Kinh tế Việt Nam năm 2012 - 2013: tái cơ cấu doanh nghiệp và cân đối kinh tế vĩ mô
Mặc dù trong năm qua nền kinh tế cũng có những điểm sáng nhất định, như lạm phát thấp (6,81%), lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, xuất siêu,… tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu những điểm sáng ấy có mang tính dài hạn hay chỉ là những hiện tượng nhất thời, có tính chất ngắn hạn, đặc biệt là, trong khi phần lớn các nước trong khu vực đang gia tăng tốc độ tăng trưởng thì Việt Nam dường như vẫn “chưa tìm lại được chính mình”.
Với mục đích tổng kết những điểm quan trọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2012, chỉ ra những kết quả, những mặt còn yếu kém để đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, đồng thời tạo đà tăng trưởng bền vững ở những năm tiếp theo thông qua việc thiết lập các cân đối kinh tế vĩ mô, ngày 26-1-2013, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam năm 2012 - 2013: tái cơ cấu doanh nghiệp và cân đối kinh tế vĩ mô”. GS, TS. Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, TS. Lê Xuân Bá, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo các học giả, chuyên gia kinh tế, cán bộ quản lý ở các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ quản lý ở các doanh nghiệp, các tập đoàn…
“Thành tựu kinh tế đều còn đang dang dở”
Xuất phát từ cách tiếp cận nhìn thẳng vào chất lượng tăng trưởng, hiệu quả xuất khẩu, nhiều tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo cho rằng, ngay trong những điểm sáng của nền kinh tế năm 2012 vẫn có những khoảng tối. Từ khía cạnh kiềm chế lạm phát, cán cân xuất nhập khẩu, GS, TS. Nguyễn Kế Tuấn (Đại học Kinh tế quốc dân) luận giải rằng, việc đưa CPI xuống mức 6,81% có phần là kết quả của các giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP và Nghị quyết số 13/2012/NQ-CP tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách nhà nước, thắt chặt đầu tư công, kiểm soát chặt chẽ tiền tệ và tín dụng, nhưng đó cũng còn phản ánh sự tác động của sức mua giảm sút, hàng tồn kho tăng và tín dụng giảm mạnh. Một trong những điểm bất thường của diễn biến CPI trong năm 2012 là chỉ số giá lương thực và thực phẩm tăng thấp. Nếu xét trong điều kiện 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn thì việc giá cả nhóm hàng này tăng thấp gián tiếp phản ánh sự sụt giảm thu nhập và đời sống của dân cư nông dân. Điều này cho thấy, chúng ta chưa tạo lập được nền tảng vững chắc để kiểm soát lạm phát một cách chủ động. Những biện pháp kiềm chế lạm phát thực hiện trong thời gian qua vẫn mang tính chất ngắn hạn, trong khi các giải pháp cơ bản như tái cấu trúc kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô,… chưa thực hiện được bao nhiêu. GS, TS. Nguyễn Kế Tuấn cho biết, có một số nhà kinh tế cảnh báo nguy cơ xảy ra “vòng luẩn quẩn diễn ra từ năm 2007 là hai năm lạm phát cao, một năm lạm phát thấp”. Nghĩa là, trong năm 2013 lạm phát có thể sẽ tăng cao nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kích thích tăng tổng cầu thị trường. “Bóng tối” của mảng sáng nhập khẩu được nhìn nhận ở chỗ, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 31,2%, còn khu vực kinh tế trong nước chỉ tăng “khiêm tốn”: 1,3%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chỉ bằng 91,3% so với năm 2011, trong khi đó, khu vực FDI tăng 25,5%. Sự sụt giảm này phản ánh sự đình trệ và sụt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Thành tích xuất siêu cũng thuộc về các doanh nghiệp FDI. Trong khi khu vực này xuất siêu gần 12 tỷ USD thì khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu 11,7 tỷ USD. Tình trạng đó cho thấy, các doanh nghiệp trong nước chưa khắc phục được những hạn chế vốn có về trình độ công nghệ, trình độ quản lý, chưa tham gia được một cách sâu rộng vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu.
Đáng quan tâm nữa là, theo PGS, TS. Nguyễn Việt Hùng (Đại học Kinh tế quốc dân), mặc dù khu vực FDI có nhiều đóng góp đối với tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, sự tăng trưởng của khu vực này chủ yếu dựa vào lao động rẻ, chứ không phải do công nghệ tiên tiến tạo ra. Hệ lụy của những bất cập trong khu vực FDI cũng đang là nguyên nhân sâu xa gây ra lạm phát, vì thế, chỉ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là chưa đủ mà còn cần đánh giá một cách công bằng hơn đối với hiệu quả của khu vực có vốn FDI.
Đánh giá về thực trạng và triển vọng của việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, PGS, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là đúng đắn, tiến trình tái cơ cấu kinh tế đạt sự nhất trí cao, nhưng việc triển khai chưa hiệu quả, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Đến cuối năm 2012, cả nước có 75 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có 45 đề án đã được phê duyệt. Việc thoái vốn đã bắt đầu diễn ra ở một số tập đoàn và tổng công ty. Nhiều dự án bất động sản đã được các tập đoàn chấp nhận bán rẻ, bán lỗ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều băn khoăn đối với triển vọng tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận xét, chương trình tái cơ cấu kinh tế còn “mờ ảo”. Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói, Chính phủ đang rất khó khăn khi cùng lúc phải giải quyết tình trạng doanh nghiệp đang kiệt quệ và lạm phát cao đang rình rập. “Chính phủ phải tìm điểm nối giữa giải quyết vấn đề ngắn hạn và dài hạn. Không thể không giải quyết vấn đề ngắn hạn, mà cũng không thể phá vỡ mục tiêu dài hạn”. Nợ xấu đang làm toàn bộ nền kinh tế bế tắc, việc giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng rất chậm, làm cho vốn không chảy vào nền kinh tế được.
GS, TSKH. Võ Đại Lược so sánh, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2012 cao hơn năm 1999 - thời điểm nền kinh tế bắt đầu thấm tác động của khủng hoảng tài chính khu vực, nhưng tình hình kinh tế thời điểm đó tốt hơn bây giờ rất nhiều.
“Phá băng” thị trường bất động sản - một trong những giải pháp cấp bách trước mắt để giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế
Thị trường bất động sản và tác động của “bong bóng” thị trường bất động sản bị vỡ đối với nền kinh tế là một trong những nội dung được nhiều tham luận đề cập. PGS, TS. Phạm Hồng Chương (Đại học Kinh tế quốc dân) phân tích, “vòng xoáy” bắt đầu từ chỗ: lượng vốn quá lớn đổ vào thị trường bất động sản trong những năm qua không chỉ tạo ra các “bong bóng”, thu hút phần lớn nguồn lực của nền kinh tế mà còn làm triệt tiêu động lực kinh doanh của các doanh nghiệp. Gần như 100% các doanh nghiệp lớn và vừa đều tham gia kinh doanh bất động sản. Đến khi giá bất động sản vượt quá xa nhu cầu, “bong bóng” vỡ, thị trường bất động sản giảm giá và mất dần tính thanh khoản. Hệ thống doanh nghiệp xuống dốc theo. Nợ xấu gia tăng, kinh tế trì trệ, các doanh nghiệp, người dân phải bán phá giá bất động sản, giá bất động sản tiếp tục giảm sâu. Khi đó, kinh tế trở nên trì trệ, và vòng xoáy lại tiếp tục... Vì thế, nhiệm vụ cấp bách trước mắt là khơi thông thị trường, điều chỉnh nó đi theo đúng quỹ đạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong năm 2013, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Yếu tố quan trọng nhất của việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại là tháo gỡ “bong bóng” bất động sản. Đây là nhiệm vụ khó khăn, bởi tiếp tục xiết chặt tín dụng hay bơm tiền vào thị trường này đều có thể gây ra những hậu qua tai hại. Hỗ trợ người dân mua nhà ở; bảo đảm tiến độ, chất lượng hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty lớn là hai hướng giải quyết quan trọng để khơi thông thị trường bất động sản, phá vỡ “vòng xoáy” kinh tế.
Một số đại biểu cho rằng, để tháo gỡ khó khăn về hàng tồn kho cần tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm. Đối với tồn kho bất động sản, cần: mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà ở; rà soát các dự án đã giao để xác định các dự án tạm dừng, dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp; tăng cường quản lý nhà nước về thị trường bất động sản,…
TS. Nguyễn Minh Ngọc (Đại học Kinh tế quốc dân) khẳng định, giải quyết vấn đề của thị trường bất động sản mang tính “sống còn” đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Việc Ngân hàng Nhà nước trong nửa đầu năm 2013 sẽ đưa lượng tiền khoảng 100 nghìn đến 150 nghìn tỷ để hỗ trợ thị trường cộng với cam kết hỗ trợ khoảng 40 nghìn tỷ cho vay kích cầu bất động sản là thông tin tích cực, có giá trị “hồi sức” cho thị trường bất động sản. Số tiền này tuy quá nhỏ bé so với quy mô của thị trường đang cần vốn, nhưng cũng làm thâm hụt nặng thêm ngân sách nhà nước, vì thế, rất cần quan tâm đến các vấn đề như phương thức, đối tượng, tiến độ giải ngân, quản lý, kiểm soát,…để bảo đảm hiệu quả của gói hỗ trợ.
GS, TS. Trần Thọ Đạt (Đại học Kinh tế quốc dân) đề xuất một số giải pháp để tăng tổng cung của nền kinh tế, như: giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thực sự khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ; có những bước đi thận trọng tránh điều chỉnh nới lỏng chính sách quá sớm, ưu tiên thực hiện duy trì lạm phát thấp để tạo niềm tin của doanh nghiệp và công chúng…
Giải quyết quan hệ giữa tái cơ cấu các doanh nhiệp với các cân đối kinh tế vĩ mô
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích mối quan hệ hữu cơ, sự tác động qua lại giữa tái cơ cấu của các doanh nhiệp với các cân đối kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp chỉ có thể tái cơ cấu trong một môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định và khi có đủ khả năng tiếp cận được với những nguồn lực quan trọng như vốn, nhân lực, công nghệ và thị trường. Mặt khác, một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định chỉ có thể xây dựng được trên cơ sở những cân đối vĩ mô của nền kinh tế, như cán cân thanh toán, cân đối thu chi ngân sách, quan hệ tiết kiệm - đầu tư,… Những cân đối này chỉ có được một cách bền vững trên nền tảng của các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ ở trong nước và thế giới.
Nhìn từ góc độ bảo đảm an ninh tài chính quốc gia trong dài hạn TS. Võ Trí Thành, TS. Lê Xuân Sang (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, cần nỗ lực xây dựng thị trường tài chính phát triển cân đối hơn, hướng nền kinh tế huy động vốn dài hạn thông qua thị trường chứng khoán, qua đó giảm các vấn đề sai lệch “kép” và tạo nên một khu vực ngân hàng thương mại hiệu quả, lành mạnh. Quá trình tái cấu trúc nền kinh tế trong thời gian tới có thể có nhiều khó khăn hơn nhiều so với dự kiến, chủ yếu do những lực cản từ các “nhóm lợi ích” khác nhau, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới còn đứng trước nhiều bất trắc. Đây là thời điểm có tính quyết định, đòi hỏi Việt Nam cần kiên định đổi mới về chất của mô hình tăng trưởng, mạnh dạn đổi mới quản lý nhà nước và cải tổ quản trị doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, ý chí chính trị để đẩy nhanh cải cách hệ thống giám sát tài chính, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công có ý nghĩa sống còn và là trụ cột trọng yếu trong tiến trình tái cơ cấu trong thời gian tới.
GS, TS. Đỗ Đức Bình (Đại học Kinh tế quốc dân) kiến nghị, cần phải có tư duy, quan điểm và cách làm mới đối với đất nước và nền kinh tế Việt Nam. Tất cả các biện pháp mà Chính phủ thực hiện trong năm 2013 phải tập trung vào “cứu” khu vực sản xuất, thực sự giúp các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh phục vụ các nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhằm góp phần tiếp tục phục hồi, ổn định và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Một vấn đề nữa là cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa tập trung và phân cấp trong quản lý nền kinh tế và phát triển kinh tế giữa Trung ương và địa phương; khắc phục triệt để tình trạng tập trung và phân cấp gắn với “lợi ích nhóm”, cũng như khắc phục tình trạng “đùn đẩy trách nhiệm”.
Khẳng định thể chế là một nguồn lực đối với tăng trưởng, TS. Phạm Hồng Mạnh (Đại học Nha Trang) cho rằng, cần đổi mới tư duy trong việc xây dựng thể chế, lấy tăng trưởng và hiệu quả phân bổ nguồn lực làm thước đo của quá trình xây dựng thể chế kinh tế. GS, TSKH. Võ Đại Lược cho rằng, để giải quyết tình trạng kinh tế hiện nay còn cần phải thấy “nguyên nhân của vấn đề kinh tế hiện nay nằm ngoài kinh tế”. Cần yêu cầu doanh nghiệp nhà nước “quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế”.
Phân tích nợ công của Việt Nam, TS. Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế quốc dân) lo ngại, những khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước là “mầm mống” đe dọa tính bền vững của nợ công cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kiểm soát nợ nước ngoài của Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, kiểm soát nợ nước ngoài chặt chẽ đồng nghĩa với quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước, hình thành cơ chế giám sát vi mô và vĩ mô hữu hiệu đối với các tổ chức tài chính - ngân hàng, các tập đoàn - tổng công ty trong việc vay nợ nước ngoài.
Cho rằng, bất cân đối lớn nhất trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay là khoảng cách quá xa giữa “kinh tế vật chất và tiền tệ”, khu vực sản xuất bị coi nhẹ, TS. Nguyễn Văn Nam cho rằng, cần phải quan tâm thỏa đáng, thúc đẩy khu vực sản xuất phát triển, đồng thời phá vỡ liên kết “lợi ích nhóm”, nếu không tình trạng “bong bóng” đất đai lại tiếp tục xảy ra.
TS. Võ Trí Thành nêu 4 bài học đối với doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh là: học cách sống với “sốc”; học cách cạnh tranh; học cách kết nối với các mạng sản xuất toàn cầu, hiểu thế giới tài chính; học ý tưởng mới “xanh hơn, thực hơn, có trách nhiệm với xã hội hơn”.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho biết sắp tới sẽ có một hội thảo mang tên “Diễn đàn mùa Xuân” tại Khánh Hòa với mục đích tập hợp rộng rãi, chắt lọc các ý kiến để gửi tới Quốc hội, các cơ quan nhà nước xem xét và cụ thể hóa thành các chính sách thực tiễn, đưa nền kinh tế của đất nước vượt qua gian khó, phát triển khởi sắc./.
Ngày 17-7-2012, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 929/QĐTTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”. Sau khi Đề án này được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn và tổng công ty đã xây dựng đề án tái cơ cấu cho từng doanh nghiệp. Đến cuối năm 2012, cả nước có 75 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có 45 đề án đã được phê duyệt. Như vậy, trong thời gian trước mắt, quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp vẫn phải được tiếp tục đẩy mạnh. |
Kinh tế thế giới sẽ “ấm” dần trong năm 2013  (05/02/2013)
Nghỉ cho khỏe!  (05/02/2013)
Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đối với nông dân bị thu hồi đất cho phát triển các khu công nghiệp  (05/02/2013)
Chủ tịch nước chúc Tết bộ đội thông tin và đặc công  (05/02/2013)
Bộ Chính trị, Ban Bí thư điều động, phân công cán bộ  (05/02/2013)
Chủ tịch nước thăm, làm việc ở vùng hoa Tây Tựu  (05/02/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển