Tuyên Quang là một tỉnh có truyền thống cách mạng và nhiều tiềm năng. Thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã tích cực khai thác tiềm năng, phát huy nội lực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh quyết tâm xây dựng và thực hiện những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra nhằm đưa Tuyên Quang cùng cả nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Tuyên Quang là địa danh thân thiết và thiêng liêng gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam từ hơn 6 thập kỷ qua. Là tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyên Quang có diện tích tự nhiên hơn 5.800 km2, dân số trên 72 vạn người, bao gồm 22 dân tộc anh em cùng chung sống. Tuyên Quang là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, là tỉnh có lợi thế về địa chính trị, có bản sắc văn hóa độc đáo và phong phú mang đậm nét riêng của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Đồng bào các dân tộc Tuyên Quang có tâm hồn phong phú, nồng hậu, chu đáo và lòng hiếu khách, có truyền thống đoàn kết, cách mạng. Đó chính là cội nguồn sức mạnh, là động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Thiên nhiên và lịch sử văn hóa đã tạo cho Tuyên Quang nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, tài nguyên, khoáng sản, du lịch... Tuy nhiên, Tuyên Quang nằm sâu trong nội địa, không có cửa khẩu, cảng biển, chưa có đường hàng không và đường sắt... là những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Với những tiềm năng, lợi thế và những khó khăn, bài toán đặt ra đối với Tuyên Quang là phải khai thác tối đa nội lực và thu hút mạnh ngoại lực để đánh thức tiềm năng, phát huy lợi thế. Hướng đi của Tuyên Quang là thực hiện chính sách kinh tế "Đi vững bằng hai chân". Một là, phát huy khả năng, trình độ sản xuất nông, lâm nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực tuyệt đối, nâng cao thu nhập của người dân. Hai là, khởi động nhanh, triển khai mạnh sản xuất công nghiệp và du lịch để phát triển, phấn đấu đến năm 2010 Tuyên Quang cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo.

Thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 11,04%, hai năm trở lại đây đạt 12,05%. Công nghiệp có những chuyển biến quan trọng. Đã triển khai một số dự án, khởi công các nhà máy chế biến lâm sản, khoáng sản, nhà máy giấy, nhà máy luyện phơ-rô man-gan..., góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong GDP. Sản xuất nông, lâm nghiệp đạt mức tăng trưởng khá. Mạng lưới giao thông đã hoàn thành quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển đến năm 2020. Hệ thống bưu chính - viễn thông tiếp tục được đầu tư và phát triển, tất cả các huyện, thị xã, khu công nghiệp, đô thị và nhiều xã đã được phủ sóng điện thoại di động. Hoạt động thương mại, du lịch bắt đầu khởi sắc. Vượt lên những khó khăn, Tuyên Quang đã giải quyết khá tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, đặc biệt là chăm lo cho con người. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được tỉnh thường xuyên quan tâm và luôn hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho sự nghiệp đổi mới của tỉnh. Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố và phát triển, việc chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân không ngừng được nâng cao. Các hoạt động xã hội và công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng thực hiện có hiệu quả. Công tác xóa đói, giảm nghèo được đẩy mạnh và đạt thành tích tốt. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIV tỉnh Đảng bộ đã thể hiện rõ Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang nêu cao quyết tâm chính trị, chủ động nắm bắt thời cơ, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng tỉnh ngày càng phát triển mà trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông - lâm nghiệp, với bốn phương châm: "chớp thời cơ, đột phá mạnh, liên kết rộng, hợp tác sâu", hai động lực: "truyền thống lịch sử văn hóa và đại đoàn kết các dân tộc" và năm khâu đột phá: "hoàn thành quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch; phát triển giao thông, thông tin; xây dựng, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi và kêu gọi đầu tư; thực hiện đồng bộ cải cách hành chính". Phấn đấu đến năm 2010, Tuyên Quang đạt các mục tiêu cơ bản sau: Cơ cấu GDP theo ngành kinh tế (công nghiệp, xây dựng 40%, các ngành dịch vụ 35%, nông - lâm nghiệp 25%), tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm trên 14%, GDP bình quân đạt trên 740 USD/người, sản lượng lương thực đạt trên 32 vạn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 27 triệu USD, doanh thu từ du lịch đạt trên 500 tỉ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 15%.

Để thực hiện được mục tiêu đó, yếu tố rất quan trọng là thực hiện hiệu quả các biện pháp trong năm khâu đột phá. Trong đó, quy hoạch được coi là yếu tố nền tảng mở đường để phát triển kinh tế trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Với tinh thần đó, từ năm 2005, bên cạnh việc điều hành có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, Tuyên Quang đã dốc sức tập trung cho công tác quy hoạch. Đến cuối năm 2006, đã hoàn thành 15 quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đến năm 2010; Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020... Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Phấn đấu đến hết quý I năm 2007, hoàn thiện tất cả các quy hoạch cấp tỉnh, hết năm 2007 các huyện, thị xã hoàn thiện các quy hoạch cấp huyện, thị.

Về công nghiệp, phát huy thế mạnh, khai thác tiềm năng, tỉnh đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến, nhất là chế biến lâm sản, vật tư nông nghiệp, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như: sản xuất xi-măng, khai thác đá, làm gạch xây dựng... Đẩy mạnh công nghiệp khai khoáng và công nghiệp cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, nhằm phát huy thế mạnh nguồn nhân lực và những lợi thế khác trong kinh doanh. Công nghiệp phát triển sẽ thúc đẩy hệ thống dịch vụ, chuyển dịch lao động, cơ cấu dân cư, bảo đảm điều kiện để đô thị hóa và công nghiệp hóa. Từ đầu năm 2005, tỉnh đã tích cực kêu gọi đầu tư. Đến nay, đã có nhiều dự án được đầu tư và đi vào hoạt động như: Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa, công xuất giai đoạn 1 là 130.000 tấn/năm, đầu tư gần 4.000 tỉ đồng; nhà máy luyện phơ-rô man-gan; nhà máy nghiền bột ba-rít tại cụm các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Long Bình An; nhà máy nghiền bột phen-phát; nhà máy nghiền bột ba-rít tại cụm công nghiệp Sơn Nam; nhà máy xi-măng Việt - Pháp ở huyện Sơn Dương...

Du lịch là một thế mạnh của Tuyên Quang, bởi nó hội tụ tiềm năng phát triển với cả ba hình thái là du lịch lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng. Về chiến lược lâu dài, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, song trong 5 năm tới, xác định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, với định hướng phát triển ba khu du lịch chính gồm: Khu du lịch lịch sử văn hóa Tân Trào, Khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Nà Hang và sáu điểm du lịch chủ yếu. Đó là, Khu du lịch Tân Trào đang được đầu tư xây dựng để trở thành Khu du lịch văn hóa - lịch sử và sinh thái quốc gia; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm được khởi công xây dựng vào tháng 4-2006 là trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí; vùng hồ Nà Hang và rừng nguyên sinh bao quanh sẽ là điểm hấp dẫn của du lịch sinh thái. Ba khu, sáu điểm tạo nên tuyến hành trình liên hoàn và phấn đấu để có nhiều sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn du khách. Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh là tăng lượng khách về cả chất lượng và cơ cấu, tăng nguồn thu từ du lịch. Điều quan trọng nhất, đó là giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về ĐấtNgười nơi đây - những yếu tố đã đưa tên tuổi Tuyên Quang mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam với vị thế là Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, tỉnh anh hùng.

Đối với một tỉnh miền núi như Tuyên Quang, giao thông là khâu cốt tử để thúc đẩy sản xuất hàng hóa và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì vậy, chiến lược phát triển giao thông của tỉnh là sớm hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, các tuyến đường liên huyện, đặc biệt chú trọng những tuyến giao thông chính nhằm rút ngắn về thời gian từ Tuyên Quang tới Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế của cả nước. Tuyên Quang đang khẩn trương nâng cấp quốc lộ 2C, quốc lộ 37, mở đường sang huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, nâng cấp tuyến đường sang tỉnh Yên Bái; chủ động, tích cực đề xuất, phối hợp và tạo điều kiện để đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh; nạo vét, khai thông dòng sông Lô, bảo đảm cho tàu có tải trọng trên 200 tấn chạy được 4 mùa; xây dựng sân bay tại Khu du lịch sinh thái Nà Hang để phục vụ khách du lịch.

Cùng với phát triển giao thông, Tuyên Quang chủ trương mở rộng, hiện đại hóa mạng lưới bưu chính - viễn thông, phấn đấu đến năm 2010 đạt 9 máy điện thoại/100 dân; mở rộng vùng phủ sóng điện thoại di động tới 100% các khu dân cư và các tuyến quốc lộ; nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm bưu điện - văn hóa xã; phát triển mạnh dịch vụ bưu chính - viễn thông và các dịch vụ mới như In-tơ-net tốc độ cao, điện thoại di động trong nước và quốc tế.

Tuyên Quang tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi và kêu gọi đầu tư. Tuy là tỉnh đi sau về lĩnh vực này, nhưng lãnh đạo tỉnh luôn ý thức sâu sắc về vai trò quan trọng, ý nghĩa chiến lược của yếu tố này trong phát triển kinh tế và dựa trên những lợi thế so sánh của mình để xây dựng các cơ chế chính sách hợp lý như: chính sách giải phóng mặt bằng, thông tin quảng cáo, đào tạo nhân lực, thông thoáng về cơ chế...Với ưu thế riêng có, cùng cơ chế, chính sách hấp dẫn, Tuyên Quang sẽ thu hút mạnh ngoại lực và khai thác triệt để nội lực để phát triển kinh tế.

