Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp các đại sứ, đại biện của EU và các nước thành viên
TCCS - Ngày 7-6-2024, tại Phủ Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) và các đại sứ, đại biện các nước thành viên EU tại Hà Nội đến chào và chúc mừng nhân dịp được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng lần đầu gặp các đại sứ, đại biện EU trên cương vị mới; cảm ơn những lời chúc mừng tốt đẹp của lãnh đạo cấp cao EU, các nước thành viên và các đại sứ, đại biện.
Chủ tịch nước khẳng định, EU và các nước thành viên là những đối tác quan trọng của Việt Nam; vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên thời gian qua phát triển năng động, thể hiện qua việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao được tăng cường; đang triển khai hiệu quả các thỏa thuận và cơ chế hợp tác, đối thoại. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên EU đang phát triển tích cực cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên nền tảng quan hệ hữu nghị tốt đẹp, thế mạnh và nhu cầu của mỗi nước. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 4 nước thành viên EU, đối tác toàn diện với 3 nước và đối tác chiến lược theo lĩnh vực với 3 nước.
Thời gian tới, để đưa quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn, Chủ tịch nước đề nghị các đại sứ, đại biện tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao để tăng cường tin cậy chính trị, tạo đà cho hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có để triển khai tốt Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cũng như các văn kiện hợp tác giữa Việt Nam với các nước EU, nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đề ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác; tăng cường ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó ưu tiên triển khai hiệu quả Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Chủ tịch nước cũng đề nghị các đại sứ có tiếng nói thúc đẩy các nước EU chưa phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sớm phê chuẩn Hiệp định và Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam, có tính đến những khó khăn, khác biệt về trình độ phát triển giữa hai bên và sinh kế của ngư dân Việt Nam; giúp Việt Nam phát triển kinh tế biển, nuôi trồng hải sản bền vững.
Hoan nghênh các chiến lược, sáng kiến hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU với cách tiếp cận cân bằng, nhiều ưu tiên hợp tác phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối của EU với khu vực, thúc đẩy hợp tác thông qua khuôn khổ Đối tác chiến lược ASEAN - EU, cũng như giữa ASEAN và các nước thành viên EU.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn các đại sứ, đại biện sẽ luôn là cầu nối quan trọng, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên thời gian tới, góp phần sớm đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - EU phát triển lên tầm cao mới.
Thay mặt các đại sứ, đại biện các nước thành viên EU tại Hà Nội, Đại sứ EU Julien Guerrier chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức Chủ tịch nước. Đại sứ khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, cũng như tại Đông Nam Á nói riêng. EU mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư với Việt Nam, coi hợp tác với Việt Nam là hình mẫu cho hợp tác của EU với các nước đang phát triển trên thế giới. EU mong muốn hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045 và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chia sẻ đánh giá của Chủ tịch nước Tô Lâm về quan hệ Việt Nam – EU, Đại sứ Julien Guerrier khẳng định quan hệ hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian tới như phát triển kinh tế xanh, số và tuần hoàn, nông nghiệp, dược phẩm, tư pháp, lao động, quốc phòng - an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu với ưu tiên triển khai Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Đại sứ nhấn mạnh, EU đang triển khai mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến hợp tác khu vực, nhất là Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu; cho biết EU có kế hoạch triển khai một số dự án hợp tác với ASEAN và tại Việt Nam trong khuôn khổ sáng kiến. Đại sứ Julien Guerrier bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch nước Tô Lâm, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước EU sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa, đóng góp quan trọng cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Julien Guerrier hân hạnh chuyển thư chúc mừng của Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đến Chủ tịch nước Tô Lâm; bày tỏ tin tưởng, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa, vì lợi ích của cả hai bên./.
Trung Duy (tổng hợp)
Chủ tịch nước Tô Lâm trao quyết định bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an  (07/06/2024)
Sự điều chỉnh chiến lược của Liên minh châu Âu trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine  (25/04/2024)
Kinh tế Liên minh châu Âu năm 2023 và triển vọng năm 2024  (15/03/2024)
An ninh mạng ở Liên minh châu Âu: Thực trạng và giải pháp chiến lược  (26/05/2022)
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên