TCCSĐT - Ngày 20-7 vừa qua tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã bế mạc Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) lần thứ 5. Diễn đàn này được thành lập năm 2000, họp 3 năm một lần luân phiên ở Bắc Kinh và thủ đô một quốc gia châu Phi và là sự thể chế hóa quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Diễn đàn năm nay đã thông qua Tuyên bố Bắc Kinh và Chương trình Hành động Bắc Kinh, định hướng hợp tác giữa Trung Quốc và châu Phi cho thời gian 3 năm tới.

Tại diễn đàn hợp tác của Trung Quốc lần này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon cùng lãnh đạo 50 quốc gia châu Phi đã tới dự. Điều đặc biệt là tại diễn đàn năm nay, lần đầu tiên có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và cũng tại diễn đàn này, Trung Quốc đã cam kết dành 20 tỷ USD tín dụng cho châu Phi. Năm 2009, Trung Quốc chỉ cam kết bằng nửa con số ấy.

Sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và việc cam kết tín dụng 20 tỷ USD của Trung Quốc đã khẳng định tầm quan trọng của châu Phi trong chính sách chung của Trung Quốc. Lục địa này đã trở thành nguồn cung cấp dầu lửa, kim loại và nhiều nguyên vật liệu quan trọng khác cho Trung Quốc, đóng vai trò đáng kể vào việc duy trì tăng tưởng kinh tế cao ở Trung Quốc. Châu Phi cũng đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc. Trong 6 năm qua, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng gấp đôi, năm 2011 đạt 166,3 tỷ USD. Từ năm 2000 trở lại đây, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai bên tăng trung bình 32% hằng năm. Năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi.

Trong cùng thời gian ấy, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi đạt 15 tỷ USD. Cho tới tháng 6-2012, Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp 45 tỷ USD vào khu vực lục địa đen, chủ yếu trên các lĩnh vực tài chính, khai thác mỏ và nguyên vật liệu.

Nhờ vào sự đầu từ đó, ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở châu lục này đã tăng lên đáng kể. Khác với Mỹ và EU, Trung Quốc không đặt điều kiện chính trị và kinh tế cho viện trợ phát triển, trao đổi thương mại, hợp tác kinh tế và tài chính với châu Phi. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã công khai xác nhận điều đó với phát biểu sau ở Bắc Kinh: "Chúng tôi tin tưởng rằng, ý định của Trung Quốc khác với ý định của châu Âu. Cho tới nay, châu Âu luôn tìm cách chi phối châu Phi từ lợi ích riêng của mình".

Cả trong cách thức quan hệ với châu Phi cũng có sự khác biệt rất đáng kể giữa Trung Quốc với Mỹ và EU. Trong khi Mỹ và EU tập trung ưu tiên cho xây dựng trường học, bệnh viện và cung cấp nước sạch.... thì Trung Quốc lại dành sự quan tâm hàng đầu cho những dự án lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác dầu khí và khoáng sản, mua những diện tích canh tác rộng lớn để trồng trọt, sản xuất lương thực và nguyên vật liệu đưa về Trung Quốc.

Bên cạnh những phê phán ở châu Phi và cả nhiều đối tác khác là Trung Quốc trong hợp tác với châu Phi không lưu tâm thỏa đáng tới các vấn đề xã hội và không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường sinh thái còn có những nhận xét rằng, Trung Quốc chủ ý bảo tồn nguồn tài nguyên trong nước, trong khi chủ định khai thác triệt để nguồn tài nguyên ở các đối tác. Nhưng để tranh thủ các nước châu Phi và cải thiện thể diện trên châu lục, Trung Quốc cũng bỏ tiền xây dựng trường học và bệnh viện như Mỹ và EU.

Trụ sở Liên minh châu Phi (AU) ở thủ đô Addis Abeba của Ethiopia cũng do Trung Quốc xây tặng. Theo các số liệu thống kê công khai, 80% đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi do các tập đoàn nhà nước của Trung Quốc thực hiện. Năm 2011, có hơn một triệu lượt người Trung Quốc đến châu Phi để làm ăn kinh doanh. Ngày càng có nhiều người Trung Quốc di cư sang châu Phi. Chỉ riêng ở Nam Phi, số lượng người Trung Quốc định cư ước tính đã hơn 250.000 người. Có thể nói, Trung Quốc đã vượt xa tất cả các đối tác khác về mức độ và chất lượng hợp tác cũng như mức độ thể chế hóa quan hệ hợp tác với châu Phi./.