Kết nối và phát huy các nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh
Đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ tư ở trong nước nói chung và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, gây ra những ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng đối với hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Diễn biến đại dịch đến nay vẫn được nhận định là khó lường; trong khi đó, những ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế - xã hội nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời thì sẽ để lại hệ lụy kéo dài và dẫn đến những nguy cơ khác. Trong tình hình cấp bách như trên, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025. Một trong những nội dung trọng tâm để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố là huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
1. Bối cảnh chung dưới tác động của đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi phương diện trên phạm vi toàn cầu. Sức khỏe và tính mạng của con người bị tổn hại nghiêm trọng do dịch bệnh. Gián đoạn di chuyển là hệ quả tất yếu của các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội nhằm ứng phó với dịch bệnh; sự phục hồi các dòng di chuyển của người và hàng hóa xuyên biên giới đang diễn ra nhưng hầu như vẫn chưa trở về trạng thái trước đại dịch. Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đã dẫn đến cuộc khủng hoảng đồng thời từ phía cung và từ phía cầu, đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái và làm tổn hại sinh kế, gây ra xáo trộn đời sống xã hội trên toàn cầu; hơn nữa, hệ lụy kinh tế - xã hội có thể kéo dài.
Triển vọng phục hồi diễn ra không đồng đều trên thế giới và vẫn còn những bất trắc do diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, cùng với các yếu tố khác. Diễn biến của đại dịch sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi của thế giới, nhưng vẫn là yếu tố khó lường và chưa thể dự báo thời điểm kết thúc. Tiến triển trong tiêm chủng vắc xin còn khác biệt trên thế giới, gây trở ngại và tạo ra sự phục hồi không đồng đều. Quá trình phục hồi của thế giới có thể còn chịu thách thức bởi những biến động liên quan đến thị trường tài chính, nợ công, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu v.v.; cùng với những bất trắc xuất phát từ bất ổn xã hội, bất ổn địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới và từ cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.
Đối với nước ta, hầu hết các phương diện kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 xuất hiện, đặc biệt là trong năm 2021. Số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tăng cao trong đợt bùng phát lần thứ tư ở trong nước[1]. Trong bốn đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 ở trong nước từ năm trước đến nay, ảnh hưởng tiêu cực của đợt thứ tư được nhận định là bộc lộ rõ nét và nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế và đời sống xã hội. Điều này được phản ánh qua các chỉ số kinh tế - xã hội năm 2021[2]. Trước tình hình đó, việc xây dựng và ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, cùng với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh là cấp thiết.
2. Thực trạng và các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Trong diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ tư ở trong nước, hoạt động kinh tế và đời sống xã hội trên địa bàn Thành phố chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Sức khỏe và tính mạng của một bộ phận người dân bị tổn hại[3]. Hoạt động của nền kinh tế và đời sống xã hội trên địa bàn Thành phố và kết nối giữa Thành phố với bên ngoài bị gián đoạn khi áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch. Hầu hết các ngành kinh tế và các động lực tăng trưởng kinh tế rơi vào suy giảm[4]. Tình hình rời khỏi thị trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trở nên trầm trọng hơn, trong khi gia nhập mới không đủ thay thế, dẫn đến việc làm và thu nhập của người lao động bị suy giảm. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân bị tác động tiêu cực, trong đó nổi lên thực trạng vô cùng khó khăn của người nghèo, người lao động nhập cư.
Các chính sách hỗ trợ được triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố, nhưng nhìn chung chỉ có thể đáp ứng một phần so với yêu cầu thực tế trước mắt và chưa đảm bảo cho sự phục hồi và phát triển sau tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Thành phố chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp và phát triển các mô hình giải pháp về chăm lo an sinh xã hội nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia, bên cạnh các chính sách hỗ trợ được ban hành ở cấp quốc gia và triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố. Các chính sách hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hỗ trợ cho người lao động, cũng như chăm lo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố đã được triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực[5].
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thành phố tiến hành xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các quan điểm cơ bản như sau:
(1) Thành phố nỗ lực, phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI;
(2) Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng mô hình chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, thu hút khu vực dân doanh và đồng hành cùng doanh nghiệp;
(3) Tuân thủ Chiến lược tổng thể quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và quy định chi tiết công tác phòng, chống dịch phù hợp thực tiễn tại thành phố;
(4) Hướng đến phát triển bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường; bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế; đồng thời, chú trọng vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu; thích ứng an toàn với dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác;
(5) Tận dụng tối đa mọi nguồn lực để cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế số; chú trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố;
(6) Các chính sách hỗ trợ phải xác định mục tiêu, đối tượng cụ thể và phải đảm bảo về quy mô để tạo ra tác động trong tầm nhìn dài hạn, với những thay đổi về chất trong các hoạt động tái cấu trúc toàn bộ kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh;
(7) Phục hồi kinh tế thành phố theo giai đoạn, trước hết tập trung cho phục hồi hoạt động sản xuất, ổn định đời sống của người dân; tiếp đến, chuyển những vấn đề được nhận diện thực chất qua đại dịch COVID-19 thành các động lực thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và toàn diện kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh;
(8) Các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh gắn kết vai trò, vị trí của thành phố với liên kết vùng, đặt trong tổng thể chung của cả nước, góp phần tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Từ đó, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 giai đoạn.
- Giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2022 gồm các giải pháp cấp bách nhằm khắc phục các hệ lụy, khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; hỗ trợ những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và từng bước khôi phục các hoạt động trong đời sống xã hội theo nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
- Giai đoạn 2 từ năm 2023 đến năm 2025 gồm các giải pháp trọng tâm như: (1) Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; (2) Tập trung nguồn lực từ vốn đầu tư công cho hệ thống cơ sở hạ tầng và các đề án ưu tiên triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ Thành phố lần thứ XI; (3) Nâng cao chất lượng của nền kinh tế, trong đó, tập trung các ngành kinh tế hướng đến đổi mới sáng tạo và các phân khúc tạo giá trị gia tăng cao; phát huy hiệu quả hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất hiện hữu và theo quy hoạch trong giai đoạn tới theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giảm thâm dụng lao động; (4) Chỉnh trang và phát triển đô thị; thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (5) Phát triển dịch vụ y tế thông minh, giáo dục thông minh; tiếp tục củng cố hệ thống y tế; (6) Liên kết vùng với sự tập trung vào hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa giữa Thành phố với các địa phương, nghiên cứu đề xuất cơ chế phối hợp chung trên các lĩnh vực như quy hoạch, phát triển vùng đô thị, kết nối cung - cầu lao động và bảo vệ môi trường; (7) Nâng tầm quốc tế đối với hình ảnh của thành phố; hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.
3. Các nguồn lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh
Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội là quan điểm được Thành phố Hồ Chí Minh quán triệt và nhất quán trong triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 26-4-2021 về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với từng nguồn lực và phân công các sở, ban, ngành; thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện.
Để triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025, các nguồn lực được dự kiến như sau:
(1) Nguồn lực tài chính từ các cơ chế, chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các giải pháp hỗ trợ cụ thể được Chính phủ ban hành trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước;
(2) Nguồn lực từ vốn đầu tư công và dự kiến kiến nghị Chính phủ tăng cường bố trí vốn cho các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, có tính chất thúc đẩy các động lực tăng trưởng, kết nối liên kết vùng theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của Thành phố Hồ Chí Minh;
(3) Nguồn lực từ điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách nhà nước cho Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2022 và dự kiến kiến nghị Quốc hội tiếp tục cho phép giữ tỷ lệ như năm 2022 (21%) hoặc tăng tỷ lệ điều tiết trong giai đoạn 2023 - 2025 (23%);
(4) Nguồn lực từ thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách nhà nước v.v. có thời hạn đến năm 2022 và dự kiến kiến nghị kéo dài thời hạn hoặc đề xuất cơ chế, chính sách mới;
(5) Huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội thông qua các hình thức xã hội hóa, đối tác công - tư… và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút kiều hối v.v. nhằm xúc tiến đầu tư sản xuất, kinh doanh; cũng như tạo điều kiện thuận lợi các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia hoạt động chăm lo an sinh xã hội và phát huy các mô hình hiệu quả trong thời gian qua; từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Một trong các yếu tố quan trọng để có thể huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh là tăng cường tính kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho các nguồn lực phát huy tác dụng. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm về nhiều mặt của cả nước và có hoạt động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; vì vậy, là nơi hội tụ các nguồn lực và cũng là nơi mà các nguồn lực có khả năng phát huy hiệu quả đáng kể. Kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương ở trong nước và quốc tế tiếp tục được chú trọng thông qua các hoạt động đối ngoại và xúc tiến thương mại, đầu tư. Các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện có thể góp phần quan trọng vào tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của nền kinh tế và đời sống xã hội. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025, các hoạt động liên kết vùng[6], hội nhập quốc tế[7] và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuộc các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của thành phố [8].
Để có thể tiếp tục kết nối và khơi gợi các nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, một số giải pháp chủ yếu đối với từng nguồn lực của Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm:
(1) Đối với nguồn nhân lực: (i) Cần nâng cao nhân thức, quản lý khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh; (ii) Đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý, sử dụng, đánh giá và đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực công; (iii) Tập trung phát triển thị trường lao động; (iv) Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong 08 ngành: Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - Tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị.
(2) Đối với nguồn vật lực: khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội; trong đó tập trung rà soát các dự án treo, thu hồi, đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đặc biệt tập trung xử lý các dự án còn dở dang, chậm tiến độ thông qua phát huy hiệu quả các tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo từng lĩnh vực, dự án cụ thể, phân công phân nhiệm rõ ràng cụ thể cho từng thành viên.
(3) Đối với nguồn tài lực: triển khai hiệu quả các nguồn tài lực trực tiếp để phát triển nguồn thu ngân sách nhà nước, thu tiền sử dụng đất, thuê đất đúng chế độ quy định; tiết giảm chi ngân sách nhà nước, tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Đồng thời đối với các nguồn tài lực gián tiếp, ứng dụng triển khai thí điểm công cụ tái điều chỉnh đất đai, xây dựng chính sách thí điểm khoản thu mới làm tăng giá trị gia tăng từ đất theo tinh thần Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn dưới tác động của đại dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và chủ động xây dựng các giải pháp cấp bách phục hồi, hướng đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn. Thành phố cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của trung ương và các tỉnh, thành phố ở trong nước cũng như các đối tác quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài. Các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai thực hiện trong thời gian tới sẽ càng có ý nghĩa, càng phát huy tác dụng tích cực khi có sự hợp tác với các địa phương ở trong nước cũng như hợp tác quốc tế; tạo sự lan tỏa hiệu quả từ huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm đóng góp vào nỗ lực phát triển chung của cả nước./.
-------------------------
[1] Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, thế giới ghi nhận 283.175.979 ca nhiễm, trong đó có 251.795.870 ca hồi phục và 5.430.520 ca tử vong. Riêng Việt Nam ghi nhận: 1.680.985 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 1.264.282 ca hồi phục và 31.632 ca tử vong. (Số liệu cập nhật lúc 2:19 GMT ngày 29-12-2021 theo https://www.worldometers.info/coronavirus/)
[2] GDP của cả nước năm 2021 tăng trưởng 2,58%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 đạt gần 160 ngàn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm 2020; 119,8 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8%, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ. Tính chung năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 3,22%, của thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) là 8,48%. (Số liệu theo Tổng Cục thống kê)
[3] Thành phố ghi nhận 501.288 ca nhiễm, 19.628 ca tử vong kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tính từ ngày 27-4 đến nay. (Số liệu cập nhật lúc 10:00 ngày 29-12-2021)
[4] GRDP năm 2021 của Thành phố ước tính giảm 6,78%; trong đó, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm -13,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm -12,96%, khu vực dịch vụ giảm -5,50%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm -0,43%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 giảm 22% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 giảm -21,9% so với năm trước, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước năm 2021 giảm -1% so với năm trước (riêng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu Thành phố năm 2021 tăng 0,1% so với năm trước). (Số liệu theo Cục Thống kê Thành phố)
[5] Thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết của Chính phủ và Hội đồng nhân dân Thành phố, đến nay đã chi trên 12.047 tỉ đồng. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp và phải thực hiện giãn cách xã hội, Trung tâm An sinh Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hỗ trợ trên 2,1 triệu túi an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỉ đồng. Nhiều mô hình sáng tạo chăm lo an sinh xã hội tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức của nhân dân được nhân rộng, như: ATM gạo, ATM - Oxy, “Gian hàng 0 đồng”, “Siêu thị mini 0 đồng”, “Chợ nghĩa tình - Nghĩa tình tuổi trẻ”, “Tặng sách, cùng chung tay chống dịch”, “Bếp yêu thương", “Rau sạch nghĩa tình - San sẻ yêu thương”… đã lan tỏa trong cộng đồng dân cư, thể hiện tính nhân văn, nghĩa tình của người dân Thành phố. (Số liệu theo Dự thảo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022)
[6] Về liên kết vùng, Thành phố Hồ Chí Minh xác định phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; đề xuất cơ chế điều phối, hợp tác Vùng hiệu quả trên nguyên tắc nhận diện đúng lợi thế cạnh tranh từng địa phương, các địa phương cùng chia sẻ lợi ích và hợp tác giữa các địa phương tạo ra lợi thế mới cho các bên. Ngoài ra, Thành phố tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai các dự án hệ thống hạ tầng giao thông có tính chất kết nối liên vùng; qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kết nối và phát huy hiệu quả của các nguồn lực.
[7] Thành phố xác định việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới; cụ thể là, tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao chính quyền, đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của thành phố. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; cụ thể hóa và làm sâu sắc mối quan hệ với các đối tác; huy động tối đa nguồn lực bên ngoài, tranh thủ cơ hội từ xu hướng phục hồi nhanh của các nền kinh tế lớn. Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục thực hiện Đề án thúc đẩy quan hệ với các địa phương trọng điểm thuộc các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần huy động các nguồn lực phục vụ thực hiện thành công các chương trình, đề án phát triển thành phố.
[8] Thành phố xác định chủ đề năm 2022 là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.” Trước đó, chủ đề năm 2021 cũng có liên quan đến xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với những giải pháp thiết thực, cụ thể và lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân và góp phần phục vụ cho các giải pháp chuyển đổi số. Các hoạt động xúc tiến hỗ trợ liên kết doanh nghiệp cũng tiếp tục được tăng cường, thúc đẩy các hoạt động liên kết trong sản xuất, kinh doanh.
Dịch bệnh COVID-19 và chính sách tài khóa của Việt Nam  (27/05/2022)
Tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam và một số giải pháp ứng phó  (27/05/2022)
Phát triển kinh tế số: động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19  (27/05/2022)
Để nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sớm phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19  (25/05/2022)
Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới  (24/05/2022)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay