Tỉnh Quảng Ninh: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
TCCS - Nhiều năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đóng vai trò quan trọng thúc đẩy cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đang hoạt động và thu hút các doanh nghiệp mới, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.
Vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế
Tỉnh Quảng Ninh được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Quảng Ninh cũng là tỉnh ở điểm đầu khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc, khu vực trung chuyển, giao lưu hàng hóa, khoa học - công nghệ lớn giữa Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và Đông Nam Á. Đây chính là lực đẩy để Quảng Ninh thu hút hàng nghìn doanh nghiệp đến đầu tư và hoạt động. Với hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, tỉnh Quảng Ninh ngày càng có nhiều lợi thế để thu hút được những nguồn nhân lực dịch chuyển từ khắp các vùng. Ngoài ra, tỉnh đang nhanh chóng thúc đẩy các quy hoạch điều chỉnh của các khu kinh tế, khu đô thị, bảo đảm quy hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Trong sự phát triển chung đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và chính quyền các cấp, làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, động viên các doanh nghiệp - hội viên hoạt động chủ động, tự tin và hiệu quả, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát triển bền vững. Theo báo cáo, hiện nay, toàn tỉnh có 17.300 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc doanh nghiệp hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 382.000 tỷ đồng, đã và đang có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, góp phần tích cực giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hiệp hội triển khai thực hiện trong 5 năm gần đây mang lại hiệu quả thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp là công tác hỗ trợ hội viên. Hiệp hội đã phổ biến và triển khai kịp thời đến các doanh nghiệp các văn bản hướng dẫn của các ngành chuyên môn; cung cấp hệ thống thông tin cho doanh nghiệp về thị trường, xu hướng công nghệ, môi trường, chính sách và những tác động của chính sách mới tới doanh nghiệp... Từ đó, giúp doanh nghiệp nắm được các cơ sở pháp lý để định hướng chiến lược kinh doanh, điều chỉnh hoạt động cho phù hợp. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã chủ động kết nối với các hiệp hội/hội/CLB doanh nghiệp thành viên để nắm bắt tình hình, kịp thời phản ánh và kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng bằng nhiều hình thức khác nhau qua nhóm zalo, email, qua văn bản, trao đổi trực tiếp với các lãnh đạo các đơn vị.... Vì vậy, Hiệp hội nắm bắt, hiểu rõ được kỳ vọng và đề xuất của doanh nghiệp và đưa ra các kiến nghị giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, yên tâm đầu tư kinh doanh. Với vai trò là cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp, sự tích cực vào cuộc các cấp chính quyền, những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp đã giảm dần qua các năm. Chất lượng giải quyết các kiến nghị được nâng cao, dần đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp (năm 2020: 131 kiến nghị; năm 2021: 74 kiến nghị; quý I/2022: 14 kiến nghị). Riêng năm 2021, theo kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, theo đó, đã giảm 41 cuộc thanh tra, 361 cuộc kiểm tra và 135 cuộc kiểm tra liên ngành đối với doanh nghiệp. Nhiều kiến nghị của Hiệp hội đã được các cơ quan có thẩm quyền tổng hợp báo cáo Chính phủ xây dựng và ban hành các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và được tỉnh xây dựng thành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như: giảm phí tham quan Vịnh Hạ Long, chiến dịch kích cầu du lịch, hỗ trợ xúc tiến du lịch…
Tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả
Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, con người. Vì vậy phải chăm lo xây dựng đội ngũ doanh nhân tỉnh Quảng Ninh lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, quy mô, có ý thức giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, am hiểu pháp luật, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ, uy tín để thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo đó, trong thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục đồng hành với chính quyền các cấp hỗ trợ tích cực, có hiệu quả đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp theo chuẩn khu vực, quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp; khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông qua Hiệp hội và các diễn đàn của doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc kiến nghị sát đáng của doanh nghiệp, thẳng thắn góp ý với chính quyền, cơ quan quản lý nâng cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực thi chính sách, pháp luật.
Để hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, kinh doanh tàu du lịch, kinh doanh vận tải sử dụng nhiều lao động hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại thị trường và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời, tiếp tục rà soát giảm tiếp một số quy định về hồ sơ, thủ tục hành chính của các sở ngành và địa phương, tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, thông thoáng. Triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp một cách thực chất, có giải pháp chủ động tiếp cận, tư vấn cho doanh nghiệp, nhất là phát hiện, tìm hiểu các vấn đề doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ pháp lý, từ đó chủ động tiếp cận doanh nghiệp và đề nghị hỗ trợ; tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý; giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của pháp chế doanh nghiệp, cách thức kiểm soát rủi ro pháp lý trong hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh việc giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các dự án đang chờ phê duyệt, các dự án đang chờ quyết định chủ trương đầu tư để sớm cho các doanh nghiệp triển khai, kể cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có hồ sơ đề xuất xin chủ trương đầu tư. Đẩy mạnh triển khai các dự án cụm công nghiệp, dự án nhà ở xã hội để thu hút lao động tỉnh ngoài và hỗ trợ cán bộ, công nhân lao động gặp khó khăn về nhà ở. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh có thêm việc làm mới từ sản xuất vật liệu đến nhận thầu thi công xây dựng, giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất như Nhà máy Hoa Lợi Đạt tại thành phố Cẩm Phả, Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinki Solar tại Khu công nghiệp Sông Khoai, các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo tại Khu công nghiệp Đông Mai, Khu công nghiệp Hải Yên (thành phố Móng Cái). Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng vào các nhà máy sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Quảng Ninh sẽ xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp về tín dụng về hỗ trợ doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan, công khai, tạo sự minh bạch, điều kiện tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về “mặt bằng sạch”, quỹ đất sạch với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động đã qua đào tạo; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp… để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh và sinh sống gắn bó với tỉnh Quảng Ninh./.
Thị xã Đông Triều tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp  (02/10/2022)
Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh): Triển vọng phát triển ngành năng lượng tái tạo  (28/09/2022)
Huyện Tiên Yên: Tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới  (28/09/2022)
Quảng Ninh ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ  (20/09/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển