Pháo hoa đêm giao thừa
bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Tết đến Xuân về, gác lại bao bộn bề công việc và những khó khăn vất vả thường ngày, mỗi người con dân đất Việt luôn hướng về ngày Tết cổ truyền với niềm thành kính và cùng cầu chúc cho một mùa xuân mới an bình và nhiều may mắn; cùng với đó, niềm vui đón Xuân đã tràn ngập trên tất cả các nẻo đường, ngõ xóm của đất nước.

Hà Nội đón xuân náo nức và yên vui

Hà Nội đón Xuân Kỷ Sửu trong không khí náo nức và yên vui. Ðêm giao thừa, như đã thành lệ, vào thời khắc linh thiêng chuyển giao năm cũ sang năm mới, dòng người từ các ngả đổ về khu vực hồ Hoàn Kiếm và các điểm bắn pháo hoa. Như một dấu hiệu may mắn, tiết trời Hà Nội vào phút giao thừa có lất phất mưa xuân. Năm nay, với địa giới hành chính mở rộng, thành phố tổ chức bắn pháo hoa tại 16 điểm ở hồ Hoàn Kiếm (hai điểm), Hồ Tây, sân vận động Mỹ Ðình, hồ Ðền Lừ (quận Hoàng Mai), hồ Thành Công (quận Ba Ðình), Ðông Anh, Long Biên, Sóc Sơn, Hà Ðông, Sơn Tây, Mê Linh, Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Ðức, Thường Tín. 
 
Trong đêm giao thừa và các tối mồng 1, mồng 2 Tết Kỷ Sửu, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp có gần 90 buổi biểu diễn tại các sân khấu trong khu vực nội thành, tại Hà Ðông, Sơn Tây, tại các địa điểm bắn pháo hoa và các xã vùng sâu, vùng xa. Từ 21 giờ đêm giao thừa (25-1), sân khấu Ðền Bà Kiệu, Quảng trường Ðông Kinh Nghĩa Thục bắt đầu rộn ràng tiếng nhạc lời ca và màn biểu diễn nghệ thuật xiếc tổng hợp của chương trình "Chào Xuân", do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và Ðoàn Xiếc Hà Nội trình diễn.  Tại Trấn Ba, Ðền Ngọc Sơn, theo truyền thống, các nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội đón xuân bằng chương trình nghệ thuật dân tộc đặc sắc với các trích đoạn chèo cổ, ca trù và các làn điệu dân ca đặc trưng các vùng, miền, trong đó có: "Hội làng Mai", "Lế lơi xuống phố", "Ba giá chầu đồng"...  Thời khắc giao thừa, khá đông người dân Thủ đô dâng hương tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ anh minh, người khai sáng kinh thành Thăng Long.
 
Ðể mọi nhà, mọi người đều có Tết, thành phố chỉ đạo các ngành, đoàn thể, quận, huyện chăm lo đến các gia đình chính sách, các hộ nghèo. Thành phố trích ngân sách hơn 90,5 tỷ đồng tặng quà 144.585 đối tượng chính sách, 76.120 hộ nghèo. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 29 quận, huyện và các xã, phường, các đoàn thể tích cực ủng hộ quà Tết cho các hộ nghèo với số tiền hàng tỉ đồng. Trước và trong Tết, các đồng chí lãnh đạo thành phố, các ban, ngành, đoàn thể, từng quận, huyện, xã, phường, thị trấn đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, các nhân sĩ, trí thức và cán bộ, công nhân các đơn vị trực Tết.
 
Tại xã An Phú (huyện Mỹ Ðức), nơi bị thiệt hại nặng trong trận lũ lịch sử tháng 11-2008, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thế Nghĩa cho biết: Với người dân An Phú, Tết năm nay đến sớm. Việc chăm lo Tết cho người nghèo, hộ gia đình chính sách trong xã đã gấp năm lần các năm trước. 606 hộ nghèo của xã đã nhận được 750 suất quà từ các tổ chức, đoàn thể.  Tại xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên), 547 hộ nghèo trong xã cũng đều được hỗ trợ những phần quà để đón Tết. Tại bốn xã thuộc huyện Lương Sơn, mới hợp nhất về Hà Nội, Tết này, vui nhất là những người dân ở thôn Hương, thôn Hội (xã Yên Trung) bởi lần đầu bà con được xem bắn pháo hoa qua ti-vi. Không chỉ có vậy, điện về, mở ra những cơ hội làm ăn mới, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Niềm vui trong những ngày đầu năm mới, hy vọng sẽ được nhân lên, nhiều gia đình nơi đây sẽ có những cái Tết ngày càng sung túc hơn.

Mấy năm gần đây, nhiều người Hà Nội thích đón mừng năm mới ở những nơi công cộng, các tụ điểm văn hóa. Các di tích lịch sử, văn hóa như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn... nườm nượp khách tham quan. Một số tua, tuyến du lịch đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, các nước Trung Quốc, Xin-ga-po... tăng lượng khách bởi có nhiều người muốn đón Tết ở những điểm du lịch hấp dẫn và lý thú. Trời lạnh, nhiều người chọn xe buýt là phương tiện du xuân. Ðể phục vụ người dân đi lại thuận tiện và giải tỏa hành khách nhanh nhất, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã huy động 775 xe buýt, hoạt động trên 48 tuyến với tổng số 54.772 lượt xe. Thời gian mở bến và đóng bến cũng được kéo dài hơn so với ngày thường. Riêng ngày 30 Tết (25-1), các tuyến buýt bắt đầu đón khách lúc 5 giờ, đóng bến lúc 18 giờ với tần suất 15 phút/chuyến. Ngày mồng 1 Tết (26-1), chuyến xe buýt đầu tiên xuất phát lúc 10 giờ, đóng bến lúc 20 giờ, tần suất 15 phút/chuyến. Ngày mồng 2 Tết (27-1) mở bến lúc 8 giờ, đóng bến lúc 21 giờ, tần suất từ 10 - 15 phút/chuyến. Ngoài ra, Tổng Công ty đã chỉ đạo các đơn vị thành viên bố trí 75 xe buýt trực dự phòng, sẵn sàng tham gia giải tỏa khách vào các giờ cao điểm.

Tết Kỷ Sửu, nhiều người Hà Nội vẫn miệt mài lao động, nhất là các ngành dịch vụ để mọi nhà vui xuân mới. Ðó là cán bộ, nhân viên ngành bưu chính - viễn thông, điện lực, giao thông công chính. Những công nhân của Công ty Môi trường đô thị cần mẫn làm việc suốt đêm, thu dọn, vận chuyển và xử lý hàng chục tấn rác. Tại các khu vực vui chơi giải trí, các khu vực phục vụ báo chí, truyền hình, Công ty Ðiện lực Hà Nội đặt thêm đầu máy đi-ê-den dự phòng và sẵn sàng phục vụ trong trường hợp có sự cố. Tại 16 điểm tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa đều được cấp điện bằng hai nguồn và dự phòng máy phát điện 5 kVA. Ðiện lực Hà Nội bố trí lực lượng tăng cường trực Tết từ 22 giờ ngày 24-1 (tức ngày 29 Tết) đến 22 giờ ngày 28-1 (tức mồng 3 Tết) với hơn 10.000 lượt người trực. Tuy nhiên, do thời tiết mưa, độ ẩm cao, tại một số khu vực đã xảy ra hiện tượng mất điện do quá tải vào đêm giao thừa.

Ðể người dân đón Tết yên vui, công an các quận, huyện tập trung 100% quân số, chủ động ngăn chặn các hành vi gây rối, giữ vững an ninh trật tự. Từ tháng 11-2008, rất nhiều phần việc nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh trật tự cho dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009 đã được lực lượng Công an thành phố  Hà Nội lên phương án và khẩn trương triển khai. Những ngày đầu xuân, đường phố Thủ đô vắng, trật tự, khang trang và sạch đẹp. Khách bộ hành có thể yên tâm thả bộ trên những vỉa hè để tận hưởng một mùa xuân yên bình, náo nức.

Thành phố Hồ Chí Minh tưng bừng vui Tết


Nhân dân xem triển lãm đường hoa Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh)
và thưởng thức bắn pháo hoa đêm Giao thừa.

Trong không khí dìu dịu của đất trời phương Nam, thành phố mang tên Bác vào Xuân Kỷ Sửu càng rộn ràng, náo nức với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Lễ hội bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa, lễ hội Ðường hoa Nguyễn Huệ - Tết Kỷ Sửu 2009, Hội hoa xuân năm nay... được tổ chức chu đáo, thu hút đông đảo nhân dân thành phố cũng như khách du lịch từ nhiều nơi khác đến. Ðiểm thu hút người dân Thành phố Hồ Chí Minh đến vui xuân sớm nhất là Hội hoa xuân, được tổ chức tại Công viên Tao Ðàn từ ngày 20-1, (25 tháng Chạp), trưng bày gần 5 nghìn hiện vật gồm nhiều loài kỳ hoa dị thảo, các loại cây cảnh nghệ thuật như bon sai, cảnh cổ thụ, tiểu cảnh, non bộ... Và thu hút đông đảo khách du xuân nhất chính là Ðường hoa Nguyễn Huệ, chính thức hoạt động từ tối 23-1, trưng bày hơn 100 nghìn chậu hoa các loại, được chở đến từ mọi miền đất nước. Giữ truyền thống, đường hoa năm nay tiếp tục tôn vinh nét chân quê, thôn dã, với nhiều khu vực được thiết kế, bài trí theo kiểu nông thôn: ao sen, cầu khỉ, xe thổ mộ chở hoa... gắn liền với hình ảnh, biểu tượng con trâu. Ðường hoa năm nay mang chủ đề "Vững tin" sau khi vượt qua nhiều biến động, thăng trầm của đời sống xã hội năm 2008.

Lễ hội bắn pháo hoa năm nay được tổ chức chu đáo, hoành tráng với bốn điểm bắn tầm cao và hai điểm bắn tầm thấp được bố trí rải đều trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để nhân dân ở đâu cũng có thể chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ sắc mầu giữa không trung, trong thời khắc thiêng liêng bước sang năm mới. Tối 30 Tết, trên các trục đường đổ về khu vực trung tâm thành phố là những dòng xe san sát nối đuôi nhau. Ai ai cũng hớn hở, đón chào năm mới, chờ đợi giao thừa xem bắn pháo hoa. Ði qua các đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Ðồng Khởi, Lê Duẩn là những con đường kiểu mẫu của thành phố, dễ có cảm giác thành phố đang khoác lên mình chiếc áo mới với đèn, hoa rực rỡ. Tại Bến Nhà Rồng, một trong sáu điểm bắn pháo hoa, chỉ mới hơn 22 giờ, đã đông nghẹt xe cộ và người đứng chờ xem, mặt mày hớn hở, tươi vui. Dường như ai nấy đều tạm quên những lo toan thường nhật để tận hưởng phút giây giao thừa thiêng liêng.

Bên cạnh việc  thành phố tổ chức các lễ hội vui Xuân Kỷ Sửu, các khu vui chơi giải trí tung ra nhiều chương trình, hoạt động mới để thu hút du khách. Ðầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên vẫn là những điểm thu hút đông đảo khách chơi xuân. Khu du lịch văn hóa Suối Tiên khai trương hai công trình mới là Ðại cung lạc cảnh tiên ngư và Ðại cung phụng hoàng tiên với tổng diện tích hơn 5.000 m2 và có nhiều chương trình văn hóa độc đáo như: Ngọc ngà và châu báu thần tiên hội, lễ hội lân sư rồng. Công viên văn hóa Ðầm Sen có chương trình ấn tượng "Xứ sở thiên thần", thu hút đông đảo các em thiếu nhi và nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Lĩnh vực sân khấu ca nhạc cũng sôi nổi không kém. Sân khấu Tết với hàng loạt vở mới của các sân khấu xã hội hóa như Idecaf, Phú Nhuận, Nhà hát kịch 5B, kịch Sài Gòn, Nụ cười mới... đã thu hút đông đảo công chúng yêu kịch của thành phố khi xuân về, Tết đến. Vào đêm 30 Tết, hàng chục nghìn người đã thưởng thức hai chương trình ca nhạc đặc biệt chào đón năm Kỷ Sửu. Ðó là các chương trình ca nhạc "Tết Phương Nam" ở sân khấu trên đường Lê Duẩn, mang đậm mầu sắc mùa xuân phương Nam và chương trình "Chào Xuân Kỷ Sửu" được tổ chức hoành tráng tại Công viên 23-9. Bên cạnh đó, để người dân khắp nơi trên thành phố có thể vui xuân, các đơn vị nghệ thuật như Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Nghệ thuật hát bội, Nhà hát kịch thành phố, Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố, Trung tâm Văn hóa thành phố đều tổ chức nhiều đoàn đi biểu diễn phục vụ nhân dân ở các quận, huyện ven đô, vùng sâu, vùng xa từ ngày 30 Tết và kéo dài đến hết ngày mồng 10 Tết.

Một điều đáng biểu dương là dịp Xuân Kỷ Sửu này, ngành văn hóa - thể thao và du lịch các quận, huyện đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị ở các khu dân cư, nơi công cộng. Nhiều chùa khuyên phật tử tiết kiệm, không cúng viếng phô trương, dẹp bỏ hình thức đốt vàng mã.

Song song với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí phục vụ đời sống tinh thần của người dân, thành phố đã có nhiều cố gắng chăm lo đời sống vật chất cho nhân dân, để "nhà nhà đều có Tết"; "người người đều có Tết". Nằm trong Lễ hội đón Tết Kỷ Sửu - Ðường hoa Nguyễn Huệ, "Ngày hội bánh Tét" đã được tổ chức với 10 nghìn chiếc bánh tét được trao cho các cơ sở xã hội ngoài cộng đồng, các trung tâm bảo trợ xã hội ngay trong ngày 29 Tết tại bốn địa điểm : Công viên văn hóa Ðầm Sen, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề thiếu nhi thành phố, Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa và Trung tâm giáo dục - Dạy nghề, Bảo trợ xã hội Phú Văn. Cũng nằm trong chương trình chăm lo Tết cho dân nghèo thành phố, các quận, huyện đã tặng hơn 38 nghìn trường hợp gia đình nghèo, người cao tuổi, người mất sức lao động mỗi phần quà trị giá từ 400 đến 500 nghìn đồng.

Nhìn chung, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chào đón một cái Tết Kỷ Sửu lành mạnh, vui tươi, tiết kiệm và vững tin vào tương lai.

Tết ở Ðà Nẵng thanh bình thắm đượm tình người


Các diễn viên Đoàn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) biểu diễn mừng Đảng, đón xuân.
Ảnh: Lộc Thanh

Ðà Nẵng, thành phố lớn nhất miền trung, Tây Nguyên, vừa có một Tết Nguyên đán Kỷ  Sửu 2009 vui tươi, phấn khởi, thắm đượm tình người, giàu lòng tin vào sự phát triển của đất nước.

Dường như khí sắc mùa Xuân của đất nước cũng đồng tình với nhận xét trên, nên từ trưa 29 tháng Chạp tiết trời bừng nắng nhẹ, se se lạnh, thi thoảng lất phất mưa rây... Nét mới năm nay, hoa các loại cây cảnh uốn thế giá rẻ hơn nhiều. Phần do người bán không dự liệu được thời tiết thay đổi quá nhanh; phần khác do tâm lý người mua muốn tiết kiệm trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Tết Kỷ Sửu này, người Ðà Nẵng phấn chấn, rộn rã tình Xuân và quan tâm đến nhau thiết thực hơn. Ðà Nẵng đã chú trọng đến an sinh xã hội vào dịp Tết, bằng cách chi hơn 30 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng chính sách; phát động Tháng giảm giá, kích cầu, hối thúc các doanh nghiệp bán ra; giúp đỡ tài chính cho hai công ty bình ổn giá, theo hướng vừa giữ giá, vừa kìm giá các mặt hàng tiêu dùng chủ yếu trong dịp Tết. Bởi vậy, ở Ðà Nẵng, nhà nhà đều có Tết, vui tươi, tiết kiệm, dù mức độ còn cách xa nhau... Tết này, Ðà Nẵng còn vui thêm, bởi trong những ngày giáp Tết, Ðà Nẵng nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, với các chuyến thăm chúc Tết và làm việc cùng các đồng chí lãnh đạo địa phương của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số đồng chí lãnh đạo cấp cao khác. Thêm nữa, vào dịp  Tết, công nhân ở các thành phần kinh tế dân doanh không mất việc nhiều như các đô thị lớn khác, dù mức thưởng Tết có giảm đáng kể. Hơn nữa, trước Tết, hàng trăm hộ dân chờ tái định cư mấy năm qua đã nhận đất ở mới, dựng kịp nhà đón Tết, vui Xuân. Dường như trong khó khăn kinh tế, ở Ðà Nẵng, tính cộng đồng, đoàn kết chiều sâu càng cao thêm và thật sự quan tâm nhau chu đáo hơn. Sau Giao thừa, khoảng một giờ sáng, chúng tôi còn gặp trên đường phố nhiều chiến sĩ công an, cảnh sát, thanh niên xung kích, một số anh chị em công nhân môi trường đô thị làm nhiệm vụ, giữ cho Ðà Nẵng bình yên, sạch đẹp.

Các tỉnh phía bắc đón Tết yên vui và đầm ấm

Lào Cai đón Tết Kỷ Sửu bình yên, an toàn và tiết kiệm. Ðồng chí Trịnh Quang Chinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, hơn 35.000 hộ nghèo trên địa bàn đều được nhận đủ phần tiền hỗ trợ theo quy định của Chính phủ từ trước Tết Nguyên đán. Trước Tết, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đồn biên phòng nắm bắt tình hình đời sống của nhân dân và chiến sĩ, chỉ đạo chính quyền địa phương không để người nghèo nào không có Tết. Tất cả các sở, ngành, cơ quan, đơn vị được phân công  đỡ đầu các xã thuộc diện 135 (đặc biệt khó khăn) đều ủng hộ vật chất và tinh thần giúp đồng bào vùng cao đón Tết. Tết này, hơn 30 hộ gia đình nghèo thuộc các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì..., ở các xã vùng cao biên giới, các huyện Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai  có ngôi nhà mới khang trang đón xuân, từ phong trào "Mái ấm tình thương" của Bộ đội Biên phòng Lào Cai ủng hộ.

Trong những ngày Tết, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát các tuyến quốc lộ 70 và bố trí ứng trực tại các nút giao thông quan trọng trong thành phố Lào Cai, nhờ vậy bảo đảm an toàn giao thông, giải tỏa tắc nghẽn ở cầu Cốc Lếu trong thời điểm giao thừa, do mọi người dồn lên Ðền Thượng bái vọng Quốc công Tiết chế Trần Hưng Ðạo và hái lộc đầu xuân. Số vụ và số người bị tai nạn giao thông giảm hẳn so với Tết năm trước.

Ngay trong sáng mồng 1 Tết, đã có hơn 700 du khách Trung Quốc "xông đất" Sa Pa và sau đó xuôi tàu hoả đi thăm vịnh Hạ Long. Các lực lượng liên ngành tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã tận tình tạo điều kiện nhập cảnh nhanh gọn, an toàn cho du khách. Trung tâm Du lịch lữ hành quốc tế Bình Minh cho biết, đã ký hợp đồng tua du lịch Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh cho hơn 3.000 khách Trung Quốc trong bốn ngày Tết ( từ 1 - 4 tháng Giêng).

Ngay sau khi vui Tết đón xuân, từ ngày mồng 3 Tết (28-1), nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức xuống đồng, bắt đầu sản xuất vụ xuân 2009. Các công trình thủy điện Sử Pán 2, Cốc Ly và Công ty A-pa-tít Việt Nam đã ra quân thi công các hạng mục và khai thác những tấn quặng a-pa-tít đầu tiên trong năm 2009.

Từ chiều 25-1-2009 (tức 30 Tết) các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HÐND tỉnh Hòa Bình đã đi chúc Tết các đơn vị trực Tết và nhân dân thành phố Hòa Bình. Nhiều đơn vị phân công lịch trực Tết phục vụ nhân dân đón Tết an toàn, lành mạnh, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững không để xảy ra tình trạng đốt pháo. Ðêm 30 Tết, tại Cung văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình đã tổ chức đêm văn nghệ chào mùa xuân Kỷ Sửu - năm 2009 với chủ đề Mừng Ðảng - Mừng Xuân - Mừng đất nước và quê hương đổi mới. Chương trình có sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật trong tỉnh. Mặc dù trời rét, hàng nghìn người ở thành phố Hòa Bình và các huyện lân cận đi chơi xuân và đến xem cổ vũ. Vào thời điểm giao thừa, hàng nghìn người đã tập trung tại cầu Hòa Bình, trung tâm thành phố, để xem bắn pháo hoa, cầu ước cho một năm an lành, phát triển.

Trong những ngày đầu xuân, phòng văn hóa, thể thao các huyện Lạc Sơn, Mai Châu, Ðà Bắc, Lạc Thủy... và các làng văn hóa tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống của người Mường, người Thái, người Dao như lễ hội đu vôi, ném còn, lễ hội đâm đuống, lễ hội khai hạ, tết nhảy... các lễ hội này cuốn hút hàng nghìn người tham gia.

Tết vui đến với người dân các tỉnh miền trung, Tây Nguyên


Người dân Gia Lai đón Giao thừa.

Trong đêm đón giao thừa, dù thời tiết có mưa nhưng đông đảo nhân dân thành phố Vinh vẫn tập trung tại Quảng trường Hồ Chí Minh vui chơi, xem bắn pháo hoa.

Ðược sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương cả về vật chất lẫn tinh thần, nhân dân các xã vùng cao biên giới đón Tết no đủ, phấn khởi, cùng lực lượng biên phòng bảo vệ an toàn an ninh biên giới. Ðáng chú ý bà con bản Pục, bản Méo, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong và nhiều vùng bản khác, sau trận lũ quét gần một năm nay, đã ổn định cuộc sống, đón Tết đầy đủ, phấn khởi tại khu tái định cư mới Piêng Lâng. Bà con các hộ nghèo và khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ được Nhà nước trợ cấp lương thực, tiền đón xuân vui vẻ tại nơi ở mới.

Nhiều địa phương hạn chế được tai nạn giao thông, tuy vậy nhiều người lợi dụng trong dịp Tết không chấp hành đúng luật lệ giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, chở số người quá quy định. Tình trạng đốt pháo nổ trong dịp Tết vẫn diễn ra tại một số địa phương, đặc biệt ở thành phố Vinh, nhiều phường, xã đốt pháo nổ kéo dài trong đêm giao thừa và sáng mồng 1 Tết.

Những người lao động và các hộ công nhân trong Công ty cao-su Ðác Lắc đón xuân Kỷ Sửu thật vui và đầm ấm. Bà con dân tộc thiểu số trong các nông trường có niềm vui lớn vì cuộc sống hiện nay đã ổn định và ngày càng khởi sắc, họ có điều kiện để chăm lo cho cuộc sống đầy đủ. Tết đến, xuân về, mọi gia đình công nhân người dân tộc thiểu số đều háo hức đi mua sắm đồ dùng, các loại thực phẩm; nhiều người mua hoa mai, hoa đào và các loại hoa đẹp để cái Tết thêm vui.

Hiện nay, số công nhân nhận khoán vườn cây kinh doanh và tham gia cạo mủ có mức thu nhập từ 2,8 đến 3 triệu đồng/tháng. Ðối với những lao động giỏi, chăm bón tốt vườn cây, đạt năng suất lao động cao đã có thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng. Tại Nông trường Chư Bao có hai đội sản xuất người dân tộc Ê Ðê ở Buôn Kuang và Buôn Kram đều là những đơn vị sản xuất giỏi, thường xuyên hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch về khai thác mủ, người lao động có thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng.

Vui Tết tại các tỉnh phía nam

Hòa trong không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc, những con người từng trải qua bao bất hạnh đang đón một cái Tết thật đầm ấm, hạnh phúc trong không khí của một đại gia đình. Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em mồ côi tỉnh Bình Phước Lê Xuân Nẫm (ở thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước), cho biết: Tết đến, ngoài bát canh, tấm bánh, mình cũng phải cố gắng lo cho các cụ, các cháu được manh áo mới, tổ chức bữa cơm liên hoan cuối năm, tạo không khí ấm cúng cho mọi người ở trung tâm. Tuy có nhiều khó khăn nhưng trung tâm cũng cố gắng lo Tết cho các cụ, các cháu đầy đủ.

Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em mồ côi tỉnh Bình Phước đang là mái ấm của hơn 40 con người, trong đó có 26 cụ và nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Xtiêng. Mỗi người một cảnh, họ vào đây để tìm cho mình một chỗ dựa ở tuổi xế chiều, với mong muốn có một mái ấm gia đình, một điểm tựa để vững bước vào đời. Họ sống vui vẻ, hạnh phúc cùng những cán bộ, nhân viên ở trung tâm và quên đi những nỗi bất hạnh mà mình đã trải qua. Theo Giám đốc Lê Xuân Nẫm, một năm mọi người ở Trung tâm đón tới năm cái Tết, ngoài Tết Nguyên đán, còn có Tết Dương lịch, Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi 1-6 và Ngày quốc tế người cao tuổi 1-10.

Hòa trong không khí đón giao thừa, thời khắc chuyển giao thiêng liêng, cùng nhân dân cả nước, từ khoảng 22 giờ, hàng nghìn người dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã đến tập trung tại các điểm bắn pháo hoa để cùng nhau đón chào năm mới. Năm nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức bắn pháo hoa tại bốn địa điểm, trong đó có huyện Côn Ðảo, từng là nơi giam cầm, tra tấn dã man những người yêu nước, những chiến sĩ cộng sản kiên trung, suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Tại thành phố Vũng Tàu, người dân đứng đông nghịt chung quanh khu vực Ðài Liệt sĩ, kéo dài  hàng trăm mét suốt dọc đường 3-2, Lê Hồng Phong... Họ cố tìm cho mình một vị trí thuận lợi để chiêm ngưỡng màn pháo hoa báo hiệu sự chuyển giao một chu kỳ vận động tự nhiên nhưng rất đỗi thiêng liêng này. Tiếng vỗ tay, reo hò phấn khích của hàng nghìn người vang lên ngay khi những quả pháo hoa đầu tiên được bắn lên trời. Sau màn bắn pháo hoa, mọi người tỏa ra khắp các ngả đường, đi chơi, lên chùa, hái lộc... Hòa trong không khí đón Tết náo nức, rộn ràng, không ít du khách nước ngoài tại thành phố Vũng Tàu cũng háo hức tham gia các hoạt động vui xuân với người dân địa phương.

Là một trong những điểm du lịch biển hấp dẫn và nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, như nhiều năm trước, năm nay, Bà Rịa - Vũng Tàu lại tổ chức Khai hội Văn hóa - Du lịch nhằm tạo không khí đón Tết, vui xuân ấm áp cho người dân và du khách. Ngay sáng mồng 1 Tết (ngày 26-1), tại khách sạn The Imperial  (thành phố Vũng Tàu) đã diễn ra Lễ xông đất đầu năm ngành du lịch tỉnh với chủ đề "Chúc lộc đầu xuân". Ðến dự có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng đông đảo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Ðây là hoạt động mở đầu trong chuỗi những hoạt động của sự kiện Khai hội Văn hóa - Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2009, tiếp sau  là các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc sắc khác, kéo dài trong nhiều ngày, tại hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, như: Lễ hội Lộc An; Huyền thoại những con tàu; Tưởng nhớ tiền nhân, Âm vang phố biển..., nhằm tạo dựng một nét văn hóa đặc trưng của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong hai ngày qua, toàn tỉnh Cà Mau đã có nhiều hoạt động thiết thực mừng Xuân, mừng Ðất nước, mừng Ðảng. Khắp các ngành, các địa phương trong tỉnh đã hướng các hoạt động vui xuân, đón Tết về cơ sở, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Việc làm thiết thực nhất là ngay trong dịp Tết, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh Cà Mau đã kịp thời trao tặng hơn 40 nghìn suất quà, tiền mặt và gần 300 căn nhà đại đoàn kết  cho hộ chính sách, hộ nghèo có mái ấm vui xuân, đón Tết yên vui.

Ngay trong đêm giao thừa, Cà Mau đã tổ chức chương trình văn nghệ tổng hợp; bắn pháo hoa tại thành phố Cà Mau, thu hút hơn 10 nghìn lượt người tham gia chào mừng thời khắc bước sang năm mới. Tại các khu vui chơi giải trí, khu du lịch hòn Ðá Bạc, Ðất Mũi, Khai Long... đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật bổ ích, thu hút khoảng 100 nghìn lượt người dân du xuân. Các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở người tham gia giao thông, cho nên trong hai ngày mồng 1 và 2 Tết, trên toàn địa bàn tỉnh gần như không xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ và đường thủy nghiêm trọng nào. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; bảo đảm cho người dân vui xuân đón Tết yên vui và hạnh phúc./.