Công an tỉnh Hà Giang thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” và “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”
TCCS - Việc thực hiện “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” gắn với học tập và thực hiện lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với lực lượng công an: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” và của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an: “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an” là cách làm sáng tạo trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị của Đảng bộ Công an tỉnh Hà Giang.
Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73 diễn ra ngày 15-1-2018, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn: “Mong các đồng chí luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình và thực hiện cho bằng được chân lý: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất””. Lời căn dặn đó gửi gắm sự kỳ vọng to lớn của người đứng đầu Đảng ta mong muốn mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không màng danh lợi, không vì lợi ích vật chất mà làm ảnh hưởng, thậm chí làm mất đi, chà đạp lên danh dự của chính mình, của lực lượng. Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn giữ vững bản lĩnh, liêm chính, thường xuyên tự soi, tự sửa, không ngừng nỗ lực phấn đấu, cống hiến, sao cho xứng đáng với danh dự, truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15-3-2018, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Luật Công an nhân dân năm 2018, lực lượng công an cả nước đã và đang quyết liệt triển khai thực hiện chủ trương bố trí công an chính quy đảm nhận chức danh công an xã. Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an xác định, bố trí công an xã chính quy chính là phương thức công tác để lực lượng công an gần dân hơn, nắm chắc tình hình, phục vụ nhân dân tốt hơn, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đổi mới phương thức hoạt động để công an xã chính quy thực sự là chỗ dựa của nhân dân, theo phương châm: “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”. Đảng ủy Công an Trung ương yêu cầu lực lượng công an từ Trung ương đến cơ sở phải luôn sâu sát, gần dân, lắng nghe dân, tôn trọng dân, bảo vệ dân; duy trì sợi dây gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện “4 cùng với nhân dân”; chống mọi biểu hiện quan liêu, xa dân; luôn sẵn sàng có mặt để tiếp nhận, giải quyết những vấn đề an ninh, trật tự phát sinh, cũng như những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân…
Để thấm nhuần, giữ gìn và thực hiện tốt “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất” và “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an” trong công tác và cuộc sống, mỗi cán bộ, đảng viên công an nhân dân cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, giá trị của lời căn dặn trên.
Danh dự của người chiến sĩ công an là lòng tự trọng, sự ngay thẳng, cương trực, kiên quyết đấu tranh với cái ác, cái xấu, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, tránh xa những cám dỗ vật chất, bảo vệ cái đúng, lẽ phải, thượng tôn pháp luật, hết lòng, hết sức và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Danh dự của người chiến sĩ công an được rèn luyện, thử thách, bồi đắp qua thực tiễn đời sống và trong công tác, chiến đấu, “lửa thử vàng, gian nan thử sức” để ngày càng trưởng thành.
Lực lượng công an là “thanh bảo kiếm” của Đảng, sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân mà phục vụ, chiến đấu, hy sinh, luôn thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc”, “lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”. Việc triển khai thực hiện chủ trương xây dựng công an xã, thị trấn chính quy là một nhiệm vụ thiết thực thực hiện phương châm trên, trở thành “điểm tựa” vững chắc, tin cậy của nhân dân, của chính quyền cơ sở, dựa vào nhân dân để bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng.
Từ năm 2020, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, cùng với các địa phương trong cả nước, lực lượng công an chính quy thuộc Công an tỉnh Hà Giang được bố trí ở toàn bộ địa bàn cấp xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đây là lực lượng tại chỗ gần dân nhất, sát dân nhất, tiếp xúc thường xuyên nhất với nhân dân. Khi người dân cần, khi người dân gặp khó khăn, lực lượng công an có mặt ngay để giải quyết, giúp đỡ, với phương châm “4 tại chỗ”, trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, giải quyết mâu thuẫn trong dân, giải quyết các vụ việc về an ninh, trật tự ở thôn, xóm, bản, khu dân cư, giải quyết thủ tục hành chính, thu thập thông tin dân cư, hỗ trợ làm căn cước công dân, tham gia các chốt phòng, chống dịch COVID-19, hiến máu cứu dân, dạy học cho các cháu học sinh vùng sâu, vùng xa…
Quán triệt sâu sắc ý nghĩa chính trị trong lời căn dặn: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an” của Bộ trưởng Bộ Công an, Đảng ủy và Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang định hướng, chỉ đạo việc nghiên cứu, triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ Công an tỉnh. Công an tỉnh Hà Giang thiết kế hai lời căn dặn trên thành hai bộ bích chương và tổ chức in ấn, treo trang trọng cùng với bích chương “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” tại các hội trường, phòng họp, nơi tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính… của các đơn vị công an từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tính đến tháng 8-2021, toàn bộ các đơn vị thuộc Công an tỉnh Hà Giang đã hoàn thành việc treo hai bích chương trên và tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ công an học tập, tìm hiểu nội dung, ý nghĩa của hai lời căn dặn để vận dụng trong công tác và sinh hoạt hằng ngày.
Việc nghiên cứu nội dung, triển khai treo hai bức bích chương và tổ chức sinh hoạt chính trị thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và của Bộ trưởng Bộ Công an là chủ trương, ý tưởng mới của Công an tỉnh Hà Giang, đồng thời cũng là phương pháp giáo dục trực quan thiết thực, nhằm định hướng tư tưởng, hành động để mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn tự soi, tự sửa, nghiêm khắc với bản thân, từ đó có những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể trong công tác, sinh hoạt hằng ngày, góp phần xây dựng lực lượng công an ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Đây cũng là giải pháp thiết thực cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 01-KL/TW, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””; phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” và Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” trong giai đoạn mới. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị của từng đảng viên, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Giang; bồi đắp thêm niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của lực lượng; nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Việc giữ gìn, học tập và làm theo lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” và “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an” đã tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ Công an tỉnh Hà Giang. Hai nội dung căn dặn có mối quan hệ biện chứng sâu sắc, trong đó “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” chính là nguồn gốc, là cơ sở về nhận thức thôi thúc cán bộ, chiến sĩ công an thực hiện phương châm: “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”, sẵn sàng vì danh dự của ngành, vì lợi ích của nhân dân mà hành động. Từ thực hiện tốt phương châm “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an” sẽ tô đậm thêm phẩm chất cách mạng, danh dự và truyền thống lực lượng công an.
Việc tiếp tục triển khai thực hiện hai bích chương cũng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an tỉnh Hà Giang lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đồng thuận và tin tưởng của nhân dân. Đây cũng là cơ sở để nhân dân Hà Giang theo dõi, giám sát, góp ý đối với lực lượng công an, nhằm khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác, vi phạm đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, lợi dụng chức vụ, quyền hạn...; hình thành lối sống trọng danh dự, trọng liêm sỉ, vì nhân dân phục vụ của cán bộ, chiến sĩ công an.
Lực lượng công an toàn tỉnh triển khai nhiều mô hình hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, như: “Camera giám sát an ninh”, “Bình yên nơi biên giới”, “Thôn bình yên không có tội phạm, không tệ nạn”, “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự”, “Tổ tự quản an ninh, trật tự gắn với xây dựng nông thôn mới”…; lập nhiều chiến công, thành tích trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, như: Lực lượng cảnh sát hình sự triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng internet với số tiền giao dịch phi pháp trên 200 tỷ đồng; lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy phát hiện, triệt phá nhiều ổ nhóm, đường dây tội phạm ma túy phức tạp trên tuyến biên giới; lực lượng cảnh sát kinh tế khám phá, điều tra nhiều vụ án cố ý làm trái, tham ô tài sản của Nhà nước; Công an xã Linh Hồ (huyện Vị Xuyên), Công an xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang), Công an xã Đồng Yên (huyện Bắc Quang) phát hiện, điều tra thành công nhiều vụ án phức tạp; cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, Công an tỉnh không quản ngại hiểm nguy cứu giúp người dân, dập tắt nhiều vụ cháy lớn...
Cùng với đó là nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều hành động, việc làm thiết thực trong thực hiện “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”, như: Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh hăng hái tham gia Chương trình “Hành trình giọt máu nghĩa tình” tình nguyện hiến tặng 455 đơn vị máu phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị cho nhân dân; chung tay góp sức, quyên góp ủng hộ “Quỹ vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 Việt Nam” và vật tư, thực phẩm hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 gắn với các hoạt động từ thiện, với số tiền ủng hộ lên tới hàng trăm triệu đồng... Những hành động, việc làm ý nghĩa và kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Giang thể hiện sinh động trách nhiệm cao cả và tình cảm tốt đẹp đối với cộng đồng; góp phần thực hiện tốt công tác công an, công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế; lan tỏa sâu rộng những giá trị nhân văn cao đẹp.
Việc Công an tỉnh Hà Giang triển khai nghiên cứu, cụ thể hóa hai lời căn dặn đối với lực lượng công an của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an là một điểm sáng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng. Đây là cách làm sáng tạo cần lan tỏa và nhân rộng đến các cấp ủy, tổ chức đảng tại Hà Giang./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ Cộng hòa Cuba tại Việt Nam  (29/10/2021)
Đại hội XIII của Đảng: Tầm nhìn phát triển, tư duy đột phá, định hướng chính sách và nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân  (28/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển