Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời cũng diễn ra sự giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc, bởi vì kinh tế cũng là văn hóa và văn hóa là mục tiêu cuối cùng của mọi quá trình kinh tế. Vấn đề đặt ra là, làm sao hội nhập kinh tế thành công đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, với sự chọn lọc, tiếp thu những giá trị mới, tinh hoa mới trên thế giới, nhưng lại vẫn giữ gìn và phát triển được bản sắc văn hóa độc đáo và quý giá của dân tộc Việt Nam? Câu hỏi đó trở nên có ý nghĩa hơn khi tiến trình hội nhập kinh tế, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước ta đang trở thành hiện thực. Vì vậy, nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ những giá trị văn hóa của dân tộc, chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực văn hóa càng cần được quan tâm, coi trọng đúng mức hơn nữa trong quá trình hội nhập.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng xác định: Phải “làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi trụy, độc hại. Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân”. Có nghĩa là xây dựng chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh vững chắc, quan hệ đối ngoại mở rộng, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội thì cũng phải tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa; chống suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống; ngăn chặn tệ nạn xã hội, tội phạm, ngăn ngừa văn hóa phản động, độc hại, chống những hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa. Có như vậy chúng ta mới có được sự phát triển lành mạnh, phát triển lâu bền.

Cuốn sách gồm 4 phần:

I- Tổng quan về văn hóa.

II- Toàn cầu hóa và vấn đề văn hóa.

III- Diễn biến hòa bình trên lĩnh vực văn hóa của các lực lượng thù địch đối với Việt Nam hiện nay.

IV- Biện pháp chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực văn hóa hiện nay.