Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 22 đến ngày 28-8-2016
Không “nói trước quên sau”
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất mà tỉnh Ninh Thuận tổ chức, với sự tham dự của khoảng 450 đại biểu là đại diện các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Ninh Thuận có lợi thế so sánh là vừa mang vẻ đẹp Việt, vừa có những đặc trưng của “một Tây Á thu nhỏ ở Việt Nam”. Tỉnh có điều kiện về phát triển du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao mà ít nơi có được. Tỉnh cũng có cộng đồng dân cư với các nền văn hóa đặc sắc.
Kỳ vọng và tin tưởng Ninh Thuận có thể phát huy tốt lợi thế, tiềm năng, Thủ tướng cho rằng cấp ủy, chính quyền tỉnh cần có tư duy quản lý mới, chủ động hơn nữa trong việc tạo ra không gian, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Càng khó khăn thì càng phải vươn lên, nổi bật hơn trong mắt cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Do đó, Ninh Thuận phải cùng với Chính phủ và các địa phương cam kết xây dựng khung pháp lý minh bạch, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bảo đảm quyền tài sản của doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, đặc biệt cần có hình thức phù hợp để tôn vinh doanh nghiệp. Tập trung tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng doanh nghiệp.
Chính quyền mọi cấp, mọi ngành cần phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại, cần tích cực, chủ động hơn trong trao đổi, lắng nghe ý kiến nhà đầu tư. Điều này có nghĩa các cấp chính quyền không chỉ mở cửa để doanh nghiệp và người dân khi có việc thì tìm đến mà cần có tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, cảm thông và giải quyết triệt để. Tránh tình trạng tiếp dân, doanh nghiệp một cách hình thức, “nói trước quên sau”.
Phải ràng buộc trách nhiệm và hành động với lời nói, tạo ra chữ tín của người phục vụ nhân dân. “Kinh nghiệm cho thấy ở đâu có chính quyền quản trị tốt thì ở đó doanh nghiệp tự tìm đến làm ăn, phát triển, gắn bó với địa phương đó mà không nhất thiết cần có những ưu đãi nặng tính kỹ thuật như ưu đãi về thuế”, Thủ tướng nêu rõ. “Đừng để họ bức xúc, kêu ca rồi mới chạy theo giải quyết”.
Thủ tướng cho rằng tỉnh Ninh Thuận cần xây dựng website thu nhận ý kiến đánh giá, khuyến nghị của doanh nghiệp như Văn phòng Chính phủ đã làm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành địa phương làm chính sách một cách khoa học, tổng thể, không mâu thuẫn, chồng chéo, mang định hướng thị trường, tầm nhìn xa. Bên cạnh xây dựng hệ thống hành chính phục vụ doanh nghiệp như nêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề cốt lõi là xây dựng, nâng cao năng lực hệ thống bộ máy chính quyền các cấp. Ninh Thuận cần tăng cường hợp tác liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển để thể hiện vai trò, vị trí chiến lược của mình.
Tập trung cải cách hành chính đồng bộ, xây dựng cơ quan hành chính phục vụ
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai giai đoạn 2016-2020.
Trong 5 năm qua, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Các lĩnh vực cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hệ thống thể chế tiếp tục được hoàn thiện; thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực đã được đơn giản hóa, môi trường kinh doanh được cải thiện; chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan được điều chỉnh, kiện toàn, khắc phục được một bước tình trạng chồng chéo; một số sáng kiến cải cách hành chính đã được áp dụng và bước đầu thành công.
Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra, cải cách hành chính vẫn còn những hạn chế, nổi bật là: Một số quy định pháp luật còn phức tạp, thiếu khả thi; bộ máy còn cồng kềnh, chưa phân định rõ nhiệm vụ, phân cấp chưa hiệu quả. Môi trường đầu tư còn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực...
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, các cấp, các ngành, cơ quan phải quyết tâm thực hiện cải cách hành chính không để rơi vào tình trạng tụt lùi, lạc hậu. Cả hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải cải cách mạnh mẽ, đồng bộ, xóa bỏ mọi rào cản, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp theo hướng xây dựng cơ quan hành chính phục vụ.
Chính phủ và bộ máy hành chính các cấp cần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, quyết tâm thay đổi căn bản phương thức quản lý, lề lối, tư duy lạc hậu, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, tin cậy, môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi dậy tiềm năng, hình thành cơ chế bảo hộ pháp lý cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy sản xuất; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phòng ngừa vi phạm. Thay đổi tư duy trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho đối tượng thi hành và lưu ý sự tham gia của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình, Kế hoạch xây dựng pháp luật được giao, chú ý văn bản triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Bộ máy hành chính nhà nước phải luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp chung của đất nước, phục vụ nhân dân; kiên quyết không để lợi ích nhóm chi phối. Đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chính quyền phải liêm khiết, trong sạch, đặt lợi ích chung lên trên hết.
Thực hiện nguyên tắc Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật, tuân thủ, thượng tôn pháp luật; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Công tác cán bộ là khâu then chốt trong công cuộc cải cách hành chính, cho nên phải lựa chọn bằng được những người có năng lực, chuyên môn, phẩm chất đạo đức. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý cán bộ, công chức ở tất cả các khâu tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm; có chính sách phù hợp để thu hút, sử dụng người tài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng được yêu cầu, tiêu cực, nhũng nhiễu dân. Làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền từng cấp, từng ngành, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật.
Các bộ, cơ quan, chính quyền địa phương phải hành động quyết liệt, tận tụy vì nhiệm vụ chung, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, nói đi đôi với làm.
Bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước, tuân thủ nghiêm mệnh lệnh hành chính; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo sự chuyển biến tích cực và hiệu quả trong toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước.
Kiên quyết thay đổi từ tư duy quan liêu, mệnh lệnh sang tư duy phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền phải nhận thức và thể hiện vai trò là “công bộc” của dân, tận tụy phục vụ nhân dân, không gây phiền hà, nhũng nhiều, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời tiếp tục cải cách mạnh mẽ tài chính công; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước là tiền thuế của người dân vì lợi ích chung của xã hội. Mọi khoản chi tiêu công phải bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, tiết kiệm, chống lãng phí, giảm bớt các chi phí không cần thiết, chống xa hoa, hình thức.
Khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thông suốt của người đứng đầu cơ quan nhà nước các cấp đối với quá trình xử lý công việc, làm cơ sở đánh giá hoạt động công vụ và mức độ hài lòng của người dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ xây dựng chương trình hành động cụ thể, nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới cách làm, đề xuất nhân rộng các mô hình cải cách thành công; chú trọng kiểm tra, đôn đốc công tác cải cách hành chính.
Tăng tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính ngành Giao thông vận tải
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm phát huy các kết quả ngành Giao thông vận tải đã đạt được về cải cách hành chính và tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ.
Bộ trưởng yêu cầu các Thứ trưởng chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả công tác cải cách hành chính theo lĩnh vực được phân công phụ trách. Các đơn vị và các văn phòng trực thuộc Bộ Giao thông vận tải rà soát nội dung, tiến độ thực hiện kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 của Bộ.
“Trường hợp phát hiện nội dung chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng phải cáo rõ chi tiết về lý do, nguyên nhân chậm trễ, kém chất lượng, đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và chủ động đề xuất phương án khắc phục”, nội dung công văn chỉ đạo của Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị đẩy mạnh cải cách thể chế và thủ tục hành chính, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể là tổ chức kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính và quy định hành chính ngay từ quá trình dự thảo văn bản; chủ động kiểm soát thường xuyên, liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện để kịp thời xóa bỏ các rào cản, thủ tục rườm rà, loại bỏ các giấy phép không phù hợp, rút ngắn thời gian và tăng tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đà Nẵng: Công bố kết quả xếp hạng cải cách hành chính
Chiều 26-8, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả xếp hạng cải cách hành chính năm 2015 của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Bảng xếp hạng được dựa trên cơ sở tự đánh giá của các cơ quan, đơn vị và kết quả điều tra, khảo sát của Hội đông thẩm định, đánh giá kết quả cải cách hành chính năm 2015 đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được chia thành ba nhóm. Gồm, khối cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, khối cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Đà Nẵng và khối UBND cấp quận, huyện.
Theo đó, khối cơ quan Trung ương: Cục Hải quan Đà Nẵng xếp hạng nhất, vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Cục Thuế và Bảo hiểm xã hội. Khối các sở, ban, ngành: Sở Nội vụ đứng thứ nhất, Sở Xây dựng và Sở Lao động Thương và Xã hội đồng xếp thứ hai và vị trí thứ ba thuộc về sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khối UBND các quận, huyện danh sách đứng đầu thuộc về UBND quận Ngũ Hành Sơn, quận Hải Châu và quận Sơn Trà.
Kết quả đánh giá năm 2015 so với năm 2014 cho thấy nhiều cơ quan, đơn vị ở từng khối khác nhau đã có những chính sách, sáng kiến nhằm cải thiện và mang lại hiệu quả trong công tác cải cách hành chính. Tiêu biểu, Cục Hải quan đã cho xây dựng và ứng dụng phần mềm trong thống kê giao ban, ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi dữ liệu. Áp dụng phầm mền VNACC/VCIS trong khai báo điện tử, thanh toán và lập hóa đơn. Kho bạc Nhà nước lập quy trình “Thanh toán điện tử Liên kho bạc qua kho bạc Nhà nước Đà Nẵng” theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, Bảo hiểm xã hội triển khai hồ sơ điện tử, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến trong công tác báo cáo hàng tháng…
Tại Hội nghị, kết quả xếp loại của công tác văn thư, lưu trữ cũng đã được công bố gồm khối sở, ngành và khối quận, huyện. Theo đó, các vị trí dẫn đầu của khối sở ngành thuộc về Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Ngoại vụ. Hai địa phương có công tác văn thư lưu trữ được đánh giá cao là UBND quận Hải Châu và UBND huyện Hòa Vang. Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường trong nhiều năm điều xếp loại không đạt.
Đây là năm thứ tám liên tiếp UBND thành phố Đà Nẵng triển khai, đánh giá và xếp hạng về cải cách hành chính. Qua công tác đánh giá, xếp hạng từng cơ quan, đơn vị đã có những chuyển biến tích cực thông qua việc nhình nhận lại quá trình chỉ đạo, điều hành về công tác cải cách hành chính, từ đó có hướng khắc phục, điều chỉnh trong thời gian tới, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh cung ứng dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Nghệ An học tập kinh nghiệm cải cách hành chính của Quảng Ninh
Ngày 26-8, đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Nghệ An có chuyến thăm và học hỏi kinh nghiệm trong vấn đề cải cách hành chính tại Quảng Ninh nhằm tiến tới xây dựng nền hành chính tỉnh Nghệ An hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Trong ngày làm việc thứ nhất, đoàn đã tới tham quan Trung tâm hành chính công của thành phố Uông Bí và Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh, nghe lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giới thiệu những lợi ích, hiệu quả trong việc cải cách hành chính, đặc biệt là xây dựng Trung tâm hành chính công.
Quảng Ninh là một trong những tỉnh xây dựng mô hình Trung tâm hành chính công sớm nhất. Nhờ đẩy mạnh về cải cách hành chính, môi trường kinh doanh của tỉnh này được cải thiện rõ rệt. Chỉ số PCI (Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) nằm trong tốp đầu của cả nước trong vài năm trở lại đây. Sau khi xây dựng Trung tâm hành chính công, các thủ tục hành chính được cắt giảm hẳn về thời gian giải quyết so với thời gian quy định của pháp luật nên đã tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, công dân.
Đánh giá cao nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Đường bày tỏ mong muốn lãnh đạo địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ Nghệ An trong vấn đề này. “Tỉnh Quảng Ninh có những điều kiện tương tự Nghệ An. Vì vậy mô hình hành chính, đặc biệt Trung tâm hành chính công của Quảng Ninh sẽ phù hợp khi Nghệ An triển khai”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.
Cho rằng mô hình Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư của tỉnh Quảng Ninh nằm trong mô hình cải cách hành chính mang lại hiệu quả cao, tạo môi trường kinh doanh tốt, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho biết sắp tới tỉnh Nghệ An cũng sẽ triển khai mô hình này. Bước đầu sẽ giao các cơ quan lập đề án để thành lập “Ban Xúc tiến đầu tư và Phát triển doanh nghiệp”, trực thuộc UBND tỉnh. Để thực hiện thành công mô hình này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn lãnh đạo Quảng Ninh giúp đỡ trong việc tư vấn, cử chuyên gia vào Nghệ An để tham mưu xây dựng.
Thủ tướng yêu cầu siết chặt việc Bí thư, Chủ tịch tỉnh lên xin Bộ Tài chính
Ngày 26-8, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn đầu đã đến kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Tài chính. Thông qua tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ thêm 2 vấn đề:
Thứ nhất, khi xây dựng dự toán thu giao cho các địa phương, Bộ Tài chính chưa siết chặt. Vẫn có tình trạng Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố lên Bộ Tài chính đề nghị giao dự toán thấp, để khi thực hiện có thể thu vượt dự toán. “Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ việc khi xây dựng dự toán giao địa phương thì Bộ Tài chính chưa siết chặt. Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố vẫn lên Bộ Tài chính để lo việc xin được giao thấp nhiệm vụ vượt thu, tăng thu, chi thì được chi nhiều, rồi xin được giữ lại 5% nguồn vượt thu để chi cho cải cách tiền lương” - ông Mai Tiến Dũng nói.
Thứ hai, Thủ tướng cho rằng Bộ Tài chính đã có nhiều tiến bộ trong cải cách hành chính, nhưng so với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp thì phải tiếp tục rà soát, xem xét kiểm điểm kỹ, nhất là cán bộ thực thi các cấp, bởi chỗ này chỗ khác doanh nghiệp vẫn kêu ca phàn nàn.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, về vấn đề các Bí thư, Chủ tịch tỉnh lên Bộ Tài chính, Bộ trưởng thừa nhận Thủ tướng nhắc điều này là hoàn toàn chính xác và nếu phát hiện trong cơ quan bộ có người thỏa hiệp với địa phương sẽ kỷ luật ngay. Bộ Tài chính sẽ cố gắng dự toán ngân sách cần sát với thực tế hơn. Bộ trưởng khẳng định đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi của các địa phương, sẽ phải đổi mới cách làm dự toán. Sắp tới, sẽ trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy trình xây dựng dự toán minh bạch hơn, sát thực tế hơn.
Ông Đinh Tiến Dũng cũng cho hay, dù ngành có những tiến bộ về cải cách hành chính nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại và xin tiếp thu mọi ý kiến nhắc nhở của Thủ tướng để hướng tới tinh thần minh bạch, rõ ràng hơn.
Người đứng đầu ngành tài chính cho rằng, việc giảm thủ tục hành chính trước mắt là giảm 70 quy trình về thuế, rồi bồi dưỡng, tập huấn, đặc biệt là xử lý cán bộ sai phạm. Mỗi năm xử lý 100-200 cán bộ thuế vi phạm, thậm chí là kỷ luật nghiêm.
“Anh em sẽ giải trình cụ thể hơn. Còn tôi xin nhận trách nhiệm với Thủ tướng, với Tổ công tác và sẽ tiếp tục nỗ lực với tinh thần như đã nói. Chúng tôi hứa với Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách và cải cách thực chất”, Bộ trưởng nói và cho biết, trong triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ đã có chương trình hành động cụ thể với 118 sản phẩm đầu ra dự kiến hoàn thành.
Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới, Tổ công tác sẽ báo cáo về kết quả kiểm tra, đặc biệt là tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Việc này rất cần thiết, vì chỉ đạo rất tốt nhưng thực hiện ở các cấp, các ngành có vấn đề”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Về yêu cầu tiếp tục cải cách, Bộ trưởng cho biết Bộ luôn xác định nhiệm vụ xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ hàng đầu, triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, vẫn có những nhiệm vụ được giao bị chậm trễ.
Ông Mai Tiến Dũng cũng cho hay, trước khi đến Bộ Tài chính, Thủ tướng đã gọi ông lên để nhắc nhở khi không thấy báo chí truyền đạt ý chỉ đạo của Thủ tướng mà tổ công tác đã nêu ra khi làm việc với bộ Kế hoạch và Đầu tư về tư tưởng xin - cho, co kéo lợi ích về bộ trong vấn đề chuẩn bị Luật Đầu tư, xây dựng phương án phân bổ vốn…
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng cũng nhắc lại yêu cầu và quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng trong việc xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển, nói đi đôi với làm, tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần thượng tôn pháp luật, chuyển mạnh từ quản lý hành chính cứng nhắc sang phục vụ người dân và doanh nghiệp, vì sự phát triển./.
Chủ tịch nước gặp mặt cộng đồng người Việt tại Singapore  (28/08/2016)
Thủ tướng: Phú Yên phải đánh thức tiềm năng đang “ngủ quên”  (28/08/2016)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình họp xử lý khiếu nại ở các tỉnh phía Nam  (28/08/2016)
Hà Nội mong muốn Paris chia sẻ kinh nghiệm phát triển y tế  (28/08/2016)
Bộ trưởng Kinh tế Đức: Thương lượng TTIP giữa Mỹ-EU đã thất bại  (28/08/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên