Thành phố Ninh Bình là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Ninh Bình. Thành phố trẻ mang dáng dấp một đô thị hiện đại với hệ thống giao thông thuận tiện; hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng phong phú và nhiều công trình hiện đại khác đang tạo ra diện mạo mới cho thành phố.

Thành phố Ninh Bình cũng là địa danh hội tụ nhiều di tích lịch sử, văn hoá, cảnh quan thiên nhiên như: sông Vân Sàng, núi Non Nước, núi Kỳ Lân, núi Cánh Diều, chùa Non Nước, đền thờ Trương Hán Siêu,…đã và đang là địa chỉ lưu giữ dấu chân của nhiều tao nhân mặc khách; là điểm tham quan, du lịch không nên bỏ lỡ khi du khách có dịp đến Ninh Bình.

Núi Non Nước

 


Vị trí: Nằm soi mình bên dòng sông Đáy, phía Đông Bắc thành phố Ninh Bình.

Đặc điểm: Núi Non Nước là một trong ba ngọn núi nổi tiếng, biểu tượng cho mảnh đất Ninh Bình đẹp và thơ. Núi cao chừng 70m, dáng chênh vênh tựa hình con chim trả đang tắm mình bên dòng sông Đáy, vì thế danh nhân Trương Hán Siêu đã đặt tên cho núi là Dục Thuý.


Núi Non Nước là ngọn núi lưu giữ nhiều áng văn thơ cổ nhất nước ta với hơn 40 bài khắc thạch và hơn trăm bài thơ vịnh của các danh nhân lịch sử tạc trên vách núi như Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Ngô Thì Sỹ,... Núi còn là cuốn sử thi ghi dấu bao cuộc chiến đấu oanh liệt của dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm qua.

Dưới chân núi Non Nước về phía Đông, từ xa xưa, người dân Ninh Bình xây dựng một ngôi chùa thờ Phật có tên gọi "Sơn Thuỷ Tự" (Chùa Non Nước). Chùa được xây dựng bằng đá, mái cong, đầu đao uốn lượn, tựa sát vào các vòm đá núi. Chính vì vậy, Núi và Chùa hoà quyện với nhau càng làm tăng thêm sự cổ kính, tâm linh, trang nghiêm và có hồn.

Đền thờ Trương Hán Siêu


 

Vị trí: Đền thờ Trương Hán Siêu nằm ở phía Đông Bắc thành phố Ninh Bình, bên cạnh ngọn "Núi thơ" - Non Nước, thuộc địa phận phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình.

 
Đặc điểm: Đền thờ Trương Hán Siêu được xây dựng năm 1998, kiến trúc theo kiểu chữ "Đinh"- Hán tự, gồm 3 gian Bái đường và 2 gian Hậu cung. Mặt tiền của đền có bức đại tự viết bằng chữ Hán ''Trương Thăng Phủ Từ". Ngôi đền là một công trình lịch sử văn hoá thể hiện lòng kính yêu, niềm tự hào của nhân dân Ninh Bình đối với danh nhân văn hoá Trương Hán Siêu.

Trương Hán Siêu là người văn võ song toàn, từng là môn khách của Trần Hưng Đạo, sau làm quan từ triều Trần Anh Tông đến triều Trần Dụ Tông, được các vua Trần tôn kính gọi bằng "Thầy". Ông cùng tiến sĩ Nguyễn Trung Ngạn soạn bộ Luật “Hình thư” rồi sách "Hoàng triều đại điển", đặt nền tảng cho chế độ Phong kiến Việt Nam vận hành theo pháp luật.


Núi Kỳ Lân


 


Vị trí: Toạ lạc cạnh quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Ninh Bình 2km về phía Bắc.

Đặc điểm: Núi cao khoảng 60m, trông giống đầu một con Lân. Sườn núi phía Bắc hõm vào tạo thành cái hàm của con Lân, xung quanh là những vách núi nhấp nhô, cây cối mọc xanh tươi như bờm và râu của con Lân. 

Núi Kỳ Lân nhỏ nhưng có tới 5 cái hang, có hang dài tới 30m. Dưới chân núi hướng Bắc, Nam và Đông có ba ngôi đền thờ những người có công với đất nước ở thời Đinh và thời Trần. Hiện nay còn có thêm Chùa Một cột và Nghênh Phong Các mới được xây dựng trên đỉnh núi. Phía Bắc núi Kỳ Lân, có một cây cầu vòm bằng đá, bảy nhịp, mặt cầu rộng 2m, dài trên 22m, cao 4m bắc qua hồ nước vào núi. Núi Kỳ Lân là một vườn cảnh thiên nhiên độc đáo góp phần điều hoà sinh thái và làm tăng thêm nét đẹp cho thành phố Ninh Bình.

Bảo tàng tỉnh Ninh Bình

Vị trí: Nằm trên đường Lê Đại Hành, phía Đông Bắc thành phố Ninh Bình. Cách núi Non Nước và đền thờ Trương Hán Siêu 600m về phía Nam.

Đặc điểm: Bảo tàng tỉnh Ninh Bình khánh thành năm 1995 nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập nước. Với diện tích trưng bày 500m2, nơi đây lưu giữ gần 400 tài liệu, hiện vật độc đáo của nhân dân Ninh Bình trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển. Phản ánh, minh chứng sinh động quá trình dựng nước và giữ nước oanh liệt của nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Ninh Bình nói riêng. 

Bảo tàng gồm 3 tầng, bốn mặt đều có hình trống đồng, biểu tượng của nền văn minh Việt cổ. Các cột được trang trí phù điêu theo phong cách truyền thống với đề tài vẻ đẹp thiên nhiên, những thành tựu trong kháng chiến và đời sống hàng ngày của nhân dân Ninh Bình.

 
Thời điểm tham quan: 7h30 - 10h30 và 14h00 - 16h00, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Liên hệ: Bảo tàng tỉnh Ninh Bình

Địa chỉ: Đường Lê Đại Hành, phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình

Điện thoại: (030) 387.14.62