Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
TCCS - Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng đang gây tác hại cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Trung Quốc đầu tháng 3 vừa qua đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009; trong đó tập trung vào những biện pháp ứng phó với khủng hoảng tài chính, nhằm phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện dân sinh, ổn định xã hội. Những giải pháp ứng phó của nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng cao và tiềm lực phát triển mạnh sẽ có tác động trở lại đối với kinh tế thế giới nói chung và các nền kinh tế trong khu vực nói riêng.
Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
Có thể hình dung “cơn sóng thần khủng hoảng tài chính toàn cầu” ập đến khi nền kinh tế Trung Quốc đang quá “nóng”, tỷ lệ lạm phát cao(1). Nửa đầu năm 2008, Trung Quốc thi hành chủ trương “thắt chặt tài chính”, “chống lạm phát” nhằm thực hiện tăng trưởng kinh tế 2008 ở mức vừa phải là 8% và giữ mức lạm phát dưới 4,8%. Cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động thực sự vào khoảng tháng 9-2008 làm nguội dần và suy giảm nền kinh tế Trung Quốc. Quá trình đó phản ánh trong sự giảm dần tốc độ tăng trưởng GDP: quý I: 10,6%, quý II: 10,1%, quý III: 9%, quý IV: 6,8%(2). Khủng hoảng tài chính toàn cầu, một mặt, làm suy giảm xuất khẩu; mặt khác, làm giảm sút đầu tư vốn ngoại (3), khiến hàng chục vạn nhà máy, xí nghiệp ở Trung Quốc phải đóng cửa hoặc hạn chế sản xuất. Có khoảng 20 vạn người mất việc làm do tình trạng trên và đội quân thất nghiệp ngày càng đông(4). Hậu quả của khủng hoảng tài chính từ thành phố nhanh chóng lan về nông thôn. ở Trung Quốc có khoảng 130 triệu lao động nông thôn ra thành phố kiếm việc làm (được gọi là “nông dân công”), số tiền họ kiếm được mỗi năm chuyển về nông thôn khoảng 30 tỉ USD. Tình trạng thất nghiệp không những làm cho thu nhập và sức mua của cư dân giảm sút, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, mà còn tác động đến an sinh xã hội, dẫn đến nguy cơ bất ổn chính trị.
Đối sách của Trung Quốc
Năm 2009 đối với Trung Quốc là năm then chốt của kế hoạch 5 năm lần thứ XI (2006 - 2010), được cảnh báo là một năm khó khăn nhất về phát triển kinh tế kể từ đầu thế kỷ tới nay; nhưng nhìn chung, Trung Quốc vẫn ở trong giai đoạn “thời cơ chiến lược quan trọng”, “hoàn toàn có niềm tin, có điều kiện, có năng lực khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách”. Các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc năm 2009 là: GDP tăng khoảng 8%, kết cấu kinh tế được điều chỉnh hợp lý hơn; tạo trên 9 triệu việc làm mới ở thành phố, tỷ lệ thất nghiệp có đăng ký ở thành phố không vượt quá 46%; thu nhập của cư dân thành phố và nông thôn tăng ổn định; mặt bằng giá cả hàng tiêu dùng tăng khoảng 4%; cán cân thu chi quốc tế tiếp tục được cải thiện. Chỉ tiêu tăng GDP khoảng 8% được đặc biệt nhấn mạnh là điều cần thiết không thể thiếu để bảo đảm an sinh xã hội, và Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đạt chỉ tiêu tăng trưởng đó.
Nguyên tắc được đề ra nhằm thực hiện những mục tiêu trên là: mở rộng nội nhu(5), bảo đảm tăng trưởng; điều chỉnh kết cấu, nâng cao trình độ; đẩy mạnh cải cách, tăng cường sức sống; coi trọng dân sinh, thúc đẩy hài hòa.
Từ cuối năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định chi ngân sách đầu tư trọn gói 40.000 tỉ NDT (tương đương 586 tỉ USD) thực hiện trong hai năm nhằm thực hiện những mục tiêu trên.
Những giải pháp lớn được triển khai trên những lĩnh vực sau đây:
1- Tăng cường và cải thiện quản lý vĩ mô, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển vững chắc và tương đối nhanh.
Đối phó với tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc đã kịp thời áp dụng một loạt biện pháp, chính sách vĩ mô nhằm ngăn chặn kinh tế sụt giảm quá nhanh, thực hiện chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ nới lỏng hợp lý, 3 lần tăng hoàn thuế xuất khẩu, 5 lần điều chỉnh lãi suất cơ bản tiền gửi và tiền vay ngân hàng v.v.. Năm 2009, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài chính tích cực, đặc biệt là tăng mạnh chi ngân sách của Chính phủ, coi đó là biện pháp mở rộng nội nhu một cách chủ động, trực tiếp và có hiệu quả nhất. Ngoài ngân sách trung ương, Chính phủ đồng ý cho các địa phương phát hành 200 tỉ NDT trái phiếu, do Bộ Tài chính phát hành thay; tiến hành cải cách thuế theo hướng giảm gánh nặng đóng góp cho doanh nghiệp và cư dân. Chính phủ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực trọng điểm và giảm chi phí hành chính; bảo đảm lượng tiền cho vay đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, ưu tiên các đối tượng nông nghiệp, nông thôn, nông dân, các xí nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường quản lý tài chính, bảo đảm nguồn tài chính được đầu tư phát huy hiệu quả cao nhất, đề phòng rủi ro, thất thoát.
2 - Tích cực mở rộng nhu cầu tiêu dùng, tăng cường vai trò thúc đẩy của nội nhu đối với tăng trưởng kinh tế.
Năm 2009, Trung Quốc sẽ ra sức mở rộng tiêu dùng, nhất là tiêu dùng trong cư dân; chi 908 tỉ NDT đầu tư chủ yếu vào các công trình phục vụ dân sinh, nhất là ở nông thôn và vùng bị thiên tai; thúc đẩy thị trường bất động sản hoạt động, đặc biệt là đẩy mạnh việc xây dựng lại các khu vực bị thiên tai (năm 2009, ngân sách trung ương chi 130 tỉ NDT cho việc xây dựng lại các vùng bị thiên tai).
3 - Củng cố và tăng cường vai trò cơ sở của nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định và thu nhập của nông dân tăng liên tục.
Năm 2009, Trung Quốc có kế hoạch phát triển sản xuất lương thực một cách ổn định; điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp và các công trình dân sinh ở nông thôn; tăng thu nhập của nông dân bằng nhiều giải pháp; đẩy mạnh hơn nữa công tác giúp đỡ người nghèo (hiện Trung Quốc có khoảng 70 triệu người nghèo với mức thu nhập mỗi năm 1.196 NDT trở xuống). Năm 2009, ngân sách trung ương đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân là 716,1 tỉ NDT (tăng 120,6 tỉ NDT so với năm 2008), nâng giá mua lương thực; tăng trợ cấp cho nông nghiệp (từ ngân sách trung ương là 123 tỉ NDT, tăng 20 tỉ NDT so với năm 2008); thúc đẩy việc xây dựng hệ thống dịch vụ xã hội hóa nông nghiệp; ổn định và hoàn thiện chế độ kinh doanh cơ bản ở nông thôn. Hiện nay Trung Quốc rất kiên quyết trong việc bảo vệ diện tích đất trồng, quy định 1,8 tỉ mẫu đất nông nghiệp là khu vực nghiêm cấm không được động đến(6).
4 - Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương thức phát triển, điều chỉnh chiến lược kết cấu kinh tế.
Tập trung bảo đảm tăng trưởng, xúc tiến nâng cấp nền kinh tế, trọng điểm là thực hiện tốt việc điều chỉnh kết cấu công nghiệp; điều chỉnh kết cấu tổ chức và sắp xếp lại các doanh nghiệp; áp dụng những biện pháp có hiệu quả hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tích cực giúp đỡ các doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới công nghệ; phát triển nhanh chóng các ngành dịch vụ hiện đại. Năm 2009, Chính phủ Trung Quốc sẽ chi 146,1 tỉ NDT đầu tư cho khoa học - kỹ thuật (tăng 25,6% so với năm 2008), tập trung cho mục tiêu mở rộng nội nhu, thúc đẩy tăng trưởng, điều chỉnh kết cấu, nâng cấp nền kinh tế, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng, giảm bớt chất thải độc hại, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn lao động. Về kết cấu kinh tế vùng, Chính phủ tiếp tục chiến lược “đại khai phát miền Tây, chấn hưng khu vực Đông Bắc và các khu công nghiệp cũ khác, khu vực miền Trung trỗi dậy, khu vực miền Đông dẫn đầu phát triển”.
5 - Tiếp tục tiến hành cải cách mở cửa theo chiều sâu, hoàn thiện hơn nữa thể chế, cơ chế có lợi cho phát triển một cách khoa học.
Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc vẫn khẳng định cải cách mở cửa là nguồn động lực vô tận cho phát triển kinh tế xã hội. Nội dung cải cách kinh tế tập trung vào cải cách giá cả các sản phẩm đầu vào sản xuất như điện, nước, nguyên liệu, cải cách chế độ thuế, quản lý tài chính, thị trường vốn, ổn định thị trường cổ phiếu, xúc tiến cải cách doanh nghiệp nhà nước và giúp đỡ kinh tế tư nhân phát triển, thúc đẩy cải cách bộ máy hành chính địa phương. Về kinh tế đối ngoại, Trung Quốc nhấn mạnh trong khi mở rộng nội nhu vẫn không buông lỏng xuất khẩu. Trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch quốc tế quay trở lại, Trung Quốc chủ trương tăng cường hỗ trợ cho xuất nhập khẩu, điều chỉnh chính sách ngoại thương, đa nguyên hóa thị trường xuất khẩu, kiên trì chiến lược thắng bằng chất lượng, đồng thời ra sức cạnh tranh thu hút vốn ngoại đầu tư vào Trung Quốc, tích cực đưa vốn ra đầu tư ở nước ngoài, tăng cường hợp tác kinh tế đối ngoại.
6 - Tăng cường phát triển các sự nghiệp xã hội, tập trung bảo đảm và cải thiện dân sinh.
Năm nay, Trung Quốc đang tìm mọi cách để giải quyết vấn đề việc làm, giảm bớt tình trạng thất nghiệp. Nhà nước đã chi 42 tỉ NDT hỗ trợ cho công tác giải quyết việc làm. Một số giải pháp đang được thực thi như: phát triển ngành dịch vụ, các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, các xí nghiệp vừa và nhỏ, giúp đỡ kinh tế tư nhân v.v.. Đặc biệt chú ý vấn đề việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng, những nông dân làm công ở thành phố bị mất việc, lao động mất việc làm tại các vùng bị thiên tai. Đồng thời, mở rộng diện bảo hiểm xã hội, tăng mức lương hưu (năm nay và năm sau mỗi năm tăng 10%), nâng mức bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm sự cố lao động. Năm 2009, ngân sách nhà nước chi 293 tỉ NDT cho bảo hiểm xã hội (tăng 17,6% so với năm 2008). Chính phủ Trung Quốc cũng áp dụng nhiều biện pháp, chi nhiều ngân sách nhằm cải thiện tình hình giáo dục, y tế và các sự nghiệp xã hội khác, nhằm giải quyết các vấn đề đang bức xúc trong đời sống của cư dân, đồng thời áp dụng những biện pháp để tăng cường quản lý xã hội, bảo đảm ổn định chính trị.
7 - Tăng cường xây dựng chính quyền nhằm nâng cao năng lực quản lý kinh tế - xã hội.
Nhằm xây dựng chính quyền trong sạch, hiệu quả, phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm dân sinh, ổn định xã hội, yêu cầu được đề ra là quản lý chính quyền đúng pháp luật và pháp quy, đạt hiệu quả cao, tiện lợi cho dân, được dân tin cậy. Một số giải pháp được áp dụng: nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ cấp phép, thực hiện nguyên tắc quyết sách khoa học dân chủ, nguyên tắc hành chính công khai, tăng cường giám sát, đặc biệt là nghiêm cấm lợi dụng việc xây dựng công trình công cộng để mưu lợi riêng cho địa phương và cá nhân.
Đồng thời với chính sách đối nội nói trên, năm 2009 Trung Quốc sẽ thi hành chính sách đối ngoại nhằm mục tiêu “tạo môi trường bên ngoài có lợi cho sự phát triển kinh tế vững chắc và tương đối nhanh... góp phần ngăn chặn khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài, thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính quốc tế, thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi...”.
Triển vọng
Tuy nhiên, thực thi những giải pháp nhằm ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì nền kinh tế “phát triển vững chắc và tương đối nhanh” không phải là việc dễ dàng, đơn giản.
Hiện nay có nhiều dự báo về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc khẳng định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2009 khoảng 8% là cần thiết và có thể. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) dự báo là khoảng 7,5%. Một số học giả nước ngoài dự báo ở mức thấp hơn (5% - 7%). Dẫu sao Trung Quốc vẫn là nền kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế trên thế giới. Đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2008 là 20%, năm 2009 được dự báo là khoảng 40%.
(1) GDP Trung Quốc năm 2007 trước đây được công bố chính thức tăng 11,4%, gần đây được cải chính là 13%. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 tăng 4,8%
(2) Cục trưởng Cục thống kê Nhà nước Trung Quốc Mã Kiến Đường công bố ngày 22-1-2009
http://www.stats.gov.cn/tjfx/jdfx/t20090122_402534140.htm
(3) Vốn ngoại: vốn nước ngoài và vốn Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan
(4) Tỷ lệ thất nghiệp có đăng ký ở thành phố Trung Quốc năm 2008 là 4,2%. Những người từ nông thôn tới, không có hộ khẩu ở thành phố, thì không ở trong diện được đăng ký thất nghiệp. Do vậy, số người thất nghiệp ở thành phố trên thực tế cao hơn nhiều so với tỷ lệ đó
(5) Nội nhu: nhu cầu tiêu thụ trong nước
(6) 1 mẫu Trung Quốc = 1/15 ha
Về thực hiện chính sách phát triển công nghiệp ở Bắc Ninh  (06/05/2009)
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (05/05/2009)
Kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực  (05/05/2009)
Đường mòn Hồ Chí Minh - nơi hội tụ sức mạnh để đánh Mỹ và thắng Mỹ  (05/05/2009)
Báo cáo của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) là thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam  (05/05/2009)
“Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo”  (05/05/2009)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay