“Mãi mãi biết ơn Đảng, ơn Bác Hồ và đồng đội”

Tạ Quang Đạo Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng)
22:21, ngày 16-02-2015
TCCSĐT - Đó là lời chia sẻ mộc mạc của cựu chiến binh Lâm Văn Bảng, một trong 10 gương mặt “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014”, người có công đầu trong xây dựng Bảo tàng chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày, một “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.

“Sống được đến giờ là nhờ đồng đội”

Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi tìm đến thôn Nam Quất, xã Nam Triều (Phú Xuyên - Hà Nội) để gặp cựu chiến binh Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày. Khi biết ý định tìm hiểu của chúng tôi, ông cười hồn hậu, “mình đâu đã làm được gì nhiều mà các bạn định viết bài”. Rồi bằng chất giọng hào sảng, một cách rất tự nhiên, người cựu chiến binh ở vào tuổi “xưa nay hiếm” ấy đã kể về bao đồng đội anh dũng, những người đã sát cánh cùng ông nơi “địa ngục trần gian” Phú Quốc.

Sinh năm 1943, học hết lớp 7, ông Lâm Văn Bảng tình nguyện nhập ngũ. Đợt 1 Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, khi tham gia tiến công Sài Gòn, ông Bảng bị địch bắt và giam tại Biên Hòa (Đồng Nai). Sau đó, chúng chuyển ông ra nhà tù Phú Quốc, bắt đầu quãng thời gian hơn 4 năm, 8 tháng ông cùng đồng đội kiên tâm vượt qua những ngón đòn tra tấn dã man của kẻ thù để giữ vững khí tiết người đảng viên cách mạng. Năm 1973, ông Bảng được trao trả theo Hiệp định Paris với mức thương tật 1/4. Những lúc trái gió trở trời, di chứng do địch tra tấn cùng những vết mổ sau 7 lần phẫu thuật luôn hành hạ ông. Nhưng điều làm ông day dứt nhất là những đồng đội đã anh dũng ngã xuống nơi ngục tù Phú Quốc. Luôn hằn sâu trong tâm trí ông Lâm Văn Bảng là hình ảnh những đồng đội đã chở che cho ông, người đã ra đi mãi mãi, người bị thương phải để lại Phú Quốc một phần thân thể... “Tôi bị địch đánh gãy hết chân tay, toàn thân băng bó, nằm trên cáng do 2 đồng đội khiêng. Đồng đội tôi đi nhanh chúng cũng đánh, đi chậm chúng cũng đánh… Rồi khi bị biệt giam trong “chuồng cọp”, đồng đội đã nhường cho tôi những nắm cơm, miếng cá ít ỏi để tôi chóng bình phục. Tôi sống được đến giờ là nhờ đồng đội. Tôi nợ đồng đội một mạng sống, một cuộc đời”… Giọng ông Bảng lạc đi vì xúc động.

Với điều tâm niệm sâu sắc ấy, ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ông Bảng đã nung nấu ý định “làm một việc gì đó để tri ân đồng đội”. Từ năm 1985, được sự động viên của những cựu tù Phú Quốc, nhất là đại tá Tô Diệu, nguyên Phó Cục trưởng Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị), ông Bảng bắt đầu hành trình kiếm tìm đồng đội, sưu tập hiện vật, kỷ vật liên quan đến cựu tù Phú Quốc. Gần 30 năm qua, bước chân ông đã trải dài trên khắp mọi nẻo đường Tổ quốc, qua ba miền Bắc, Trung, Nam. Bằng đồng lương thương binh ít ỏi, hễ nghe ở đâu có thông tin về cựu tù Phú Quốc là ông lại khăn gói lên đường. Ông đã mang về hàng nghìn kỷ vật như cái bấm móng tay cũ, đôi dép cao su sờn rách, lá cờ Đảng nhỏ bằng vỏ bao thuốc lá được vẽ bằng máu của người bạn tù,… Tất cả đều gắn với những kỷ niệm trên hành trình tìm kiếm, gắn với những giọt nước mắt của đồng đội, của thân nhân các gia đình liệt sĩ bởi cùng với hiện vật, ông Bảng và đồng đội còn tìm được 1.620 hài cốt liệt sĩ bị địch thủ tiêu tại nhà lao Phú Quốc.

Kỷ vật ngày một nhiều lên cùng với thời gian, ông Bảng quyết định lập phòng trưng bày ngay trên phần đất hương hỏa ông cha để lại. Ban đầu, ý định này của ông vấp phải sự phản đối gay gắt của gia đình vì theo vợ ông đó là việc “rước ma về nhà”. Kiên trì giải thích, “đó không phải là ma mà là hương hồn đồng đội, những người đã cứu sống tôi, đã cho tôi cuộc sống hôm nay”, dần dần gia đình cũng hiểu và ủng hộ việc làm ân tình của ông. Vậy là tháng 11-2004, tâm nguyện của cựu chiến binh Lâm Văn Bảng đã trở thành hiện thực, Phòng truyền thống chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chính thức được thành lập. Với sự giúp sức của 24 cựu tù Phú Quốc ở huyện Phú Xuyên, Phòng truyền thống dần định hình và từng bước phát triển. Những người bạn tù năm xưa nay đã cùng ông xây dựng khu trưng bày. Từ việc lấp ao, tôn nền, dựng phòng trưng bày đến trông nom, bảo quản, lưu giữ các hiện vật,…, những người cựu tù Phú Quốc luôn tình nguyện làm với mong mỏi tri ân đồng đội đã ngã xuống. Đến tháng 10-2006, khi hệ thống cơ sở vật chất cơ bản hoàn thành, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) đã quyết định thành lập Bảo tàng chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày (trên cơ sở Phòng truyền thống). Lần đầu tiên ở Việt Nam có bảo tàng tư nhân trưng bày hiện vật về cựu tù binh trong chiến tranh.

Những hiện vật “biết nói”

Vừa cùng chúng tôi đi tham quan các hiện vật, ông Lâm Văn Bảng vừa chia sẻ: “Bảo tàng chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày có được như ngày hôm nay là công sức chung của rất nhiều cựu tù Phú Quốc. Đây không chỉ là địa điểm phục vụ khách tham quan, học tập mà còn trở thành ngôi nhà chung để chúng tôi gặp mặt, trao đổi và cùng ôn lại những tháng năm gian khó, hào hùng”. Trong khuôn viên rộng trên 2.000 m², gần 4.000 hiện vật, kỷ vật, hình ảnh đã được Ban Giám đốc Bảo tàng lựa chọn, trưng bày ở 10 khu với những chủ đề riêng như Tội ác chiến tranh; Hiện vật ngoài trời; Tinh thần đấu tranh; Tiền khởi nghĩa, Đền thờ, Tháp chuông;… Với cách sắp xếp khoa học, từng khu trưng bày đã thể hiện một cách chân thực những thủ đoạn tra tấn dã man, tàn bạo của kẻ thù cũng như tinh thần quả cảm của các thế hệ chiến sĩ cách mạng bị tù đày. Đặc biệt, ở Khu Tội ác chiến tranh, khách tham quan không thể không rùng mình trước hàng loạt mô hình tái hiện những đòn tra tấn tại khu biệt giam của nhà tù Phú Quốc. Đó thực sự đã trở thành những “hiện vật biết nói” như chiếc vạc lớn để thả tù nhân vào sau khi đã đun sôi nước hay chiếc thùng phuy chỉ vừa người ngồi mà bọn cai ngục dùng để “nhét” chiến sĩ ta vào rồi dập búa trên đỉnh cho đinh tai nhức óc, đến khi máu mồm, máu mũi trào ra… Bất giác, tôi chợt nhớ đến những vần thơ đã đọc được ở Khu Hiện vật ngoài trời:

“Xin quý khách nhẹ chân một chú

Trong khu này có hồn của bạn tôi

Hiện vật nơi đây thấm đượm máu xương rơi

Bao đồng đội nơi đảo tù Phú Quốc”.

Có lẽ sẽ không phải là cảm nhận của riêng chúng tôi, 10 khu trưng bày trong Bảo tàng chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày như những thước phim quay chậm, những câu chuyện được thể hiện qua “ngôn ngữ” hiện vật, từ đó dẫn dắt người xem về với những tháng năm đấu tranh anh dũng của dân tộc. Qua mỗi khu trưng bày, người xem được cảm nhận rõ tinh thần kiên trung, bất khuất của những cựu tù Phú Quốc bởi trong họ luôn sáng ngời niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ.

Tìm hiểu được biết, với tấm lòng tri ân những anh hùng, liệt sĩ, ông Lâm Văn Bảng và Ban Giám đốc Bảo tàng luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để phát huy tốt giá trị lịch sử của các hiện vật, kỷ vật. Từ khi thành lập đến nay, qua gần 8 năm hoạt động, Bảo tàng chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày đã đón hàng chục nghìn khách tham quan, nghiên cứu; học sinh, sinh viên; các đồng chí lão thành cách mạng và thân nhân các liệt sĩ;… Đây đã trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi lưu giữ và truyền lửa cho thế hệ trẻ - ngọn lửa của lòng tự hào, tự tôn dân tộc. “Đây là nơi để thế hệ trẻ phần nào hình dung được quá khứ đau thương mà hào hùng của cha anh đi trước, từ đó nhìn lại mình để sống và cống hiến tốt hơn”, chị Nguyễn Huỳnh Như Anh, đến từ Sóc Trăng đã ghi như vậy trong Sổ lưu niệm của Bảo tàng.

Còn đó những trăn trở

Cùng trò chuyện dưới bóng cây xanh mát, ông Lâm Văn Bảng nhắc đi nhắc lại về “sự gắn kết đầy trách nhiệm” của những tình nguyện viên đang tham gia phục vụ tại Bảo tàng. Hiện có hơn 30 người đang tình nguyện đảm nhận mọi công việc như dọn vệ sinh, bảo quản hiện vật, đón tiếp khách, trông xe,… Với phương châm “tự giác, tự nguyện, tự túc, tự chịu trách nhiệm”, những cựu tù binh, cựu chiến binh đã gặp nhau ở tấm lòng tri ân với đồng đội để từ đó có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Bảo tàng. Đó là ông Kiều Văn Uỵch, Nguyễn Tiến Mô, bà Vũ Thị Hòe, Vũ Thị Huân,…

Song cũng chính trong câu chuyện mộc mạc, người cựu chiến binh ngoài 70 tuổi với mái tóc nhuộm màu thời gian Lâm Văn Bảng cũng không giấu được những ưu tư, trăn trở. Dù đã được nhiều người biết đến song để Bảo tàng phát huy hiệu quả, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng. Bởi ngoài số tiền hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (20 triệu đồng/tháng, bắt đầu từ năm 2012), hiện nay Bảo tàng phải tự túc mọi mặt trong khi không bán vé tham quan, chi phí phục vụ bảo quản, trưng bày ngày một lớn. Cùng với đó, việc bồi dưỡng đội ngũ kế cận trong quản lý, duy trì Bảo tàng cũng là vấn đề cần sớm được quan tâm bởi theo cách nói của ông Lâm, “thế hệ chúng tôi dẫu nhiệt tình rồi cũng sẽ về với tổ tiên, nếu thiếu người kế cận thì sẽ là có tội lớn với những người đã quên mình vì Tổ quốc”. Dường như là điều may mắn khi ngọn lửa nhiệt tình đã được “truyền” sang cho con trai cả của ông Bảng, một thạc sĩ chuyên ngành quản lý văn hóa. Tin vui khác cũng đến với Bảo tàng chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày khi trong chuyến thăm mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị chính quyền các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để Bảo tàng thực sự là nơi giữ và truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay.

Chia tay Bảo tàng chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày khi chiều thu đã ngả bóng, đọng lại mãi trong tâm trí tôi là hình ảnh cựu chiến binh Lâm Văn Bảng bên những hiện vật “lưu dấu thời gian”. Và tôi cũng nhớ mãi câu nói đầy tâm huyết của ông: “Chừng nào còn sức khỏe thì tôi còn kiếm tìm đồng đội, còn sưu tập những hiện vật, kỷ vật về cựu tù binh Phú Quốc để Bảo tàng ngày thêm phong phú”./.