Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 29-3 đến ngày 4-4-2010)
Ngày 29-3-2010, tại hai nhà ga tàu điện ngầm ở Mát-xcơ-va đã xảy ra hai vụ đánh bom khủng bố xảy ra cách nhau 45 phút làm ít nhất 37 người thiệt mạng và 65 người bị thương gây chấn động cả thế giới. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã ra lệnh tăng cường an ninh trên toàn quốc, đồng thời tuyên bố nước Nga sẽ tuyên chiến với khủng bố. Ngay sau khi các vụ tấn công xảy ra, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) En-đơ Phóc Rát-mu-xen (Anders Fogh Rasmussen) đã lên án hai vụ tấn công khủng bố tại hệ thống tàu điện ngầm Mát-xcơva, đồng thời cam kết sẽ hợp tác với Nga chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma, Tổng thống Pháp Ni-cô-lai Xác-cô-di cũng đã kịch liệt lên án hai vụ tấn công đẫm máu tại hệ thống tàu điện ngầm ở Mát-xcơ-va, coi đây là những hành động "vô lương tâm", hành động "đê hèn". Ô-xtrây-li--a, Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Âu như Anh, Đức, Lit-va, Môn-đô-va... kịch liệt phản đối hành động khủng bố dã man trên. Ngày 29-3-2010, trả lời câu hỏi của phóng viên về các vụ đánh bom tại các ga điện ngầm ở thủ đô Mát-xcơ-va, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Việt Nam cực lực lên án các vụ khủng bố này và tin rằng, thủ phạm gây ra các vụ khủng bố sẽ sớm bị nghiêm trị.
2. IMF công bố Quỹ Khí hậu
Ngày 30-3-2010, IMF đã công bố chi tiết về khuôn khổ huy động tài chính của Quỹ Khí hậu (hay Quỹ Xanh), dự kiến lên đến 100 tỉ USD mỗi năm vào năm 2020, để hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. Theo các nhà kinh tế IMF, Quỹ này có thể huy động từ nguồn vốn đóng góp của các nước phát triển dưới dạng Quyền rút vốn đặc biệt của IMF. IMF sẽ phối hợp các nguồn vốn của các nhà đầu tư thông qua “trái phiếu Xanh” trên các thị trường vốn toàn cầu. Theo đó, các nước sẽ đóng góp theo tỷ lệ vốn trong phần hạn ngạch IMF. Các khoản hỗ trợ còn được mở rộng sang hình thức cho vay ưu đãi cao hoặc không hoàn lại. IMF và các tổ chức chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lo ngại, các nước đang phát triển phản ứng không đầy đủ và thích hợp với tình trạng biến đổi khí hậu nếu không có nguồn tài chính cần thiết. Vì vậy, Quỹ Xanh sẽ được giải ngân nhanh để các nước đang phát triển đối phó hiệu quả trong cuộc chiến toàn cầu chống biển đổi khí hậu. Các nhà kinh tế khẳng định, IMF sẽ không quản lý Quỹ Xanh mà Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) là cơ quan hợp pháp và thích hợp điều hành Quỹ này.
3. Lãnh đạo các nước kêu gọi củng cố hệ thống tài chính đảm bảo phục hồi kinh tế
Ngày 31-3-2010, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma, Thủ tướng Anh Gô-đơn Brao, Thủ tướng Ca-na-đa Xtê-phân Háp-pơ (Stephen Harper), Tổng thống Pháp Ni-cô-lai Xác-cô-di và Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc đã cùng nhau ký vào bức thư kêu gọi cácnước thành viêntiếp tục phối hợp hành động để củng cố hệ thống tài chính quốc tế, đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại con đường phát triển. Trong bức thư, các nhà lãnh đạo nói trên cho biết, họ ghi nhận tiến bộ đạt được trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, song sự phục hồi thời gian qua của nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa chắc chắn và những căng thẳng hiện nay chứng tỏ vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ đối với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế và tài chính toàn cầu. Mục tiêu của G20 là phải tăng cường hệ thống tài chính và xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mạnh hơn bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng bền vững và phồn vinh cho tất cả và nếu không có những hành động phối hợp, điều chỉnh kịp thời để đạt được kết quả đó, thì nguy cơ tái diễn các cuộc khủng hoảng trong tương lai và tốc độ tăng trưởng thấp sẽ vẫn còn. Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Anh A-li-xta Đa-linh (Alistair Darling) cũng gửi thư tới bộ trưởng tài chính các nước G20, trong đó cho rằng, G20 nên nhất trí về một loại thuế chung toàn cầu đánh vào các ngân hàng và số tiền thuế thu được này nên chuyển thẳng vào ngân sách các quốc gia, chứ không nên biến thành các quỹ cứu trợ để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
4. Hơn 4 tỉ USD được huy động để tái thiết Ha-i-ti
Ngày 31-3-2010 tại Niu Oóc (Mỹ), Liên hợp quốc đã tổ chức Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế nhằm giúp Haiti tái thiết lại đất nước sau trận động đất kinh hoàng hồi tháng 1 vừa qua. Hơn 100 nước đã có mặt tại Hội nghị này để nghe Tổng thống Ha-i-ti Rene Preval trình bày kế hoạch tái thiết đất nước của Ha-i-ti. Trận động đất hồi tháng 1 vừa qua khiến hơn 200.000 người dân Ha-i-ti thiệt mạng và hơn 1 triệu người không có nhà cửa. Hội nghị cho rằng để Ha-i-ti hồi phục được, cần sự cam kết và hỗ trợ lâu dài từ các nước trên thế giới. Mục tiêu ngắn hạn của Hội nghị này nhằm kêu gọi khoảng 4 tỉ USD để tái thiết Ha-i-ti. Tại Hội nghị, Mỹ đã cam kết hơn hỗ trợ hơn 1 tỉ USD cho Ha-i-ti trong 2 năm để giúp nước này xây dựng lại đất nước. Ngoại trưởng Mỹ H.Clin-tơn cho biết: “Số tiền tài trợ này sẽ được dùng để thực hiện các kế hoạch của Chính phủ Ha-i-ti nhằm củng cố các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, y tế, an ninh và quản lý”. Cho đến thời điểm này, Hội nghị đã nhận được cam kết tài trợ của các nước trên thế giới với tổng số tiền lên tới trên 4 tỉ USD.
5. Đối thoại cấp cao giữa các chính đảng Trung - Mỹ lần thứ nhất
Ngày 1-4-2010, tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã diễn ra cuộc Đối thoại cấp cao giữa các chính đảng Trung - Mỹ lần thứ nhất. Phát biểu tại buổi tiếp Đoàn đại biểu đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà Mỹ tham dự đối thoại, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng Chính phủ, chính đảng và các nhà chính trị hai nước tổng kết kinh nghiệm lịch sử, trân trọng cơ hội đang có hiện nay, nhìn nhận và xử lý quan hệ hai nước với tầm nhìn sâu rộng, ngang tầm thời đại, khắc phục khó khăn, loại bỏ các trở ngại, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lâu dài, ổn định, vì lợi ích của nhân dân hai nước và nhân dân thế giới. Ông Tập Cận Bình cũng cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc rất coi trọng giao lưu giữa chính đảng hai nước. Trung Quốc mong muốn hai bên tăng cường tiếp xúc và đối thoại trên nguyên tắc độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, biến giao lưu giữa các chính đảng hai nước trở thành động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng quan hệ song phương.
6. Hợp tác mới trong quan hệ giữa Nga và Vê-nê-xu-ê-la
Ngày 2-4-2010, Thủ tướng Nga V. Pu-tin đã đến thủ đô Ca-ra-cát bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Vê-nê-xu-ê-la. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Pu-tin trên cương vị Thủ tướng tới quốc gia Nam Mỹ này, cũng là chuyến thăm đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với Vê-nê-xu-ê-la nói riêng và các nước Mỹ La-tinh nói chung. Ngoài hai lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ song phương là năng lượng và nâng cao khả năng quốc phòng, Ca-ra-cát và Mát-xcơ-va cũng sẽ mở rộng quan hệ sang các lĩnh vực khác như năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, nghiên cứu không gian, hội nhập tài chính, hợp tác nông - ngư nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông, giáo dục và y tế. Dự kiến, hai bên sẽ thương lượng về việc thành lập một công ty khai thác dầu khí liên doanh ngay trong năm 2010, với sản lượng có thể lên tới 450.000 thùng dầu thô/ngày và tỷ lệ vốn góp dự kiến của Vê-nê-xu-ê-la là 60%; cũng như việc tiếp tục đàm phán về việc thành lập Ngân hàng Phát triển Nga - Vê-nê-xu-ê-la nhằm cung cấp tài chính cho các dự án khai thác dầu và khí đốt chung tại lưu vực sông Ô-ri-nô-cô, được biết đến là khu vực nhiều dầu mỏ ở phía Đông Vê-nê-xu-ê-la.
7. Hội nghị các nước tiểu vùng Mê-kông
Từ ngày 2 đến ngày 3-4-2010, Hội nghị quốc tế về sông Mê-kông chủ đề "Quản lý nguồn nước xuyên quốc gia trong bối cảnh thế giới đang biến đổi" do Ủy ban sông Mê-kông tổ chức tại huyện Hia Hin, tỉnh Prachuap Khirikhan (Thái Lan). Tham dự có các đoàn đại biểu 4 quốc gia thành viên Ủy ban là Thái Lan, Cam-pu-chia, Lào, Việt Nam, 2 quốc gia quan sát viên Trung Quốc, Mi-an-ma, các đoàn chuyên gia khách mời như Mỹ, Phần Lan, Thụy Điển, Nam Phi… Các ý kiến thành viên thảo luận tập trung chủ yếu vào các vấn đề: làm sao quản lý nguồn nước sông Mê-kông hiệu quả để duy trì sản xuất năng lượng, thực phẩm bền vững cho người dân vùng lưu vực sông; quản lý nguồn nước trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang thay đổi; sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng trong lưu vực sông… Các đoàn chuyên gia khách mời cũng đóng góp những kinh nghiệm quý về quản lý nguồn nước các con sông lớn trên thế giới như A-ma-dôn, Mít-xi-xi-pi… Kết quả của hội nghị trên sẽ được đưa lên Hội nghị cấp cao Ủy ban sông Mê-kông lần thứ nhất diễn ra ngày 5-4 tới. Dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua Tuyên bố Hua Hin về quản lý, sử dụng nguồn nước sông Mê-kông. Để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao này, Chính phủ Thái-lan đã thành lập Ủy ban an ninh bảo vệ Hội nghị cấp cao (HNCC) Tiểu vùng Mê-kông (MRC) lần thứ nhất do Phó thủ tướng Suthep đứng đầu, điều động hơn 5.000 binh sĩ và cảnh sát để bảo đảm an toàn cho các nhà lãnh đạo cùng những người tham dự Hội nghị.
8. U-crai-na giải tán hai cơ quan phụ trách vấn đề gia nhập NATO
Ngày 3-4-2010, văn phòng Tổng thống U-crai-na cho hay, Tổng thống Vích-to Y-a-nu-cô-vích (Victor Yanukovich) vừa ký sắc lệnh giải tán Ủy ban liên ngành phụ trách các vấn đề chuẩn bị cho việc U-crai-na gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sắc lệnh trên cũng yêu cầu giải tán Trung tâm U-crai-na chuyên trách các vấn đề liên kết với NATO và bãi miễn chức chủ tịch trung tâm này của ông Vla-đi-mia Go-bu-lin. Sắc lệnh của Tổng thống Y-a-nu-cô-vích cũng nêu rõ ban lãnh đạo mới của U-crai-na chủ trương giữ nguyên mức độ hợp tác hiện nay với NATO và không coi vấn đề U-crai-na gia nhập NATO là vấn đề ưu tiên. Tổng thống Y-a-nu-cô-vích cũng cho rằng Ki-ép sẽ không gia nhập bất cứ khối phòng thủ quốc tế nào và vẫn còn quá sớm để bàn về việc gia nhập Liên minh châu Âu. Tân Tổng thống U-crai-na đã nhiều lần tuyên bố rằng việc gia nhập NATO của nước này không còn nằm trong chương trình nghị sự của chính phủ mới. Trong khi đó, Ki-ép có kế hoạch vẫn duy trì mức độ hợp tác như hiện nay với liên minh này.
9. Tàu vũ trụ của Nga lắp ghép thành công với Trạm vũ trụ quốc tế
Ngày 4-4-2010, Trung tâm điều khiển các chuyến bay vũ trụ của Nga ở ngoại ô Mát-xcơ-va cho biết, tàu vũ trụ có người lái "Liên hợp ТМА-18" Soyuz của Nga, chở 3 nhà du hành vũ trụ, đã lắp ghép thành công với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tàu vũ trụ "Liên hợp ТМА-18" được phóng lên từ sân bay vũ trụ Baikonur, Ca-dắc-xtan ngày 2-4 vừa qua, mang theo 3 nhà du hành vũ trụ gồm 2 người Nga, A-lếch-xan-đơ Xvôn-xốc (Alexander Skvortsov) và Mi-khai-in Cô-ni-en-cô (Mikhail Korniyenko), cùng một nhà du hành nữ người Mỹ Chây-xi Can-eo Đi-sơn (Tracy Caldwell Dyson). Theo kế hoạch, 3 nhà du hành này sẽ làm việc trên ISS trong 167 ngày cùng với đoàn 3 nhà du hành khác đang làm việc trên trạm này. Trong thời gian ở trên ISS, các nhà du hành sẽ đón 3 tàu chở hàng của Nga và 3 tàu vũ trụ con thoi của Mỹ, tiến hành 42 thí nghiệm khoa học và thực hiện 2 cuộc đi bộ ra ngoài không gian. Dự kiến, các nhà du hành vũ trụ sẽ trở về Trái đất vào ngày 16-9 tới.
10. Thế giới lên án các vụ tấn công mới của I-xra-en vào dải Ga-da
Tuyên bố chung về hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar  (04/04/2010)
Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2010  (03/04/2010)
Hai cán bộ nghỉ hưu theo chế độ từ 1-4-2010  (02/04/2010)
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thôi điều hành Bộ Giáo dục  (02/04/2010)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 109 (2-4-2010)  (02/04/2010)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm