Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới
TCCS - Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh có 13 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh có 81/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này có phần đóng góp lớn từ những nguồn lực huy động từ xã hội.
Quảng Sơn (huyện Hải Hà) là xã đăng ký phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm nay. Một trong những tiêu chí khó của địa phương chính là về môi trường. Tuy nhiên, xã Quảng Sơn đã kịp thời nhận được sự giúp đỡ từ các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, 9 tháng năm 2020, xã nhận hỗ trợ 327 tấn xi măng, 50.000 viên gạch, kinh phí... của Hội Cựu chiến binh, các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện, để thực hiện xây dựng đường ngõ xóm, xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại, chỉnh trang cảnh quan tại trường học...
Không chỉ xã Quảng Sơn, thời gian qua hưởng ứng phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” do Ủy ban nhân dân tỉnh phát động, các cấp, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang và đông đảo nhân dân trong tỉnh đã vào cuộc tích cực, hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh đóng vai trò tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động thông qua các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Dân vận khéo”, gắn với xây dựng vườn mẫu, “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”... và các phong trào riêng đặc thù của từng đoàn thể khác. Điều này đã huy động sự đóng góp tích cực của mỗi người dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng, giám sát thực hiện các chương trình. Từ năm 2011 đến hết tháng 6-2020, người dân đóng góp tiền cùng hàng ngàn ngày công lao động, hiến trên 1.218.491m2 đất; vật tư, tường rào, rau xanh... Tổng số vốn huy động từ cộng đồng dân cư đạt trên 16 tỷ đồng.
Cùng với đó, thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2011 - 2019, các lực lượng vũ trang trong tỉnh cũng tham gia hơn 145.750 ngày công, hỗ trợ trên 21,2 tỷ đồng, làm 128km đường bê tông; 98,86km đường cấp phối, nạo vét 85,68km kênh mương, nâng cấp 1 trạm y tế, xây mới 1 nhà văn hóa, 86 nhà ở cho hộ nghèo, nhà tình nghĩa; xây mới hơn 500 nhà tiêu hợp vệ sinh; ủng hộ 170 triệu đồng xây dựng lưới điện ra huyện Cô Tô. Qua phong trào này, mối quan hệ, gắn bó tình quân - dân ngày càng được tăng cường, từ đó phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, gắn với thế trận an ninh vững chắc.
Đóng góp quan trọng cho thành công trong xây dựng nông thôn mới ở các xã còn có sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp với phong trào “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng nông thôn mới”. Từ năm 2011 đến hết tháng 6-2020, các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã đã đóng góp trên 3,5 tỷ đồng.
Ngoài hỗ trợ kinh phí, nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ, giúp đỡ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tiêu biểu, như Công ty Than Khe Chàm tiêu thụ gạo, nông sản, sữa tươi cho người dân thị xã Đông Triều; Công ty Than Hà Tu, Than Hà Lầm tiêu thụ nông sản cho người dân huyện Ba Chẽ và Bình Liêu... Các doanh nghiệp tích cực ủng hộ, liên kết tiêu thụ nông sản và tham gia sản xuất nông nghiệp, như Công ty Đầu tư xây dựng Việt Long, Công ty Chè Thuấn Quỳnh, Công ty nấm Long Hải, Công ty Thiên Thuận Tường, Công ty Sản xuất và nuôi trồng dược liệu Đông Bắc...
Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng chủ động hỗ trợ, tương trợ nhau cùng phát triển, trong đó có phong trào “Thành thị giúp đỡ nông thôn”. Cụ thể, thành phố Uông Bí giúp đỡ huyện Hoành Bồ (cũ); thành phố Hạ Long giúp huyện Ba Chẽ; thành phố Cẩm Phả giúp đỡ huyện Bình Liêu xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cũng nỗ lực huy động nguồn lực để thực hiện chương trình này.
Với sự nỗ lực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay nhiều tuyến đường giao thông, kênh mương nội đồng được xây dựng, tu bổ; nhiều tuyến đường quê được thắp sáng và trồng hàng ngàn cây xanh, tạo cảnh quan, giữ gìn môi trường... Tính đến hết tháng 6-2020, toàn tỉnh có 81 xã có quyết định đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là động lực quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đề ra của tỉnh./.
Tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh ngoại giao văn hóa  (19/10/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển