TCCSĐT - Thực hiện một trong những hoạt động của Đề án 165, hôm nay, ngày 9-1-2012, tại Hà Nội, Văn phòng Đề án 165 phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản và Việt Nam”

Chủ trì Hội thảo, về phía Việt Nam có đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Đề án 165, đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Về phía Nhật Bản có ông Trưởng Đại diện và Phó Trưởng Đại diện của JICA tại Việt Nam.

Đông đảo lãnh đạo, đại diện từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, vụ, viện nghiên cứu khoa học cùng các trường đại học của Việt nam đã đến tham dự Hội thảo.

Với hai phần nội dung: Kinh nghiệm phát triển kinh tế của Nhật Bản; Quá trình phát triển của các doanh nghiệp Nhật Bản, do giáo sư Trần Văn Thọ (đến từ Trường Đại học Waseda, Tokyo) và giáo sư Kunio Ito (Trường Đại học Hitotsubashi - Khoa Sau đại học về Thương mại và Quản lý, Tokyo) trình bày, Hội thảo đã tập trung vào những nội dung chính sau:

-  Nêu một cách khái quát những giai đoạn phát triển của nền kinh tế Nhật Bản, đặc biệt nhấn mạnh giai đoạn phát triển “thần kỳ”.

- Bàn về những nhân tố góp phần thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản cất cánh, trong đó coi trọng nhất hai yếu tố là năng lực xã hội và thể chế.

- Nghiên cứu những hiện tượng nổi bật trong giai đoạn phát triển thần kỳ của Nhật Bản 1955-1973, như: “đầu tư kêu gọi đầu tư”, phong trào cách tân công nghệ, tỷ lệ đầu tư cao nhưng rất hiệu quả, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng cao... Từ đó thúc đẩy cơ cấu kinh tế Nhật Bản chuyển dịch nhanh...

- Từ bài học của Nhật Bản trong phát triển kinh tế các giáo sư đã rút ra hàm ý kinh nghiệm đối với Việt Nam cần thiết kế thể chế nào để tăng năng lực xã hội, tránh tham nhũng. Đó là năng lực với những tố chất cần thiết của các thành phần lãnh đạo chính trị, quan chức, nhà doanh nghiệp, người lao động, trí thức và toàn xã hội. Thể chế phải phát huy được vai trò của nhà nước, trí tuệ của nhân dân, vạch ra phương hướng phát triển đất nước, bổ sung, khắc phục sự thất bại của thị trường, xây dựng bộ máy hành chính hiệu quả gồm đội ngũ quan chức có năng lực và phẩm chất. Cũng cần coi trọng giáo dục, du nhập công nghệ tiên tiến, tăng khả năng hấp thu công nghệ bằng những nỗ lực nghiên cứu khoa học trong nước, nhất là nghiên cứu ứng dụng.  Nhật Bản cũng là tấm gương hội nhập thành công do biết lựa chọn phát triển những ngành có lợi thế so sánh động, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, có chiến lược tổ chức đẩy mạnh xuất khẩu...

- Từ sự phát triển của các doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản các giáo sư đã gợi ra những hàm ý tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam về triết lý kinh doanh không phải vì sự phát triển của bản thân công ty, mà còn phải đóng góp cho cả xã hội; về nâng cao sức cạnh tranh... bảo đảm để sự phát triển bền vững.

Hội thảo “Kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản và Việt Nam” rất có ý nghĩa đối với Việt Nam trong việc phát triển kinh tế nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tái cấu trúc để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường hiệu quả của tập đoàn kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, chống tham nhũng./.