Phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay
TCCS - Phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã thực hiện đạt kết quả bước đầu nhiệm vụ quan trọng trên, tạo tiền đề để tiếp tục phấn đấu đạt những kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Một số kết quả bước đầu
Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ năm 1996 đến nay, Đảng ta ban hành nhiều văn bản về công tác xây dựng Đảng trong loại hình doanh nghiệp này, như Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23-11-1996, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”; Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28-8-2006, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “Về đảng viên làm kinh tế tư nhân”; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008, của Hội nghị Trung ương 6 khóa X, “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29-7-2010, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới”; Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21-1-2019, của Ban Bí thư, “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”; Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, “Về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Coi trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, chất lượng. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong công nhân trực tiếp sản xuất, trí thức và doanh nhân”(1).
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trên địa bàn, bám sát chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành các văn bản có liên quan, như Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 15-3-2013, “Về việc tăng cường công tác phát triển đảng viên ở địa bàn, lĩnh vực còn khó khăn và ít đảng viên”; Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 20-11-2014, “Về củng cố, phát triển tổ chức đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn”; đặc biệt là, Quyết định số 399-QĐ/TU, ngày 18-11-2016, ban hành “Đề án phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020”.
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy về phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng và của người đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, nhằm làm cho cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người sử dụng lao động nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc củng cố, phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Hằng năm, lãnh đạo tỉnh tổ chức buổi gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, trao đổi, chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch để chỉ đạo phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Ban thường vụ các cấp ủy phân công lãnh đạo huyện thăm hỏi, động viên, nắm tình hình doanh nghiệp trên địa bàn; gặp gỡ, tiếp xúc, tổ chức đối thoại, làm việc với các doanh nghiệp tư nhân nhằm tạo sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp về việc phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội.
Với những nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với những giải pháp toàn diện, đồng bộ, từ năm 2010 đến nay, đặc biệt là sau gần 7 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 128 tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp, chiếm 3,6% so với tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh; trong đó, có 18 đảng bộ cơ sở và 72 chi bộ cơ sở trực thuộc các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; 38 chi bộ trực thuộc các đảng ủy xã, phường, thị trấn và Liên đoàn Lao động tỉnh.
Số lượng đảng viên trong các doanh nghiệp là 2.823 đồng chí, chiếm khoảng 6,3% so với tổng số lao động trong doanh nghiệp, 6,03% so với tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ tỉnh. Có 51 tổ chức đảng trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, với 1.828 đảng viên; 77 tổ chức đảng trong doanh nghiệp không có vốn nhà nước, với 868 đảng viên; 127 đảng viên làm việc trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng nên sinh hoạt tại chi bộ ở nơi cư trú.
So với trước khi thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, trên địa bàn tỉnh đã tăng 22 tổ chức đảng và 349 đảng viên(2). Trình độ của đội ngũ đảng viên mới kết nạp ngày càng được nâng lên. Qua đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên hằng năm, số lượng đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên chiếm trên 90% (3). Thành lập mới 25 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; hằng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm từ 90% trở lên.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đảng bộ cấp huyện và cơ sở, các tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân cơ bản đã thực hiện tốt các quy định về chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Trung ương cho từng loại hình doanh nghiệp; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới sinh hoạt chi bộ, trong đó chú trọng sinh hoạt chuyên đề theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 2-3-2012, của Ban Tổ chức Trung ương, “Về nội dung sinh hoạt chi bộ”; Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30-3-2007, của Ban Bí thư, “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn số 12 HD/BTCTW, ngày 6-7-2018, của Ban Tổ chức Trung ương, “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân đã triển khai tổ chức diễn đàn “Vai trò của chi bộ đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, theo Kế hoạch số 47-KH/TU, ngày 22-3-2017, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị... Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ngày càng được nâng lên, thực sự là hạt nhân lãnh đạo đội ngũ đảng viên và các đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Trên 70% số tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có tổ chức đảng không hoàn thành nhiệm vụ (4).
Những kết quả đạt được thời gian qua cho thấy, các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp thiết thực và nỗ lực cao để phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng, cũng như tạo nguồn phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân. Chính những kết quả đạt được trong công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng bộ tỉnh Quảng Trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang gặp một số khó khăn nhất định. Đa phần các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ, nên các chỉ tiêu về phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân chưa đạt yêu cầu đề ra. Số lượng tổ chức đảng được thành lập còn ít so với tổng số đơn vị kinh tế tư nhân hiện có. Chất lượng hoạt động của nhiều tổ chức đảng chưa cao, vai trò lãnh đạo còn mờ nhạt. Các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân thường có ít đảng viên, nền nếp sinh hoạt chi bộ không đều, chất lượng sinh hoạt thấp; chưa chú ý tạo nguồn kết nạp đảng viên; kinh phí hoạt động của tổ chức đảng còn hạn hẹp và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chủ doanh nghiệp.
Cùng với đó, sự lãnh đạo, hướng dẫn của nhiều cấp ủy cấp trên đối với hoạt động của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều nơi chưa ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung sinh hoạt đảng, nghiệp vụ công tác đảng cho phù hợp với điều kiện đặc thù của doanh nghiệp.
Việc thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Một số doanh nghiệp chỉ coi trọng nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, ít chú ý đến công tác phát triển đảng viên. Phần lớn công nhân, người lao động trong doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, mà chưa thực sự thiết tha phấn đấu trở thành đảng viên. Bên cạnh đó, sự biến động thường xuyên về nguồn lao động của các doanh nghiệp cũng là trở ngại lớn cho công tác kết nạp đảng viên và phát triển tổ chức đảng.
Một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới
Để củng cố, phát triển tổ chức đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, “Về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”; phấn đấu để đến cuối nhiệm kỳ thành lập mới trên 30 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và trong nhiệm kỳ kết nạp trên 7.500 đảng viên (bình quân hằng năm đạt trên 1.500 đảng viên)(5) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã đề ra, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là các chủ doanh nghiệp, người lao động về vị trí, vai trò và tầm quan trọng, ý nghĩa và lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên và tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII. Thường xuyên tiến hành khảo sát toàn diện, nắm chắc số lượng đảng viên; đánh giá thực chất vai trò của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân; xây dựng, ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch hằng năm làm cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra thực hiện.
Hai là, tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong các doanh nghiệp tư nhân; đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng đội ngũ cấp ủy, cán bộ phụ trách công tác đảng, đoàn thể và đảng viên trong doanh nghiệp; mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ trên. Hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả đối với các tổ chức đảng ở doanh nghiệp mới thành lập gặp khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ.
Ba là, chú trọng tạo nguồn, tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt về thời gian khi mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng đang làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy trong việc phát triển các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp tư nhân, làm cơ sở chính trị để tạo nguồn phát triển đảng viên và tổ chức đảng. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức công đoàn đồng bộ, thống nhất với tổ chức đảng để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của tổ chức đảng đối với các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp theo Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, ngày 24-10-2014, của Chính phủ, “Quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên. Tổ chức gặp gỡ, động viên, biểu dương những doanh nghiệp tư nhân thực hiện hiệu quả công tác phát triển đảng; đồng thời, xây dựng chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động hiệu quả. Đây là giải pháp quan trọng, góp phần để các nghị quyết, chủ trương của Đảng về phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kết hợp chặt chẽ giữa kết nạp đảng viên với công tác quản lý, sàng lọc đảng viên, kiên quyết đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên theo Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21-1-2019, của Ban Bí thư, “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”.
Sáu là, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng quy định về phụ cấp cho chi ủy viên, kinh phí thẩm tra, kết nạp đảng viên mới, chi phí đào tạo, bồi dưỡng cấp ủy viên, đảng viên mới kết nạp trong các doanh nghiệp từ nguồn kinh phí của Đảng cho phù hợp với yêu cầu phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hiện nay./.
--------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 186
(2), (3), (4) Tỉnh ủy Quảng Trị: Báo cáo Đề án phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020
(5) Tỉnh ủy Quảng Trị: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII
Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng  (07/09/2021)
Tỉnh Quảng Trị tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững  (29/06/2021)
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - giá trị lịch sử và hiện thực  (23/03/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên