Đồng Tháp khai thác tiềm năng, phát triển nông nghiệp bền vững
TCCS - Đồng Tháp có diện tích tự nhiên là 3.374 km2, trong đó đất sản xuất chiếm 276.206 ha. Dân số 1,7 triệu người, với hơn 82,73% sinh sống ở nông thôn, 73,59% lao động nông nghiệp. Giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm trên 50% trong tổng cơ cấu kinh tế. Sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính cho đại đa số người dân nông thôn. Do đó, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn mang tính quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp hiện nay và trong 10 năm tới.
Phát triển nông nghiệp ở Đồng Tháp – tiềm năng và thách thức
Đồng Tháp là một trong những địa phương có đặc điểm tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, nằm ở hạ lưu sông Mê Kông và có hệ thống kênh rạch chằng chịt được phù sa bồi đắp hằng năm, bảo đảm tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa.
Tiềm năng, lợi thế nông nghiệp của Đồng Tháp bắt đầu được khơi dậy và phát huy vào những năm 80 của thế kỷ trước. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Đồng Tháp cùng với các tỉnh Long An, Tiền Giang đã thành công trong việc khai phá Đồng Tháp Mười, cải tạo vùng đất lung phèn, hoang hóa thành đất sản xuất nông nghiệp phì nhiêu. Diện tích đất trồng lúa tăng gấp 2 lần. Những cánh đồng 1 vụ lúa/năm bấp bênh đã phát triển thành cánh đồng từ 2 đến 3 vụ/năm thu hoạch ổn định. Tuy nhiên, Đồng Tháp thường xuyên bị tác động của ngập lụt. Sau 2 năm lũ lụt 2000 và 2001, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bị tàn phá hết sức nghiêm trọng (tổng số thiệt hại gần 1.000 tỉ đồng, gần 3.000 căn nhà bị sập và tốc mái, trên 17.000 hộ dân phải di dời; gần 3.000 ha lúa bị mất trắng hoặc phải gặt chạy lũ, 6.000 ha vườn cây ăn trái bị chết do ngập nước. Trong khi đó, tổng thu ngân sách của cả tỉnh Đồng Tháp năm 2000 chỉ đạt 514 tỉ đồng). Khắc phục thách thức từ thiên nhiên, biến thách thức thành cơ hội phát triển, Đồng Tháp bắt đầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp theo hướng chủ động kiểm soát lũ, bảo đảm sản xuất bằng hệ thống trạm bơm, đê bao khép kín; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản xuất; khôi phục và phát triển một số cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng; tận dụng lợi thế nguồn nước và đất bãi bồi ven sông để phát triển nghề nuôi cá tra xuất khẩu thành nghề chủ lực sau trồng lúa.
Đến nay, tổng diện tích gieo trồng đạt gần 500.000 ha, trong đó lúa 476.000 ha, sản lượng lúa năm 2008 đạt mức kỷ lục 2,74 triệu tấn; diện tích cây ăn trái 22.500 ha. Hình thành các vùng chuyên canh rau màu với tổng diện tích trên 28.000 ha. Diện tích nuôi thủy sản trên 1.200 ha, sản lượng trên 310.000 tấn, chủ yếu là cá tra, tôm càng xanh. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của Đồng Tháp năm 2008 khoảng 55 triệu/ha, tăng 2,64 lần so với năm 2000, đứng vào tốp đầu trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Có thể khẳng định, bức tranh kinh tế nông nghiệp của Đồng Tháp dần tỏa sáng trong tổng thể nền nông nghiệp đất nước đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp của Đồng Tháp chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, quy mô sản xuất nhỏ, thiếu tập trung; sản xuất chưa gắn với tiêu thụ, dễ đổ vỡ khi có biến động về giá. Vai trò của Nhà nước trong liên kết “4 nhà” chưa rõ, thiếu cơ chế điều hành một cách hiệu quả, việc áp dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn chậm (1). Nguyên nhân chủ yếu là sự lúng túng về phương pháp chỉ đạo, điều hành nền nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường, nhất là việc lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, tổ chức sản xuất, điều tiết sản lượng, thị trường tiêu thụ...; chưa có giải pháp hiệu quả để giải quyết mâu thuẫn nội tại giữa tính định hướng của Nhà nước và quy luật cung cầu của thị trường. Năng lực tổ chức sản xuất - kinh doanh chưa đủ mạnh để vận hành theo nền kinh tế thị trường. Đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng yêu cầu phát triển, trong khi suất đầu tư cho nông nghiệp cao, chi phí lớn thì việc phân bổ ngân sách đầu tư của địa phương và Trung ương còn rất thấp so với yêu cầu. Năng lực đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và quản lý nông nghiệp còn thiếu và yếu, nhất là việc nghiên cứu, lai tạo các loại giống mới, phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông sản và thông tin thị trường.
Tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của Đồng Tháp còn rất lớn, bởi vậy trăn trở lớn nhất là làm thế nào tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, giảm tối đa chi phí, tăng lợi nhuận. Nói cách khác là làm sao để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong kinh tế nông nghiệp toàn cầu công nghệ cao. Nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất bởi những biến động của tình hình kinh tế thế giới. Nông dân vừa là nhà sản xuất, vừa là đối tượng tiêu dùng lớn nhất nên trong mọi chính sách kinh tế phải tính đến nông nghiệp. Suy giảm kinh tế trong thời gian gần đây cho thấy vai trò to lớn của nông nghiệp trong chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã ra Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020. Đó là cơ sở, là nền tảng quan trọng để phát triển nông nghiệp trong giai đoạn sắp tới. Đồng Tháp đang chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai kịp thời các chương trình, dự án của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Những giải pháp cho sự phát triển bền vững
Đồng Tháp đã và đang triển khai một số giải pháp quan trọng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp theo chiều sâu:
Thứ nhất, đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp hiện đại theo hướng đa mục tiêu: thủy lợi, trạm bơm, giao thông, kho tàng phục vụ cho nông nghiệp.
Đồng Tháp xác định trọng tâm đầu tư cho nông nghiệp là hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện, kênh tạo nguồn nhằm tăng diện tích sản xuất lúa và chủ động nước tưới tiêu. Quá trình đầu tư sẽ tính toán đa mục tiêu, kết hợp giữa cải tạo hệ thống thủy lợi với xây dựng hệ thống giao thông nông thôn bảo đảm cho vận chuyển hàng hóa và vận hành máy móc cơ giới hóa nông nghiệp, đồng thời xem xét, bố trí các tuyến dân cư vượt lũ ở những nơi phù hợp, vừa bảo đảm sản xuất, giải quyết vấn đề dân sinh, vừa tiết kiệm ngân sách. Việc đầu tư hạ tầng nông nghiệp có thể đáp ứng linh hoạt việc chuyển đổi giữa các loại cây trồng, vật nuôi theo yêu cầu thị trường.
Kinh nghiệm từ những giai đoạn khó khăn vừa qua cho thấy, một trong những vấn đề làm cho nông dân hụt hẫng là công nghệ và phương tiện bảo quản nông sản chưa được Nhà nước quan tâm đúng mức, nông dân thường bị thiệt thòi khi sản lượng dư thừa, ngay cả doanh nghiệp có tâm huyết với nông nghiệp cũng không thể “cứu” nông dân. Để giải quyết vấn đề này cần phải có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước từ hoạch định chính sách đến giải quyết từng vấn đề cụ thể. Trước mắt, Đồng Tháp đang quy hoạch, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kho dự trữ lương thực quy mô lớn trong khu vực Đồng Tháp Mười và hệ thống kho lạnh để tích trữ thủy sản khi có những biến động bất lợi về giá và khó khăn thị trường.
Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đồng Tháp tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả của hai mặt hàng chiến lược là lúa gạo và thủy sản bằng cách tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Song, nếu chỉ dựa hẳn vào lúa và thủy sản trong khi thị trường luôn có sự biến động thất thường thì khó có thể duy trì sự phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống nông dân một cách bền vững. Do vậy, định hướng phát triển của tỉnh là tiếp tục duy trì và tăng dần sản lượng lúa gạo một cách hợp lý, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời có giải pháp chuyển đổi sang một số cây trồng, vật nuôi khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Vùng đất ven sông Tiền, sông Hậu, vùng cù lao có thể xen canh, chuyên canh hoa màu, khôi phục diện tích, nâng cao chất lượng quýt hồng, mở rộng vườn xoài đặc sản và một số cây công nghiệp ngắn ngày phục vụ trực tiếp công nghiệp chế biến, bảo đảm nâng cao một bước trên cả 3 mặt: sản lượng, chất lượng và giá trị. Vùng sâu Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười tiếp tục phát triển mạnh hơn những cánh đồng lúa - tôm, lúa - cá (mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng mang lại lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ. Năm 2008, diện tích nuôi khoảng 1.200 ha, tiềm năng có thể phát triển trên 10.000 ha tại các huyện Tam Nông, Thanh Bình, Lấp Vò, Cao Lãnh). Để phát huy hiệu quả kinh tế nông nghiệp, từng bước đi lên sản xuất lớn, Đồng Tháp đang củng cố, tăng cường liên doanh, liên kết, tổ chức tốt các loại hình kinh tế hợp tác, phát huy vai trò của hội ngành nghề dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả.
Tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa và lớn với quy trình kỹ thuật tiên tiến. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm để chuyển dần hình thức nuôi nhỏ lẻ sang hướng chăn nuôi công nghiệp (2). Đối với nuôi cá tra xuất khẩu, tập trung quản lý chặt chẽ vùng quy hoạch, kiểm soát môi trường, bảo đảm chất lượng, từng bước xây dựng uy tín, thương hiệu cá tra xuất khẩu có nguồn gốc từ Đồng Tháp.
Thứ ba, tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quyết tâm tạo bước đột phá trong khâu giống, công nghệ bảo quản nông sản.
Đồng Tháp đã và đang áp dụng khoa học - kỹ thuật một cách mạnh mẽ, nhất là chủ động áp dụng thành tựu mới vào sản xuất nông nghiệp. Để giải quyết khó khăn trong khâu giống và công nghệ bảo quản nông sản, Đồng Tháp đang phối hợp với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu tìm giải pháp giải quyết cho từng vấn đề, trước hết là tiếp tục nâng cao năng lực các trung tâm, trạm giống, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia. Về cơ bản, các trung tâm, trạm sẽ cung cấp giống gốc, thực hiện xã hội hóa khâu sản xuất và cung ứng giống xác nhận, góp phần thúc đẩy dịch vụ nông nghiệp phát triển. Đối với công nghệ bảo quản sau thu hoạch, tập trung vào công nghệ bảo quản lâu dài cho một số trái cây thế mạnh của địa phương, đồng thời nghiên cứu một số loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm đào tạo cán bộ quản lý và khoa học - kỹ thuật cho nông nghiệp.
Đồng Tháp đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trước xu hướng hiện nay khi nhân lực trẻ trong nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Về mặt tổng thể, đây là dấu hiệu tích cực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nhưng ở một góc nhìn nhất định, đó lại là nguy cơ thiếu nguồn nhân lực kế thừa cho nông nghiệp. Chính vì vậy, quá trình chuyển dịch lao động nông nghiệp phải đi đôi với việc củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ lao động còn lại trong lĩnh vực nông nghiệp, bổ sung nhân lực trẻ, có tri thức đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nhận thức vấn đề này, Đồng Tháp tăng cường mạnh mẽ công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhưng có quan tâm tri thức hóa cho lao động nông nghiệp một cách hợp lý.
Đối với đội ngũ cán bộ quản lý và khoa học - kỹ thuật, Đồng Tháp tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, kể cả đào tạo sau đại học và đào tạo ở nước ngoài. Tinh thần chung là nâng cao năng lực hành động cho đội ngũ cán bộ quản lý. Thường xuyên đổi mới phương pháp quản lý, chỉ đạo sản xuất sao cho vừa bảo đảm tính định hướng của Nhà nước, vừa tôn trọng nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Đối với đội ngũ cán bộ khoa học, từng bước chuyên môn hóa, có cơ chế hợp lý để xã hội hóa những lĩnh vực có điều kiện nhằm tăng hiệu quả chuyên môn, tạo môi trường thuận lợi để họ phát huy tài năng, sở trường. Trong tương lai, có thể phát triển các loại hình doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ kỹ thuật phục vụ lĩnh vực nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp là chiến lược quốc gia có ý nghĩa chính trị - kinh tế cực kỳ quan trọng với sự phát triển của đất nước. Mục tiêu quan trọng hàng đầu là không để nông nghiệp lạc hậu trong tiến trình phát triển chung của công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Đồng Tháp nhận thức sâu sắc và đang hành động thực tiễn một cách quyết liệt, kịp thời.
(1) Đến năm 2008, chỉ có 32% diện tích sử dụng giống lúa xác nhận, 31% thu hoạch bằng máy, 37% có hệ thống bơm điện...
(2) Hiện nay, doanh nghiệp Huỳnh Gia Huynh Đệ đã triển khai đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm từ gia cầm, đang liên kết với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tổ chức lại sản xuất cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, công suất thiết kế giết mổ 6.000 con gà, vịt /giờ
Đồng Tháp khai thác tiềm năng, phát triển nông nghiệp bền vững  (25/04/2009)
Ông Nông Quốc Tuấn được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang  (24/04/2009)
Tạo bước chuyển biến về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong các tổ chức đảng thuộc Khối các cơ quan Trung ương  (24/04/2009)
Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Cộng sản  (24/04/2009)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên