TCCSĐT - Ngày 27-10-2014, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác thông tin đối ngoại dành cho phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên các tỉnh, thành phố miền Trung Tây Nguyên.

Dự Hội nghị có hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên thuộc các sở thông tin và truyền thông; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đứng chân trên địa bàn.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được các chuyên gia cung cấp một số thông tin cơ bản về công tác thông tin đối ngoại, kinh nghiệm thông tin đối ngoại của nước ta và một số nước, công tác thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài trên báo chí nói chung và truyền hình nói riêng.

Tại Hội nghị, các báo cáo đều khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong công tác đối ngoại và công tác tư tưởng nhằm làm cho bạn bè và nhân dân trên toàn thế giới hiểu rõ đường lối, chính sách, quan điểm và lập trường của Đảng và Nhà nước ta trong các vấn đề trong nước, quốc tế và khu vực. Thông tin đối ngoại nhằm giới thiệu những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, giới thiệu về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, dân tộc, đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, qua đó, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự đồng thuận và đóng góp của đồng bào ta ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh đất nước và thế giới hiện nay, công tác thông tin đối ngoại có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời giúp người dân Việt Nam hiểu biết tình hình thế giới, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế.

Các đại biểu còn được cung cấp thông tin về tình hình Biển Đông, xác định rõ lập trường thực hiện thông tin theo hướng có chọn lọc, có kiểm chứng và khách quan, chính xác, đúng quan điểm, lập trường của Việt Nam và luật pháp quốc tế, kết hợp hài hòa giữa thông tin về đấu tranh chủ quyền biển, đảo với thông tin về các mặt hợp tác, phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường./.