TCCSĐT - Trước khi bế mạc, Hội nghị thượng đỉnh của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Ise Shima (Nhật Bản) đã ra tuyên bố chung về nhiều vấn đề quan trọng trên thế giới.

Pin mặt trời nổi - công nghệ xanh đang “lên ngôi”

 

Những tấm thu năng lượng mặt trời nổi được đặt trên hồ chứa nước Yamakura Dam của Nhật bản. Ảnh: TTXVN

Công nghệ năng lượng mặt trời nổi, các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mặt nước thay vì trên mặt đất, đang ngày càng được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Australia, Mỹ do chi phí thấp hơn nhưng hiệu quả cao hơn. Nổi bật trong các dự án pin mặt trời nổi là dự án Yamakura Dam, một hồ chứa thuộc quận Chiba, Nhật Bản của Công ty xây dựng nhà máy điện mặt trời Kyocera. Trong 2 năm, công ty này đã bắt tay vào việc lắp đặt hơn 50.000 tấm pin năng lượng mặt trời trên mặt hồ Yamakura Dam. Khi hoàn thành, đây sẽ là nhà máy điện năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới với hơn 16.000 megawatt điện mỗi năm, đủ đáp ứng nhu cầu điện của khoảng 5.000 hộ gia đình. Một dự án khác, công ty năng lượng điện sạch phi lợi nhuận Sonoma mới đây cũng giành được hợp đồng xây dựng nhà máy điện mặt trời ở 6 hồ xử lý nước lớn nhất tại Nhật. Ngoài Nhật Bản, công nghệ năng lượng mặt trời nổi cũng đang ngày càng thịnh hành tại nhiều quốc gia khác, như Australia, Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng, tuy phải chịu áp lực gió lớn hơn so với các tấm pin lắp trên mặt đất, những dãy pin năng lượng mặt trời nổi vẫn có nhiều lợi thế hơn về giá cả, hiệu suất, có thể được ngụy trang để không làm thay đổi cảnh quan trên mặt hồ. Những tấm pin mặt trời còn có tác dụng giữ cho nước không bị bay hơi, rất phù hợp với những khu vực hay khô hạn và nhiều tảo. Trong khi đó, môi trường sinh thái và các cá thể sinh vật, động vật sống tại đây không hề bị ảnh hưởng bởi việc lắp đặt các tấm pin nổi.

Hội nghị thượng đỉnh thế giới về nhân đạo: Cùng chia sẻ trách nhiệm

 

Ủy viên châu Âu phụ trách ngân sách và nguồn nhân lực Kristalina Georgieva phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: euractiv.com

Ngày 23 và 24-5-2016, tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh thế giới về nhân đạo lần đầu tiên. Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo thống kê của Liên hợp quốc, hơn 130 triệu người phải cần tới trợ giúp nhân đạo để sinh tồn; hàng chục triệu người phải rời bỏ nơi ở do chiến tranh, xung đột, thiên tai, dịch bệnh. Trong khi đó, nguồn lực dành cho các hoạt động nhân đạo ngày càng eo hẹp do thiếu những cam kết đủ mạnh và một hệ thống toàn cầu ứng phó hiệu quả với khủng hoảng.

Tại Hội nghị, trên cơ sở Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc “Một nhân loại: Cùng chia sẻ trách nhiệm”, các đại biểu đã trao đổi ý kiến và đưa ra những cam kết mạnh mẽ về các nội dung, như ngăn ngừa và giải quyết xung đột, bảo vệ thường dân; các giải pháp giải quyết những nguyên nhân gốc rễ dẫn tới các cuộc khủng hoảng nhân đạo; tăng cường năng lực của các cộng đồng địa phương và người dân trong việc ứng phó với khủng hoảng nhân đạo; bảo đảm nguồn lực cho các hoạt động nhân đạo. Trên cơ sở quá trình tham vấn kéo dài 3 năm vừa qua tại hơn 150 quốc gia, Hội nghị đã đưa ra gợi ý về các nội dung cụ thể mà các nước có thể cam kết phù hợp với các điều kiện của quốc gia nhằm giải quyết tận gốc và bền vững các nguyên nhân dẫn tới thảm họa nhân đạo.

Hội nghị thượng đỉnh G7: Thúc đẩy việc phối hợp các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu

 

Các nhà lãnh đạo G7 nhất trí thúc đẩy việc phối hợp các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước khi bế mạc ngày 27-5-2016, Hội nghị thượng đỉnh của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Ise Shima (Nhật Bản) đã ra tuyên bố chung về nhiều vấn đề quan trọng trên thế giới. Tại cuộc họp báo sau Hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe cho biết, trong tuyên bố chung, G7 đã lên án việc Triều Tiên thử hạt nhân và tiến hành các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo; yêu cầu Triều Tiên không tiến hành thêm những hành động khiêu khích hoặc gây bất ổn, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc liên quan tới Triều Tiên. Về vấn đề Ukraine, các nhà lãnh đạo G7 lên án việc Nga sáp nhập trái phép bán đảo Crimea, tái khẳng định chính sách trừng phạt chống Nga, đồng thời hối thúc tất cả các bên thực thi các cam kết liên quan theo thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Tuyên bố của G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng trên các vùng biển ở châu Á.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng nhất trí thúc đẩy việc phối hợp các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu. Thủ tướng Nhật Bản cam kết sẽ huy động mọi chính sách có thể để thúc đẩy mạnh mẽ chính sách “Abenomics” - một chính sách kinh tế kết hợp giữa nới lỏng tiền tệ quy mô lớn và chi tiêu tiền tệ linh hoạt. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo G7 cũng đã bày tỏ lo ngại về vấn đề nguồn cung dư thừa của Trung Quốc và một số chính sách của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất trong nước có nguy cơ “làm rối loạn thị trường”.

Châu Phi và Bắc Âu tăng cường quan hệ hợp tác và phát triển

 

 Ảnh minh họa. Ảnh: AFP

Trong 2 ngày 27 và 28-5-2016, Hội nghị ngoại trưởng các nước Bắc Âu và châu Phi đã diễn ra tại Thủ đô Oslo (Na Uy) nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác về chính trị, kinh tế và thương mại giữa khu vực Bắc Âu và châu Phi. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende hoan nghênh những người đồng cấp đến từ 12 quốc gia châu Phi, nhất là sự có mặt của đại diện hai nền kinh tế lớn nhất châu Phi là Nigeria và Nam Phi. Theo ông B. Brende, phát triển ở châu Phi rất quan trọng đối với khu vực Bắc Âu và Na Uy đang chia sẻ nhiều cơ hội cũng như thách thức với các nước. Đặc biệt các quốc gia châu Phi có vị trí, vai trò quan trọng và là những đối tác đáng tin cậy, đồng thời cũng là thị trường lớn của các nước Bắc Âu. Hội nghị lần này tập trung thảo luận về thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư, vấn đề di cư và chống chủ nghĩa khủng bố. Ông B. Brende nhấn mạnh đây là diễn đàn lớn cho các cuộc đối thoại thẳng thắn về các vấn đề khu vực và quốc tế hiện nay liên quan đến các nước Bắc Âu và châu Phi.

Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ quốc tế Nam Phi, bà Maite Nkoana Mashabane nhấn mạnh một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới hiện ở châu Phi, đặc biệt châu Phi có lãnh thổ rộng lớn, dân số trẻ, tài nguyên thiên nhiên phong phú và thị trường đa dạng, có nhu cầu rất lớn về vốn và công nghệ,... Thông qua hợp tác với các nước Bắc Âu, châu Phi sẽ nhận được giúp đỡ về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý kinh tế từ các quốc gia Bắc Âu nhiều tiềm năng. Hai bên có tiềm năng, thế mạnh để hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực quan trọng và cùng phát triển. Hiện một số quốc gia châu Phi đang phải đương đầu với chủ nghĩa khủng bố, cực đoan bạo lực, biến đổi khí hậu và chận phát triển, do vậy châu Phi rất cần hỗ trợ và hợp tác hiệu quả hơn từ khu vực Bắc Âu nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung trong thời gian tới./.