Sau chiến tranh lạnh kết thúc, quan hệ quốc tế và khu vực có điều kiện mở rộng, các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Đông Á đã tăng cường quan hệ hợp tác. Các quan hệ này diễn ra trên nhiều cấp độ và với các hình thức đa dạng khác nhau. Chính điều này ngày càng tạo ra sự gắn kết, tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực.

Là một nước nằm trong khu vực Đông Á, Việt Nam chịu sự tác động mạnh mẽ từ chính quá trình vận động của các mối quan hệ nhiều chiều trong khu vực. Để có thể “Mở rộng quan hệ với các nước và vùng lãnh thổ” theo tinh thần Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ IX của Đảng, thì việc nghiên cứu khu vực, trong đó có việc phân tích quan hệ quốc tế khu vực là hướng nghiên cứu thực sự cần thiết. Văn kiện Đại hội X đã nhấn mạnh cần tiếp tục nghiên cứu “dự báo tình hình và xu thế phát triển của thế giới, khu vực và trong nước, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối và chính sách của Đảng và nhà nước”.

Để góp phần vào định hướng chung nói trên, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách Quan hệ Trung Quốc - ASEAN - Nhật Bản trong bối cảnh mới và tác động của nó tới Việt Nam do PGS.TS. Vũ Văn Hà chủ biên. Mục tiêu nghiên cứu của công trình khoa học này là: làm rõ bản chất, đặc điểm và xu hướng phát triển quan hệ của ba thực thể (Trung Quốc, ASEAN và Nhật Bản) trong bối cảnh mới; đánh giá tác động của mối quan hệ đó đến Việt Nam và trên cơ sở đó sẽ đề xuất các giải pháp chính sách trong quan hệ song phương và đa phương của Việt Nam với các thực thể nêu trên.

Nội dung cuốn sách gồm 4 phần:

Phần I: Các yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc - ASEAN - Nhật Bản

Phần này tập trung phân tích những biểu hiện của bối cảnh quốc tế mới từ sau chiến tranh lạnh đến nay như: toàn cầu hóa, khu vực hóa, cách mạng khoa học công nghệ và tin học hóa; bên cạnh xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển, thế giới vẫn còn các cuộc khủng hoảng, tranh chấp hay xung đột có tính chất khu vực và đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố; năng lượng nói chung và dầu mỏ nói riêng đang trở thành một vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu; Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, bá quyền chính trị toàn cầu; các nước lớn khác vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, vừa kiềm chế, vừa thúc đẩy lẫn nhau, cố gắng tạo cho mình chỗ đứng mới trên sân khấu chính trị quốc tế mới. Bối cảnh quốc tế đó vừa tác động thuận chiều, vừa tác động ngược chiều đến quan hệ Trung Quốc - ASEAN - Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các tác giả còn phân tích ảnh hưởng của chủ nghĩa khu vực Đông Á đến quan hệ Trung Quốc - ASEAN - Nhật Bản.

Phần II: Quan hệ song phương giữa Trung Quốc - ASEAN - Nhật Bản.

Trong phần này, phân tích về mối quan hệ song phương của 3 cặp quan hệ: ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật Bản và Trung Quốc - Nhật Bản trên các lĩnh vực: ngoại giao, chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa và dự báo triển vọng của các mối quan hệ đó.

Phần III: Quan hệ đa phương Trung Quốc - ASEAN - Nhật Bản.

Trên phương diện lịch sử quan hệ quốc tế, Đông Á là khu vực phát triển tương đối biệt lập, quan hệ quốc tế trong khu vực hoàn toàn là song phương và bản thân các quan hệ song phương cũng tương đối mỏng, còn thiếu vắng trải nghiệm hợp tác đa phương; trong quan hệ giữa các nước sự hiểu biết lẫn nhau còn ít, sự tin cậy lẫn nhau còn yếu, hơn nữa lịch sử chiến tranh, xung đột và hận thù dường như tác động đến hiện tại nhiều hơn hòa bình, hợp tác, hữu nghị. Tất cả những điều đó đã và đang gây khó khăn cho sự hình thành và phát triển quan hệ đa phương.

Thời gian gần đây, do tác động của các yếu tố khu vực và quốc tế, cũng như nhu cầu phát triển của bản thân mỗi quốc gia, giữa Trung Quốc - ASEAN - Nhật Bản đã và đang thiết lập các quan hệ hợp tác đa phương. Hiện nay, sự hợp tác đa phương giữa 3 thực thể này chủ yếu được thông qua APEC, ARF và ASEAN+3. Tất nhiên, các quan hệ này mới chỉ ở thời kỳ đầu, đang cần có sự cố gắng chung, hình thành các thể chế để thúc đẩy quan hệ ngày càng phát triển.

Phần IV: Tác động của quan hệ Trung Quốc - ASEAN - Nhật Bản đến Việt Nam

Trong phần này, các tác giả đề cập đến 3 nội dung sau:

- Các cơ hội và thách thức từ xu thế hòa dịu và gia tăng quan hệ quốc tế khu vực.

- Ảnh hưởng từ sự gia tăng FTA giữa các quốc gia khu vực.

- Những cơ hội và thách thức từ tiến trình hợp tác đa phương.

Nhìn chung, quan hệ giữa Trung Quốc - ASEAN - Nhật Bản tác động rất lớn đến Việt Nam, tạo ra những điều kiện thuận lợi và cũng đặt ra không ít thách thức khó khăn, song thuận lợi là cơ bản. Vấn đề đặt ra với chúng ta hiện nay là cần có những giải pháp tổng thể để tận dụng được cơ hội, tạo ra bước đột phá trong quan hệ quốc tế khu vực.