Tổ chức lại chính quyền địa phương cho phù hợp với điều kiện mới, xây dựng mô hình chính quyền đô thị hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả khi không tổ chức hội đồng nhân dân là vấn đề đang được lấy ý kiến trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và Dự thảo Báo cáo tổng kết bước 2 thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường đã được Bộ Nội vụ tổ chức ngày 10-4-2013.

Theo Bộ Nội vụ, trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm, Ban Chỉ đạo Trung ương đã kịp thời hướng dẫn và thường xuyên chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương liên quan và 10 tỉnh, thành tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thí điểm. Sự chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường của các cấp, các ngành, các tỉnh, thành phố được thực hiện đồng bộ, thống nhất, đã góp phần cho sự thành công của việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

Khi thực hiện thí điểm, quyền đại diện của người dân không bị ảnh hưởng, người dân vẫn có từ 2 - 4 cấp đại diện; việc thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân còn được bảo đảm thông qua việc nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Các nhiệm vụ trước đây của hội đồng nhân dân huyện, quận, phường vẫn được duy trì qua việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị ở địa phương; hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp đối với việc thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, đảm bảo ổn định, không gây xáo trộn.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng thực tiễn thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trong 4 năm qua cho thấy nhiều kết quả tích cực; những hạn chế vướng mắc đều khắc phục được thông qua việc tiếp tục đổi mới đồng bộ tổ chức chính quyền địa phương các cấp và ban hành mới, bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan.

Nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu sửa Hiến pháp năm 1992 và các luật, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tổ chức hợp lý chính quyền địa phương theo hướng không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường trong phạm vi cả nước. Có ý kiến cho rằng, tổ chức chính quyền đô thị cần khoa học, hợp lý, tiếp nối và kế thừa Đề án thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; chính quyền đô thị phải quản lý ngành kết hợp với quản lý lãnh thổ. Khi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; huyện, quận, phường không còn là một cấp ngân sách trong hệ thống ngân sách Nhà nước thì phải cơ cấu lại nhiệm vụ, đổi mới đồng bộ hệ thống chính trị trên địa bàn huyện, quận, phường, đảm bảo dẫn đường cho thực hiện nhiệm vụ ngân sách.

TS. Đặng Quốc Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu ý kiến: Nếu tiếp tục thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thì nên khắc phục những điểm chưa đồng thuận; xác định rõ chức năng, nhiện vụ của các cấp hành chính để thiết kế mô hình chính quyền địa phương cho phù hợp. Trong Hiến pháp 1992 sửa đổi cần quy định cụ thể tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp nào. Thống nhất với đề xuất của Bộ Nội vụ về việc xin ý kiến Bộ Chính trị chỉ mở rộng phạm vi không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường từ 10 tỉnh, thành phố ra cả nước, song TS Hoàng Thị Ngân - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức công vụ (Văn phòng Chính phủ) đề nghị b ổ sung thêm nội dung tổ chức hệ thống chính trị trong mô hình mới, khi bỏ một cấp đơn vị hành chính thì mối quan hệ chính quyền địa phương trong hệ thống chính trị thế nào, các mối quan hệ dọc, ngang liên quan.

Góp ý vào Dự thảo Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và Báo cáo tổng kết bước 2, các ý kiến đề nghị nên dành dung lượng thuyết minh vì sao không nên tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường bởi không phải ai cũng hiểu và vướng mắc nhất hiện nay là nhận thức. Các đại biểu đề xuất báo cáo cần thuyết minh rõ hơn về tính thông suốt, nhanh nhạy, hiệu lực, hiệu quả của ủy ban nhân dân trong điều kiện không tổ chức hội đồng nhân dân, bổ sung thêm phần hạn chế và nguyên nhân, trong đó có vấn đề nhận thức hiện chưa đầy đủ, chưa đồng nhất; phải làm rõ việc giám sát và kiểm soát quyền lực, tính đại diện dân chủ, việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương thế nào khi không tổ chức hội đồng nhân dân ở các cấp này./.