Sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu sắc từ một chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân
TCCSĐT - Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) vừa qua đã họp tại Hà Nội và quyết định ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đây được xem là một Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo công cuộc đổi mới trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mở cửa, hội nhập quốc tế.
Trong đó, Nghị quyết Trung ương đề cập đến ba nhiệm vụ cấp bách gồm: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Có thể khẳng định, ba nhiệm vụ mà Nghị quyết của Trung ương đề ra là ba vấn đề lớn, vừa cơ bản, vừa cấp bách của công tác xây dựng Đảng hiện nay; có quan hệ mật thiết, gắn bó, biện chứng với nhau, trong đó nhiệm vụ thứ nhất là trọng tâm, then chốt và chi phối, thúc đẩy hai nhiệm vụ sau, đồng thời cũng là vấn đề cơ bản và cấp bách nhất, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại, phát triển và vững mạnh của Đảng, sự tồn vong của dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Ngay sau Hội nghị Trung ương, nhất là khi các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải toàn văn thông báo kết quả và bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và tác động sâu sắc trong Đảng và quần chúng nhân dân; được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm và được bàn luận nhiều trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Điều đó chứng tỏ, những vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng hiện nay mà Nghị quyết Trung ương đề ra đã đúng, trúng và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; phản ánh được ý chí, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, thể hiện sự thống nhất cao giữa ý Đảng với lòng dân; đồng thời, tạo nên luồng sinh khí mới, tiếp thêm niềm tin và quyết tâm mới để tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Trung uơng đề ra.
Sở dĩ Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng lần này có sức lan tỏa nhanh, rộng và tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống tinh thần của xã hội, có thể nêu lên một số căn cứ lý luận và thực tiễn sau đây:
Một là, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Đảng mạnh thì cách mạng sẽ thành công. Thực tiễn 82 năm hoạt động kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay cho thấy: với bản lĩnh chính trị vững vàng và đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng; bằng sự phấn đấu nỗ lực, không sợ gian khổ, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích hào hùng của dân tộc trong thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI. Đó là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, lập nên nuớc Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc năm 1954; thắng lợi của Cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm 1975 và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay. Thực tiễn phong phú của cách mạng nước ta qua các thời kỳ lịch sử đã chứng minh hùng hồn chân lý: Chỉ có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam mới đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, đưa nhân dân ta từ lầm than nô lệ trở thành người làm chủ đất nước; đưa vị thế của dân tộc ta, đất nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, và chỉ có Đảng lãnh đạo thì dân tộc ta, đất nước ta mới có được cơ đồ to đẹp như ngày nay. Vì vậy, để lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới thì Đảng càng phải vững mạnh; để Đảng vững mạnh thì không có con đường nào khác là Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đề ra.
Hai là, yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong tình hình mới đòi hỏi Đảng ta phải đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn và làm trong sạch Đảng. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước vừa có những thuận lợi, thời cơ, vừa có những khó khăn, thách thức mới đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp đòi hỏi Đảng ta phải giải quyết, xử lý. Tình hình đó, đòi hỏi Đảng ta càng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; không ngừng nâng cao trình độ kiến thức, phẩm chất đạo đức, lối sống; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội để Đảng vươn lên ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới. Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và làm trong sạch Đảng mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đề ra không chỉ là yêu cầu và đòi hỏi cấp bách của nhiệm vụ cách mạng, mà còn là yêu cầu và đòi hỏi cấp bách của nhân dân đối với Đảng - Người tổ chức, lãnh đạo và quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ba là, Đảng ta là một Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội tiến hành công cuộc đổi mới trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong quá trình lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới, bên cạnh những ưu điểm và kết quả, thành tựu đã đạt được, trong công tác xây dựng Đảng cũng còn bộc lộ nhiều mặt yếu kém, khuyết điểm, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp thiếu tu duỡng, học tập và rèn luyện, bị mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tác động đã giảm sút ý chí, phai nhạt lý tưởng cách mạng, quên đi trách nhiệm và bổn phận của mình trước Đảng, trước nhân dân; suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; mang nặng chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị; quan liêu, xa dân, nói không đi đôi với làm, thậm chí “nói một đằng làm một nẻo”; lợi dụng chức vụ, quyền hạn và vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao để tham nhũng, thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình; vi phạm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không thể hiện được vai trò tiền phong gương mẫu của người đảng viên và không còn là tấm gương để quần chúng học tập, noi theo. Những cán bộ, đảng viên này tuy chỉ là số ít trong Đảng nhưng đã và đang gây nên sự nhức nhối, bất bình sâu sắc trong xã hội, cản trở sự phát triển của công cuộc đổi mới và làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Tình hình trên nếu không được chấn chỉnh, ngăn chặn và khắc phục kịp thời, sẽ làm cho Đảng tự “biến chất”, “phai màu” hoặc “tự diễn biến” và tất yếu sẽ dẫn đến làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, Nghị quyết Trung ương lần này đề ra một số giải pháp để thực hiện, trong đó giải pháp quan trọng hàng đầu là thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên và tiến hành từ trên xuống dưới. Qua tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, xem xét lại nhận thức tư tưởng và phẩm chất đạo đức, lối sống của mình để tiếp tục phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và tự điều chỉnh nhận thức tư tưởng, hành động của bản thân, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các cấp. Đây thực sự là một chủ trương đúng đắn, hợp ý Đảng, lòng dân; không chỉ phản ánh yêu cầu của Đảng mà còn thể hiện ý chí, nguyện vọng và sự mong đợi của nhân dân.
Bốn là, sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đòi hỏi Đảng ta phải thực sự vững mạnh. Trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu làm tan rã Đảng và xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng ra sức tuyên truyền xuyên tạc, bội nhọ Đảng và Nhà nước ta bằng thủ đoạn “diễn biến hoà bình” hết sức tinh vi, thâm độc nhằm chia rẽ nội bộ Đảng, phá hoại mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; chúng mong muốn làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng và thúc đẩy để Đảng ta “tự diễn biến”, tự chuyển hóa”. Trước những khó khăn, thách thức mới ở trong nước và những diễn biến phức tạp trên thế giới; trước sự chống phá điên cuồng, tinh vi, hiểm độc của các thế lực thù địch nếu Đảng ta không vững vàng về bản lĩnh chính trị; không trong sáng về phẩm chất đạo đức và lối sống; không đoàn kết chặt chẽ thành một khối thống nhất về tư tưởng, hành động; không gắn bó mật thiết với nhân dân và không được nhân dân ủng hộ, thì tất yếu Đảng sẽ tự đánh mất vai trò lãnh đạo của mình. Do vậy, Nghị quyết của Trung ương lần này, chính là để xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; để Đảng đủ sức lãnh đạo đất nước, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi đến thắng lợi, vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Năm là, nội dung của Nghị quyết ngắn gọn, sâu sắc, dễ hiểu và có sức thuyết phục cao. Nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng lần này ngắn gọn hơn, thiết thực, nội dung phản ánh sát, đúng với thực tiễn và xác định trúng những vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng hiện nay mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang quan tâm. Khi đọc Nghị quyết cũng như bài phát biểu kết luận Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, đảng viên và nhân dân đều cảm nhận được sự trăn trở, tâm huyết, quyết tâm thực hiện của Trung ương và của đồng chí. Những lời lẽ, câu chữ trong Nghị quyết vừa chân tình, mộc mạc nhưng sâu sắc và dễ đi vào lòng người; cách diễn đạt thì vừa thiết thực, thẳng thắn, song dễ hiểu, dễ nhớ nên có sức lan tỏa nhanh, rộng và tác động mạnh mẽ trong Đảng cũng như trong xã hội.
Một lần nữa, chúng ta thấy rằng, với quyết tâm chính trị cao của Trung ương Đảng, sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân là cơ sở ban đầu nhưng rất quan trọng để tạo nên sức mạnh trong việc tổ chức, thực hiện, sớm đưa Nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Chủ tịch Thượng viện Chile Guido Girardin Lavin  (29/02/2012)
Cuộc họp Vòng III Nhóm Công tác Hỗn Hợp Việt Nam – Vatican  (28/02/2012)
Buôn bán vũ khí trên thế giới vẫn tăng mạnh bất chấp suy thoái kinh tế  (28/02/2012)
Thêm một Hội nghị của Nhóm G20 kết thúc mà không đạt được kết quả cụ thể  (28/02/2012)
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam  (28/02/2012)
Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế - suy ngẫm và hành động  (28/02/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển