Gia đình Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường
"Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng trong giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách". Từ bao đời nay, gia đình Việt Nam luôn là chỗ dựa vững chắc, nơi nuôi dưỡng, ươm mầm và gắn kết những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Thế nhưng, trước những đổi thay nhanh chóng của thời đại, những biến chuyển của xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gia đình Việt Nam có còn giữ được những nét đẹp truyền thống như xưa?
Gia đình Việt Nam truyền thống - nơi bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc
Từ xưa đến nay, ở khắp nơi trên thế giới, quan niệm về gia đình hầu như luôn có điểm tương đồng. Gia đình đó là nơi tập hợp những người có cùng chung quan hệ huyết thống gắn bó với nhau. Trong xã hội Việt Nam truyền thống, gia đình là một đơn vị cơ sở rất quan trọng trong đời sống của mỗi con người từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến lúc qua đời.
Khác với xã hội phương Tây, nơi mà gia đình kiểu mẫu bao giờ cũng chỉ duy nhất tồn tại một thế hệ chung sống với nhau, khi con cái đến tuổi trưởng thành thì việc ra ở riêng, tách khỏi cha, mẹ đã trở thành truyền thống, gia đình Việt Nam theo "chuẩn mực" truyền thống bao giờ cũng là gia đình "tam, tứ đại đồng đường" với nhiều thế hệ cùng tụ họp bên nhau. Đời sống kinh tế theo kiểu cùng làm, cùng hưởng, cùng sinh sống dưới một mái nhà.
Hình ảnh gia đình tập trung nhiều thế hệ như thế có thể nói là một dấu ấn riêng, tạo nên bản sắc đặc trưng cho tinh thần cố kết cộng đồng và lối sống trọng tình, trọng nghĩa của người Việt, có nguồn gốc từ truyền thống nông nghiệp trồng lúa nước. Nghề nông trồng lúa theo thời vụ rất cần có sự đoàn kết giúp đỡ nhau nên con người sống rất gắn bó, gia đình nào đông người thì càng tăng thêm sức lao động, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc đồng áng để thu hoạch nhanh chóng. Có thể nói gia đình chính là nơi nảy sinh mọi giá trị tốt đẹp coi trọng truyền thống của người Việt: tinh thần yêu thương, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn hay những lúc khó khăn. Không chỉ có sự gắn bó mật thiết giữa mọi thành viên trong nhà, gia đình truyền thống của người Việt cũng giữ một mối quan hệ thân thiết với hàng xóm láng giềng để tương trợ lẫn nhau mỗi khi "tắt lửa tối đèn".
Thời xưa, khi khoa học - kỹ thuật chưa phát triển nên nghề nông phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Do đó, kinh nghiệm của những người lớn tuổi rất được xem trọng. Điều này cũng đã góp phần hình thành những quan niệm chuẩn mực trong xã hội bấy giờ - người già, những bậc cao niên bao giờ cũng được cả nể, kính trọng. Trong gia đình, cũng từ đó hình thành mối quan hệ theo kiểu tôn ty, thứ bậc - người sinh ra trước là bậc trên, người sinh ra sau là bậc dưới. Trong gia đình người đứng đầu là các cụ cao tuổi, có tiếng nói quyết định mọi việc trong nhà và được con cháu nể trọng. Người lớn tuổi quyết định mọi việc do kinh nghiệm và người nhỏ tuổi phải tuân theo, truyền thống "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" cũng xuất phát từ những căn tính gốc rễ này trong đời sống của gia đình Việt Nam.
Cùng với những mặt tích cực thể hiện các giá trị tốt đẹp như tinh thần tương thân tương ái, những chuẩn mực đạo đức... thì gia đình Việt Nam vẫn tồn tại những mặt trái của nó là thiếu tinh thần dân chủ. Mọi việc trong gia đình (đặc biệt là trong vấn đề hôn nhân) hầu như được quyết định bởi những người có vai vế lớn, những bậc trưởng thượng với óc gia trưởng nhiều khi đến mức cực đoan.
Tuy có những điểm hạn chế, nhưng nhìn chung gia đình Việt Nam nông nghiệp cổ truyền vẫn là nơi hội tụ những giá trị đạo đức tốt đẹp. Là nơi người trẻ tôn kính, nể trọng người già, cha mẹ thương yêu con cái, con cái hiếu thảo với cha mẹ. Do người Việt Nam truyền thống ít chú trọng đến con người cá nhân mà luôn đề cao cộng đồng tập thể, chú trọng "cái ta" nhiều hơn "cái tôi", thậm chí giấu đi "cái tôi", sẵn sàng hy sinh "cái tôi" vì lợi ích chung, xu hướng giải quyết khi có xung đột là "hòa cả làng" nên những mâu thuẫn trong gia đình Việt Nam truyền thống hầu như ít khi xảy ra và nếu có chỉ cần các bậc bề trên lên tiếng là giải quyết được ngay, tình trạng ly hôn hầu như ở con số thấp và nhìn chung, mọi thành viên đều có ý thức giữ gìn hạnh phúc, bảo vệ sự yên ổn của gia đình.
Gia đình và những biến đổi của nó trong thời kỳ hội nhập
Xã hội nông nghiệp truyền thống dần chuyển sang thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với quá trình đô thị hóa ngày một nhanh chóng. Trong gia đình thời hiện đại, đặc biệt ở các thành phố phát triển không còn lối sống nhà nông theo thời vụ nữa, trong cơ cấu gia đình cũng bắt đầu có những biến chuyển mạnh mẽ.
Ở thời điểm hiện tại, kiểu gia đình "tam, tứ đại đồng đường" hầu như đã trở nên rất hiếm hoi. Phổ biến ở các đô thị bây giờ là gia đình một hoặc hai thế hệ và hầu như xu hướng chung của các cặp vợ chồng là sinh rất ít con. Do đời sống hiện tại phát triển nhanh chóng, mọi người đều bị cuốn hút theo công việc để kiếm thêm thu nhập nên việc sinh ít con cũng là điều dễ hiểu. Một mặt, vừa có thời gian tập trung cho công việc, tìm nguồn thu nhập cao; mặt khác, lại có điều kiện kinh tế để chăm lo cho con cái tốt hơn. Trong một xã hội phát triển, đời sống của con người được cải thiện đáng kể, thu nhập tăng cao đã tạo điều kiện nâng cao chất lượng sống con người, mỗi thành viên trong gia đình vì thế mà cũng có nhiều cơ hội để phát triển toàn diện bản thân.
Vấn đề bình đẳng giới cũng được chú trọng và đề cao, người đàn ông - người cha trong gia đình không còn nắm độc quyền kinh tế mà người phụ nữ cũng đã bắt đầu bước ra xã hội để khẳng định vị trí của mình trong sự đóng góp vào nguồn thu nhập của cả gia đình. Nếp sống tôn ty, gia trưởng theo kiểu "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" của gia đình truyền thống dần dần bị xóa bỏ. Thay vào đó là tinh thần dân chủ trong hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ ngày càng có nhiều cơ hội, điều kiện để tiếp xúc với những tiến bộ của thời đại, khoa học - kỹ thuật và công nghệ, tiếp nhận những trào lưu, xu hướng văn hóa mới của thế giới... Do đó, trong họ cũng bắt đầu hình thành nếp suy nghĩ độc lập, dân chủ hơn, tự do nói lên ý nghĩ, tình cảm của mình về mọi vấn đề mà họ quan tâm. Và những bậc cha mẹ thời hiện đại cũng đã quen thuộc với điều đó, chấp nhận cho con cái một "khoảng trời riêng"...
Tuy nhiên, môi trường xã hội mới cũng bắt đầu nảy sinh những mặt trái của nó. Khi số vụ ly hôn - tái hôn của gia đình thời hiện đại gia tăng đã gây những tác động xấu đến sự hình thành và phát triển nhân cách ở những người trẻ tuổi. Chạy theo công việc, nhiều bậc cha mẹ đã "bỏ quên" con cái của mình, chỉ nghĩ đơn giản rằng chu cấp tiền bạc là đủ trong khi chúng đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu của môi trường xung quanh và rất cần sự định hướng của gia đình. Ở khía cạnh này, chức năng giáo dục, thỏa mãn các nhu cầu tâm - sinh lý, tình cảm của gia đình hiện đại hầu như hoàn toàn bị lãng quên.
Theo số liệu điều tra của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục thống kê phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, số vụ ly hôn luôn có chiều hướng tăng nhanh theo các năm. Năm 2000 gần 52.000 vụ, năm 2001 có 54.000 vụ, đến năm 2005 tăng lên 65.929 vụ. Cũng theo điều tra năm 2006, tỷ lệ ly hôn ở thành thị luôn cao hơn ở nông thôn (3,3% so với 2,4%). Trong đó, hầu hết những người trả lời phỏng vấn đều là người đã lập gia đình và có con cái.
Trong gia đình Việt Nam truyền thống, bữa cơm gia đình là một hình ảnh điển hình nhất, thể hiện tính cộng đồng, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, khi những phần ăn fastfood từ phương Tây đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam thì những bữa cơm gia đình cũng dần thưa vắng. Hình ảnh cả gia đình nhiều người quây quần quanh mâm cơm như truyền thống đã trở nên hiếm hoi, bởi lẽ cha mẹ thì lo công việc, con cái cũng bận học hành (học chính quy rồi lại học thêm). Cho nên bữa cơm gia đình - vốn rất quan trọng đối với người Việt Nam truyền thống, càng trở nên chiếu lệ, con người đã quyết định "hy sinh" những nhu cầu trao đổi tâm tư, tình cảm của mình qua bữa cơm, chấp nhận những bữa ăn qua loa để "đâm đầu" vào công việc - cũng đồng nghĩa với việc ngày càng tiến gần hơn đến lối sống thực dụng phương Tây mà xa rời những giá trị văn hóa cổ truyền của phương Đông.
Các thế hệ trưởng bối trong gia đình hiện đại hầu như cũng không còn vị trí "chủ đạo" như đối với gia đình truyền thống. Đa số các cụ ông, cụ bà đều không thể sống trong một không gian chật hẹp với tốc độ phát triển nhanh chóng như ở các đô thị lớn. Con cháu cũng ít có thời gian quan tâm đến ông bà một phần do công việc quá bận rộn... đã tạo nên tâm lý tủi phận, cô đơn đối với những người cao tuổi. Cho nên giải pháp phổ biến là hầu như người già chọn cách ở lại quê, bám giữ mảnh đất quê hương chứ không thể sống cùng con cháu nơi phố phường chật hẹp, thiếu sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau.
Một điều quan trọng nữa, xã hội hiện đại đã hình thành nên một khoảng ngăn cách vô hình giữa các thế hệ ông bà - cha mẹ - con cháu. Do mỗi người đều bận rộn việc riêng nên hầu như sống chung dưới một mái nhà mà ít có thời giờ trò chuyện với nhau, ít có những bữa cơm gia đình đầm ấm, mọi người chia sẻ với nhau nghe những vui buồn trong cuộc sống. Cho nên mới có tình trạng: Ông không thể hiểu tại sao cháu lại có những cách cư xử "kỳ quặc", những lối ăn mặc "quái đản", những lời nói "khó hiểu". Cháu thì không thể tin được ông sao lại "cổ lỗ sĩ" đến thế, không "thức thời" đến thế, không thể hiểu được thậm chí máy tính là cái gì...
Có thể nói, lối sống thực dụng, ích kỷ, đòi hỏi tự do cá nhân thái quá... trong thời hiện đại đã dần làm mai một những giá trị đạo đức tốt đẹp, vốn là nền tảng truyền thống của gia đình Việt Nam - khiến nó mất đi cái bản sắc văn hóa vốn có. Mà mất đi bản sắc văn hóa, nghĩa là chúng ta đã tự đánh mất chính bản thân mình.
Tương lai của gia đình Việt Nam
Gia đình là một tế bào của xã hội, cho dù phát triển theo xu hướng nào thì điều cốt lõi của gia đình vẫn phải duy trì được các chức năng cơ bản của nó bao gồm chức năng duy trì nòi giống, bảo đảm kinh tế và tổ chức đời sống, giáo dục và thỏa mãn các nhu cầu tâm- sinh lý, tình cảm. Đánh giá cao tầm quan trọng của gia đình trong sự phát triển của thời đại mới, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra những chiến lược, định hướng cơ bản đúng đắn trong mục tiêu xây dựng gia đình mới thời hiện đại:
Một là, xây dựng gia đình mới ở nước ta hiện nay phải trên cơ sở kế thừa, giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam, đồng thời tiếp thu những giá trị tiến bộ của thời đại về gia đình.
Người già hướng nội, là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống. Người trẻ hướng ngoại, là nơi tiếp thu các giá trị mới định hình. Giữa những thế hệ này cần thường xuyên có sự quan tâm, chăm sóc, thấu hiểu lẫn nhau để trao truyền cho nhau những giá trị tốt đẹp mà mình đang sở hữu. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu vừa giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống, vừa tiếp thu những tiến bộ của thời đại mới.
Hai là, xây dựng gia đình mới trên cơ sở quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, bảo đảm quyền tự do kết hôn và ly hôn.
Hôn nhân tự do, tự nguyện trên cơ sở tình yêu chân chính là điều cốt lõi để giữ gìn hạnh phúc gia đình, góp phần chống lại những mặt tiêu cực trong đời sống hôn nhân như nạn bạo hành, ngoại tình... Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân tự nguyện cũng cần có sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các bậc cha mẹ bởi đấy là những người đi trước, đã có nhiều kinh nghiệm. Những ý kiến đó có thể giúp người trẻ tránh rơi vào tình trạng quen biết chóng vánh, kết hôn chóng vánh rồi cũng chóng vánh ly hôn, để lại những đổ vỡ mất mát lớn trong đời sống tinh thần. Quan hệ hôn nhân tự do cũng bảo đảm quyền tự do ly hôn khi trong đời sống gia đình có những mâu thuẫn, xung đột không thể hòa giải.
Ba là, gia đình mới ở Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các quan hệ bình đẳng, thương yêu, có trách nhiệm cùng chia sẻ, gánh vác công việc của các thành viên để thực hiện các chức năng cơ bản của gia đình và nghĩa vụ xã hội.
Bình đẳng giới trong thời hiện đại phải được phát huy, không còn kiểu chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ nữa mà người phụ nữ hoàn toàn có tự do để đeo đuổi công việc yêu thích của mình, người chồng cũng chia sẻ với vợ công việc "thầm lặng không tên"... Sao cho mỗi người đều có trách nhiệm với gia đình, yêu thương lẫn nhau để cùng nhau xây đắp một gia đình hạnh phúc bền vững.
Bốn là, xây dựng gia đình mới ở Việt Nam hiện nay gắn liền với hình thành và xác lập, củng cố từng bước các quan hệ gắn bó với cộng đồng, với các thiết chế, tổ chức ngoài gia đình để mọi người trong gia đình không chỉ có trách nhiệm, yêu thương đùm bọc lẫn nhau mà còn phải xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, sẻ chia với những người chung quanh và để cùng nhau xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng, dân chủ và văn minh./.
20 năm Ngày Biên phòng toàn dân và bốn nhiệm vụ trọng tâm  (23/02/2009)
Công tác vận động quần chúng và củng cố hệ thống chính trị ở vùng có đạo tỉnh Bình Phước  (21/02/2009)
Tình hình thế giới năm 2009 sẽ phụ thuộc vào những sự kiện lớn nào?  (21/02/2009)
Việt Nam - dấu ấn của sự đổi mới  (21/02/2009)
Hiện đại hóa và hậu hiện đại hóa  (20/02/2009)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên