Đối ngoại của Hà Nội trong thời kỳ phát triển mới
TCCS - Công tác đối ngoại là một trong những nhiệm vụ quan trọng và là động lực phát triển của Thủ đô Hà Nội. Trong thời gian qua, đối ngoại Hà Nội đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô, qua đó hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 đưa Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.
Những thành tựu trong công tác đối ngoại của Hà Nội
Trong suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn giữ vị thế quan trọng trong hoạt động ngoại giao của Việt Nam. Dưới các triều đại phong kiến, văn hóa và con người của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến đã góp phần không nhỏ vào thực hiện các mục tiêu đối ngoại của quốc gia - dân tộc. Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (tháng 8-1945) và nhất là từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới đất nước (năm 1986), bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại chung của đất nước, Thủ đô Hà Nội còn tích cực, chủ động tiến hành các hoạt động đối ngoại, quảng bá hình ảnh con người và văn hóa Hà Nội đến nhân dân các nước trên thế giới, mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác với mong muốn trở thành bạn và đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố lớn trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực của Việt Nam.
Thứ nhất, thiết lập và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, hữu nghị tốt đẹp, hiệu quả với thủ đô các nước trên thế giới. Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi Hà Nội không chỉ phát huy sáng tạo và nội lực mà còn cần thu hút thêm các nguồn lực bên ngoài thông qua quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế. Vì vậy, thiết lập và thúc đẩy các quan hệ hợp tác thiết thực, hiệu quả luôn là chủ trương đối ngoại của thành phố Hà Nội.
Tính đến nay, Hà Nội có quan hệ với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước. Trong số đó, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới. Các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, các phái đoàn ngoại giao, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế đều đặt trụ sở tại Hà Nội đã tạo cho các nhà đầu tư một mạng lưới liên lạc tốt nhất để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm. thành phố xác định 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là những “cánh tay nối dài” của đất nước và của doanh nghiệp Việt Nam tại các địa bàn. Ðồng thời, khẳng định mục tiêu duy trì và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các thủ đô, thành phố, các tổ chức quốc tế trên thế giới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trên cả ba trụ cột: ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa; tích cực chủ động hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực.
Trong quan hệ với các thành phố, thủ đô các nước, Hà Nội có những đặc thù riêng, với các điều kiện cụ thể về văn hóa, phong tục, tập quán, tiềm năng kinh tế, thế mạnh của mình để từ đó có những bước đi hợp tác hiệu quả, thực chất. Hiện nay, Hà Nội đã ký kết quan hệ chính thức với 50 thủ đô, thành phố, vùng địa phương
Về hoạt động ngoại giao đa phương, Hà Nội đi đầu cả nước trong việc tham gia tích cực, đóng góp xây dựng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Tại các diễn đàn đa phương như: Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN, Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước Á - Âu (ASEM); Hiệp hội các thị trưởng của các thành phố nói tiếng Pháp; Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ XXI (ANMC21); Hiệp hội các thành phố có lịch sử lâu đời;… Hà Nội góp phần làm nên thành công cảu các hội nghị, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, tăng cường kinh tế đối ngoại. Với “Kế hoạch đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2015”, được coi là một kế hoạch hành động tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều nội dung nhằm mở rộng và tăng cường quan hệ kinh tế quốc tế với các đối tác. Thông qua việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần quan trọng thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trên địa bàn thành phố đã thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký vào khoảng 48,7 tỷ USD.
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Hà Nội hiện đứng thứ hai trên toàn quốc về thu hút đầu tư nước ngoài với vốn thực hiện lũy kế đạt 28,520 tỷ USD (đạt 60,03% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực(1). Hiện có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào thành phố Hà Nội. Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị với chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài được nâng cao về chiều sâu, tập trung thực hiện các biện pháp thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia vào đầu tư, kinh doanh tại Hà Nội; thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư. Thành phố Hà Nội không ngừng thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo sự gắn kết hợp lý, có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài vào Hà Nội thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế trong một chương trình tổng thể, thống nhất; kết nối hoạt động xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, du lịch và các hoạt động liên quan khác.
Thứ ba, tăng cường giao lưu, quảng bá hình ảnh Thủ đô. Song song với những hoạt động hiệu quả của đối ngoại Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân của Thủ đô trong những năm qua đã có nhiều điểm nhấn đặc biệt, góp phần tăng cường giao lưu, thúc đẩy sự hiểu biết giữa người dân Hà Nội và nhân dân nhiều quốc gia trên thế giới. Dấu ấn tốt đẹp từ ngoại giao nhân dân được tạo dựng thông qua việc triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và thực sự trở thành cầu nối hữu nghị giữa Thủ đô Hà Nội và bạn bè quốc tế. Các hoạt động nhân kỷ niệm các dấu mốc lớn trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế được tổ chức thời gian qua không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa của người dân Hà Nội mà còn quảng bá hình ảnh Thủ đô giàu truyền thống đã bước qua nghìn năm tuổi. Đặc biệt, kể từ năm 2017, với việc ký kết chương trình hợp tác với kênh truyền hình CNN của Mỹ, thành phố đã thể hiện quyết tâm trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch năm châu. Ðây là lần đầu tiên, Hà Nội mang những hình ảnh bình dị, gần gũi nhưng đậm chất văn hóa của thành phố tới một kênh thông tin tầm cỡ quốc tế với hàng tỷ người theo dõi. Từ những đóng góp thiết thực của đảng bộ, chính quyền và người dân Thủ đô, Hà Nội góp mặt trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới(2).
Thủ đô đã tổ chức và đăng cai nhiều sự kiện văn hóa gây tiếng vang trong nước và quốc tế, quảng bá tiềm năng của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, kết hợp các giá trị văn hóa truyền thống được chắt lọc, kết tinh từ các vùng văn hóa Xứ Đoài, xứ Đông, xứ Bắc…, tạo thế mạnh tổng hợp, vừa hội nhập, vừa giữ gìn và phát huy mọi giá trị truyền thống sáng giá. Nét đẹp văn hóa và con người Hà Nội được thể hiện trong Tuần Văn hóa Hà Nội với các hoạt động sôi nổi: tại Matxcơva (Nga), Paris, Toulouse và vùng Ille de France (Pháp), Fukuoka (Nhật Bản), trong các Liên hoan phim quốc tế, Chương trình lễ hội Âm nhạc quốc tế “Gió mùa”, Lễ hội Áo dài v.v… Hà Nội cũng hợp tác cùng các tỉnh thành cả nước tổ chức: Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội Hoa ban Điện Biên, Festival Hoa Đà Lạt,v.v…Trong hoạt động văn học nghệ thuật, giới văn nghệ sĩ Hà Nội duy trì đều đặn việc cùng tổ chức triển lãm, trại sáng tác, xuất bản ấn phẩm chung, hội thảo văn học nghệ thuật chung với 5 vùng đất kinh đô xưa và nay (gồm Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa và Huế) và sinh hoạt VHNT giao lưu vớí các tỉnh kết nghĩa.
Công tác đối ngoại của Hà Nội trong thời gian tới
Thực tiễn hoạt động đối ngoại của Hà Nội, nhất là qua những thành tựu đối ngoại nổi bật của Thủ đô thời gian qua, có thể thấy sự phong phú, sôi động của hoạt động ngoại giao, từ chủ thể (tổ chức chính trị, nhà nước, nhân dân), đối tượng (quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị, xã hội, văn hóa) trong những thời kỳ khác nhau và nhiệm vụ khá nhau; đồng thời mang nội dung phong phú, nét nét độc đáo văn hóa đối ngoại. Đó là sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống bản sắc Việt Nam/Hà Nội nghìn năm tuổi, với nét hiện đại trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế.
Hà Nội là nơi phản ánh hình ảnh văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam qua hoạt động đối ngoại. Với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, toàn diện với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trên thế giới, các hoạt động đối ngoại của Hà Nội cũng ngày càng rộng mở, với nội dung đa dạng, phong phú, toàn diện; không chỉ giao lưu văn hóa mà còn có quan hệ giao thương, đầu tư, hợp tác với các thành phố của các nước. Với tinh thần hội nhập tích cực, độc lập, tự chủ, sáng tạo, các hoạt động đối ngoại của Thủ đô mang tầm vóc, diện mạo mới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của cả nước, nâng cao vị thế, vai trò của Thủ đô trong tiến trình hội nhập quốc tế. Do vậy, nhiệm vụ đối ngoại của Hà Nội trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tọa thêm nhiều nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Kế hoạch số 23-KH/TU về hoạt động đối ngoại của thành phố Hà Nội năm 2021 cũng nêu rõ: trong năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp cho giai đoạn 2021-2025, căn cứ bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước, công tác đối ngoại của thành phố Hà Nội năm 2021 sẽ triển khai theo các định hướng trọng tâm. Trong đó, chủ động khai thác những cơ hội, tranh thủ điều kiện thuận lợi của môi trường quốc tế để tiếp tục đẩy mạnh hội nhập và phát triển. Bám sát các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xác định các mục tiêu đối ngoại trong từng lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động đối ngoại có tính thống nhất và bổ trợ lẫn nhau.
Tổ chức các hoạt động đối ngoại có chọn lọc và ưu tiên, phù hợp với thế mạnh của đối tác và tiềm năng, nhu cầu của thành phố cũng như nguồn lực có hạn trong tình hình mới, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, nhằm duy trì một cách tích cực các cam kết quốc tế đã thiết lập, tranh thủ điều kiện thuận lợi để tăng cường hiệu quả, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương và đa phương giữa thành phố Hà Nội với các thành phố, địa phương trên thế giới và các tổ chức quốc tế, bám sát và phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong năm 2021.
Tiếp tục tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cấp các ngành để tạo bước tiến mạnh mẽ về thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, phát triển văn hóa - xã hội, từng bước tạo dấu ấn riêng của thành phố Hà Nội. Huy động tổng hợp nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng Hà Nội trở thành đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực theo tầm nhìn đến năm 2025.
Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp.
Thứ nhất, tối ưu hóa mọi điều kiện, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, nhất là tiềm năng kinh tế. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động ảnh hưởng đến kinh tế cả nước cũng như kinh tế Hà Nội, Thủ đô cần nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng, thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển, quyết liệt thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô.
Hà Nội có tiềm năng trí tuệ khoa học lớn cần được khai thác, tận dụng tối đa. Điều này sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh của Thủ đô. Sự phối hợp giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp là cơ sở để nâng cao sức cạnh tranh của Hà Nội, góp phần xây dựng kinh tế tri thức mà Hà Nội là thành phố đi đầu về lĩnh vực này. Đây không chỉ là sự đáp ứng đối với Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ mà còn là đòi hỏi cấp thiết để Hà Nội nhanh chóng hòa nhịp cùng thế giới.
Thứ hai, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế. Đây được coi là trọng phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, công tác đối ngoại của Hà Nội đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng hiệu quả của các cơ quan chức năng làm công tác đối ngoại. xây dựng chiến lược đối ngoại dài hạn cho thành phố, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho việc đổi mới đối ngoại toàn diện, phối kết hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của các sở, ban, ngành, quận, huyện cũng như khai thá triệt đẻ sự hỗ trợ liên kết với hoạt động đối ngoiaj của nhà nước, hoạt động ngoiaj giao nhân dân của Trung ương. Hiện Hà Nội đang duy trì và phát huy vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương với vai trò là thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế như: Tổ chức thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO), mạng lưới chính quyền địa phương về quản lý dân cư (CityNet), nhóm các thành phố dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu (C40), Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Hiệp hội quốc tế các thị trưởng thành phố nói tiếng Pháp (AIMF), Hiệp hội các thành phố lớn thế giới (Metropolis)... qua đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.
Thứ ba, mở rộng thông tin tuyên truyền, quảng bá hinh ảnh, con người, văn hóa Hà Nội. Thông tin tuyên truyền đối ngoại là bộ phận không thể thiếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần tăng cường giao lưu, quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội. Mạng lưới thông tin hiện đại, đa dạng, nhiều chiều giữa Hà Nội và các thành phố các nước thông qua các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện, các đối tác người nước ngoài, các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước là những nhân tố quan trọng góp phần đưa Hà Nội đến với thế giới và đưa thế giới đến với Hà Nội. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc ứng dụng công nghệ số vào tuyên truyền đối ngoại, quảng bá các di sản văn hóa, lịch sử, hình ảnh Hà Nội là lựa chọn tối ưu, thể hiện sự chuyển dịch linh hoạt, sáng tạo của Hà Nội, phù hợp với thực tiễn, hoàn cảnh mới.
Thứ tư, xây dựng môi trường đối ngoại ổn định, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Ổn định chính trị là nhân tố quan trọng hàng đầu trong phát triển, hợp tác, hội nhập quốc tế. Trong 35 năm đổi mới, Hà Nội tạo dựng môi trường ổn định chính trị, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa, đối ngoại hoạt động hiệu quả. Niềm tin, sự đồng thuận chính trị là tiền đề để Hà Nội tiếp tục gặt hái những thành công mới trên con đường hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, xây dựng môi trường văn hóa là thành tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Văn hóa là nền tảng tinh thần của Hà Nội. Với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Hà Nội là nơi tụ hội kết tinh và tỏa sáng tinh hoa văn hóa dân tộc, là nguồn lực nội sinh, là sức mạnh mềm đủ làm động lực phát triển Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.. Chính vì lẽ đó, để Hà Nội xứng danh là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới, cần thiết tạo dựng môi trường văn hóa với những đường nét, đặc trưng riêng, vừa giữ cốt cách của Hà Nội nghìn năm văn hiến, vừa bồi đắp yếu tố mới, hiện đại của văn hóa, con người Hà Nội. Xây dựng văn hóa Hà Nội phải được chú trọng triển khai trên nhiều khía cạnh, lĩnh vực của đời sống xã hội, qua nhiều thiết chế chính trị - xã hội nhưng điều căn bản nhất vẫn là nền tảng giáo dục từ gia đình. Mỗi người Hà Nội cần tự ý thức về việc tự bồi đắp nền tảng văn hóa cho mình, tạo nên môi trường thân thiện, cởi mở, để từ đó thu hút nguồn lực phát triển mới. Cần nhận thức rõ rằng, mỗi người dân Thủ đô là “sứ giả” văn hóa sống động, chân thực nhất về hình ảnh quốc gia, hình ảnh Hà Nội. Công tác đối ngoại không chỉ của Trung ương, của “cấp trên” mà còn là nhiệm vụ chung, sự nghiệp lâu dài của cả xã hội và mọi người dân. Tạo dựng hình ảnh về văn hóa và con người Hà Nội có sức hấp dẫn, lôi cuốn, để lại dấu ấn trong lòng những người nước ngoài đến Hà Nội pải được coi là nhiệm vụ chiến lược, là yếu tố chi phối việc hoạch định chính sách phát triển Thủ đô. Do vậy, việc nâng cao “tầng văn hóa” cho mối người dân Thủ đô không chỉ là công việc trước mắt mà là nhiệm vụ lâu dài, để xứng tầm với danh tiếng Thủ đô thanh lịch, hiện đại, mang dáng dấp thành phố thông minh, sáng tạo trong khu vực và trên thế giới.
Thứ năm, nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ làm công tác đối ngoại. Đây được coi là nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Đội ngũ những người làm công tác đối ngoại phải thực sự là những người chuyên tâm, có nền tảng, kiến thức, năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, nhất là kỹ năng chuyên môn. Họ chính là “cầu nối” để bảo đảm công tác đối ngoại của Hà Nội mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, xứng tầm với danh tiếng Thủ đô văn minh trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.
--------------------
(1) https://thanglong.chinhphu.vn/ha-noi-dung-thu-hai-ve-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai
(2) http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/907634/doi-ngoai-ha-noi---nhung-dau-an-trong-giai-doan-phat-trien-moi
Công tác đối ngoại nhân dân của Thủ đô Hà Nội: Thực trạng và triển vọng  (02/12/2021)
Công an Hà Nội thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự vàphòng, chống dịch bệnh COVID-19  (30/11/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam