Hiệp ước về buôn bán vũ khí đầu tiên trên thế giới
TCCSĐT - Ngày 02-4-2013, với 154 phiếu đồng thuận, 03 phiếu chống và 23 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một Hiệp ước mang tính lịch sử nhằm điều chỉnh việc buôn bán các loại vũ khí thông thường trên toàn cầu.
Hiệp ước quy định về việc buôn bán xe tăng, xe chiến đấu bọc thép, vũ khí hạng nặng, máy bay, trực thăng chiến đấu, tàu chiến, tên lửa và bệ phóng, vũ khí vừa và nhỏ. Các nhà xuất khẩu đạn dược cũng được quy định bởi các tiêu chí như với các trang thiết bị chiến tranh khác. Các nhà nhập khẩu đạn dược không nằm trong quy định của Hiệp ước.
Mặc dù phải mất nhiều năm nữa mới chính thức trở thành luật quốc tế, và cũng chưa có cơ chế thực hiện cụ thể, nhưng Hiệp ước buôn bán vũ khí vừa được Liên hợp quốc thông qua đã lần đầu tiên buộc những người bán vũ khí phải cân nhắc xem các khách hàng của họ sử dụng vũ khí như thế nào.
Điều này cũng phản ánh sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến lượng vũ khí đã giết chết hàng nghìn người trên thế giới mỗi năm, đồng thời khẳng định việc buôn bán vũ khí cũng cần có tiêu chuẩn đạo đức. Các nước ủng hộ Hiệp ước cho rằng buôn bán vũ khí cần dựa trên tiêu chí vũ khí ấy có vi phạm quyền con người hay không, có được sử dụng để tiếp tay cho nạn diệt chủng, tội phạm chiến tranh, cho chủ nghĩa khủng bố hay tội phạm có tổ chức, tội phạm tàn sát phụ nữ và trẻ em hay không.
“Đã đến lúc đưa việc buôn bán vũ khí toàn cầu vào tầm kiểm soát”, An-na Mác-đô-nan (Anna MacDonald), Trưởng ban Kiểm soát vũ khí của Tổ chức Oxfam International, một trong rất nhiều tổ chức nhân quyền hối thúc thực thi Hiệp ước về buôn bán vũ khí, cho biết.
Bà A. Mác-đô-nan viện dẫn cuộc nội chiến tại Xy-ri với 70 nghìn người thiệt mạng như một ví dụ về mặt trái do buôn bán, trao đổi, viện trợ vũ khí gây ra. Bà A. Mác-đô-nan cho rằng: “Hiệp ước buôn bán vũ khí không thể giải quyết ngay vấn đề của Xy-ri, không hiệp ước nào có thể làm được điều đó, nhưng sẽ góp phần giảm bạo lực vũ trang và giảm xung đột”.
Tuy Hiệp ước chưa trở thành luật quốc tế nhưng những tiêu chuẩn đặt ra trong đó sẽ được áp dụng ngay và được xem như những hướng dẫn về chính trị và đạo đức trong buôn bán vũ khí.
“Hiệp ước sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro mà việc trao đổi vũ khí thông thường trên toàn cầu gây ra khi nó được sử dụng để tiến hành những tội ác tồi tệ nhất thế giới như chủ nghĩa khủng bố, diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại và tội ác chiến tranh”, Giôn Ke-ri (John Kerry), Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phát biểu sau khi Mỹ, nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, ủng hộ Hiệp ước này.
Nhưng các nước bỏ phiếu trắng lại bày tỏ lo ngại rằng liệu rốt cuộc thì có bao nhiêu nước sẽ thông qua Hiệp ước này. Theo dự kiến, Hiệp ước sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được 50 nước phê chuẩn. Với đa số phiếu tán thành tại cuộc họp mới đây của Đại hội đồng Liên hợp quốc, các nhà phân tích dự đoán chỉ trong vòng 2 đến 3 năm nữa Hiệp ước sẽ chính thức có hiệu lực.
Nhiều nước như Bô-li-vi-a, Cu-ba, Ni-ca-ra-goa đã bỏ phiếu trắng vì cho rằng các quyền con người chưa được xác định đúng và có thể đã bị “lợi dụng” để tạo ra áp lực chính trị trong Hiệp ước. Một số nước khác cũng bỏ phiếu trắng vì khẳng định Hiệp ước lẽ ra nên cấm việc bán vũ khí cho các tổ chức vũ trang.
Các đại biểu hoan nghênh việc thông qua Hiệp ước về buôn bán vũ khí |
Ủng hộ đông đảo nhất phải kể đến các nước châu Phi với quan điểm rằng về dài hạn, giảm buôn bán vũ khí cũng đồng nghĩa với giảm xung đột vũ trang. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của các cuộc đàm phán đôi khi dẫn đến sự thỏa hiệp nên Hiệp ước dù đã được thông qua vẫn để lại nhiều lỗ hổng. Ví như, Hiệp ước tập trung quy định việc buôn bán vũ khí, mà chưa có quy định nào về những cách thức trao đổi vũ khí khác như dùng vũ khí làm quà biếu, làm vật trả nợ, cho thuê hoặc trợ cấp.
Quá trình đàm phán Hiệp ước buôn bán vũ khí bắt đầu từ năm 1990 khi các nhà hoạt động xã hội và những người đạt giải Nô-ben hòa bình bày tỏ sự quan ngại về tình trạng buôn bán vũ khí toàn cầu không được kiểm soát và những tác động mà nó gây ra cho an ninh nhân loại. Kết quả là, một số nước đã quan tâm đến vấn đề này và bắt đầu đàm phán chính thức về một hiệp ước buôn bán vũ khí trong khuôn khổ của Liên hợp quốc.
Năm 2006, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã yêu cầu các nước đệ trình quan điểm của họ về một hiệp ước buôn bán vũ khí. Hơn 100 nước trên thế giới đã tham gia. Những quan điểm này đã được tập hợp trong báo cáo năm 2007 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Năm 2008, một nhóm các chuyên gia của Liên hợp quốc đã kiểm tra tính khả thi, phạm vi áp dụng và các thông số của dự thảo buôn bán vũ khí để tiến tới thiết lập một công cụ có tính ràng buộc toàn diện gồm những tiêu chuẩn quốc tế về xuất nhập khẩu và trao đổi vũ khí thông thường.
Cuối năm 2009, Liên hợp quốc quyết định sẽ triệu tập một Hội nghị về Hiệp ước buôn bán vũ khí trong năm 2012 “nhằm xây dựng công cụ pháp lý về các tiêu chuẩn quốc tế có tính khả thi trong trao đổi vũ khí thông thường”. Ủy ban trù bị của Hội nghị đã tiến hành được 4 phiên họp.
Sau đó, Hội nghị về Hiệp ước buôn bán vũ khí đã diễn ra tại trụ sở của Liên hợp quốc từ ngày 02 đến ngày 27-07-2012. Sau 4 tuần thương lượng phức tạp và căng thẳng, Hội nghị đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Việc này đã “dội một gáo nước lạnh” vào những thành viên của Liên hợp quốc và các tổ chức xã hội đã ra sức ủng hộ việc thông qua Hiệp ước suốt một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, các thành viên Liên hợp quốc cũng đã tiến rất gần đến một thỏa thuận về buôn bán vũ khí và cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi những thương lượng mới trong tương lai gần.
Tiếp nối từ Hội nghị năm 2012, Hội nghị năm 2013 của Liên hợp quốc về buôn bán vũ khí được chỉ định là hội nghị “cuối cùng” để phản ánh cam kết đông đảo của các nước sẽ kết thúc quá trình đàm phán Hiệp ước buôn bán vũ khí, đi đến một thỏa thuận cuối cùng - thỏa thuận có tính lịch sử. Và cam kết đó đã thành sự thực./.
Từ trường học tiếp thu - ghi nhớ kiến thức đến trường học sáng tạo kiến thức - phát triển năng lực  (10/04/2013)
Từ trường học tiếp thu - ghi nhớ kiến thức đến trường học sáng tạo kiến thức - phát triển năng lực  (10/04/2013)
Nguyễn Cơ Thạch - nhà ngoại giao tài ba, khôn khéo  (10/04/2013)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Đảng Cộng sản Bra-xin  (09/04/2013)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Thủ hiến vùng Oa-lô-ni - Bờ-rúc-xen  (09/04/2013)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 17  (09/04/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên