V.Putin - Con người thay đổi nước Nga (phần VII)

Đại tá Lê Thế Mẫu lược dịch Theo http://www.putin2012.ru/#article-7
15:10, ngày 09-05-2012
TCCSĐT - Trong chương trình tranh cử Tổng thống Nga hồi tháng 3 vừa qua, Thủ tướng V.Putin đã cho công bố 7 bài viết trình bày những nội dung cơ bản trong chiến lược xây dựng nước Nga trong nhiệm kỳ tới của ông. Nhân sự kiện ông V.Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga, Tạp chí Cộng sản lần lượt giới thiệu những nội dung cơ bản trong 7 bài viết trên để bạn đọc tham khảo.
***
Bài 7: Nước Nga và thế giới đang thay đổi


Nước Nga là một phần của thế giới lớn xét về phương diện kinh tế, phổ biến thông tin và văn hóa. Chúng ta không thể và không muốn bị cô lập. Nước Nga mở cửa sẽ đem lại cho công dân Nga sự phát triển thịnh vượng, phát triển văn hóa và củng cố niềm tin hiện đang bị xói mòn.

Nhưng chúng ta sẽ phải phấn đấu kiên trì xuất phát từ những mục đích của quốc gia chứ không phải do ai đó áp đặt từ bên ngoài. Nước Nga cần phải được tôn trọng khi và chỉ khi nước Nga mạnh và đứng vững trên đôi chân của mình. Trên thực tế, nước Nga bao giờ cũng sử dụng ưu thế của mình để thực hiện chính sách đối ngoại độc lập. Ngoài ra, tôi tin rằng nền an ninh trên thế giới chỉ có thể được bảo đảm với sự hợp tác với Nga chứ không thể bằng cách làm suy yếu vị thế địa chính trị và gây thiệt hại đối với nền quốc phòng của Nga.

 
 Trung tâm thương mại ở thủ đô Moscow của Nga.

Mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Nga mang tính chiến lược chứ không mang tính tình thế, phản ánh vị trí đặc biệt của Nga trong nền chính trị toàn cầu, vai trò của Nga trong lịch sử cũng như trong sự phát triển của thế giới. Chúng ta sẽ tiếp tục chủ trương tích cực xây dựng để củng cố nền an ninh chung, từ chối đối đầu, đối phó có hiệu quả với những thách thức như phổ biến vũ khí hạt nhân, xung đột và khủng hoảng khu vực, chủ nghĩa khủng bố và nguy cơ buôn lậu ma túy. Nước Nga sẽ làm tất cả để bảo đảm cho Nga có được những thành tựu trong tiến bộ khoa học và công nghệ, để cho các doanh nhân của Nga có được vị trí xứng đáng trên thị trường toàn cầu. Chúng ta sẽ nỗ lực xây dựng một hệ thống trật tự thế giới mới dựa trên thực tế địa chính trị hiện nay, trên cơ sở ổn định và không bị xáo trộn.

Ai làm mất niềm tin

Một số định đề quan trọng nhất mà nếu bỏ qua sẽ gây bất ổn trong quan hệ quốc tế là nền an ninh không tách rời của tất cả các quốc gia; không cho phép sử dụng sức mạnh một cách vô lối; tuân thủ vô điều kiện các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Chính thông qua lăng kính này mà chúng ta coi một số động thái ứng xử của Mỹ và NATO chỉ xuất phát từ lối tư duy khối liên minh trong khi tư duy này không còn phù hợp với logic của sự phát triển thế giới đương đại. Theo tư duy khối liên minh, NATO vẫn tiếp tục mở rộng và xây dựng hạ tầng cơ sở quân sự mới, triển khai kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu ngay sát biên giới Nga. Thiết nghĩ, tôi đã có thể không đề cập tới chủ đề này nếu như những “kiểu chơi” như thế không diễn ra sát nách nước Nga, không đe dọa nền an ninh của Nga, không gây bất ổn trên thế giới.

Một điều đáng lo ngại là, trong khi khuôn khổ quan hệ hợp tác mới giữa Nga và NATO vẫn chưa hình thành rõ nét thì liên minh này đã tạo ra “những chuyện đã rồi” và trên thực tế không góp phần xây dựng niềm tin. Đến lượt nó, cách ứng xử như vậy trong quan hệ Nga-NATO đã không thể giải quyết được các nhiệm vụ có quy mô toàn cầu, cản trở việc xây dựng chủ đề tích cực trong các quan hệ quốc tế, làm chậm lại quá trình tái cấu trúc mang tính xây dựng các quan hệ đó.

Lúc này, trên thế giới đang diễn ra hàng loạt các cuộc xung đột vũ trang mượn cớ thực hiện mục đích nhân đạo nhưng lại vi phạm các nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa thiêng liêng hàng thế kỷ nay về chủ quyền quốc gia. Trong các quan hệ quốc tế đang hình thành khoảng trống về pháp lý và đạo đức.

Hiện nay người ta đang nói về cái gọi là “quyền con người cao hơn chủ quyền quốc gia”. Và khi người ta sử dụng quyền bảo vệ nhân quyền để vi phạm chủ quyền quốc gia, khi quyền con người được bảo vệ từ bên ngoài quốc gia và trên cơ sở phân biệt đối xử, khi người ta “bảo vệ nhân quyền” nhưng những quyền rất cơ bản của con người như quyền được sống lại bị chà đạp, thì đó không còn là việc làm nhân đạo mà chỉ là sự mị dân.

Một điều quan trọng là làm thế nào để Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an có thể đối phó có hiệu quả với sự chuyên quyền từ nhiều nước và chống lại sự vô lối trên trường quốc tế. Không ai có quyền tự cho phép mình lạm dụng quyền hạn của Liên hợp quốc, đặc biệt trong trường hợp sử dụng sức mạnh để vi phạm chủ quyền của các quốc gia. Điều đáng nói ở đây là NATO đang tự cho mình quyền hoàn toàn không phù hợp với một liên minh mang tính chất phòng thủ. Đây là một điều hết sức nghiêm trọng. Nhân đây chúng ta nhớ lại, chính những quốc gia khẩn thiết yêu cầu tiêu chuẩn pháp lý và quyền sơ đẳng của con người lại trở thành nạn nhân của các “chiến dịch nhân đạo” và hành động xuất khẩu “nền dân chủ dựa trên bom đạn và tên lửa”.

Dường như NATO, trước hết là Mỹ, đang có một cách hiểu riêng về an ninh, khác căn bản với cách hiểu của Nga. Người Mỹ luôn muốn bảo đảm cho mình sự an toàn tuyệt đối, nhưng đó chỉ là ảo tưởng và không thể thực hiện được xét về mặt công nghệ cũng như về địa chính trị.

Sự an toàn tuyệt đối của một quốc gia cũng có nghĩa là khả năng bị tổn thương tuyệt đối của các quốc gia khác, ngoài Mỹ. Chúng ta không thể chấp nhận một triển vọng như vậy. Còn một vấn đề nữa là, nhiều quốc gia do những nguyên nhân mà ai cũng biết lại không muốn nói thẳng ra điều đó, còn người Nga thì bao giờ cũng muốn gọi mọi sự việc bằng chính tên của nó. Một lần nữa, tôi nhấn mạnh rằng, việc vi phạm nguyên tắc an ninh thống nhất và không chia sẻ đi ngược lại nhiều tuyên bố về việc tuân thủ các nguyên tắc đó, đang tạo ra những nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng ngay cả đối với những quốc gia đã từng vi phạm điều đó theo những nguyên nhân khác nhau

“Mùa xuân Arập”: những bài học và kết luận

Một năm về trước, "Mùa xuân Arập" ban đầu được thế giới tiếp nhận với niềm hy vọng hướng tới những biến đổi tích cực. Người Nga giành cảm tình cho những ai nỗ lực hướng tới những cải cách dân chủ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, người ta thấy rõ rằng thay vì khẳng định nền dân chủ, bảo vệ quyền của người thiểu số là sự tẩy chay đối phương, lật đổ, trong đó ưu thế của một bên được thay bằng ưu thế mang tính xâm lược hơn của một bên khác. Kết quả là, nhiều quốc gia núp dưới các khẩu hiệu “nhân đạo” đã sử dụng không quân ném bom để lật đổ chế độ cầm quyền ở Libya, trong đó kịch bản tàn khốc đã diễn ra đối với nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.

Không thể chấp nhận để ai đó có thể lặp lại “kịch bản Libya” ở Syria. Cộng đồng quốc tế cần phải nỗ lực để đạt được sự đồng thuận giữa các lực lượng ở Syria. Điều quan trọng là phải nhanh chóng chấm dứt bạo lực xuất phát từ bất cứ bên nào, khởi động tiến trình đối thoại giữa các bên mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, không có sự can thiệp từ bên ngoài và phải tôn trọng chủ quyền quốc gia. Nền ngoại giao của Nga đã và sẽ hoạt động theo tinh thần đó.

Học được kinh nghiệm cay đắng, Nga chống lại bất kỳ một nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể bị giải thích là cho phép can thiệp quân sự vào công việc nội bộ của Syria. Tuân theo cách tiếp cận có tính nguyên tắc này, Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào đầu tháng 2-2011-một nghị quyết sẽ được hiểu không thống nhất sẽ khuyến khích hành động bạo lực của một trong các bên xung đột.

Liên quan tới phản ứng thái quá, thậm chí là hoảng loạn trước hành động phủ quyết của Nga và Trung Quốc, tôi muốn cảnh báo các đồng nghiệp ở phương Tây không nên có ảo vọng sử dụng công thức đáng buồn trước đây: nếu có được sự chấp nhận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành một hành động nào đó thì tốt, còn không sẽ tự thành lập một liên minh các quốc gia có liên quan và sẵn sàng tiến hành các hoạt động quân sự. Lôgic của hành vi đó là phản tác dụng và rất nguy hiểm, sẽ không dẫn tới bất kỳ kết cục tốt đẹp nào, không góp phần ổn định tình hình bên trong mỗi quốc gia đang trải qua xung đột, làm mất cân đối toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế, làm băng hoại uy tín và vai trò trung tâm của Liên hợp quốc. Quyền phủ quyết không phải là một sự tùy tiện mà là một phần không thể tách rời của trật tự thế giới được khẳng định tại Hiến chương của Liên hợp quốc. Ý nghĩa của quyền hạn này là ở chỗ, mọi nghị quyết dù chỉ bị một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phủ quyết đều không có ý nghĩa và không có hiệu lực. Từ tình hình trên đây, có thể nảy sinh ý nghĩ rằng những sự kiện có tính thảm kịch ở mức độ nhất định không xuất phát từ mối quan tâm về quyền con người mà là về lợi ích của ai đó muốn chiếm đoạt thị trường.

Nga bao giờ cũng có quan hệ tốt đẹp với các lực lượng hồi giáo ôn hòa có quan điểm gần giống với truyền thống hồi giáo của Nga và sẵn sàng hợp tác với họ trong điều kiện hiện nay. Nga cũng quan tâm xúc tiến các mối quan hệ chính trị, kinh tế - thương mại với tất cả các nước Arập, trong đó có các nước vừa trải qua biến động chính trị. Hy vọng, vẫn có tiền đề để Nga giữ được vị trí dẫn đầu ở Trung Đông mà ở đó Nga có rất nhiều bạn bè.

Về xung đột giữa Israel với Palestin, hiện nay vẫn chưa có một “phép màu” nào để có thể dàn xếp tình hình bất ổn. Nhưng do Nga có quan hệ gần gũi với ban lãnh đạo Israel cũng như Palestin, nên nền ngoại giao Nga sẽ tiếp tục dựa trên cơ sở quan hệ song phương và trong khuôn khổ diễn đàn 5 bên ở Trung Đông, thúc đẩy việc nối lại tiến trình hòa bình ở khu vực này bằng cách phối hợp với Liên đoàn các nước Arập.

“Mùa xuân Arập” đang làm nổi lên vai trò của "sức mạnh mềm" bao gồm tổ hợp các công cụ và phương pháp để đạt được các thành tích trong chính sách đối ngoại mà không cần sử dụng vũ khí mà bằng các công cụ thông tin và nhiều công cụ tác động khác. Tiếc rằng, nhiều khi những phương pháp này lại được sử dụng để kích động và thổi bùng chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa dân tộc, thao túng dư luận xã hội, trực tiếp can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.

Cần phải phân biệt rõ đâu là tự do ngôn luận và hoạt động chính trị bình thường, còn đâu là các công cụ của "sức mạnh mềm" tác động một cách phi pháp. Chúng ta chỉ có thể ủng hộ hoạt động văn minh của các tổ chức nhân đạo và từ thiện phi chính phủ. Tuy nhiên, hoạt động của những tổ chức “giả phi chính phủ”, các tổ chức khác theo đuổi mục đích gây bất ổn tình hình ở một nước này hoặc nước khác từ bên ngoài là không thể chấp nhận được.

Những thách thức và nguy cơ mới


Trước hết là tình hình Iran. Nga lo ngại về nguy cơ một cuộc tiến công quân sự nhằm vào Iran đang ngày càng tăng. Nếu điều này xảy ra sẽ dẫn tới những thảm họa thực sự và và không thể tưởng tượng được phạm vi và quy mô của cuộc chiến tranh này. Chúng ta công nhận quyền của Iran phát triển chương trình hạt nhân dân sự, kể cả việc làm giàu urani dưới sự kiểm soát tin cậy và toàn diện của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, chúng ta không chấp nhận quy chế hạt nhân của Triều Tiên và kiên quyết chủ trương phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, sử dụng biện pháp chính trị ngoại giao và yêu cầu nhanh chóng nối lại cuộc đàm phán 6 bên. Triều Tiên với Nga có cùng biên giới nên chúng ta không có quyền lựa chọn láng giềng và sẽ tiếp tục đối thoại tích cực với Bình Nhưỡng để phát triển quan hệ láng giềng thân thiện, đồng thời đưa Triều Tiên đến việc giải quyết vấn đề hạt nhân.

Liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, cũng nên suy nghĩ về hành động can thiệp quân sự thô bạo từ bên ngoài vào công việc nội bộ của các nước đã kích thích một số nước hoặc một số chế độ cầm quyền tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân bởi họ cho rằng khi đã có vũ khí hạt nhân rồi thì không ai dám đụng chạm đến họ. Còn ai không có vũ khí hạt nhân thì người đó sẽ đợi đến lúc phải đón nhận sự "can thiệp nhân đạo". Cần phải làm tất cả những gì có thể để không ai còn có ý muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Muốn vậy, bản thân những nước đấu tranh nhằm ngăn ngừa sự phổ biến vũ khí hạt nhân cũng cần phải tự xem xét lại mình, đặc biệt là những nước đã quen trừng phạt các nước khác bằng sức mạnh quân sự mà không phát huy công cụ ngoại giao.

Tương lai của Afghanistan cũng đáng lo ngại. Nguy cơ khủng bố và buôn lậu ma túy xuất phát từ Afghanistan đã không hề suy giảm. Sau khi tuyên bố rút quân khỏi nước này vào năm 2014, Mỹ đang xây dựng các căn cứ quân sự ở đó và ở các nước láng giềng mà không có bất kỳ một lý do nào. Nga không chấp nhận điều này.

Nga có lợi ích rõ ràng ở Afghanistan vì đây là một nước láng giềng và Nga rất muốn Afghanistan hoà bình và ổn định. Việc buôn lậu ma túy từ Afghanistan đang là một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất đe dọa nền an ninh của Nga, hủy hoại quỹ gen của các dân tộc, tạo môi trường cho tham nhũng, tội phạm và gây bất ổn ngay trong nội bộ ở Afghanistan. Nga đang phải đối mặt với một cuộc xâm lược bằng ma túy tàn phá nghiêm trọng sức khoẻ và sinh mệnh các công dân Nga.

Khó có thể dự báo được tình hình Afghanistan sẽ phát triển tiếp tục ra sao. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, sự hiện diện quân sự của nước ngoài sẽ không đem lại sự yên ổn cho Afghanistan. Chỉ có người Afghanistan mới có thể giải quyết được những vấn đề của mình. Nga có thể có vai trò nhất định trong việc xây dựng một nền kinh tế ổn định, nâng cao khả năng của các lực lượng vũ trang của Afghanistan đối phó với nguy cơ khủng bố và tội phạm ma túy trên cơ sở hợp tác tích cực với các nước láng giềng. Chúng ta không phản đối sự tham gia của các lực lượng đối lập có vũ trang, kể cả Taliban, vào quá trình hòa hợp dân tộc trong điều kiện họ từ chối bạo lực và công nhận hiến pháp của đất nước, từ bỏ mối liên hệ với “A-Qaeda” và nhiều tổ chức khủng bố khác.

Về cuộc chiến chống khủng bố, Liên hợp quốc tuy đã thông qua Chiến lược toàn cầu chống khủng bố nhưng hiện nay cuộc chiến chống lại tội ác này không diễn ra theo một kế hoạch thống nhất, không kiên định, mà theo cách thức phản ứng trước những biểu hiện cấp bách và tàn bạo nhất của khủng bố. Trong khi đó, một số nước vẫn áp dụng tiêu chuẩn "nước đôi" để nhìn nhận về khủng bố, vẫn còn nhận thức khác nhau về khủng bố như có “khủng bố xấu” và “khủng bố không xấu lắm”. Một số người thậm chí còn sử dụng những kẻ khủng bố “không xấu lắm” trong các trò chơi chính trị, ví dụ để lật độ các chế độ cầm quyền không thích hợp.

Nâng cao vai trò của khu vực châu Á-Thái Bình Dương


Nước Nga tiếp giáp với một trung tâm kinh tế toàn cầu quan trọng nhất là Trung Quốc mà trong năm 2011 đã giành vị trí số 2 thế giới về GDP. Thế giới đang tranh luận về vai trò tương lai của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu và trong các công việc quốc tế. Sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc ngày càng tăng, trong đó có khả năng phát huy sức mạnh tại các khu vực khác nhau trên thế giới.


Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết tiếp đón Tổng thống Liên bang Nga V.Putin tại Hà Nội trong lần tham dự Diễn đàn APEC 2006 và thăm Việt Nam tháng 11-2006

Tôi cho rằng, sự phát triển nền kinh tế Trung Quốc không phải là nguy cơ mà là thách thức chứa đựng tiềm năng, trong đó có tiềm năng hợp tác và cơ hội để thổi “ngọn gió Trung Quốc” vào cánh buồm kinh tế của Nga. Chúng ta cần phải tích cực hơn nữa trong việc thiết lập quan hệ hợp tác mới với Trung Quốc, cả về công nghệ cũng như khả năng sản xuất, khai thác hợp lý tiềm năng của Trung Quốc để phát triển vùng Sybia và Viễn Đông.

Tiếng nói của Trung Quốc trên thế giới thực sự tự tin hơn. Trung Quốc và Nga có cùng quan điểm về một trật tự thế giới công bằng và Nga sẽ tiếp tục ủng hộ Trung Quốc trên trường quốc tế, cùng nhau giải quyết những vấn đề toàn cầu và khu vực nóng bỏng, tăng cường hợp tác tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, BRICS và SCO và G20 và nhiều cơ chế đa phương khác.

Nga và Trung Quốc đã xây dựng cơ chế quan hệ song phương trên cơ sở trách nhiệm pháp lý. Lãnh đạo hai nước đã đạt được sự tin cậy cao chưa từng có, cho phép cả Nga và Trung Quốc hành động theo tinh thần đối tác thực sự trên cơ sở thực dụng và tính đến lợi ích của nhau. Mô hình quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là rất có triển vọng. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là mọi thứ trong quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đều đã được giải quyết thỏa đáng. Lợi ích thương mại của Nga và Trung Quốc ở các nước thứ ba đôi khi không trùng hợp nhau. Nga sẽ chú ý theo dõi dòng người di cư từ Trung Quốc đến Nga.

Một nước lớn châu Á khác cũng đang phát triển rất nhanh là Ấn Độ. Nga và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đã thiết lập đối tác quan hệ chiến lược đặc biệt. Việc củng cố quan hệ giữa Nga và Ấn Độ không chỉ có lợi cho hai nước mà còn cho toàn bộ hệ thống trật tự thế giới nhiều trung tâm đang hình thành.

Hiện nay, trước mắt chúng ta không chỉ là sự phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn là sự gia tăng vai trò của toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đang mở ra nhiều khả năng mới trong khuôn Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương mà trong năm 2012 Nga làm Chủ tịch, tạo điều kiện cho phép Nga ở mức độ lớn hơn tham gia vào các quá trình liên kết năng động ở "châu Á mới".

Nga ưu tiên cho việc hợp tác với các đối tác trong nhóm BRICS. Cùng với việc tham gia của Nam Phi vào nhóm các nước BRIC sẽ tạo cho diễn đàn này có phạm vi toàn cầu đầy đủ mà hiện nay đã chiếm đến trên 25% tổng GDP của toàn thế giới.

Một trong những nhiệm vụ then chốt sắp tới là Nga sẽ tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thực hiện các đề án phối hợp trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng cơ sở, đầu tư, khoa học và kỹ thuật, hoạt động ngân hàng và du lịch.

Yếu tố châu Âu

Nga là một phần không tách rời của châu Âu. Các công dân Nga coi mình là người châu Âu. Vì thế chúng ta không thể không quan tâm tới tình hình đang diễn ra ở liên minh châu Âu. Nga đề nghị thành lập một không gian kinh tế và con người thống nhất từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương-một cộng đồng mà các chuyên gia Nga gọi là “Liên minh châu Âu” nhằm củng cố khả năng và vị thế của Nga trong quá trình dịch chuyển nền kinh tế sang châu Á mới.

Tình hình phát triển ổn định ở các nước châu Âu phụ thuộc vào triển vọng phát triển toàn bộ cấu trúc kinh tế toàn cầu. Nga tích cực hỗ trợ các nền kinh tế đang bị khủng hoảng ở châu Âu, tham gia soạn thảo giải pháp tập thể theo kênh của Quỹ tiền tệ quốc tế. Không loại trừ khả năng về nguyên tắc, Nga sẽ giúp đỡ tài chính trực tiếp cho các nước châu Âu. Nga quan tâm đến một EU mạnh giống như quan điểm của Đức và Pháp quan tâm đến việc thực hiện một tiềm năng mạnh của đối tác trong quan hệ đối tác giữa Nga và EU.

Mức độ hợp tác hiện nay giữa Nga và EU vẫn chưa phù hợp với các thách thức toàn cầu. Do đó, tôi đề nghị xây dựng một cộng đồng kinh tế hài hòa từ Lisbon đến Vladivostok. Lúc đó chúng ta sẽ có một thị trường lục địa chung trị giá hàng ngàn tỉ euro, sẽ đáp ứng tốt đẹp lợi ích của Nga và các nước châu Âu.

Chúng ta cần phải nghĩ về một sự hợp tác sâu sắc hơn trong lĩnh vực năng lượng, kể cả việc xây dựng một tổ hợp năng lượng thống nhất của châu Âu. Chúng ta đã có được những bước đi quan trọng theo hướng này như xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc" đi qua đáy biển Ban Tích và "Dòng chảy phương Nam" đi qua Biển Đen. Những đề án này nhận được sự giúp đỡ của chính phủ nhiều nước, trong đó có sự tham gia của nhiều hãng năng lượng lớn ở châu Âu. Đây là đề án đặc biệt cấp bách trong bối cảnh một số nước châu Âu quyết định giảm hoặc hoàn toàn từ bỏ sử dụng năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, tôi cho rằng sự đối tác thực sự giữa Nga và EU sẽ chưa thể có được chừng nào còn có các rào cản hạn chế sự tiếp xúc về kinh tế và giữa con người với nhau, trong đó trước hết phải kể đến chế độ cấp thị thực nhập cảnh. Việc bãi bỏ chế độ thị thực sẽ là một động lực mạnh mẽ cho sự liên kết thực tế giữa Nga và EU, tạo điều kiện để mở rộng quan hệ văn hóa và kinh doanh, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về quan hệ Mỹ-Nga

Trong những năm gần đây chúng ta đã làm được nhiều việc nhằm phát triển quan hệ Mỹ-Nga. Tuy nhiên, vẫn chưa thể tạo ra được những thay đổi căn bản trong khung quan hệ giữa hai nước, vẫn có những lúc ấm, lúc lạnh. Sự bất ổn đó trong sự đối tác Nga-Mỹ là do vẫn còn tồn tại lối tư duy cũ. Các nỗ lực của Mỹ thực hiện “công nghệ chính trị”, trong đó có các khu vực có tầm quan trọng truyền thống đối với nước Nga cũng như trong quá trình bầu cử ở Nga, đã không góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước chúng ta.

Việc Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu đang gây lo ngại chính đáng đối với Nga vì nó đụng chạm đến tiềm năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga và phá hoại sự cân bằng chính trị-quân sự đã từng hình thành và được thử thách trong nhiều thập kỷ. Mối quan hệ gắn bó giữa hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí tiến công chiến lược đã được phản ánh trong Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mà hai bên đã ký kết năm 2010. Đây là một thành tựu lớn về chính sách đối ngoại. Chúng ta đang xem xét các phương án khác nhau để có thể xây dựng nội dung đàm phán phối hợp với Mỹ về việc kiểm soát trang bị trong thời gian tới. Điều cốt yếu ở đây là cần phải cân bằng lợi ích của các bên, từ bỏ lối đàm phán chỉ nhằm đạt được ưu thế đơn phương.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ G.W.Bush tại Kennebunkport năm 2007 tôi đã đề xuất giải pháp cho vấn đề phòng chống tên lửa, có thể làm thay đổi quan hệ Nga-Mỹ theo hướng tích cực hơn. Nga không muốn đặt dấu chấm hết cho khả năng tìm kiếm các phương án dung hòa để giải quyết vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa. Tôi không muốn sự việc tiến triển đến mức độ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở phạm vi buộc chúng tôi phải thực hiện các biện pháp đối phó như đã từng tuyên bố. Nói chung, trong quan hệ với Mỹ chúng ta lẽ ra đã sẵn sàng tiến xa hơn nữa, tạo ra sự đột phá về chất lượng nhưng với điều kiện người Mỹ trên thực tế phải đi theo nguyên tắc đối tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Về nền ngoại giao kinh tế

Tháng 12-2011, cuối cùng Nga đã được gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Trong giai đoạn nước rút, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã tích cực góp phần để đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Nga sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn của WTO cũng như tất cả các cam kết quốc tế, còn các đối tác của chúng ta cũng sẽ ứng xử theo đúng quy tắc của cuộc chơi. Đó chính là kết quả chủ yếu khi Nga gia nhập “câu lạc bộ” thương mại thế giới. Nga sẽ không đưa các nguyên tắc của WTO làm cơ sở pháp lý cho không gian kinh tế thống nhất giữa 3 nước Nga, Kazakhstan và Belarus. Về việc xúc tiến các lợi ích kinh tế của Nga trên trường quốc tế, chúng ta còn phải học kỹ năng của các đối tác phương Tây vì chúng ta vẫn chưa biết vận động hành lang một cách khôn khéo trên các sân chơi kinh tế đối ngoại để có được những quyết định thuận lợi cho các doanh nghiệp ở trong nước.

Tính đến các ưu tiên trong việc phát triển đổi mới của đất nước, một nhiệm vụ ngày càng quan trọng hơn trên hướng này tạo cho Nga vị thế bình đẳng trong hệ thống quan hệ kinh tế thế giới hiện đại, giảm thiểu rủi ro phát sinh trong quá trình liên kết vào nền kinh tế thế giới, trong đó có điều kiện Nga gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và sắp tới sẽ gia nhập Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế.

Con đường tiếp cận thị trường bên ngoài một cách rộng rãi hơn và không bị phân biệt là cần thiết đối với chúng ta như là không khí. Tạm thời thì các nước trên thế giới vẫn chưa chào đón các chủ thể kinh tế của nước Nga. Các nước đã áp dụng các biện pháp chính trị và thương mại hạn chế đối với nước Nga, tạo ra những rào cản kỹ thuật buộc nước Nga phải chấp nhận một vị thế kém thuận lợi hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra với hoạt động đầu tư. Chúng ta đang cố gắng thu hút vốn của nước ngoài vào nền kinh tế Nga, mở ra các lĩnh vực có sức thu hút đối với họ, tạo cho họ những lợi thế thực sự như trong tổ hợp năng lượng-nhiên liệu. Các nước cũng không đặc biệt thu hút các nhà đầu tư của chúng ta, đôi khi còn tỏ ra từ chối.

Mặc dù hiện nay, chúng ta không còn chiếm 1/6 lục địa của thế giới nhưng Liên bang Nga vẫn là một quốc gia lớn nhất thế giới có tiềm năng tài nguyên lớn nhất mà không một nước nào có được. Tôi không chỉ nói về dầu mỏ và khí đốt mà còn nói về cả rừng, đất nông nghiệp, tài nguyên nước sạch. Lãnh thổ Nga là một nguồn sức mạnh tiềm tàng. Với chiến lược kinh tế đúng, không gian rộng lớn đó có thể trở thành cơ sở quan trọng nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh của Nga.

Có thể dự báo rằng trong một tương lai không xa sẽ diễn ra một cuộc cạnh tranh địa chính trị về tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước, về khả năng biến nước trở thành một thứ hàng hóa. Trong tay Nga có một con bài khá mạnh là tài nguyên nước ngọt lớn nhất thế giới. Đất nước chúng ta hiểu rằng cần phải sử dụng tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng một cách chiến lược và không được phung phí.


Hỗ trợ các công dân của chúng ta và vấn đề nhân đạo


Sự tôn trọng đối với đất nước chúng ta còn được quyết định bởi đất nước có khả năng bảo vệ quyền của các công dân của chúng ta ở nước ngoài. Một điều quan trọng là không bao giờ được quên lợi ích của hàng triệu công dân Nga đang sinh sống ở nước ngoài, những công dân đi ra nước ngoài nghỉ ngơi và công tác. Bộ Ngoại giao và tất cả cơ quan đại diện ngoại giao và tham tán cần phải thường xuyên trợ giúp và hỗ trợ thực sự cho các công dân.

Nói chung, chúng ta lo ngại về việc sử dụng “vấn đề quyền con người” trong các công việc quốc tế. Mỹ và nhiều nước phương Tây đang có tham vọng sử dụng quyền con người và chính trị hóa vấn đề này như một công cụ để gây áp lực. Các chủ thể để quản lý quyền con người được họ lựa chọn một cách có dụng ý, không theo các tiêu chí thống nhất. Nga cảm thấy mình được đối xử thiếu khách quan, có dụng ý và mang tính xâm lược, đôi khi vượt ra khỏi mọi giới hạn cho phép. Một số nước không ngớt hành động phê phán có chủ ý nhằm vào các công dân Nga và nhằm vào tình hình nội bộ của nước Nga. Lúc đó, đằng sau các hành động đó đã không còn là những nguyên tắc dân chủ và đạo đức cao cả.

Không ai được quyền lợi dụng lĩnh vực quyền con người. Nga là một quốc gia có một nền dân chủ mới hình thành. Đôi khi chúng ta thể hiện sự khiêm nhường thái quá và chịu thua thiệt trước những đối tác có kinh nghiệm của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng cần phải nói rằng xét từ quan điểm thực hiện quyền con người và tôn trọng những quyền tự do cơ bản thì không một quốc gia nào đạt đến mức độ hoàn thiện. Trong những nền dân chủ lâu đời vẫn có những vi phạm nghiêm trọng mà chúng ta không thể làm ngơ. Do đó, một khi thảo luận một cách xây dựng về lĩnh vực quyền con người sẽ có lợi cho tất cả các bên.

Bộ Ngoại giao Nga vào cuối năm vừa qua đã công bố bản báo cáo đầu tiên mang tên "Về tình hình nhân quyền ở nhiều nước trên thế giới". Tôi cho rằng cần phải tăng cường nỗ lực hoạt động theo hướng này để tạo ra một sự hợp tác rộng rãi hơn và bình đẳng hơn trong toàn bộ các vấn đề nhân đạo, xúc tiến những nguyên tắc cơ bản của dân chủ và quyền con người.

Nước Nga được kế thừa một nền văn hóa vĩ đại, được cả phương Tây và phương Đông thừa nhận. Nhưng chúng ta vẫn còn ít đầu tư vào nền công nghiệp văn hóa và trong việc xúc tiến văn hóa trên thị trường toàn cầu. Việc các nước ngày càng quan tâm tới lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, thông qua việc hội nhập các cộng đồng và các nền kinh tế vào mạng lưới thông tin toàn cầu, đang đem lại cho nước Nga những cơ hội mới với những tài năng mà nước Nga có được trong lĩnh vực sáng tạo các giá trị văn hóa.

Đối với nước Nga không chỉ có khả năng giữ gìn nền văn hóa của mình mà còn sử dụng văn hóa như một yếu tố mạnh mẽ để xúc tiến lợi ích trên thị trường toàn cầu. Không gian tiếng Nga trên thực tế là toàn bộ các nước Liên Xô trước đây và phần lớn các nước châu Âu. Không phải là tư tưởng đế chế mà là xúc tiến văn hóa, không phải là xuất khẩu các chế độ chính trị mà là xuất khẩu giáo dục và văn hóa, có thể tạo ra điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Nga, cho dịch vụ và tư tưởng Nga. Chúng ta cần gia tăng nhiều lần sự hiện diện văn hóa và giáo dục của nước Nga trên thế giới và sẽ tăng lên gấp 10 lần sự hiện diện này ở những nước mà ở đó có một bộ phận dân chúng nói tiếng Nga và hiểu tiếng Nga.

Chúng ta cần phải thảo luận một cách nghiêm túc, bằng cách nào tận dụng các sự kiện quốc tế lớn sẽ được tổ chức ở Nga để tạo ra hiệu quả tốt nhất đối với việc nhận thức về nước Nga một cách khách quan như cuộc gặp thượng đỉnh tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2012, Diễn đàn G20 và G8 vào năm 2013-2014, Diễn đàn các trường đại học ở Kazan vào năm 2013, Đại hội Olympic Mùa đông năm 2004, Giải vô địch thế giới về khúc côn cầu và bóng đá vào năm 2016 và năm 2018.

Nước Nga có ý định và sẽ tiếp tục bảo đảm an ninh quốc gia cho mình và các lợi ích quốc gia bằng cách tham gia tích cực nhất và với tinh thần xây dựng trong nền kinh tế chính trị thế giới, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Chúng ta sẽ sẵn sàng hợp tác xây dựng và trên cơ sở các bên cùng có lợi, sẵn sàng đối thoại cởi mở với tất cả các đối tác trên thế giới. Chúng ta nỗ lực hiểu và tính đến lợi ích của mình nhưng chúng ta cũng đề nghị các bên tôn trọng các đối tác của chúng ta./.