Cách đây vừa tròn 40 năm – Mùa Thu năm 1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập. Từ năm thành viên ban đầu: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, đến nay ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực gồm 10 quốc gia có tổng dân số trên 500 triệu người với diện tích 4,5 triệu km2, tổng GDP khoảng 700 triệu USD và giá trị trao đổi thương mại lên tới 850 tỉ USD.

Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (Hiệp ước Bali – 1976) đã nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc riêng của các dân tộc; quyền tự quyết của mỗi quốc gia, không có sự can thiệp, áp đặt từ bên ngoài, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình thương lượng và hợp tác cùng phát triển. Từ những mục tiêu ban đầu đó, ASEAN đã không ngừng tăng cường sự hợp tác để gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực, phát triển kinh tế, thúc đẩy tiến bộ xã hội và văn hóa.

Năm 1997, ASEAN đã thông qua văn kiện Tầm nhìn 2020 nhằm phấn đấu xây dựng ASEAN trở thành một cộng đồng các dân tộc hòa hợp của các quốc gia Đông Nam Á, phát triển thành một tổ chức năng động và cởi mở, sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng, gắn kết với nhau thông qua sự hợp tác song phương, đa phương vì lợi ích của mỗi quốc gia cũng như của toàn thể cộng đồng.

Qua 40 năm tồn tại và phát triển, ASEAN ngày càng lớn mạnh thành một tổ chức khu vực đã xác lập vị thế chính trị và kinh tế trên trường quốc tế. ASEAN đã đưa ra sáng kiến và thực hiện thành công Diễn đàn ARF, Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), thiết lập cơ chế ASEAN + 3 và ASEAN + 1, khởi động thiết chế Cộng đồng Đông Á (EAC) và đang thúc đẩy Hiệp hội trở thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015… Qua các diễn đàn trên, ASEAN đã hội tụ được nhiều quốc gia bên ngoài Đông Nam Á, tất cả các nước lớn và các tổ chức liên châu lục như APEC, ASEM. Theo đánh giá của nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan thì: “Hiện nay, ASEAN không chỉ là một thực thể có tổ chức tốt, không thể thiếu được trong khu vực, mà còn là một lực lượng ra khỏi phạm vi khu vực phải được tính đến. Đồng thời, ASEAN cũng là một đối tác tin cậy của Liên hợp quốc trong lĩnh vực phát triển”.

Tháng 7 năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN, là một sự kiện có ý nghĩa trên nhiều phương diện. Sau hơn 10 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Hiệp hội. Đồng thời, những hoạt động đó đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp Việt Nam có thêm những điều kiện thuận lợi trên tiến trình hội nhập vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa khu vực và quốc tế.

Nhìn lại chặng đường 40 năm và nhìn xa hơn nữa về chiều sâu lịch sử, chúng ta thấy từ những thế kỷ đầu sau Công nguyên, giữa các quốc gia cổ Đông Nam Á đã có nhiều mối giao lưu và quốc hội mật thiết. Do có vị thế trung chuyển giữa hai nền văn minh đồng thời là hai trung tâm kinh tế lớn là Ấn Độ và Trung Hoa, Đông Nam Á đã sớm trở thành điểm đến và là một trong những trung tâm quan trọng trong việc truyền tải các giá trị văn hóa của thế giới phương Đông. Sức sáng tạo văn hóa và những đặc tính chung của môi trường văn hóa khu vực không chỉ tạo nên bản sắc riêng biệt trong việc ứng xử với các nền văn minh lớn mà còn là mạch nguồn liên kết, nối kết các cộng đồng dân tộc vốn rất đa dạng, đa truyền thống của “Thế giới Đông Nam Á”. Thế giới đó luôn gắn liền với môi trường kinh tế biển, các tuyến giao lưu thương mại; với các không gian văn hóa và thể chế nông nghiệp hình thành dọc theo lưu vực các dòng sông; thế giới của những sắc màu tôn giáo và cả những tín ngưỡng, tập quán cổ sơ – trước đây và cả đến hôm nay – vẫn không ngừng biến đổi, phát triển trong một tinh thần khoan dung và hòa hợp.

Nhìn lại chặng đường đã qua của khu vực Đông Nam Á và của Tổ chức ASEAN, có thể thấy sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, sự nối tiếp giữa truyền thống với tương lai mà hệ quả của nó là sự hợp tác giữa các quốc gia, sự hòa đồng giữa các dân tộc nhằm vượt qua mọi trở ngại, tiến tới một khu vực hài hòa, phát triển năng động và bền vững.

Từ góc độ nghiên cứu lịch sử, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (8/8/1967 – 8/8/2007), Bộ môn Lịch sử Thế giới – Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản cuốn sách Đông Nam Á – Truyền thống và Hội nhập do GS. Vũ Dương Ninh chủ biên.

Cấu trúc cuốn sách gồm ba phần: 1. Các mối quan hệ và giao lưu truyền thống; 2. Đấu tranh giành độc lập và lựa chọn con đường phát triển; 3. Hội nhập, hợp tác và phát triển nhằm cố gắng đưa đến một cách nhìn, một cách tiếp cận hệ thống về một số bước phát triển và vấn đề cơ bản của quan hệ hợp tác khu vực.

Cuốn sách là kết quả chung tay, hợp sức của 25 tác giả thuộc bốn thế hệ nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử Thế giới từ các thành viên của Bộ môn đến các nhà khoa học thuộc các Trường đại học, các Viện nghiên cứu… từng có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Cuốn sách được biên soạn cũng nhằm tôn vinh các Nhà giáo, Nhà khoa học đã góp công xây dựng môn học Lịch sử Thế giới từ những ngày đầu cách đây nửa thế kỷ: GS. NGND Vũ Dương Ninh, PGS. NGƯT Nguyễn Văn Hồng, PGS. Nguyễn Huy Quý, PGS. NGƯT Nguyễn Quốc Hùng, GS. Lương Ninh...