Pháp và sự trở lại Trung Đông

Minh Duy
20:33, ngày 11-08-2009

Trung Đông đang có những thay đổi lớn về cục diện, còn Pháp lại muốn bảo vệ ảnh hưởng và lợi ích của mình tại đây. Một loạt các động thái đã được chính phủ Pháp sử dụng như triển khai quân tại Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE); ra lời khuyên “chân tình” với tân Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-i-a-hu hay nhanh chóng khôi phục tình thân với I-rắc. Song, những gì điện Ê-ly-dê có được không phải lúc nào cũng như mong muốn.

Với I-rắc: Bạn cũ vẫn hơn

Điện Ê-ly-dê đã nhanh chóng “thắt chặt” quan hệ với I-rắc ngay sau khi nước này tiếp nhận chủ quyền. Pháp đã liên tục thắng thầu với các hợp đồng thương mại quan trọng ở đây, mở đầu cho sự trở lại khá ấn tượng của giới doanh nghiệp Pháp. Công ty Xây dựng hàng hải Pháp Ô-xê-a giành hợp đồng đóng tàu phục vụ hoạt động giám sát bờ biển, trị giá 50 - 60 triệu ơ-rô. Trong khi đó, chi nhánh thiết kế sân bay thuộc Tập đoàn Sân bay Pa-ri (ADPI) cũng nhận được hợp đồng thiết kế quy hoạch thành phố Ka-ba-la, cách thủ đô Bát-đa 110km về phía Nam, trị giá 30 triệu ơ-rô. Tháng 3 vừa qua, Pháp đã ký hợp đồng bán cho I-rắc 24 máy bay lên thẳng của hãng Ơ-rô-cốp-te, và đây là hợp đồng mua bán vũ khí đầu tiên của hai nước kể từ năm 1990. Ngoài ra, Pháp đồng ý xóa cho I-rắc khoản nợ 4 tỉ ơ-rô - một động thái được coi là “chiếc chìa khóa” để I-rắc mở rộng cửa hơn cho các doanh nghiệp Pháp.

Các hoạt động ngoại giao giữa Pa-ri và Bát-đa cũng được duy trì khá tốt trong thời gian gần đây: Tháng 2-2009, Tổng thống Pháp N.Sác-cô-di thăm Bát-đa và đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Pháp tới I-rắc. Tháng 5-2009, Thủ tướng I-rắc N.An Ma-li-ki đã tới Pa-ri. Trước đó, thái độ phản đối của Pa-ri đối với cuộc chiến do Mỹ phát động tại I-rắc dưới thời Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ dường như là yếu tố hàn gắn Pháp với công cuộc tái thiết của nước này. Và nước Pháp đã không để lỡ lợi thế đó khi là một trong những nước đầu tiên trở lại đầu tư tái thiết I-rắc sau nhiều năm đất nước này bị chiến tranh tàn phá.

Cũng nhờ mối quan hệ khăng khít đó mà sự trở lại của Pháp “không phải bắt đầu từ con số không, mà có một nền tảng hợp tác lâu dài”, như lời của Thủ tướng I-rắc N.An Ma-li-ki nói với Thủ tướng Pháp Ph.Phi-ông khi ông Phi-ông bất ngờ tới Bát-đa ngày 2-7-2009, chỉ 2 ngày sau khi quân đội Mỹ bắt đầu rút khỏi I-rắc.

Thực ra, nỗ lực hiện diện trở lại I-rắc của chính quyền Sác-cô-di đã được manh nha từ cuối năm 2007, khi Ngoại trưởng Pháp B.Cút-nơ là quan chức cấp cao nhất của Pháp tới thăm Bát-đa kể từ khi nổ ra chiến tranh tại đây. Vào thời gian đó, chuyến thăm của ông Cút-nơ được đánh giá là một trong những điểm nhấn quan trọng của cộng đồng quốc tế nói chung và của Pháp nói riêng trong việc tìm kiếm giải pháp cho I-rắc sau hơn 4 năm bị liên quân chiếm đóng.

Rõ ràng, nếu muốn khẳng định vị trí là một trong những nước đầu tàu của EU, Pháp không thể làm ngơ trước những gì xảy ra ở I-rắc cũng như Trung Đông - nơi vừa tập trung nhiều lợi ích của các nước lớn, vừa là điểm nóng xung đột của thế giới. Hơn nữa, nước Pháp dưới triều đại Sác-cô-di khó chấp nhận giữ quan điểm phản đối cuộc chiến do Mỹ phát động tại I-rắc của chính quyền tiền nhiệm G.Si-rắc. Bởi nếu vậy, Pa-ri sẽ tiếp tục bị Mỹ gạt ra khỏi các vấn đề liên quan tới I-rắc, đặc biệt là khi đất nước này đang khao khát các dự án tái thiết. Lẽ dĩ nhiên, kèm theo các dự án đó là những lợi ích kinh doanh không hề nhỏ.

Với I-xra-en: Lỡ miệng mất lòng

“Hãy bãi nhiệm A.Li-e-bơ-man”, Tổng thống Pháp đã nói nói với Thủ tướng I-xra-en như vậy khi khuyên ông này bãi nhiệm Ngoại trưởng. Câu nói này sau đó đã bị một kênh truyền hình tư nhân để lộ khi chiếu lại nội dung của buổi gặp ít mang tính ngoại giao giữa ông Sác-cô-di với Thủ tướng Nê-ta-i-a-hu, nhân chuyến thăm của ông này tới Pháp ngày 24-6 vừa qua.

Những lời lẽ đối thoại thân mật hiếm có này đã châm ngòi cho một trận cuồng phong phản bác thực sự trong chính giới tại I-xra-en. Sự việc càng trở lên nghiêm trọng hơn khi Ngoại trưởng I-xra-en được biết chi tiết về vụ việc này thông qua truyền hình mà không hề được Đại sứ I-xra-en tại Pháp (có mặt tại cuộc gặp ở điện Ê-ly-dê) báo cáo trước.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Thủ tướng I-xra-en cho rằng, cần phải khẳng định là Thủ tướng hoàn toàn tin tưởng Li-e-bơ-men, đồng thời “chúng tôi không có thói quen tiết lộ nội dung của những cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo nước ngoài và ngài Thủ tướng hoàn toàn không có nhu cầu về những lời khuyên đối với thành phần chính phủ”. Tuy nhiên, sự phẫn nộ vẫn không hề thuyên giảm. Nhiều bộ trưởng và nghị sĩ I-xra-en đã lên tiếng chỉ trích “sự can thiệp” của Tổng thống Sác-cô-di. Còn U. Lan-đô, nhân vật số hai của Đảng dân tộc cực hữu I-xra-en, thì lấy làm tiếc về việc Nê-ta-i-a-hu phản ứng quá mềm khi nhận xét: “Một nguyên thủ quốc gia thực thụ lẽ ra cần đập bàn trong trường hợp này”.

Nhớ lại cách đây hai năm, vào cuối năm 2007, trong chuyến thăm I-xra-en đầu tiên trên cương vị Tổng thống Pháp, ông Sác-cô-di đã chiếm được cảm tình đặc biệt của giới lãnh đạo I-xra-en và họ coi đây là tin tốt lành cho quan hệ Pháp - I-xra-en, cho dù khi đó ông Sác-cô-di vẫn kêu gọi I-xra-en cần có ngay những “hành động cụ thể” như: chấm dứt chiếm đóng hay việc xây dựng các khu định cư mới và “quan điểm của Pháp đối với I-xra-en là một người bạn thủy chung, chứ không phải là một người bạn chỉ biết làm hài lòng chính quyền Ten Avi”. Thậm chí, ông Nê-ta-i-a-hu (lúc đó là Chủ tịch đảng đối lập Li-kút) còn khẳng định: Sác-cô-di là một người bạn của I-xra-en và là một người bạn của riêng tôi. Ông ấy muốn giúp đỡ I-xra-en đạt được hòa bình thực sự và ông ấy hiểu rõ nhu cầu về an ninh của chúng tôi.

Trên thực tế, tình thân giữa Pa-ri và Ten A-vi bị chi phối từ nhiều yếu tố. Dù có tới 55% dân số I-xra-en nói tiếng Pháp nhưng nếu thể hiện một thái độ thân thiện với Nhà nước Do Thái, đặc biệt là với chính quyền được cho là cực hữu mới nắm quyền, ông Sác-cô-di sẽ gặp phải sự phản đối trong nước, nhất là từ cộng đồng 4 triệu người Pháp thuộc cộng đồng nhập cư xuất thân từ A-rập và Hồi giáo ở trong nước. Pháp vừa là nước có thiểu số người Do Thái lớn nhất cũng như thiểu số người Hồi giáo lớn nhất châu Âu. Chưa kể đến nỗ lực ngoại giao con thoi của điện Ê-ly-dê bấy lâu nay nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông bằng cách hóa giải mâu thuẫn giữa I-xra-en và Pa-le-xtin đang gặp cản trở từ tư tưởng cứng rắn của chính quyền mới lên ở Ten A-vi. Vốn từng được cho là một trong những nguyên thủ Pháp thân cận nhất với I-xra-en về mặt tư tưởng từ trước tới nay (khác hẳn với người tiền nhiệm G.Si-rắc), nhưng sau lần rắc rối này, ông Sác-cô-di hẳn sẽ không sớm khôi phục tình thân và ảnh hưởng của Pháp với Ten A-vi nói chung và với người đứng đầu giới ngoại giao I-xra-en, A.Li-e-bơ-man, nói riêng.

Với Mỹ: Vẫn là người đến sau

Căn cứ quân sự của Pháp tại vùng Vịnh đã chính thức hoạt động vào tháng trước, sau một hiệp định ký giữa Pháp và UAE vào tháng 1-2009, cho phép thiết lập một căn cứ liên quân với quân số từ 4.000 đến 5.000 người tại cảng thương mại A-bu Đa-bi. Căn cứ này sẽ hỗ trợ cho các tàu của Hải quân quốc gia đang làm nhiệm vụ tại vùng Vịnh và Ấn Độ Dương, cũng như tiếp nhận các phương tiện quân sự mà Pháp thường xuyên triển khai trong khuôn khổ hợp tác với quân đội các nước vùng Vịnh.

Từ nửa thế kỷ qua, đây là lần đầu tiên Pháp mở một căn cứ quân sự mới, và đặc biệt là căn cứ này không nằm tại các nước châu Phi - vốn là các nước nằm trong tầm ảnh hưởng của Pa-ri. Về chiến lược, có nhiều lý do khi xét đến "vòng cung khủng hoảng" tại vùng Vịnh. Căn cứ này sẽ giúp Pa-ri có được vai trò chiến lược trong một khu vực vốn bị I-ran chi phối, đồng thời cũng là một tuyến cung cấp dầu mỏ quan trọng. A-bu Đa-bi chỉ nằm cách I-ran có 225km, nên dễ hiểu khi căn cứ này còn được mô tả như “một căn cứ tiền phương của Pháp đối diện I-ran”.

Trước đó, Sách trắng Quốc phòng của Pháp năm 2008 đã đề cập đến “sự chuyển hướng địa lý chiến lược của Pháp là di chuyển nhiều hơn về phía Đông, dọc theo một vòng cung đi từ Đại Tây Dương đến Ấn Độ Dương, một nơi đã trở thành trung tâm của mọi cuộc căng thẳng và cũng là khu vực trên thế giới có nhiều nguy cơ khủng bố nghiêm trọng”. Tài liệu này cũng xác định việc đóng căn cứ tại UAE là một trong số những khu vực ưu tiên, đặc biệt là trục chiến lược Địa Trung Hải - vịnh A-rập Péc-xích - Ấn Độ Dương. Trên thực tế, những dấu ấn cho hợp tác quân sự của Pháp tại đây đã được manh nha từ mấy chục năm trước, nhưng gần đây được thúc đẩy đáng kể. Hiện Pháp là nhà cung cấp 50% trang bị vũ khí của UAE. Ngay từ sau cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, Pa-ri và A-bu Đa-bi đã ký hiệp định bí mật về quốc phòng, bảo đảm cho một cuộc can thiệp của Pháp trong trường hợp UAE bị xâm lược. UAE còn yêu cầu Pháp thiết lập căn cứ quân sự từ lâu, nhưng dưới thời Tổng thống G.Si-rắc, chính sách đối ngoại của Pháp ưu tiên cho khu vực châu Phi, địa bàn ảnh hưởng truyền thống, hơn là vùng Vịnh. Song ngay sau khi bước chân vào điện Ê-ly-dê, Tổng thống Sác-cô-di đã chú ý đến việc mở căn cứ quân sự tại UAE.

Tuy nhiên, mong muốn là vậy nhưng khả năng Pa-ri có thể gây dựng ảnh hưởng quân sự tại đây không nhiều. Sự hiện diện của Mỹ trong vùng Vịnh vẫn chiếm ưu thế, một phần do tiềm lực của Mỹ, phần khác do chính các nước khu vực cũng có xu hướng chuộng Mỹ hơn, tới mức còn có nhận định cho rằng, khu vực này có thể được coi như một căn cứ không quân rộng lớn của Mỹ. Việc Pháp được tiếp đón tại đây là chỉ bởi các quốc gia vùng Vịnh muốn đa dạng hóa sự liên minh của họ và tránh sự lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ. Dù với căn cứ quân sự tại A-bu Đa-bi, quân đội Pháp có thể thường xuyên liên hệ với các lực lượng của Anh và Mỹ, hiện đang có mặt tại các khu vực lân cận, song trong trường hợp có xung đột ở vùng Vịnh và có được sự bảo trợ quân sự của Oa-sinh-tơn, các nước vùng Vịnh sẽ không chọn Pa-ri làm chỗ dựa.

Với các lợi ích kinh tế hiện có và tham vọng gây ảnh hưởng nước lớn của Pháp tại Trung Đông, việc Pa-ri nỗ lực thúc đẩy các hoạt động từ ngoại giao con thoi đến các hợp tác quân sự, kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, những gì mà Pa-ri trải nghiệm vừa qua cho thấy, để có một vai trò thực sự ở đây, sự thực dụng là chưa đủ. Điện Ê-ly-dê cần có thêm thời gian để xác lập một chính sách ngoại giao với từng quốc gia, bởi Trung Đông vẫn luôn là mảnh đất giàu có về tiềm năng nhưng cũng chứa nhiều mâu thuẫn lợi ích không dễ hòa giải./.