Đầu tháng 11 vừa qua, tại Tuy-nit, Thủ đô nước Cộng hòa Tuy-ni-di, đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “Dân chủ và phát triển trong một thế giới đang biến đổi”. Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự Hội thảo và trình bày tham luận tại hội trường. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu tham luận của Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam.

Phát triển bền vững là một chủ đề lớn của thế giới ngày nay. Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 4-2006) nhận định: “trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo”. Các quốc gia trên thế giới, dù là phát triển hay đang phát triển, tiếp tục dành ưu tiên hàng đầu cho phát triển, nhằm tăng cường sức mạnh quốc gia và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Trong vài thập kỷ trước, khi nói đến phát triển, người ta thường chú ý nhiều đến khía cạnh tăng trưởng kinh tế. Đây là nhu cầu tất yếu của những nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thế giới thứ hai và sự đối đầu trong “chiến tranh lạnh”, bởi họ mong muốn sớm thoát khỏi khó khăn và đi lên. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh cũng kéo theo hậu quả không nhỏ, như sự bất bình đẳng và hố ngăn cách giàu nghèo gia tăng, môi trường sống suy thoái. Chính vì vậy, những năm gần đây, bên cạnh việc chú trọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, người ta đã nói nhiều hơn đến sự phát triển bền vững. Phát triển bền vững là một quá trình toàn diện, bao gồm những biến đổi về kinh tế, cũng như những biến đổi về xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, môi trường và sự phát triển của con người. Phát triển bền vững là sự phát triển bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, giữa kinh tế và văn hóa, giữa kinh tế và môi trường. Thực tế cho thấy, tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay, ở những mức độ khác nhau, đều phải đương đầu với nhiều thách thức để đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và môi trường toàn cầu ngày càng có xu hướng ô nhiễm nghiêm trọng. Với sự phát triển của khoa học - công nghệ và quá trình toàn cầu hóa kinh tế, sự hợp tác, liên kết và tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, các khu vực trên thế giới ngày càng tăng. Do vậy, giải quyết vấn đề phát triển bền vững ngày nay không thể chỉ bó hẹp trong phạm vi mỗi quốc gia, mà cần có liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực. Mỗi quốc gia, trước hết, cần có chương trình hành động của riêng mình, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của mình để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, chính phủ các nước cần có sự phối hợp và hợp tác vì các mục tiêu chung. Để đạt được sự phát triển bền vững, chúng tôi cho rằng cần có những yếu tố sau:

- Trước hết, chính phủ và nhân dân các nước không ngừng nỗ lực bảo vệ và duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở tất cả các khu vực trên thế giới. Ngày nay, mặc dù nguy cơ về một cuộc chiến tranh thế giới mới không còn thường trực, nhưng thế giới vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới có khả năng đe dọa nền hòa bình và ổn định ở nhiều khu vực. Cuối thế kỷ XX và ngay đầu thế kỷ XXI, các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ, ly khai, hoạt động khủng bố, những tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, biển đảo và nguồn tài nguyên thiên nhiên tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp.

Hòa bình và ổn định là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt là phát triển kinh tế. Thực tế những năm gần đây càng khẳng định, ở những nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và bất ổn định về chính trị, xã hội, tình hình kinh tế ngày một xấu đi và đời sống của người dân hết sức khó khăn. Để duy trì hòa bình, ổn định và ngăn ngừa các cuộc chiến tranh mới, các quốc gia cần chung sức xây dựng một trật tự thế giới dân chủ và bình đẳng với sự tham gia của tất cả các nước, không phân biệt nước lớn - nước nhỏ, nước giàu - nước nghèo. Liên hợp quốc nhất thiết và cần phải phát huy vai trò chủ đạo của mình trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới. Các quốc gia cần nghiêm chỉnh tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc, chuẩn mực của luật pháp quốc tế; mọi vấn đề tranh chấp trong quan hệ quốc tế cần được giải quyết một cách hòa bình, thông qua đàm phán, thương lượng, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, quyền tự quyết của các dân tộc, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Để đạt được các mục tiêu này, đổi mới và dân chủ hóa Liên hợp quốc là một đòi hỏi cấp thiết. Các nước đang phát triển cần và hoàn toàn xứng đáng có tiếng nói lớn hơn nữa trong các thể chế quan trọng của Liên hợp quốc, nhất là Hội đồng Bảo an.

- Thứ hai, cần xây dựng một trật tự kinh tế quốc tế bình đẳng, cùng có lợi. Với sự phát triển của lực lượng sản xuất, quá trình toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, lôi cuốn sự tham gia của tất cả các nền kinh tế quốc gia - dân tộc. Toàn cầu hóa tạo ra cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, gây khó khăn, thách thức lớn cho các nước, nhất là các nước đang phát triển. Các nước phát triển, các tập đoàn xuyên quốc gia khổng lồ đang là người chi phối quá trình toàn cầu hóa kinh tế, làm cho quá trình này diễn ra theo cách thức có lợi nhất cho họ, khiến cho khoảng cách giàu nghèo và sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các quốc gia trên thế giới tăng lên. Trong bối cảnh hiện nay, điều cần thiết là phải thúc đẩy vòng đàm phán Đô-ha theo hướng bảo đảm quyền lợi chính đáng của tất cả các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, nhằm tiến tới một trật tự kinh tế quốc tế bình đẳng.

- Thứ ba, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là vấn đề môi trường và dịch bệnh. Trong những năm gần đây, các vụ thiên tai và dịch bệnh trên thế giới có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người, đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của các nước. Kinh nghiệm đối phó với các dịch bệnh nguy hiểm, như dịch SARS, cúm gà, cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các nước. Bởi vì, chỉ có như vậy mới có thể ngăn ngừa và đối phó hiệu quả, kịp thời sự lan tràn của dịch bệnh. Là một nước ngăn chặn thành công những dịch bệnh vừa nêu, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với bất cứ quốc gia nào, nhằm giảm thiểu hậu quả có thể xảy ra do dịch bệnh.

Đối với Việt Nam, trong quá trình đổi mới hơn 20 năm qua theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phương châm phát triển bền vững luôn được đề cao. Quan điểm xuyên suốt của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam là: lấy con người làm trung tâm, phát triển kinh tế vì con người; tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và giáo dục; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao dân trí, tăng cường giáo dục và đào tạo con người, bảo vệ và cải thiện môi trường.

Thực hiện chủ trương đó, công cuộc đổi mới của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng. Đất nước Việt Nam có sự thay đổi cơ bản và toàn diện: không chỉ ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội mà còn phát triển mạnh mẽ, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đẩy mạnh (tăng trưởng bình quân 7,5%/năm; GDP tăng 3,5 lần; GDP bình quân đầu người từ mức 200 USD năm 1996 đã tăng lên 720 USD vào năm 2006); đã cơ bản hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân được cải thiện một cách đáng kể. Tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng từ 63 tuổi năm 1990 lên 71,3 tuổi năm 2005. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam từ mức dưới trung bình là 0,498 năm 1991 đã tăng lên mức 0,704 vào năm 2005. Riêng về giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo, Việt Nam đã đạt được những thành công được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Theo chuẩn nghèo quốc tế, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 19% năm 2006. Tính trung bình trong hơn 20 năm đổi mới, mỗi năm Việt Nam giải quyết được việc làm cho khoảng 1,2 triệu người lao động. Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam đã về đích sớm 10 năm về xóa đói, giảm nghèo trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ “giảm một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2015”; sự phát triển kinh tế của Việt Nam có xu hướng phục vụ cho sự phát triển con người, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội trong mỗi bước tăng trưởng.

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Việt Nam luôn nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Nhận thức tính hai mặt của toàn cầu hóa kinh tế, trong chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của mình, Việt Nam chủ trương phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 170 nước và quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 165 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam hiện là thành viên của hơn 60 tổ chức quốc tế và khu vực. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ ở các mức độ khác nhau với trên 200 chính đảng ở các nước trên khắp các châu lục của thế giới.

Với những thành công nêu trên, Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra định hướng lớn: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đây cũng là mục tiêu trực tiếp của giai đoạn 2006-2010, tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hòa bình sẽ trường tồn khi tất cả các nước cùng nỗ lực hợp tác vì sự phát triển bền vững trên thế giới.