi mới đào tạo trong các trường dạy nghề ở địa phương theo hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao _Ảnh: TTXVN

Thứ sáu, chú trọng phát triển, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và chất lượng nguồn nhân lực địa phương, bao gồm cả đội ngũ cán bộ khoa học và quản lý khoa học - công nghệ, cán bộ kỹ thuật và quản trị công nghệ ở các doanh nghiệp và kỹ năng người lao động. Tăng cường phát triển các môn học về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn. Đổi mới đào tạo trong các trường dạy nghề ở địa phương theo hướng phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ mới.

Thứ bảy, quan tâm bố trí nguồn lực tài chính, tăng cường ngân sách địa phương cho khoa học - công nghệ; bảo đảm chi đúng mục đích cho việc phát triển hạ tầng, tiềm lực và các nhiệm vụ khoa học - công nghệ trọng điểm. Các địa phương chưa thành lập cần sớm thành lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ; phát huy vai trò của các quỹ này trong hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ ở địa phương, đặc biệt là trong đối ứng kinh phí với doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp địa phương đầu tư đổi mới công nghệ. Có chính sách thiết thực để khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn trích lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp và sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới, phát triển công nghệ cũng như hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ tám, lãnh đạo các cấp, ban, ngành của tỉnh, thành phố trong vùng cần đổi mới tư duy và nhận thức về sự cần thiết dựa vào nhân tố khoa học - công nghệ và nguồn vốn con người để đạt được các mục tiêu phát triển. Chấp nhận rủi ro và chia sẻ rủi ro với khu vực tư nhân và doanh nghiệp; cho phép thử nghiệm chính sách mới (Sandbox) nhằm thúc đẩy ứng dụng các sáng kiến, mô hình đổi mới sáng tạo và công nghệ mới; khuyến khích văn hóa đổi mới sáng tạo ở các địa phương. Không ngừng cập nhật tri thức và kỹ năng để đủ năng lực ứng phó với các thay đổi không ngừng và nhanh chóng của các công nghệ mới thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như thích ứng linh hoạt, an toàn và phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch COVID-19./.