TCCS - Kinh tế xanh hay kinh tế sạch là nền kinh tế hướng tới sự hòa hợp giữa kinh tế và môi trường sinh thái. Chiến lược tăng trưởng cơ bản của nền kinh tế xanh là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch, nhanh chóng đạt được mức tăng trưởng bền vững. Trong khi đó, tài chính xanh là một phương thức quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề khá mới nên việc nâng cao nhận thức về tài chính xanh cho phát triển bền vững, xác định những cơ hội và thách thức trong quá trình áp dụng tại Việt Nam là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Một dự án đầu tư điện gió tạo năng lượng sạch của Ngân hàng Đầu tư xanh (Green Investment Bank-GIB) của Anh_theguardian.com

Vai trò của hệ thống tài chính xanh

Chiến lược tăng trưởng xanh theo quan điểm của Chính phủ Việt Nam là thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đổi mới công nghệ, công cụ kinh tế, từ đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Như vậy, tăng trưởng xanh về cơ bản đồng nghĩa với tăng trưởng bền vững, hay có thể hiểu là sự phát triển có thể đáp ứng về mọi mặt những nhu cầu trong hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đây là nhiệm vụ hướng tới của nhiều quốc gia và mỗi quốc gia căn cứ vào đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa của mình để xây dựng những chiến lược phù hợp.

Mô hình kinh tế xanh hay mô hình tăng trưởng xanh là mô hình phát triển không chỉ nâng cao chất lượng của tăng trưởng, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững và cải thiện đời sống nhân dân, mà còn giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nền kinh tế xanh là nền kinh tế sử dụng tài nguyên có hiệu quả cao, có mức phát thải thấp và hướng tới công bằng xã hội.

Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, các quốc gia cần phải thực hiện một số biện pháp cơ bản sau đây: Đầu tư thận trọng vào vốn tài nguyên; tạo việc làm và bảo đảm công bằng xã hội; thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và công nghệ ít các-bon; khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn; phát triển đô thị bền vững và giao thông ít các-bon; thiết lập cơ chế tài chính, tài khóa cũng như xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ phù hợp cho các hoạt động nói trên.

Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế xanh của các quốc gia cho thấy vai trò quan trọng của việc sử dụng các nguồn vốn huy động được từ hệ thống tài chính xanh nhằm mục tiêu xanh hóa nền kinh tế. Các quốc gia chỉ có thể được coi là chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng kinh tế khi có thể sử dụng hiệu quả nguồn vốn xanh huy động được để đưa ra kết quả, cụ thể là xây dựng được một nền kinh tế xanh bảo đảm phát triển bền vững. Ngân hàng xanh có vai trò là tổ chức tham gia tích cực trong quá trình huy động nguồn vốn xanh phục vụ cho hệ thống tài chính xanh.

Để có thể xác định tác động lan tỏa của hệ thống ngân hàng thông qua kênh dẫn vốn đến nền kinh tế xanh, mô hình bảng cân đối liên ngành (I-O) được dùng để chỉ ra tác động của các ngành sản xuất xanh và tác động tích cực đến môi trường và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xanh. Thông qua bảng cân đối liên ngành I-O, có thể thấy cơ cấu kinh tế xanh và các kịch bản khác nhau để đạt được cơ cấu đó, đồng thời chỉ ra cơ cấu dịch chuyển đầu tư xanh, trong đó có tài trợ của hệ thống ngân hàng cho cơ cấu kinh tế xanh. Kết quả nghiên cứu cho phép kết luận các ngân hàng cấp tín dụng nên điều chỉnh các khoản đầu tư dựa trên nền kinh tế thực. Điều đó có nghĩa, khi các nguồn tài chính tín dụng ngân hàng cho khu vực I (nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) tăng lên thì mức độ lan tỏa tới nền kinh tế cao nhưng mức độ lan tỏa tới xuất khẩu và năng lượng thấp, còn nếu giảm tài trợ tín dụng cho khu vực 2 (công nghiệp, xây dựng) thì mức độ lan tỏa tới nền kinh tế thấp nhưng mức độ lan tỏa tới xuất khẩu và năng lượng cao, sẽ làm cho nền kinh tế trở nên xanh hơn. Đây chính là minh chứng cho vai trò của hệ thống tài chính xanh trong việc điều chỉnh nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.

Hệ thống tài chính xanh bao hàm những hoạt động liên quan tới huy động nguồn tài chính xanh để sử dụng trong các hoạt động đầu tư xanh thông qua kênh thị trường tài chính xanh và các trung gian tài chính xanh. Vai trò của chính phủ trong phát triển hệ thống tài chính xanh không có gì khác là tạo điều kiện để các hoạt động của hệ thống diễn ra trôi chảy, thông suốt và hiệu quả.

Kinh nghiệm của một số nước về hình thành và phát triển hệ thống tài chính xanh

Kinh nghiệm phát triển hệ thống tài chính xanh trên thế giới được chia thành 2 nhóm chính là nhóm phát triển hệ thống tài chính xanh lấy chính phủ, định chế tài chính lớn làm trọng tâm và nhóm phát triển hệ thống tài chính xanh lấy tổ chức tài chính vi mô làm trọng tâm.

Phát triển hệ thống tài chính xanh lấy chính phủ, định chế tài chính lớn làm trọng tâm

Phát triển hệ thống tài chính xanh lấy chính phủ và các định chế tài chính lớn làm trọng tâm để lan tỏa xu hướng phát triển xanh và hỗ trợ nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế xanh đối với các tổ chức kinh tế của mỗi quốc gia. Một trong những nước thành công trong cách tiếp cận này là Mỹ. Tại Mỹ, ngân hàng xanh và hoạt động ngân hàng xanh dưới sự hỗ trợ của Chính phủ trong các vấn đề liên quan đến khung khổ pháp lý có tính chất quyết định tới sự phát triển hệ thống tài chính xanh. Luật Ngân hàng xanh đã chính thức ra đời và được Nghị viện Mỹ thông qua vào năm 2005.

Cùng quan điểm tiếp cận phát triển hệ thống tài chính xanh của Mỹ, tại Anh, Ngân hàng Đầu tư xanh (Green Investment Bank-GIB) đã thể hiện vai trò trong hoàn thiện khung chính sách và có những hỗ trợ tài chính cần thiết để giải quyết những thất bại của thị trường tự do, lo ngại rủi ro, chi phí giao dịch cao và thiếu vốn. Sự can thiệp của GIB giúp cho việc huy động các nguồn vốn từ thị trường vốn chủ sở hữu và thị trường nợ, tạo điều kiện cho việc định giá rủi ro trên thị trường tài chính thông qua việc nâng cao tính minh bạch và khơi thông dòng đầu tư vào những dự án phát triển bền vững.

Báo cáo về tài chính xanh của Ủy ban kiểm tra môi trường thuộc Quốc hội Anh năm 2014 đã đánh giá tiến trình thực hiện chiến lược chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh của Anh để rút ra những điều chỉnh cần thiết. Cùng với việc tài trợ xanh thì các sáng kiến của Chính phủ Anh cũng hướng tới việc tháo gỡ những rào cản đối với đầu tư xanh thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ quản trị rủi ro, phát triển kỹ năng và kinh nghiệm trong các dự án xanh. Trong phần khuyến nghị, báo cáo nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong xây dựng một chiến lược tổng thể để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi nhanh và hiệu quả hơn.

Tại châu Á, Hàn Quốc cũng đã chứng minh hướng tiếp cận này là đúng đắn, từ đó, đẩy mạnh tín dụng xanh trong hệ thống tài chính xanh. Chính phủ Hàn Quốc lập ra một tổ chức bảo lãnh tín dụng phi lợi nhuận gọi là Tổng Công ty Công nghệ Tài chính (KOTEC). Tổ chức này hoạt động như một quỹ bảo lãnh tín dụng, giải quyết các vấn đề thiếu hụt nguồn tài chính do hạn chế về tài sản bảo đảm của các doanh nghiệp khi vay vốn tại ngân hàng thương mại. Đặc biệt hơn, KOTEC là tổ chức tài chính duy nhất được đánh giá và cấp giấy phép xanh cho các doanh nghiệp. Mỗi công ty nhận được giấy phép xanh có thể áp dụng mức bảo lãnh lên đến 7 tỷ Won.

Nam Phi là một trong những quốc gia tiêu dùng nguyên liệu hóa thạch nhiều nhất trên thế giới. Chính phủ Nam Phi đã cam kết thực thi những thay đổi căn bản trong cấu trúc nền kinh tế, theo đó ưu tiên những mục tiêu của nền kinh tế xanh trong các chính sách quốc gia.

Để thực hiện những mục tiêu xanh hóa nền kinh tế trong Chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ Nam Phi đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng trong việc giảm bớt tỷ lệ các-bon trong hoạt động sản xuất, như giảm lượng phát thải 34% vào năm 2020 và 42% vào năm 2025. Trong Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững và Bản Kế hoạch hành động, Chính phủ Nam Phi đã xác định 5 ưu tiên chiến lược là tăng cường các hệ thống kết hợp lập kế hoạch với triển khai thực hiện; bảo tồn hệ sinh thái quốc gia và sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả; chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh; xây dựng cộng đồng phát triển bền vững; thực hiện ứng phó một cách hiệu quả với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Chính phủ Nam Phi đã phát triển một loạt các sáng kiến về quản trị xanh nhằm thiết lập các quy định mang tính nguyên tắc, baogồm: yêu cầu các quỹ hưu trí phải xem xét các rủi ro về môi trường - xã hội - quản trị (ESG) như là một phần trong quá trình xem xét đầu tư (Quy định 28); Bộ Quy tắc hướng dẫn đầu tư có trách nhiệm cho các ngành công nghiệp tại Nam Phi (CRISA); quy định yêu cầu các công ty niêm yết cung cấp các báo cáo tổng hợp về hiệu quả cũng như rủi ro xã hội và môi trường.

Phát triển hệ thống tài chính xanh lấy tổ chức vi mô làm trọng tâm

Bên cạnh phát triển hệ thống tài chính xanh lấy chính phủ và các định chế tài chính lớn là trung tâm lan tỏa sự phát triển của cả hệ thống, một số quốc gia khác thực hiện thúc đẩy hệ thống tài chính xanh thông qua các tổ chức vi mô. Để các công ty, tổ chức tại Ru-ma-ni tiếp cận được đầu tư xanh, các nhà nghiên cứu tại đây đã kiến nghị đưa ra mô hình đầu tư xanh trên cơ sở xem xét 8 động lực có liên quan đến bền vững, đó là năng lượng thấp, công nghệ thông minh, kiến thức và đổi mới, cạnh tranh thị trường, các tòa nhà xanh, tài chính xanh, văn hóa xanh và các quy định mới của Chính phủ. Trong đó, nhấn mạnh tới ý nghĩa của cách tiếp cận các khía cạnh của đầu tư xanh. Tuy nhiên các công ty, các tổ chức muốn tiếp cận, phát triển đầu tư xanh thì phải bảo đảm các khía cạnh về môi trường và trách nhiệm xã hội, từ đó mới phát triển bền vững.

Không giống như Ru-ma-ni, Băng-la-đét là một trong những nước kém phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề của ô nhiễm môi trường. Ngân hàng xanh (GB) là một phần của sáng kiến ​​toàn cầu của một nhóm các bên liên quan để bảo vệ khí hậu, môi trường tại quốc gia này. Ngân hàng xanh đặc biệt chú trọng đến các yếu tố xã hội, sinh thái và môi trường nhằm bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên. Các ngân hàng đã được yêu cầu tự xây dựng các chính sách ngân hàng xanh của riêng họ.

Tại Ấn Độ, Viện Nghiên cứu, Phát triển và Công nghệ ngân hàng (IDRBT) do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) thành lập đã đưa ra các hướng dẫn cho các ngân hàng để thực hiện các chiến lược để cải thiện môi trường. IDRBT đề xuất hướng dẫn tiêu chuẩn xếp hạng theo tiêu chí ngân hàng hiệu quả xanh. IDRBT đã đặt ra thuật ngữ tiêu chuẩn xếp hạng xanh là "Green Coin Rating - xếp hạng đồng tiền xanh". Xếp hạng đồng tiền xanh sẽ được xếp như xếp hạng sao năng lượng cho các thiết bị gia dụng. Các ngân hàng sẽ được đánh giá dựa trên tỷ lệ phát thải các-bon trong hoạt động của họ, số lượng tái sử dụng, khái niệm tân trang và tái chế đang được sử dụng trong các đồ dùng trong tòa nhà và trong các hệ thống được sử dụng bởi chúng, như máy tính, máy chủ, mạng, máy in,... Các ngân hàng này cũng sẽ được đánh giá dựa trên số lượng các dự án xanh được các ngân hàng này tài trợ, số tiền thưởng và sự chấp nhận của các ngân hàng sẵn sàng trả cho việc chuyển đổi sang kinh doanh xanh.

Những gợi ý cho Việt Nam nhằm phát triển hệ thống tài chính xanh

Việt Nam ngày càng chú trọng đầu tư tài chính cho phát triển nền kinh tế xanh (Trong ảnh: Hệ thống pin nhà máy điện mặt trời trên hồ thuỷ điện Đa Mi, tỉnh Bình Thuận, công suất 47,5 MWp)_Ảnh: TTXVN

Việc xanh hóa hệ thống tài chính được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm nhằm khắc phục và hạn chế những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế tới môi trường, cải thiện môi trường thông qua xanh hóa nền kinh tế. Mặc dù đây là một lĩnh vực mới song nhận thấy vai trò quan trọng của phát triển hệ thống tài chính xanh, Việt Nam bước đầu hướng tới sự phát triển của hệ thống tài chính xanh nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Để thực hiện được những mục tiêu tăng trưởng xanh của nền kinh tế xanh thì vai trò dẫn dắt của chính phủ kiến tạo sẽ thể hiện ở những khía cạnh sau đây:

Chính phủ xây dựng chiến lược, tạo dựng thị trường và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xanh

Chính phủ thực hiện tạo dựng thị trường, để thị trường hoạt động hiệu quả bằng việc tạo ra hành lang pháp lý công bằng và có hiệu lực. Cụ thể là, Chính phủ xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, tạo khung pháp lý cho các quan hệ kinh tế - xã hội, cho phép các chủ thể thuộc chính quyền, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức đào tạo trong phạm vi quyền hạn của mình sẵn sàng tạo lập một môi trường khuyến khích hoặc có khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ tài chính cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi chuyển đổi từ nền kinh tế "nâu" truyền thống sang nền kinh tế "xanh".

Chính phủ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành phần, khu vực kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế, kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế, chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế, chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh.

Chính phủ dự báo, chia sẻ và hướng dẫn trong phát triển kinh tế xanh

Chính phủ cần có khả năng dự báo thể hiện trong quá trình hoạch định chính sách với tầm nhìn hệ thống để có thể phát hiện các khả năng có thể điều hòa, cân đối những yêu cầu khác nhau về nguồn lực. Chính phủ cần xây dựng những chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế, phí, cho vay tài chính phù hợp cho khu vực doanh nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, việc làm xanh để tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Tuy nhiên, xuất phát từ việc chia sẻ và hướng dẫn, Chính phủ sẽ nắm rõ những hoạt động của doanh nghiệp và những tác hại mà hoạt động đó có thể ảnh hưởng tới môi trường. Vì vậy, Chính phủ phải xác định được những chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường.

Một khía cạnh khác của nhiệm vụ chia sẻ và hướng dẫn của Chính phủ thể hiện trong việc thực hiện các biện pháp nhằm hỗ trợ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng thông qua việc thay đổi thói quen tiêu dùng.

Chính phủ mang tinh thần doanh nghiệp trong khuyến khích phát triển kinh tế xanh

Chính phủ mang tinh thần doanh nghiệp trong hoạt động quản lý của mình nói chung và trong việc khuyến khích phát triển kinh tế xanh nói riêng. Theo đó, Chính phủ sử dụng các công cụ, lợi thế để tổ chức thị trường theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân phát triển.

Thực tế cho thấy, việc thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư vào các dự án xanh gặp nhiều cản trở do mức độ hấp dẫn của những dự án đó đối với các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế chưa cao. Do vậy, Chính phủ cần giải quyết sự mâu thuẫn trong mục tiêu này thông qua việc triển khai các sáng kiến để gia tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư xanh tại Việt Nam.

Hệ thống tài chính xanh bao hàm những hoạt động liên quan tới huy động nguồn tài chính xanh để sử dụng trong các hoạt động đầu tư xanh thông qua kênh thị trường tài chính xanh và các trung gian tài chính xanh. Vai trò của Chính phủ trong phát triển hệ thống tài chính xanh chính là vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện để các hoạt động của hệ thống diễn ra trôi chảy, thông suốt và hiệu quả. Có như vậy, hệ thống tài chính xanh mới thể hiện được vai trò nòng cốt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xanh, hướng tới tăng trưởng bền vững ở Việt Nam./.