Cách mạng Tháng Mười Nga với cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
TCCSĐT - Cách đây tròn 100 năm, trong lúc xã hội Việt Nam đang khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi. Sự kiện vĩ đại ấy không chỉ “làm rung chuyển” cả thế giới đương đại mà còn tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam từ đó về sau.
Tác động của Cách mạng Tháng Mười Nga với cách mạng Việt Nam
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Từ đó trở đi, các phong trào chống Pháp, giành độc lập dân tộc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước đã liên tiếp nổ ra nhưng đều thất bại, vì không có đường lối đúng. Trong bối cảnh lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xuất hiện. Trước cảnh nước mất nhà tan, cũng như bao người Việt Nam yêu nước thời đó, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước. Người quyết định sang Pháp, hướng về các nước phương Tây để trước hết là tìm hiểu cho rõ những gì đang ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”; xem vì sao các nước phương Tây lại trở nên phú cường, rồi sau đó sẽ trở về giúp đồng bào.
Ngày 05-6-1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Việt Nam Nguyễn Tất Thành với hai bàn tay trắng đã lên tàu La-tu-sơ Tơ-rê-vin rời Tổ quốc thân yêu, vượt trùng dương đi tìm chân lý cách mạng. Cuộc hành trình trong 6 năm từ Á sang Âu, Phi, Mỹ rồi lại trở về châu Âu năm 1917 giúp Nguyễn Ái Quốc nhận thức và khám phá nhiều điều mới mẻ. Khảo sát các cuộc cách mạng ở Pháp, Anh, Mỹ, Người cho rằng, đó là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng chưa đến nơi. Nó đã phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người. Cách mạng tư sản đã xây dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến. Nhưng cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Người đi đến kết luận, chúng ta đã đổ xương máu để làm cách mạng, thì nên làm đến nơi, nghĩa là làm sao cho cách mạng rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc.
Khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi (ngày 07-11-1917), dù chưa biết nhiều về cuộc cách mạng ấy, nhưng “về cảm tính” Nguyễn Ái Quốc thấy mình “có mối tình đoàn kết với cách mạng Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy”. Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô trực tiếp nghiên cứu Cách mạng Tháng Mười, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Xô-viết. Được tận mắt chứng kiến những thành tựu vĩ đại do Cách mạng Tháng Mười mang lại trên quê hương Xô-viết, Người rút ra kết luận: Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mạng Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mạng để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới. Bởi vậy, muốn cách mạng thành công thì phải đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga.
Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc làm tất cả những gì có thể để truyền bá lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa Mác - Lê-nin và những điều kiện cần thiết cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Sản phẩm của quá trình chuẩn bị đó chính là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, thể hiện sự kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước, mở ra thời đại mới cho cách mạng Việt Nam.
Xác định đúng đường lối chiến lược giải phóng dân tộc trong bối cảnh lịch sử phức tạp thời đó đã là khó, làm thế nào để đưa tư tưởng của đường lối vào thực tiễn, biến mục tiêu lý tưởng thành hiện thực lại càng khó hơn. Thực tế lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của Đảng và nhân dân ta thời kỳ 1930 - 1975 không phải lúc nào cũng bằng phẳng, trơn tru, chỉ có thuận lợi và thành công; trái lại đó là sự nghiệp đầy cam go, thử thách, thậm chí có cả những thời điểm phong trào cách mạng bị địch khủng bố và tàn sát dã man, tình cảnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, vận mệnh của Đảng và dân tộc rơi vào tình thế hiểm nghèo tưởng chừng như không thể vượt qua. Chính ở những thời điểm đầy cam go, thử thách ấy, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga đã rọi chiếu, thức tỉnh, trở thành nguồn cổ vũ lớn lao để Đảng và nhân dân ta vững bước tiến lên, vượt qua mọi gian lao thử thách, giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Sẽ là không đầy đủ nếu đề cập đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, bảo vệ và thống nhất Tổ quốc mà lại không nhắc đến giá trị của những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng, thể hiện thành công ở Việt Nam. Đó là bài học về chuẩn bị lực lượng cách mạng, liên minh công nông; bài học về khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng; bài học về tạo và chớp thời cơ; về xây dựng Đảng và chăm lo củng cố chính quyền cách mạng…
Tiếp thêm sức mạnh cho sự nghiệp đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
Hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cũng giống như tình cảnh nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười, trong khi chúng ta đang rất cần một môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước, hàn gắn vết thương nghiêm trọng do hai cuộc chiến tranh tàn khốc và kéo dài gây ra thì chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lại ra sức chống phá hòng thủ tiêu thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta phải tốn bao công sức và xương máu mới giành được. Bắt đầu từ việc Mỹ và các nước phương Tây thực hiện bao vây, cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị đối với Việt Nam, đến cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam rồi biên giới phía Bắc… Những khó khăn do khách quan mang lại, cùng với những sai lầm chủ quan trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước đã làm cho tình hình kinh tế - xã hội của nước ta lâm vào khủng hoảng, bắt đầu từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX và kéo dài trong nhiều năm sau. Thực tế buộc chúng ta phải đổi mới. Nhưng đổi mới thế nào để vừa sửa chữa được những sai lầm, khuyết điểm, vừa bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trụ vững và phát triển? Vấn đề càng trở nên phức tạp khi mà công cuộc đổi mới do Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) vừa phát động chưa được bao lâu thì những chấn động dữ dội của thời cuộc lại xảy ra. Bắt đầu là sự khủng hoảng và sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu, rồi Liên Xô - thành trì của cách mạng thế giới, quê hương của Cách mạng Tháng Mười - cũng tan vỡ, trật tự thế giới bị đảo lộn… Sự thật phũ phàng đó làm nảy sinh và xuất hiện không ít tư tưởng hoài nghi, ngộ nhận về con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Có người vốn đã vào sinh ra tử, cống hiến gần trọn cuộc đời cho lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân nay lại hoang mang, dao động, chạy sang hàng ngũ kẻ thù, tiếp tay cho các thế lực thù địch chống Đảng, chống chế độ.
Trong bối cảnh hết sức phức tạp ấy, ước vọng về một xã hội do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; con người được giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân,… được sản sinh từ lý luận Mác - Lê-nin, được hiện thực hóa trên đất nước Xô-viết sau Cách mạng Tháng Mười lại tiếp thêm sức mạnh, trở thành nguồn cổ vũ lớn lao để Đảng và nhân dân ta tiếp tục sự nghiệp đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đổi mới nhưng không thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Đây chính là điểm khác nhau cơ bản giữa đổi mới ở Việt Nam với nhiều nước xã hội chủ nghĩa cùng thời. Không dừng lại ở đó, để tháo gỡ những khó khăn, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiếp tục phát triển theo mục tiêu, con đường đã chọn; Đảng Cộng sản Việt Nam còn dựa chắc trên nền tảng lý luận Mác - Lê-nin, vận dụng sáng tạo lý luận đó, nhất là Chính sách kinh tế mới (NEP) của V.I. Lê-nin; kế thừa và vận dụng có hiệu quả những bài học thành công của Đảng và nhân dân Liên Xô trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cũng như trong sự nghiệp dựng xây đất nước vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đó là các bài học về đổi mới, chỉnh đốn Đảng; tăng cường hiệu lực và sức mạnh của chuyên chính vô sản; dựa chắc vào dân, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân; kết hợp chặt chẽ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa… Nhờ đó, công cuộc đổi mới ở Việt Nam mặc dù diễn ra trong bối cảnh hết sức phức tạp nhưng đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Điểm lại những nốt thăng trầm của lịch sử Việt Nam trước và sau Cách mạng Tháng Mười; nghĩ về những trang sử chói ngời của đất nước Xô-viết qua hai phần ba thế kỷ; chứng kiến những đổi thay của thế giới đương đại và cả sự lộng hành của chủ nghĩa tư bản thời hậu Xô-viết, chúng ta càng thấm thía những giá trị đích thực mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mang lại cho nhân loại, trong đó có dân tộc Việt Nam./.
Phú Xuyên với việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống  (09/11/2017)
Tuyên bố chung về xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Canada  (08/11/2017)
Nhiều hoạt động quan trọng diễn ra trong ngày thứ ba của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017  (08/11/2017)
Các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam tiếp Thủ tướng Canada Justin Trudeau  (08/11/2017)
Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi điện mừng kỷ niệm quốc khánh Vương quốc Campuchia  (08/11/2017)
Lãnh đạo Việt Nam - Canada nhất trí xác lập quan hệ Đối tác toàn diện  (08/11/2017)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay