Nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, ngày 23-6-1994, Quốc hội khóa IX đã thông qua Bộ luật Lao động đầu tiên của Nhà nước ta. Bộ luật lao động năm 1994 ra đời đã đánh dấu một mốc quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, nó đã kế thừa và phát triển pháp luật lao động của nước ta từ năm 1945 đến thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng, cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp năm 1992 về các quan hệ lao động.

Sau một thời gian áp dụng, nhiều quy định của Bộ luật Lao động năm 1994 không còn phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Vì vậy, ngày 02-4-2002 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên, hiện nay, khi việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi việc điều chỉnh bằng pháp luật các quan hệ về lao động phải có bước hoàn thiện mới, đặc biệt là trong các quan hệ về giải quyết tranh chấp lao động. Do đó, ngày 29 tháng 11 năm 2006 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động.

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và thực thi các quy định mới về pháp luật lao động, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Bộ luật Lao động của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1994 (sửa đổi bổ sung các năm 2002, 2006, 2007). Trong nội dung cuốn sách, để tạo điều kiện cho bạn đọc có được thông tin về quá trình phát triển của Bộ luật Lao động từ khi ban hành cho đến khi được sửa đổi, bổ sung một cách có hệ thống, nhà xuất bản đã in các văn bản sau: Bộ luật Lao động năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động năm 2007 và Văn bản hợp nhất Bộ luật Lao động qua các lần sửa đổi, bổ sung.