Về việc chế định quyền trẻ em trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

ThS, Nguyễn Thị Loan Anh Đại học Văn hóa Hà Nội
17:14, ngày 14-03-2013
TCCSĐT - Quyền trẻ em ở nước ta đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 và được cụ thể hóa trong nhiều bộ luật và luật. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều tiến bộ trong việc chế định quyền trẻ em, tuy nhiên, vẫn còn những điểm cần tiếp tục hoàn thiện.

Tiền đề cho việc chế định quyền trẻ em trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Trong Luật nhân quyền quốc tế, quyền trẻ em được chế định chủ yếu trong Công ước về quyền trẻ em (CRC, năm 1989) và 2 nghị định thư không bắt buộc bổ sung CRC được thông qua năm 2000 (Nghị định thư về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, Nghị định thư về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang). Trong đó khái niệm “Trẻ em” được xác định là những người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, đây là một điều luật mở cho các quốc gia thành viên. Theo đó, các quốc gia thành viên có thể quy định các quyền trẻ em được bắt đầu ngay khi mang thai hay sau khi ra đời; và về độ tuổi được coi là trẻ em thấp hơn 18 tuổi so với quy định của CRC.

Quyền trẻ em được chế định dưới 4 dạng, trong đó 2 dạng đầu là quyền trực tiếp; hai dạng sau, tạm gọi là quyền gián tiếp hay quyền thụ động:

Quyền: được sống và phát triển, có họ tên và quốc tịch, ...

Tự do (hay quyền cơ bản): tự do tiếp nhận thông tin, tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, ...

Trách nhiệm của cha mẹ và xã hội: thực hiện các quyền trẻ em, có quyền và nghĩa vụ định hướng và đưa ra những chỉ dẫn phù hợp,...

Bảo vệ của cha mẹ và xã hội: khỏi sự bóc lột và lạm dụng tình dục, khỏi bị mua bán và bắt cóc, khỏi bị tra tấn và tước đoạt tự do, khỏi ảnh hưởng của xung đột vũ trang,...

Nội dung quyền trẻ em trong CRC được phân thành 4 nhóm: a/ Nhóm quyền được sống hay được tồn tại (các Điều 5, 6, 24, 26, 27); b/ nhóm quyền được bảo vệ (các Điều 2, 7, 8, 9, 10, 11, 16, 19, 20, 21, 22, 23, 25, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40); c/ nhóm quyền được phát triển (các Điều 17, 18, 28, 29, 31, 32); d/ nhóm quyền được tham gia (các Điều 12, 13, 14, 15, 17, 30).

Việt Nam một trong những nước đầu tiên tham gia ký CRC (ngày 28-2-1990). Quyền trẻ em được hiến định trong Hiến pháp năm 1946 (trực tiếp là các Điều 14, 15 và được hàm chứa trong một số điều khác), và trong tất cả các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992, gồm cả lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2001. Trong Hiến pháp năm 1992, quyền trẻ em được chế định trực tiếp trong Điều 40 và được hàm chứa trong một số điều khác (Điều 50,...). Quyền trẻ em được thể chế hóa trong nhiều bộ luật và luật, mà tập trung là Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (năm 2004).

Việc chế định quyền trẻ em trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thứ nhất, các quyền trực tiếp

Khoản 2 Điều 38 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56): 2. Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật.

Khoản 2 Điều 39 (sửa đổi, bổ sung Điều 64): 2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.

Toàn bộ Điều 40 (sửa đổi, bổ sung Điều 65): 1. Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. 2. Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Khoản 2 Điều 62 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 40): 2. Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số.

Thứ hai, quyền trẻ em được hàm chứa trong việc chế định các quyền con người, cụ thể được thể hiện ở cụm từ “mọi người”

Điều 16 (mới): 1. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 17 (sửa đổi, bổ sung Điều 52): 1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Điều 21 (mới): Mọi người có quyền sống.

Điều 22 (sửa đổi, bổ sung Điều 71): 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. 2. Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người. 3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý.

Điều 23 (sửa đổi, bổ sung Điều 73): 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý. 2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định.

Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 70): 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo,...

Điều 31 (sửa đổi, bổ sung Điều 74): 1. Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. 3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

Điều 32 (sửa đổi, bổ sung Điều 72): 1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. 2. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm. 3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa. 4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

Điều 33 (sửa đổi, bổ sung Điều 58): 1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 57 và Điều 58. 2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.

Điều 34 (sửa đổi, bổ sung Điều 57): 1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh. 2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh.

Điều 43 (sửa đổi, bổ sung Điều 60): 1. Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật.

Điều 44 (mới): Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa.

Điều 46 (mới): 1. Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành. 2. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

Những ưu điểm, hạn chế trong việc chế định quyền trẻ em của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Dự thảo đã khắc phục được sự nhầm lẫn giữa quyền con người với quyền công dân cũng như chuyển được cách thức thiết lập quyền từ chỗ quy định dưới dạng Nhà nước “quyết định” quyền cho công dân và mọi người, sang việc công dân và mọi người được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên và Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có trẻ em.

Dự thảo dành cho quyền trẻ em một khuôn khổ khá rộng lớn gồm cả quyền trực tiếp và quyền hàm chứa, với nhiều quyền con người cơ bản mà Luật nhân quyền quốc tế và hiến pháp của nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận; trong đó có một số quyền mới (quyền sống, quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật; quyền được sống trong môi trường trong lành; ...).

Tuy nhiên, hình thức chế định quyền trẻ em còn thiếu, cụ thể là dưới dạng “trách nhiệm” của cha mẹ và xã hội, và quyền được bảo vệ. Hai dạng này là không thể thiếu đối với những cá thể còn non nớt cả về thể chất và tinh thần, không thể tự mình tồn tại được ở giai đoạn đầu tuổi thơ hoặc khó, thậm chí không thể tự nuôi sống bản thân ở giai đoạn cuối tuổi thơ.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, theo chúng tôi:

- Hiến pháp nên có một khoản, có thể trong Điều 38 hoặc Điều 40, chế định về trách nhiệm của cha mẹ và xã hội trong việc thực hiện các quyền trẻ em, có quyền và nghĩa vụ định hướng và đưa ra những chỉ dẫn phù hợp.

- Nên có một khoản, có thể trong Điều 38 hoặc Điều 40, chế định về việc bảo vệ trẻ em, nhất là không bị tước đoạt về tính mạng, và bảo vệ khỏi sự sự bóc lột và lạm dụng tình dục, khỏi bị mua bán và bắt cóc, khỏi bị tra tấn và tước đoạt tự do, ...

- Để bảo đảm sự bình đẳng giữa các quyền hiến định và luật định, nên có một khoản, tốt nhất là một điều ở Chương II, quy định về sự bình đẳng giữa các quyền hiến định và luật định, trong đó có quyền trẻ em.

- Nhiều điều trong Dự thảo... ràng buộc các quyền hiến định “theo” và do đó, thấp hơn “quy định của pháp luật”. Vì thế nên thay chữ “theo” bằng chữ “do” hay chữ “bằng”./.