Cải cách hành chính được coi là khâu đột phá, và Tuyên Quang xác định đây là một trong những yếu tố quan trọng của môi trường đầu tư, môi trường vận hành xã hội. Cải cách hành chính của Tuyên Quang đã bước sang giai đoạn II, với mục tiêu là phấn đấu để có một môi trường hành chính thông thoáng, hiện đại, áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001: 2000 vào quản lý hành chính.

Một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của tỉnh là đào tạo nguồn nhân lực. Trên cơ sở phát huy thành tựu đã đạt được, Tuyên Quang thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục và đào tạo theo hướng: Phát triển quy mô hợp lý giữa các bậc học; bố trí hài hòa cân đối giữa giáo dục phổ thông với đào tạo nghề, để tạo nguồn lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, tạo tiền đề để đào tạo được một lớp người lao động mới có đủ trình độ, năng lực làm chủ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quê hương cách mạng.

Nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, Tuyên Quang đã và đang từng bước hoàn chỉnh quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị và một số cụm, khu công nghiệp tại các huyện. Trong đó, trọng điểm là Cụm các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Long Bình An đã được phê duyệt, nằm trong quy hoạch các khu công nghiệp của Chính phủ, được xây dựng ở vị trí hết sức thuận lợi về giao thông thủy - bộ, có điều kiện tốt trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái và Hà Giang. Cụm này nằm gần các mỏ khoáng sản, nằm giữa vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ, giấy, bột giấy và là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Về nông, lâm, ngư nghiệp, Tuyên Quang chủ trương phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, trọng tâm là thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp theo hướng gắn với công nghiệp chế biến, quy hoạch phân 3 loại rừng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc giao đất, giao rừng ổn định lâu dài cho tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật, làm tốt công tác bảo vệ rừng, trồng rừng đi đôi với khai thác, sử dụng rừng hợp lý để bảo đảm độ che phủ của rừng trên 60%, tạo bước chuyển mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống của người trồng rừng và sống gần rừng.

Để thúc đẩy và mở đường cho kinh tế phát triển, tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư vào cụm các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Long Bình An, các cụm công nghiệp tại các huyện và các khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính nhằm tạo cơ chế thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh các dự án công nghiệp, giao thông, du lịch trọng điểm đã được khởi công, Tuyên Quang đang kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án như: Xây dựng khu du lịch lòng hồ thủy điện; Nhà máy xử lý rác thải; Khu du lịch sinh thái Phiêng Bung; Khu du lịch sinh thái Núi Dùm; Làng nghề mây-tre-đan xã Ỷ La...

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội cũng được cấp ủy, chính quyền quan tâm trong đó Chương trình giảm nghèo được xác định là một trong những nội dung trọng tâm và tỉnh chủ trương huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn xã hội để thực hiện. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm; đồng thời, đẩy mạnh chương trình xuất khẩu lao động theo phương châm nâng cao chất lượng lao động và mở rộng địa bàn xuất khẩu. Thực hiện đổi mới mạnh mẽ quản lý giáo dục, rà soát để nâng cao chất lượng giáo viên, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động hai không: "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", gắn với phong trào thi đua hai tốt ; "Dạy tốt, học tốt"; ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo đến năm 2010.

Để lãnh đạo thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là khâu then chốt, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết Về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa X Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quán triệt sâu sắc nội dung nghị quyết, chương trình tới mọi tổ chức đảng, đảng viên, quần chúng nhân dân nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng.

Đồng thời, tỉnh đã thực hiện một cách đồng bộ các khâu mấu chốt nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với đổi mới hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành các quy định, quy chế: Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Quy định về nội dung, phương pháp làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh; Quy định về nội dung, phương pháp, lề lối làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với chính quyền, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh; Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã; thành lập và xây dựng chương trình làm việc, quy chế hoạt động của Hội đồng công tác quần chúng của tỉnh... Các quy định này đã và đang đi vào thực tiễn, tạo ra bước chuyển quan trọng trong việc đổi mới, cải tiến phương pháp, lề lối làm việc của các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, phân cấp mạnh, phát huy tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp.

Đưa Nghị quyết Đại hội X của Đảng vào cuộc sống bằng những định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ chính trị bao trùm, xuyên suốt, là nền tảng để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đề ra hướng tới thực hiện nhiệm vụ đến năm 2010: Tuyên Quang cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; nhanh chóng hội nhập vào quá trình phát triển chung của cả nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

* Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang