Phát triển xã hội hóa giáo dục ở Thái Bình
Hơn mười năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục ở Thái Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực, nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và đất nước. Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa nền giáo dục nước nhà của Đảng, Thái Bình cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn, yếu kém, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục.
Thái Bình là tỉnh có diện tích không lớn, nhưng dân số lại rất đông với hơn 1,8 triệu người. Thu nhập của tỉnh chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tính theo đầu người là khá thấp so với các tỉnh khác trong cả nước. Tuy nhiên, với truyền thống hiếu học của quê hương, thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ, Thái Bình đã xây dựng được phong trào xã hội hóa giáo dục rộng lớn. Phong trào đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội tham gia, huy động được các nguồn lực to lớn của toàn xã hội cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.
Những mô hình, điển hình tiên tiến...
Quy mô giáo dục ở Thái Bình ngày càng được mở rộng, nhất là khối trung học phổ thông, nhiều trường mới được cấp giấy phép thành lập, số lớp trong các trường liên tục tăng. Các mô hình trường lớp phát triển đa dạng phong phú, hoạt động có hiệu quả. Ngoài Mô hình trường công lập, còn xuất hiện thêm Mô hình trường bán công, dân lập, tư thục. Hiện nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có trường mầm non bán công, tư thục. Mô hình trường trung học phổ thông: bán công, dân lập, tư thục, các trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề cũng phát triển nhanh trong thời gian gần đây. Từ 1995 đến nay, toàn tỉnh thành lập được 10 trường trung học phổ thông bán công, 1 trường trung học phổ thông dân lập, các huyện thị đều có từ 1 đến 2 trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề
Sự ra đời và phát triển của mô hình các trường trung học phổ thông ngoài công lập cùng với các trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề đã góp phần nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được học tiếp lên trung học phổ thông từ 60% đến gần 80%, giảm đáng kể sức ép tuyển sinh đối với các trường trung học phổ thông công lập, chủ động phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Đặc biệt sự ra đời của Mô hình trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, đã đáp ứng nhu cầu học tập và trao đổi tiến bộ khoa học - kỹ thuật của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển. Đến nay, toàn tỉnh đã có 284/285 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Đây là một mô hình xã hội hóa giáo dục có hiệu quả, đang được nhân rộng.
Ngoài ra, có thể kể đến Mô hình Hội khuyến học. Mô hình này được thành lập ở tất cả các đơn vị xã phường, thị trấn, các huyện, thị và các cơ quan hành chính sự nghiệp trong tỉnh, có tác động tích cực thúc đẩy phong trào học tập trong nhân dân. Hội khuyến học đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đường lối, sách lược phát triển giáo dục của địa phương, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành giáo dục để các tầng lớp nhân dân hiểu và ủng hộ. Mô hình "Dòng họ khuyến học" đang được tạo điều kiện và khuyến khích phát triển. Các dòng họ lớn trong tỉnh có điều kiện về kinh tế, có nhiều người thành đạt đã huy động sức người, sức của, xây dựng chương trình, kế hoạch thúc đẩy phong trào học tập bằng những hình thức khác nhau như nêu gương, khen thưởng cho con cháu có thành tích cao trong học tập, hỗ trợ cho các con cháu có hoàn cảnh khó khăn. Một số dòng họ đã làm tốt công tác này như họ Phạm, họ Bùi, họ Tô ở Đông Hưng,... Các cơ quan, các tổ chức đoàn thể chính trị, các doanh nghiệp nhà nước hằng năm cũng tổ chức tốt việc tuyên dương, khen thưởng các cháu học sinh là con em cán bộ công nhân viên của cơ quan đơn vị mình, đã đạt được những thành tích xuất sắc trong học tập và tu dưỡng đạo đức. Việc làm này không những có tác dụng giáo dục sâu sắc đối với các em học sinh mà còn động viên, cổ vũ cán bộ, nhân viên thực hiện tốt phong trào nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Hằng năm, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục nên các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã huy động được nhiều tỷ đồng từ sự đóng góp của nhân dân vào việc xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Xây dựng được các quỹ khen thưởng cho cán cán bộ, giáo viên, học sinh có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động dạy và học từ nguồn đóng góp của nhân dân.
Phong trào xã hội hóa giáo dục ở Thái Bình không chỉ dừng lại ở chỗ, huy động sự đóng góp về tài chính của nhân dân mà còn đẩy mạnh được công tác tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh để mọi người hiểu và tham gia phong trào xã hội hóa giáo dục. Nhờ đó, phong trào đã huy động được các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội chung sức với nhà trường trong việc giáo dục học sinh, tạo điều kiện cho người dân được hưởng các thành quả của giáo dục như miễn giảm học phí, miễn giảm các loại đóng góp, trợ cấp thêm cho các trường hợp học sinh bị tàn tật, học sinh nghèo vượt khó... Điển hình là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đức Cảnh đã xây dựng được trang Web do cha mẹ học sinh, chính quyền và nhân dân địa phương đóng góp, đồng thời tham gia quản lý giáo dục học sinh thông qua trang web này. Các trường trung học phổ thông Chu Văn An, Nam Đông Quan, Nguyễn Du, Bắc Kiến Xương... cũng đã xây dựng được mối quan hệ mật thiết, thống nhất giữa nhà trường với chính quyền địa phương, với các tổ chức chính trị, xã hội, với cha mẹ học sinh trong việc giáo dục học sinh.
Nguyên nhân chưa thành công
Xã hội hóa giáo dục ở tỉnh Thái Bình trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực, nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và đất nước; tuy nhiên cũng còn bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế.
Tiến độ triển khai Nghị quyết 05/NQ-CP ở Thái Bình còn chậm so với yêu cầu. Công tác truyền thông, tuyên truyền về chủ trương xã hội hóa giáo dục chưa thật sâu và rộng khắp. Do đó một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, giáo viên và nhất là các tầng lớp nhân dân lao động chưa nhận thức được đầy đủ hoặc chưa quan niệm đúng về công tác xã hội hóa giáo dục, nên chưa tin tưởng, ủng hộ chủ trương này của Đảng. Một số cơ sở giáo dục khi triển khai công tác xã hội hóa giáo dục chỉ chú trọng vào việc huy động các nguồn lực về tài chính mà chưa chú ý đầy đủ tới các vấn đề khác như phối hợp với gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức học sinh, hoặc chưa tạo được nhiều điều kiện cho người dân có cơ hội hưởng các thành quả của giáo dục. Công tác quản lý, điều hành một số cơ sở giáo dục ngoài công lập của tỉnh làm chưa tốt, dẫn tới còn có những đơn thư khiếu nại vượt cấp, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Việc huy động sự đóng góp của nhân dân để tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường ở một số cơ sở giáo dục trong tỉnh đã làm tương đối tốt nhưng hiệu quả sử dụng, quản lý các cơ sở vật chất đó chưa cao. Kết quả hướng nghiệp, dạy nghề và phân luồng học sinh còn thấp...
Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền chưa triệt để, sâu sát, chưa phát huy được trí tuệ của đội ngũ trí thức, chưa khơi dậy được tiềm năng của các địa phương, các đơn vị, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội và các tầng lớp nhân dân. Tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp còn tồn tại ở không ít cán bộ, đảng viên. Nhiều thủ trưởng cơ quan, đơn vị chậm đổi mới, bảo thủ, ít năng động, ngại va chạm hoặc sợ ảnh hưởng đến những quyền lợi trước mắt của cá nhân, đơn vị. Công tác tuyên truyền chưa đạt tới yêu cầu đề ra của nhiệm vụ. Khả năng thu hút vốn đầu tư vào tỉnh, trong đó có đầu tư cho giáo dục còn thấp do chưa tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi.
Cũng phải kể đến điều kiện kinh tế của tỉnh và của nhân dân Thái Bình còn thấp so với các tỉnh trong khu vực và so với mặt bằng kinh tế toàn quốc, do đó sự đầu tư cho giáo dục hạn chế. Thực tiễn công tác xã hội hóa giáo dục đang có những thay đổi rất nhanh chóng và phong phú, nhất là giáo dục nước ta đang trong tiến trình thực hiện những cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Nhưng cơ chế, chính sách của Thái Bình liên quan đến công tác xã hội hóa giáo dục còn chậm đổi mới, một số chính sách thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán và chưa cụ thể hóa được những việc cần làm...
Để mở rộng và phát triển xã hội hóa giáo dục
Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng về mục tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, chấn hưng nền giáo dục nước nhà...(1), Thái Bình cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn, yếu kém, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục. Trước mắt, thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt của chính quyền và sự giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Nâng cao vai trò chủ đạo, nòng cốt của ngành giáo dục và đào tạo Thái Bình trong quá trình xã hội hóa giáo dục. Các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội phải coi việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Trên cơ sở vận dụng Luật Giáo dục, địa phương phải xây dựng kế hoạch, chương trình công tác xã hội hóa giáo dục ở ngành mình, cấp mình, địa phương mình. Phân định trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục một cách rõ ràng và gắn với trách nhiệm của cá nhân người lãnh đạo.
Hai là, tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để mọi người, mọi tầng lớp nhân dân hiểu đúng về xã hội hóa giáo dục, thấy được vai trò, tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác này. Tăng cường khai thác và phát huy sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách, các nghị quyết, văn bản của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp có liên quan đến xã hội hóa giáo dục. Biến nhận thức của người dân thành hành động tích cực trong công tác công tác xã hội hóa giáo dục. Tăng cường trao đổi thông tin và giao lưu, học hỏi kinh nghiệm các địa phương có nhiều thành công trong việc tổ chức công tác xã hội hóa giáo dục để vận dụng vào thực tiễn của Thái Bình.
Ba là, với việc Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, ngành giáo dục, đào tạo cả nước nói chung và ở Thái Bình nói riêng, cần xây dựng cho mình một lộ trình, với những cơ chế thích hợp để xã hội hóa giáo dục một cách phù hợp trong cơ chế thị trường, như một số nước phát triển trong Tổ chức Thương mại thế giới đang áp dụng. Điều này sẽ đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa giáo dục. Mở rộng các hình thức xã hội hóa giáo dục để mọi người dân có thể đóng góp sức người, sức của, sức sáng tạo, vốn là điểm mạnh của người dân Thái Bình trên mọi miền đất nước, nhưng phải có chính sách miễn giảm và ưu tiên nhiều hơn nữa đối với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo và các khu vực kinh tế chậm phát triển. Đổi mới cơ chế phân cấp, quản lý và sử dụng ngân sách dành cho giáo dục. Tăng cường phân cấp quản lý, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện xã hội hóa giáo dục ở các địa phương và các cơ sở giáo dục.
Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng giáo dục các cấp để giúp cho các cấp ủy, chính quyền về quy hoạch, kế hoạch mở rộng và phát triển xã hội hóa giáo dục. Phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của một số tổ chức xã hội, nhất là Hội khuyến học, Ban đại diện cha mẹ học sinh...
(1) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 95
Công bằng xã hội - mục tiêu cốt lõi trong chính sách xã hội của Đảng ta  (29/05/2007)
Công bằng xã hội trong chính sách bảo trợ xã hội với tăng trưởng kinh tế  (29/05/2007)
Nông nghiệp Việt Nam với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế  (29/05/2007)
Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế  (29/05/2007)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên