Nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

T.S Võ Hùng Dũng Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ
17:25, ngày 23-07-2012
TCCSĐT - Trong  cơ cấu kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)nông nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng hơn 40%, công nghiệp và xây dựng khoảng 25%, còn lại là dịch vụ với tỉ lệ trên dưới 33%. Tốc độ chuyển dịch  cơ cấu kinh tế toàn vùng diễn ra khá nhanh từ sau năm 2000 đến nay: khu vực I giảm 18%, khu vực II tăng gần 10% và khu vực III tăng 8%. Bước chuyển dịch này là một cơ sở khách quan cho việc ra đời và phát triển của các doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế ở ĐBSCL. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng và chất lượng DN ở ĐBSCL đang có chiều hướng suy giảm, rất cần có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

DN phát triển với tốc độ chậm, quy mô nhỏ

Theo tổng hợp số liệu từ các cơ quan đăng ký kinh doanh,  toàn vùng hiện có khoảng 50.000 DN đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, số DN thực sự hoạt động thường thấp hơn số đăng ký khoảng 30-40%. Trong đó, khoảng  42% DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, 20% trong lĩnh vực công nghiệp, 15% trong lĩnh vực xây dựng, 5% trong lĩnh vực thủy sản, 4% trong lĩnh vực khách sạn nhà hàng, 5% trong lĩnh vực  vận tải và thông tin liên lạc, 1,1% trong lĩnh vực tài chính - tín dụng và 2% trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tỷ lệ tăng trung bình hằng năm của DN vùng ĐBSCL từ 2000 đến 2008 là 10%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trung bình của cả nước (22% năm). Tính trên một vạn dân thì trung bình cả nước 242 DN, trong khi  ĐBSCL chỉ có 125 DN (số liệu Tổng cục thống kê năm 2008).

Hầu hết các DN ở ĐBSCL là DN nhỏ. Có trên 93% số DN có quy mô dưới 10 tỷ đồng. Trong đó, số DN qui mô từ 0,5 tỉ đến dưới 5 tỉ đồng chiếm gần 70%. Khoảng  98% số DN có quy mô sử dụng dưới 300 lao động; trong đó, số DN có  dưới 50 lao động chiếm 92%.

Biểu 1: So sánh DN vùng ĐBSCL với DN cả nước năm 2006 và 2008

Số LĐ/ DN (người)

Vốn/ DN (tỉ đồng)

TSCĐ / DN (tỉ đồng)

Doanh thu / DN (tỉ đồng)

Lợi nhuận trước thuế / DN  (tỉ đồng)

Cả nước

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

2006

51

25,8

10,9

20,4

1,27

2008

40

30,8

12,5

25,0

1,03

ĐBSCL

2006

30

6,7

2,4

14,8

0,37

2008

28

10,8

3,6

18,2

0,49

So sánh Doanh nghiệp DĐBSCL với DN cả nước (%)

2006

59,18

26,20

21,94

72,59

28,81

2008

71,26

35,17

29,02

72,80

47,62

(Nguồn: Thực trạng DN  qua kết quả điều tra năm 2007, 2008 và 2009.  Nhà xuất bản Thống kê, 2010)

Theo số liệu thống kê trên, so với năm 2006, hầu hết các chỉ tiêu nêu trong năm 2008 về DN ở ĐBSCL đã được cải thiện. Tuy nhiên, so với mức trung bình của cả nước thì vẫn còn nhiều yếu kém. Chẳng hạn, với chỉ tiêu (1) bình quân số lao động/DN thì DN ở ĐBSCL chỉ bằng 71% mức trung bình cả nước, chỉ tiêu (2) chỉ bằng 35%, chỉ tiêu (3) bằng 29%,  chỉ tiêu (4) bằng 73% và chỉ tiêu (5) chỉ bằng 48%.

           

 Biểu 2:  DN khu vực ĐBSCL so với DN cả nước từ 2000 đến 2008


(Nguồn:  Tổng cục Thống kê)


Biểu đồ trên cho thấy vào năm 2000, năm đầu tiên thi hành Luật Doanh nghiệp, số DN ở ĐBSCL chiếm 23% tổng số DN cả nước. Tính trên 1 vạn dân thì ĐBSCL có 60 DN, trong khi bình quân cả nước là 54. Nhưng tình hình đã thay đổi rất nhanh những năm sau đó. Đầu năm 2008, số DN của vùng ĐBSCL chỉ còn chiếm 10,5% trong tổng số DN cả nước, tính trên 1 vạn dân thì ĐBSCL đã có khoảng cách thấp hơn rất xa (125 so với 242).

Đi tìm nguyên nhân tụt hậu

Để giải thích tình trạng tụt hậu này cần có những nghiên cứu thấu đáo. Tuy nhiên, những giải thích bước đầu từ nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng có thể do cấu trúc kinh tế của vùng mà nông nghiệp đang còn chiếm tỉ lệ lớn, cơ sở hạ tầng yếu kém, khu vực đô thị phát triển chậm. Riêng về nguồn  nhân lực, đặc biệt nhân lực cho quản trị kinh doanh, nhân lực có sáng kiến thúc đẩy khởi nghiệp với những ngành nghề mới, cũng là điểm rất đáng quan tâm.

Cơ cấu kinh tế và khu vực đô thị yếu kém

Nông nghiệp chiếm gần 50% trong cơ cấu kinh tế và khu vực đô thị kém phát triển được xem là nguyên nhân chính của việc phát triển DN ở ĐBSCL chậm trong những năm qua. Khu vực nông thôn rộng lớn, môi trường kinh doanh yếu kém là rào cản tự nhiên của quá trình khởi sự DN. Mặt khác, khu vực nông nghiệp khá rộng cũng khó hấp dẫn việc đầu tư và phát triển các ngành nghề mới, một điều kiện cần thiết cho sự phát triển DN. Đây cũng là vấn đề chung của cả nước chứ không riêng gì với ĐBSCL.

Trong tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 1988 đến 2009, ngành nông nghiệp (và thủy sản) chỉ chiếm 6% số giấy phép đã cấp và 2,5% số vốn đăng ký. Trong tổng số DN hoạt động đến hết năm 2008 thì khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản chỉ chiếm 4,2%. Bình quân một DN trong nông nghiệp sử dụng 50 lao động, nhưng số vốn chỉ có 9,7 tỉ đồng (số liệu năm 2008).

Ở hầu hết các tỉnh, thành  trong vùng, nơi nào tỉ lệ đô thị hóa thấp, tỷ trọng khu vực I còn lớn (như Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hậu Giang) thì số DN đều thấp, tốc độ phát triển chậm, quy mô nhỏ. Khu vực đô thị còn nhỏ, bị chi phối chính bởi sinh hoạt của vùng nông thôn cũng khó khăn cho việc hình thành các ngành dịch vụ hỗ trợ. Đây cũng là một phần quan trọng để giải thích vì sao vào năm đầu thi hành Luật Doanh nghiệp, ĐBSCL đã có số DN chiếm đến 23% trong tổng số DN cả nước, nhưng đến năm 2005 chỉ còn 13% và hiện nay chỉ còn khoảng 10%.

Sản xuất nông nghiệp có đặc điểm là gắn liền với các nông hộ, quản lý theo kiểu gia đình, không cần đến mô hình quản trị theo kiểu DN. Hàng triệu nông hộ trồng lúa, hàng vạn hộ kinh doanh bán lẻ ở nông thôn là những người kinh doanh nhỏ. Trong số đó, có hàng nghìn hộ nuôi tôm, nuôi cá với vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng, doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm nhưng  họ không muốn đăng ký thành lập DN. Phương thức nuôi quảng canh, diện tích nuôi không quá lớn có liên quan và chi phối phương pháp quản trị. Với cách thức này, quản trị theo kiểu DN chưa chắc sẽ có hiệu quả hơn cách quản trị theo kiểu gia đình. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, ở ĐBSCL, việc chuyển từ mô hình nông dân nuôi trồng trong nông nghiệp sang công nhân nông nghiệp vẫn là bài toán lâu dài.

Trong khi đó, yếu kém của khu vực đô thị làm cho các ngành dịch vụ không có điều kiện phát triển. Thiếu vắng các DN loại này sẽ hạn chế mức độ phát triển theo chiều sâu của các DN và kể cả các hộ sản xuất, kinh doanh khác.  Nó cũng hạn chế tính đa dạng sử dụng lao động và dẫn đến nhu cầu đào tạo lao động đơn điệu.

Cơ sở hạ tầng vừa thiếu vừa yếu

Đây không chỉ vấn đề đường giao thông mà còn liên quan đến bến cảng, kho bãi và dịch vụ logictics. Thiếu cơ sở hạ tầng này không chỉ ngăn trở việc việc hình thành các DN trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, giao nhận mà còn làm cho mối liên hệ kết nối các loại hình hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, cắt khúc. Chi phí chuyên chở, thực hiện giao nhận hàng hóa cao không chỉ là trở ngại đối với các DN đang hoạt động kinh doanh ở ĐBSCL mà còn  làm nản lòng các nhà đầu tư mới muốn tăng vốn kinh doanh hoặc thành lập DN mới. Kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009 cho thấy, xét về tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước thì vùng ĐBSCL đứng thứ 3,  nhưng tỷ lệ đường được trải nhựa của vùng này lại thấp vào hàng thứ 2 cả nước, chỉ hơn miền núi phía Bắc, thấp hơn cả Tây Nguyên. Giá điện trung bình ở ĐBSCL cũng cao hơn mức bình quân chung cả nước. Các DN ở ĐBSCL phải trả phí chuyên chở cao hơn so với ở khu vực TP Hồ Chí Minh và ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ(1).

Nguồn nhân lực hạn chế

Những trở ngại về nguồn nhân lực là nguyên nhân đầu tiên làm cho hoạt động khởi sự DN khó khăn. Phần lớn các DN đang hoạt động ở ĐBSCL hiện vẫn mang yếu tố gia đình. Nếu những người khởi sự kinh doanh dựa trên niềm tin vào người thân trong gia đình thì trở ngại đầu tiên là những người thân này thường không có đủ những tiêu chuẩn cần thiết. Nếu phải chờ qua quá trình đào tạo sẽ  kéo dài quá trình phát triển của một DN mà  nhiều  khi không mang lại những kết quả như mong muốn. Nhiều DN được thành lập, đăng ký kinh doanh nhưng quản trị DN lại theo kiểu gia đình nên rất khó tuyển được những nhân viên có trình độ và các nhà quản trị chuyên nghiệp. DN là môi trường đào tạo cán bộ quản trị và nhân viên có kỹ năng, kinh nghiệm thì những hạn chế trên ngăn trở nguồn lực tiềm tàng cho việc gia tăng số lượng và chất lượng của DN.

Quan niệm về đào tạo và sử dụng nguốn vốn ngân sách cũng còn cứng nhắc. Vốn ngân sách rót cho đào tạo phải qua kênh của hệ thống trường đào tạo của nhà nước trong khi các DN lại phải bỏ tiền để đào tạo lại cho thích ứng với nhu cầu của mình. Một khảo sát qua điều tra PCI năm 2010 cho thấy DN  ở tỉnh Sóc Trăng phải trả chi phí đào tạo lao động cao hơn gấp 1,5 lần  so với DN ở thành phố Cần Thơ, còn chi phí tuyển dụng lao động phải trả cao gấp đôi. Bên cạnh những hạn chế về hạ tầng giao thông, dịch vụ, thì nguồn lực lao động ở một địa phương như Sóc Trăng (vốn chưa có yêu cầu quá cao) nhưng chi phí mà DN phải trả cao hơn nhiều so với địa phương gần kế là thành phố Cần Thơ thì đương nhiên năng lực cạnh tranh của Sóc Trăng sẽ thấp hơn và việc phát triển DN cũng gặp nhiều trở ngại hơn.

Cải thiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để phát triển DN

Phát triển DN là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định phát triển kinh tế trong vùng ĐBSCL. DN là nguồn đầu tư quan trọng thực hiện các mục tiêu kinh tế, giải quyết công ăn việc làm và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Vì thế, cần phải sớm tháo gỡ những trở ngại để thúc đẩy DN vùng ĐBSCL phát triển đúng hướng và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Những trở ngại lớn cần giải quyết để tạo điều kiện cho DN vùng ĐBSCL phát triển trước hết là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Các khảo sát về cơ sở hạ tầng trong điều tra PCI năm 2010 cho thấy chỉ có 5 tỉnh, thành  trong vùng được cải thiện về cơ sở hạ tầng và nằm vào nhóm khá. 8 tỉnh còn lại nằm ở nhóm thấp. Tuy nhiên, cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện quan trọng thay đổi cơ cấu kinh tế và phát triển đô thị, là việc cần có thời gian. Trong khi đó, đào tạo nhân lực, cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương là những việc hết sức cần thiết, nên triển khai ngay.

Nông nghiệp là lĩnh vực khó thu hút đầu tư, nông thôn là nơi mà môi trường kinh doanh còn rất yếu kém. Vì thế, cần có thể chế hỗ trợ mạnh cho các hoạt động khởi nghiệp, cũng như thúc đẩy thay đổi tư duy, cách nghĩ ở khu vực nông thôn ĐBSCL tiến tới thay đổi phương pháp quản trị kinh doanh. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, thời gian qua các địa phương thường quan tâm đến việc kêu gọi đầu tư từ bên ngoài. Nhưng có một thực tế là từ năm 1988 đến nay vốn FDI của toàn vùng, tính theo vốn đăng ký, chưa tới 10 tỉ USD, chưa bằng 5% tổng vốn FDI cả nước. Tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL từ nhiều năm nay không dựa vào FDI mà chủ yếu dựa vào nguồn lực bên trong là đầu tư trong nước, của Chính phủ và các thành phần kinh tế trong nước.

Từ khi có việc công bố PCI, các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến các DN đang hoạt động. Song, ít có địa phương chú trọng việc xây dựng các chương trình khởi nghiệp, gia tăng DN về số lượng và xây dựng các DN hiện có với chất lượng và hoạt động hiệu quả hơn.

ĐBSCL đang rất thiếu DN lớn, DN đầu đàn mang tính dẫn dắt. Vai trò quan trọng của các DN nhỏ là tính linh hoạt, giải quyết nhiều công ăn việc làm. Nhưng nền kinh tế chỉ toàn các DN nhỏ sẽ không có những trung tâm hỗ trợ, thúc đẩy, không có những đơn hàng lớn, đa dạng, đa chủng loại, những yêu cầu thầu phụ.

Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực là 2 yêu cầu quan trọng bậc nhất để thu hút dòng đầu tư mới (FDI) trong thời gian tới. Nhưng việc thu hút đầu tư mới từ bên ngoài chỉ có kết quả tốt khi lực lượng bên trong (DN trong nước) tương ứng. Vì thế, thiết nghĩ, trong thời gian tới các địa phương vùng ĐBSCL cần quan tâm nhiều hơn đến các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và tiếp tục cải thiện PCI để tạo điều kiện cho DN phát triển với số lượng, chất lượng và sức cạnh tranh ngày càng tăng./.



(1) Điều tra PCI năm 2009 cho biết 36,4% DN ĐBSCL có sản phẩm bị hư hại do chất lượng đường xá kém, giá trị thiệt hại cho mỗi doanh nghiệp trung bình là 25 triệu đồng/năm.

Mất trung bình 7,2 ngày làm việc do hệ thống giao thông từ doanh nghiệp tới trung tâm tỉnh không lưu thông được do lũ lụt, thiên tai.

Trung bình giá điện phải trả của DN ở ĐBSCL là 792$/kw so với bình quân cả nước là 777 (theo báo cáo trình bày của Đậu Anh Tuấn, PCI năm 2009 ở khu vực ĐBSCL)