Cu-ba: những thành tựu và triển vọng
Với diện tích 114.524 km2, dân số 11.500.000 người, Cu-ba không giàu về tài nguyên nhưng giàu ý chí kiên cường. Cách mạng Cu-ba đã trở thành lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc ở Mỹ La-tinh.
1- Những thành tựu
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cu-ba do Phi-đen Ca-xtơ-rô đứng đầu, Cu-ba đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nổi bật là những lĩnh vực sau:
Thứ nhất, Cu-ba đặc biệt thành công trong phát triển công nghệ sinh học. “Mặt trận” sinh học được mở ra vào năm 1981 bắt đầu từ việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu - sản xuất, dẫn đầu là “Khu vực khoa học” Tây La Ha-ba-na - một tổ hợp gồm hơn 40 cơ sở với các nhà khoa học chuyên sâu và hơn 7.000 kỹ sư, 12.000 công nhân; có hệ thống dọc phát triển tới các tỉnh, thành phố khác. Ngành công nghệ sinh học đã nghiên cứu thành công và cho ra đời các thế hệ sản phẩm sinh - dược và vắc xin cho phép Cu-ba đưa vào sử dụng một cách có hiệu quả thuốc và vắc xin của chính mình. Đây là một nỗ lực và thành công rất lớn của Cu-ba bởi ngành công nghệ này sinh ra trong một đất nước khan hiếm tài nguyên, công nghiệp chưa phát triển. Ngay cả một nửa số công ty chuyên về công nghệ sinh học tại Mỹ đã bị thất bại trong việc tìm kiếm lợi nhuận và kết cục phải bán sản nghiệp cho các hãng dược phẩm lớn vào đầu những năm 1980. Công nghệ sinh học cùng với ngành công nghiệp Dược đã đạt được thành tựu to lớn trong xuất khẩu. Khác hoàn toàn với nhiều nước, ngành công nghệ sinh học Cu-ba phát triển không có đầu tư nước ngoài mà nghiên cứu khoa học được coi là một hình thức đầu tư. Toàn bộ chu trình từ hoàn thiện nghiên cứu đến sản xuất, phân phối nội địa và tiếp thị quốc tế đều được đặt trong cùng một đơn vị hành chính. Định hướng xuất khẩu song song với phân phối nội địa và hợp tác quốc tế. Sự phát triển của công nghệ sinh học đã mang lại lợi ích trực tiếp cho hai lĩnh vực là nông nghiệp và y tế của Cu-ba.
Thứ hai, Cu-ba đạt được những thành tựu rất lớn trong giáo dục, y tế, thể tao. Quan điểm của Chính phủ trong đầu tư cho lĩnh vực này rất rõ ràng: không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì tinh thần đoàn kết, lòng vị tha, vì tình cảm và công lý. 60% ngân sách nhà nước hằng năm được dùng để chi cho y tế và giáo dục. Chính vì thế, Cu-ba có mạng lưới y tế rộng khắp xuống tận khu phố, thôn làng. Cứ sáu tháng, người dân Cu-ba được khám bệnh tổng quát một lần. Ngoài ra, Cu-ba còn có mạng lưới bác sĩ gia đình, cứ 100 - 150 hộ dân có một bác sĩ chăm sóc. Toàn bộ người bệnh khám, chữa bệnh không phải mất tiền. 90% số thuốc chữa bệnh được sản xuất trong nước. Tuổi thọ trung bình của người dân Cu-ba khoảng 80 tuổi, vào hàng cao nhất thế giới.
Suốt năm mươi năm qua, Ðảng và Nhà nước Cu-ba ưu tiên hàng đầu phát triển toàn diện con người Cu-ba. Trẻ em Cu-ba được hưởng một nền giáo dục hết sức ưu việt: 100% trẻ em được đến trường; sau khi hoàn thành chương trình 6 năm tiểu học, 99% học sinh được học trung học, được cấp miễn phí đồng phục. Học sinh từ lớp 1 đến trên đại học đều được học miễn phí. Hiện nay, Cu-ba đã hoàn thành phổ cập giáo dục cấp 3 (trung học phổ thông), và đang dần tiến tới phổ cập đại học.
Cu-ba là nước đầu tiên trong khu vực Mỹ La-tinh thanh toán nạn mù chữ (từ năm 1961), và giúp xóa nạn mù chữ cho 3 triệu người của 28 nước trong khu vực Mỹ La-tinh và châu Phi; đào tạo gần 100 nghìn sinh viên đại học nước ngoài của hơn 100 nước ở châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh, trong đó có hơn 2.000 sinh viên Việt Nam (1).
Với những thành tựu to lớn đạt được trong chăm sóc y tế và giáo dục, Cu-ba được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá và xếp hạng 51 trong Báo cáo về Chỉ số phát triển con người (HDI) với thu nhập bình quân đầu người 2.200 USD/năm theo cách tính trực tiếp và 4.500 USD tính theo chỉ số sức mua tương đương.
Thứ ba, rất quan tâm thực hiện bảo đảm công bằng xã hội, xây dựng chế độ phúc lợi xã hội cho đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đúng với tinh thần mà các nhà lãnh đạo Cu-ba đã nói: Chúng ta sẽ phân phối một cách công bằng nhất số của cải ít ỏi mà chúng ta có, quyết không bỏ sót một ai, quyết không để cho một ai phải lang thang trên phố, không có cơm ăn, áo mặc, không có việc làm... Khi tiến hành cải cách doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã quy định: những công dân mất việc làm được nhận 60% lương trong 4 năm; khi tìm được việc làm mới thì lương của họ không được thấp hơn 80% lương cũ. Điều đó cũng đủ bảo đảm được mức sống cơ bản cho người dân. Ngoài ra, chi phí hàng năm của Chính phủ cho bảo trợ xã hội cũng tăng lên. Năm 2003, khoản chi phí này (không bao gồm giáo dục và y tế) là 2,101 tỉ Pê-sô, chiếm 11,5% tổng chi tiêu của Chính phủ.
Trong bối cảnh hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan vỡ, Mỹ vẫn tiếp tục chính sách bao vây cấm vận, những thành tựu mà Cu-ba đạt được trên đây là hết sức to lớn và vô cùng có ý nghĩa. Chính sự quan tâm, chăm lo và giải quyết kịp thời những lợi ích thiết thân của người dân, tính ưu việt trong giáo dục đào tạo..., cũng như tinh thần quốc tế cao cả, là nguyên nhân để Đảng Cộng sản Cu-ba - Đảng duy nhất cầm quyền ở Tây bán cầu giữ vững vị trí cầm quyền của mình, lãnh đạo đất nước Cu-ba kiên cường trên con đường cách mạng của mình.
2. Quá trình cải cách mở cửa
Sau biến cố Liên Xô, Đông Âu, tình hình kinh tế trong nước đứng trước những khó khăn to lớn. Trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến động to lớn và không thuận, Đảng Cộng sản Cu-ba ý thức sâu sắc hơn tầm quan trọng, tính cấp thiết của công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân. Đồng chí Ra-un Ca-xtơ-rô từng chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội không phải là sự cung ứng mang tính định lượng, không phải là bốn gia đình chung nhau một quả bí đao, công tác tư tưởng lớn nhất của một bí thư đảng ủy chính là lo cho mọi người dân có cơm ăn. Nhân dân đói ăn là vấn đề tư tưởng lớn nhất”.
Để phát triển kinh tế, Cu-ba đã đi theo con đường hợp tác quốc tế và mở cửa với bên ngoài. Năm 1992, Chính phủ sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài, nới lỏng hạn chế đối với vốn đầu tư nước ngoài. Sau đó, Hiến pháp mới được thông qua cũng coi doanh nghiệp liên doanh là một hình thức chế độ sở hữu của kinh tế Cu-ba. Cùng với quá trình mở cửa, hợp tác với bên ngoài, Nhà nước Cu-ba đã thực hiện một bước tiến dài trong cải cách kinh tế. Tháng 7-1993, lần đầu tiên Chủ tịch Phi-đen công bố một số biện pháp cải cách kinh tế quan trọng, tiếp đó là 10 chính sách cải cách kinh tế.
Tại Đại hội V của Đảng năm 1993, một lần nữa, Đảng Cộng sản Cu-ba lại nêu bật tầm quan trọng của sự nghiệp phát triển kinh tế: “Kinh tế có ý nghĩa quan trọng hàng đầu”; phải “học cách quản lý”, “Không có hiệu quả, không phải là chủ nghĩa xã hội..”. Sau 10 năm thực hiện cải cách mở cửa, nền kinh tế Cu-ba dần dần khởi sắc.
Cùng với phát triển kinh tế, Đảng Cộng sản Cu-ba luôn coi trọng mối quan hệ giữa Đảng và dân, không ngừng củng cố địa vị cầm quyền của Đảng, làm cho Đảng không xa vời, trừu tượng mà gắn với cuộc sống, cuộc đấu tranh vì lẽ sinh tồn, vì công bằng xã hội. Đảng nắm chắc tình hình đất nước, tăng cường sự chia sẻ, đồng cảm của đông đảo quần chúng, đi sâu thâm nhập vào quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Đảng viên và quần chúng có quyền trực tiếp tham gia thảo luận và quyết định các chính sách quan trọng của đất nước. Chẳng hạn như việc trưng cầu dân ý về công tác phát triển đảng viên mới và đề bạt cán bộ lãnh đạo của Đảng. Đảng không chỉ để những người dân bình thường được tham gia vào quá trình phát triển đội ngũ của mình mà còn cho phép họ có quyền đề đạt ý kiến trong quá trình đề bạt cán bộ. Đảng còn nhấn mạnh nguyên tắc: “hài hòa cả nước”, mọi quyết sách quan trọng trước khi ban hành, đều phải đưa ra để cùng thảo luận, tranh thủ ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân.
Đảng Cộng sản Cu-ba cũng ý thức rõ rằng, trong sạch làm Đảng hưng thịnh, tham nhũng khiến Đảng suy vong. Nguyên Chủ tịch Phi-đen đặc biệt nhấn mạnh: Trước khi tham nhũng xâm nhập vào cơ thể Đảng, thì phải triệt bỏ “nọc độc” ấy đi. Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu tổ chức đảng các cấp, trong đó có tỉnh uỷ, thị uỷ và chi bộ cơ sở phải tổ chức thảo luận mỗi tháng một buổi về vấn đề phòng và chống tham nhũng.
Biện pháp phòng và chống tham nhũng, trước hết là tăng cường cơ chế ràng buộc đối với cán bộ lãnh đạo. Đảng đã thiết lập một cơ chế giám sát đồng bộ, bao gồm:
Tổ chức giám sát của Đảng có Ủy ban khiếu nại ở 3 cấp (Trung ương, tỉnh, thành phố), Ủy ban quần chúng trình báo toàn quốc (do một Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách), Văn phòng kiểm toán toàn quốc (chịu sự quản lý của Bộ Tài chính).
Tổ quần chúng giám sát thông qua Ủy ban Bảo vệ cách mạng tại nơi cư trú. Do quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch này cùng với việc giáo dục, tuyên truyền tốt truyền thống cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ, kế cận mà Đảng Cộng sản Cu-ba đã giữ được uy tín và niềm tin với quần chúng.
3- Những động thái mới và triển vọng
Việc cải thiện cuộc sống cho một đất nước vốn có chất lượng cuộc sống tương đối cao không dễ dàng và càng không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô đã nhấn mạnh trong Diễn văn ngày 24-2-2008: mọi thay đổi phải nhằm cải thiện đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của nhân dân, trên cơ sở nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế và thực hành tiết kiệm; không thể tiêu quá những gì mà chúng ta có!
Để phát huy trí tuệ của toàn dân, ở Cu-ba đã dấy lên Phong trào toàn dân tham gia thảo luận và đề xuất những biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn hiện tại trong đời sống đất nước. Qua hơn một năm thảo luận, đã thu thập được hơn 1,3 triệu kiến nghị và đề xuất cùng với những phê phán, phản biện mang tính xây dựng trên lập trường cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, ở Cu-ba đang diễn ra một cuộc “Cách mạng trong cách mạng” để đưa đất nước bắt nhịp cùng thời đại.
Với tinh thần cách mạng kiên cường của mình, nhân dân Cu-ba có quyền hy vọng vào những thành tựu của quá trình cải cách, mở cửa hợp tác quốc tế. Trên những cánh đồng bạt ngàn được giao cho nông dân sản xuất theo điều chỉnh mới trong chính sách nông nghiệp, khuyến khích sản xuất và cung ứng tại chỗ, đã cổ vũ mạnh mẽ các nhà nông sản xuất nông sản, thực phẩm. Cu-ba cũng đã tự cung cấp được 60% dầu nhiên liệu được tận dụng từ năng lượng mặt trời, gió, bằng khí đốt tự nhiên và khí đồng hành trong khai thác dầu mỏ… để chạy các nhà máy nhiệt điện. Nhiều liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí, trong đó có Công ty dầu khí Cu-ba thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam... đang triển khai kế hoạch khai thác.
Trong lĩnh vực đối ngoại, cùng với việc giữ gìn, củng cố các mối quan hệ truyền thống, Cu-ba tăng cường mở rộng liên kết khu vực. Ngoài cộng đồng các nước Ca-ri-bê, Cu-ba đang cùng các nước Vê-nê-xu-ê-la, Bô-li-vi-a và Ni-ca-ra-goa tăng cường củng cố khối ALBA. Gần đây, Cu-ba cũng đã nối lại quan hệ truyền thống với Mê-hi-cô sau một thời gian gián đoạn. Tính đến nay, Cu-ba đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 71 nước và vùng lãnh thổ; Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với 8 nước, trong đó có Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Kinh tế Cu-ba, trong năm 2008, nền kinh tế Cu-ba đã đạt được một số thành tựu tích cực, trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,2%, sản lượng dầu khí tăng 1,6%, và lượng khách du lịch tăng 9,3%. Năm 2009, mặc dù thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng kinh tế Cu-ba, dự kiến, vẫn đạt mức tăng trưởng 6%.
Xem: Thế Gia: "Một thoáng Cu-ba", Báo Nhân Dân online, ngày 24-1-2009
Gói kích cầu nên vào đâu là trúng?  (03/02/2009)
Đổi mới công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế  (03/02/2009)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bắt đầu thăm song phương Thụy Sỹ  (03/02/2009)
Tình hình sản xuất - kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực tăng khá  (03/02/2009)
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng  (03/02/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên