Trung Quốc hoàn thiện mô hình quản trị xã hội trong thời kỳ cải cách mở cửa
TCCS - Mô hình quản trị xã hội theo cấu trúc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước phụ trách, xã hội hiệp đồng, quần chúng tham gia, luật pháp bảo đảm” là nền móng căn bản để Trung Quốc thực hiện thành công mô hình phát triển xã hội công bằng, văn minh, hiện đại. Quá trình đó được triển khai, điều chỉnh và nâng cấp từng bước trong suốt hơn 45 năm cải cách đất nước của Trung Quốc (từ năm 1978 đến nay). Nhờ đó, Trung Quốc đã tháo gỡ, khắc phục được không ít vấn đề xã hội gai góc, bất cập, đáp ứng ngày càng tốt hơn lợi ích và nhu cầu thiết thực của đông đảo người dân. Đây cũng là kinh nghiệm mà các quốc gia có thể tham khảo, vận dụng.
Công cuộc cải cách mở cửa đã góp phần đưa Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai trong nền kinh tế toàn cầu vào năm 2010, tạo nên cục diện cạnh tranh mới với các cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, về phương diện xã hội, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, như phân hóa giàu nghèo sâu sắc, bất bình đẳng nghiêm trọng, mức thụ hưởng dịch vụ công không cân bằng... Nguyên nhân chủ yếu là bởi các chính sách quản lý xã hội chưa mang lại hiệu quả cao, mặc dù chính sách phát triển xã hội của Trung Quốc ngày càng trở nên thiết thực. Chính vì thế, việc từng bước hoàn thiện mô hình quản trị xã hội đáp ứng mục tiêu phát triển xã hội công bằng, văn minh, hiện đại đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm trong suốt hơn 45 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc.
Quá trình đổi mới tư duy về mô hình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của Trung Quốc trong thời kỳ cải cách, mở cửa
Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Có nghĩa là, khi mô hình phát triển xã hội có bước điều chỉnh nhất định thì phương thức quản lý xã hội cũng đồng thời phải có bước chuyển đổi phù hợp. Quy luật này đúng với tất cả quốc gia, nhất là những quốc gia tiến hành công cuộc cải cách đất nước toàn diện, sâu sắc như Trung Quốc.
Kể từ năm 1978, tư duy về xây dựng, hoàn thiện mô hình phát triển và quản lý phát triển xã hội của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc không ngừng được hoàn thiện và tạo nên những bước đột phá quan trọng. Để thay đổi tư duy bình quân chủ nghĩa, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đề xướng quan điểm “ưu tiên hiệu quả, chú ý công bằng”, chủ trương cho phép một số vùng và một bộ phận người dân có điều kiện “làm giàu trước” để trợ giúp các khu vực, nhóm xã hội nghèo khó, lạc hậu, cùng tiến tới một xã hội công bằng, cùng giàu có. Theo đó, cần khắc phục tình trạng tập quyền (có nghĩa là Đảng bao biện toàn bộ, sức mạnh Nhà nước là “vạn năng”). Vì vậy, Trung Quốc chủ trương tạo dựng mô hình quản lý xã hội theo nguyên tắc chế độ hóa, luật pháp hóa, trong đó kiểm tra, giám sát là khâu thiết yếu. Theo đó, nhiều mảng việc “vốn rất dễ làm, song do tất cả đều nằm trong tay các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đều do Trung ương quản lý nên rất khó thực hiện”(1). Điều đó không chỉ khiến bộ máy của Đảng và Nhà nước trở nên trì trệ, quan liêu, mà còn khiến nguồn lực sáng tạo từ các tầng lớp xã hội không thể phát huy tối đa hiệu quả. Đây chính là tư tưởng nền tảng để Trung Quốc luôn kiên trì theo đuổi tiêu chí “phân quyền” giữa các chủ thể quản lý, không chỉ riêng trong lĩnh vực xã hội. Tiếp nối tư tưởng này là Tổng Bí thư Giang Trạch Dân với thuyết “Ba đại diện”, nhấn mạnh chủ trương “lấy con người làm gốc” trong phát triển xã hội. Kế thừa lý luận Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân khẳng định tầm quan trọng của quan điểm quản lý xã hội bằng luật pháp và dân chủ chính trị(2). Đây cũng là thời kỳ Trung Quốc đề cao mục tiêu xây dựng và mở rộng dân chủ cơ sở, bảo đảm quyền tham gia quản lý xã hội của mọi người dân nhằm tạo dựng cuộc sống hạnh phúc và dân chủ cho tất cả các giai tầng xã hội(3). Tuy nhiên, sau hơn hai thập niên cải cách, Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng chưa hài hòa, thiếu bình đẳng, phân hóa giai tầng nghiêm trọng trong đời sống xã hội. Vì thế, tại Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2002), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đưa ra quan điểm “phát triển một cách khoa học”, nhằm xây dựng xã hội hài hòa, theo tiêu chí “công bằng, chính đáng”. Hội nghị Trung ương 6 khóa XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10-2006) thông qua “Quyết định về một số vấn đề quan trọng trong xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa” nhằm đem lại lợi ích cân bằng, hài hòa hơn giữa các vùng, miền và các nhóm xã hội, tiến tới xóa bỏ những mâu thuẫn tiềm ẩn trong lòng xã hội Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc xem trọng việc phân tách chức năng quản lý xã hội giữa các cơ quan quản lý của Đảng và Nhà nước; mở rộng vai trò tham gia quản lý của người dân và các tổ chức xã hội. Đây được coi là bước điều chỉnh quan trọng trong phương thức quản lý xã hội của Trung Quốc, đánh dấu sự chuyển đổi từ mô hình quản lý một chủ thể sang đa chủ thể, mang lại tính dân chủ và hiệu quả hơn. Trước những thách thức từ các vấn đề xã hội nổi cộm, Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2007) chính thức đưa lĩnh vực xã hội vào mô hình phát triển đất nước, theo cấu trúc “tứ vị nhất thể”, bao gồm kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Tiếp đó, Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012) bổ sung lĩnh vực môi trường, tạo thành cấu trúc “ngũ vị nhất thể” trong mô hình phát triển đất nước. Phương thức quản lý xã hội tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện và nâng cấp khi tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2022) Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng “cộng đồng quản trị xã hội” theo phương châm mọi người dân đều có chung trách nhiệm, phải thực hiện hết trách nhiệm và cùng thụ hưởng thành quả phát triển xã hội(4).
Có thể thấy, trong suốt hơn 45 năm cải cách đất nước, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã không ngừng đổi mới tư duy phát triển xã hội hướng tới mô hình phát triển hài hòa, cân bằng, văn minh, cùng giàu có, theo tiêu chí “con người là trung tâm”. Để hiện thực hóa mô hình đó, Trung Quốc không ngừng điều chỉnh, chuyển đổi để hoàn thiện mô hình quản trị phù hợp, hiệu quả, thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu sống tốt đẹp ngày càng cao của người dân.
Một số điều chỉnh then chốt để hoàn thiện mô hình quản trị xã hội của Trung Quốc qua hơn 45 năm cải cách mở cửa
Hơn bốn thập niên qua, Trung Quốc đã nhiều lần điều chỉnh, cải cách phương thức quản lý nhằm tạo dựng mô hình quản trị xã hội hoàn thiện nhất, hiệu quả nhất. Đây chính là chìa khóa để Trung Quốc tháo gỡ triệt để các vấn đề gai góc của xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến trình “phục hưng dân tộc” Trung Hoa.
Một là, từng bước hoàn thiện mô hình quản lý xã hội đa chủ thể, nhiều thành phần.
Hội nghị Trung ương 6 khóa XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức tuyên bố thực hiện phương thức quản lý xã hội theo hướng đa chủ thể, “phân vai” rõ chức năng, đó là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước phụ trách, xã hội hiệp đồng, quần chúng tham gia(5). Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh phân định rõ ranh giới quyền lực để khắc phục tình trạng “chồng chéo” chức năng, nhiệm vụ giữa các chủ thể quản lý. Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh: “Đảng đóng vai trò chỉ đạo, quy tụ sức mạnh của đảng viên, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân, đồng thời tự quản lý một cách nghiêm minh theo Hiến pháp và pháp luật; Nhà nước điều hành mọi hoạt động xã hội theo phương châm không bỏ sót vị trí, không nhầm vị trí, không vượt vị trí bằng “quyền lực vạn năng”(6); xã hội hiệp lực theo hướng có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức xã hội với các cấp ủy, chính quyền; quần chúng tham gia theo cơ chế mở rộng tối đa phạm vi, huy động tối đa năng lực, phát huy tối đa vai trò tự quản. Bên cạnh các chủ thể quản lý căn cốt nêu trên, Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc bổ sung yếu tố “luật pháp bảo đảm” để định dạng mô hình quản lý xã hội với năm chủ thể: Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội, quần chúng và luật pháp(7). Cũng tại Đại hội XVIII, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh cần “kiên trì xây dựng đồng bộ Nhà nước pháp trị, chính quyền pháp trị, xã hội pháp trị”(8). Nội dung và vai trò của xã hội pháp trị được thể hiện rõ trong “Cương yếu xây dựng xã hội pháp trị (giai đoạn 2020 - 2025)” do Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố tháng 12-2020; đó là hoàn thiện cơ chế, thể chế quản lý xã hội theo mô hình “Đảng lãnh đạo, chính quyền phụ trách, dân chủ hiệp thương, xã hội hiệp đồng, quần chúng tham gia, luật pháp bảo đảm, khoa học kỹ thuật làm trụ cột” và thực hiện theo hướng “chế độ hóa, quy phạm hóa, trình tự hóa trong quản trị xã hội”(9). Theo Trung Quốc, đây là mô hình quản lý được chuyển đổi từ thống trị sang quản trị, từ tập quyền sang phân quyền, có khả năng huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, tiến bộ và bền vững. Có thể nói, mô hình quản trị xã hội đa chủ thể, nhiều thành phần đã từng bước được định dạng và hoàn thiện rõ nét, sâu sắc, khiến sự vận hành của bộ máy chỉ đạo, điều hành, thực thi các chính sách xã hội ở Trung Quốc ngày càng diễn ra suôn sẻ, đồng bộ, mang lại hiệu quả và tác dụng cao hơn.
Hai là, gia tăng vai trò của các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân trong bộ máy quản lý xã hội.
Trung Quốc ngày càng nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của các tổ chức xã hội cùng người dân khi tham gia bộ máy quản trị xã hội nói riêng và quản trị đất nước nói chung. Vì thế, Trung Quốc rất tích cực nâng cao và phát huy đầy đủ vai trò hiệp đồng, phối hợp của các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân trong quá trình hoạch định, kiểm tra và giám sát việc thực hiện chính sách của các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở. Đại hội XIX và Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đều đặc biệt nhấn mạnh tiêu chí cốt lõi trong phát triển đất nước là đáp ứng yêu cầu và lợi ích thiết thân của mọi tầng lớp nhân dân. Vì thế, trong suốt hơn 45 năm cải cách, Trung Quốc luôn tìm cách hoàn thiện phương thức, mô hình quản trị xã hội theo tiêu chí “lấy con người làm gốc, nhân dân làm trung tâm”. Nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc đã từng bước kiện toàn cơ chế tham gia hoạch định chính sách công, phản biện chính sách và giám sát thực hiện chính sách của các tổ chức xã hội và đông đảo người dân, đồng thời chỉ đạo các chủ thể xã hội thực hiện nghiêm minh, triệt để chức năng, trách nhiệm xã hội theo quy định pháp luật. Trung Quốc đã và đang nỗ lực thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân tham gia, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” để phát huy đầy đủ, hiệu quả nhất vai trò của toàn bộ lực lượng xã hội trong mô hình quản trị xã hội đa chủ thể, đa thành phần, hướng tới mục tiêu tháo gỡ triệt để những mâu thuẫn chủ yếu nhất trong quá trình xây dựng xã hội công bằng, văn minh, hiện đại. Hơn 10 năm trở lại đây, bằng nhiều phương thức, biện pháp thích hợp, Trung Quốc đã “nối dài” hơn “cánh tay” quản lý của Nhà nước đến các cấp cơ sở, thông qua “nhịp cầu” hiệp lực của các tổ chức xã hội. Nhờ vậy, nhiều quyền lợi và nhu cầu thiết thân của người dân được đáp ứng kịp thời, hiệu quả và đầy đủ hơn.
Ba là, đổi mới chức năng quản lý của nhà nước.
Mô hình “nhà nước vạn năng” trong nhiều thập niên ở Trung Quốc đã làm nảy sinh không ít vấn đề, khiến tiềm năng vốn có của nhiều nguồn lực xã hội không thể phát huy tối đa. Chính vì vậy, hơn 45 năm qua, Trung Quốc hết sức coi trọng công tác đổi mới chức năng quản lý của nhà nước theo phương châm chuyển vai trò nhà nước từ “quyết định toàn bộ” sang “phụ trách, chỉ đạo”. Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Chức năng, vai trò chủ yếu của Nhà nước là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường và tối ưu hóa dịch vụ công, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, đẩy mạnh giám sát thị trường, bảo vệ trật tự và tính linh hoạt của thị trường”(10). Mục tiêu quan trọng nhất là khắc phục tình trạng nhà nước thực hiện những việc vượt quá phạm vi quyền hạn, chức năng, trong khi nhiều việc lại chưa làm “đến nơi đến chốn”. Nhiều năm qua, Trung Quốc đặc biệt coi trọng nhiệm vụ “xây dựng chính phủ dịch vụ” - được xác định tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2006). Vai trò chủ thể trong dịch vụ công của nhà nước thể hiện trên hai bình diện: 1- Tạo hành lang pháp lý và cung ứng các dịch vụ cơ bản; 2- Đáp ứng nhu cầu sống thiết yếu của người dân. Trong đó, nhà nước mở rộng không gian và điều kiện cho các hoạt động dịch vụ công, đồng thời chịu trách nhiệm chính về các dịch vụ cơ bản trong đời sống người dân, như an sinh xã hội, y tế cộng đồng, giáo dục nghĩa vụ, việc làm. Điều này vừa giảm thiểu gánh nặng tài chính cho Nhà nước, vừa khích lệ nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia các hoạt động cung ứng dịch vụ cộng đồng, như chăm sóc người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật không nơi nương tựa; tư vấn việc làm; bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự giao thông,... Trong hơn 45 năm qua, Trung Quốc đã cơ bản khắc phục được tình trạng quyền hạn “vạn năng” của nhà nước, khiến hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy công quyền được cải thiện một bước đáng kể.
Bốn là, bảo đảm yếu tố luật pháp trong quản trị xã hội.
Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: “Quản lý bằng pháp luật là phương thức cơ bản trong quản trị xã hội hiện đại”(11). Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh “Phương châm 16 chữ”: “Lập pháp khoa học, chấp pháp nghiêm minh, tư pháp công tâm, luật pháp toàn dân” và “Ba theo”: “Trị quốc theo pháp luật, chấp pháp theo pháp luật, hành chính theo pháp luật”(12). Yếu tố “luật pháp” trong quản trị xã hội còn được Trung Quốc cụ thể hóa trên bốn phương diện: 1- Đảng cầm quyền theo luật pháp. Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh: “Đảng phải hành động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mọi tổ chức và cá nhân đều không có đặc quyền vượt trên Hiến pháp và luật pháp, quyết không để xảy ra tình trạng nói thay luật, áp chế luật, bẻ cong luật”(13). Trung Quốc đề ra “danh mục quyền lực” đối với mỗi cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm minh các trường hợp vượt quyền, lạm quyền trong quản lý. Đây cũng là cơ sở pháp lý để Trung Quốc triển khai chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, nghiêm ngặt, theo phương châm “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo”, không nương tay với bất kỳ sai phạm pháp luật nào, dù đó là ai(14); 2- Nhà nước điều hành bộ máy hành chính theo luật pháp. Đây là tiền đề quan trọng để chức năng quản lý xã hội của nhà nước không bị khiếm khuyết, không vượt vị trí, không sai vị trí, nhờ đó chức năng và trách nhiệm của Nhà nước được giám sát và ràng buộc chặt chẽ, mạch lạc hơn. Hội nghị Trung ương 4 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: quản lý theo pháp luật là yêu cầu tất yếu để hiện đại hóa hệ thống quản trị và nâng cao năng lực quản trị của nhà nước(15). Mọi hoạt động của bộ máy nhà nước đều phải vận hành nghiêm ngặt theo quy định của luật pháp, như vậy chức năng xã hội của nhà nước mới có thể được thực hiện triệt để và mang lại hiệu quả; 3- Tổ chức xã hội tự quản theo luật pháp. Theo đó, các tổ chức xã hội cần không ngừng hoàn thiện cơ chế vận hành và quản lý, tăng cường năng lực tự quản theo luật pháp, phát huy cao nhất chức năng tham gia dịch vụ và giám sát xã hội. Hiện nay, Trung Quốc rất chú trọng điều chỉnh, bổ sung hệ thống luật định về phương thức hoạt động của các tổ chức xã hội, kiên quyết đưa hoạt động này vào quy củ, như hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với vai trò, chức năng của tổ chức xã hội; hoàn thiện cơ chế quản lý của tổ chức xã hội theo quy định pháp luật; nâng cao tính tự giác chấp hành luật pháp của tổ chức xã hội; 4- Công dân tham gia quản lý xã hội bằng luật pháp. Để đổi mới phương thức quản lý xã hội một cách hiệu quả thì người dân phải tham gia kiểm tra, giám sát quá trình thực thi quyết sách đúng luật định, phòng ngừa tình trạng lạm quyền hoặc sử dụng sai quyền hạn của cán bộ, đảng viên. Như vậy mới có thể hạn chế tình trạng xâm phạm lợi ích của dân trong hệ thống công quyền nhà nước. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đặc biệt nhấn mạnh người dân buộc phải tuân thủ nghiêm minh luật pháp trong các hoạt động phản biện chính sách cũng như giám sát quy trình quản lý của các cơ quan nhà nước, tránh các biểu hiện trái luật định, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của đội ngũ cán bộ, đến hiệu quả vận hành của hệ thống quản trị xã hội.
Một số gợi mở từ mô hình quản trị xã hội của Trung Quốc
Quá trình hoàn thiện mô hình quản trị xã hội của Trung Quốc trong hơn 45 năm cải cách đã để lại những gợi mở đáng lưu tâm, tham chiếu.
Thứ nhất, cần sớm xác định mô hình phát triển xã hội phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước.
Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, trong 20 năm đầu cải cách, Trung Quốc đã không nhìn nhận đúng mức về các nhiệm vụ phát triển xã hội. Vì vậy, Trung Quốc đã phải đối mặt với khá nhiều vấn đề xã hội bất cập. Do vậy, Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức đưa lĩnh vực xã hội vào mô hình phát triển “tứ vị nhất thể”. Từ đó, Trung Quốc không ngừng bổ sung nhiều chính sách phát triển xã hội ưu việt hơn và điều chỉnh, đổi mới phương thức quản lý xã hội thích hợp hơn nhằm đáp ứng cao nhất mục tiêu cải cách và nhu cầu thiết thân của toàn dân. Bài học sâu sắc là, các vấn đề gai góc, như chênh lệch giàu nghèo, phân hóa giai tầng, bất bình đẳng, thiếu công bằng,... đều không thể chỉ giải quyết bằng “đòn bẩy” kinh tế. Bên cạnh đó, những tiêu chí trong mô hình phát triển và quản lý sự phát triển xã hội cần sớm được định dạng.
Thứ hai, phân định quyền hạn rõ ràng, giám sát quyền lực nghiêm minh.
Quyền lực chồng chéo hoặc không rõ ràng giữa các chủ thể quản lý, sự yếu kém trong công tác kiểm tra, giám sát quyền lực của cán bộ, đảng viên là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, như hiệu quả điều hành của bộ máy công quyền thấp; kết quả thực hiện chính sách phát triển xã hội không cao; tình trạng cửa quyền, tắc trách, tham nhũng dễ nảy sinh… Trong thời gian qua, Trung Quốc luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu phân định rõ chức năng, quyền hạn của Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội nhằm phát huy cao nhất hiệu suất vận hành của toàn bộ hệ thống quản trị xã hội. Trong đó, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, tăng cường chức năng dịch vụ công của Nhà nước, mở rộng phạm vi và năng lực hiệp đồng quản lý của các tổ chức xã hội là các khâu có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả vận hành bộ máy của mô hình quản trị xã hội ở Trung Quốc. Đồng thời, trong quá trình phân quyền quản lý, Trung Quốc không ngừng đổi mới, kiện toàn cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực nhằm điều chỉnh kịp thời tình trạng vượt quyền hoặc tắc trách của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, quy định “danh mục quyền hạn” cùng cơ chế hoạt động của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ Giám sát thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hệ thống quản trị xã hội của Trung Quốc ngày càng trở nên trong sạch, hiệu quả, đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển xã hội theo tiêu chí “lấy con người làm
trung tâm”.
Thứ ba, không ngừng đổi mới phương thức quản lý trên một số lĩnh vực trọng điểm.
Quá trình hoàn thiện mô hình quản trị xã hội ở Trung Quốc qua hơn 45 năm cải cách mở cửa cho thấy một số kinh nghiệm nổi bật trong ba lĩnh vực trọng tâm. Đó là: 1- Hoàn thiện cơ chế quản lý an sinh xã hội hiện đại, thể hiện trên một số phương diện chủ yếu, như khắc phục cơ chế “nhị nguyên” về chế độ an sinh giữa thành thị và nông thôn, từng bước xây dựng khung an sinh “nhất thể hóa” trên phạm vi toàn quốc; xây dựng hệ thống dưỡng lão nông thôn đa tầng với “ba trụ cột” chính (nhà nước, xã hội, gia đình) để ứng phó với xu thế già hóa dân số ngày càng nhanh; gia tăng Quỹ dự phòng an sinh xã hội; tăng cường năng lực y tế cộng đồng và giám sát nghiêm minh mọi khâu liên quan đến y dược; 2- Thực thi phương thức quản lý đô thị hiện đại, bao gồm quy hoạch đô thị một cách bài bản, ổn định; hoàn thiện hệ thống giám sát giao thông hiện đại và quy định luật giao thông nghiêm ngặt để phòng, chống hiệu quả hành vi trái luật định; đầu tư xây dựng các công trình tiện ích, công viên cây xanh để nâng cao sức khỏe và chất lượng sống của người dân; thực thi các chính sách dân sinh ưu việt, đồng thời áp dụng các biện pháp hướng dẫn, quản lý đối với lực lượng lao động nông thôn ra thành thị; 3- Xây dựng mô hình khu dân cư tự quản. Đây là lĩnh vực được Trung Quốc hết sức chú trọng, khi cơ chế quản lý con người chuyển từ đơn vị làm việc thời bao cấp sang tổ chức cư dân thời cải cách. Ban quản lý cư dân ở thành thị và Ủy ban thôn dân ở nông thôn được xem như “cánh tay nối dài” của chính quyền trong hoạt động quản lý trật tự. Đồng thời, thông qua các mối “liên kết mềm” về lợi ích, người dân phát huy được tính tự giác, tự quản, kịp thời ngăn chặn những hành vi, vụ, việc vi phạm pháp luật có thể nảy sinh.
Sau hơn 45 năm cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã từng bước điều chỉnh, đổi mới để tạo dựng mô hình quản trị xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển theo tiêu chí công bằng, văn minh, hiện đại. Quá trình này gợi mở một số điều đáng suy ngẫm, đó là kiên trì đến cùng vai trò lãnh đạo hạt nhân của Đảng Cộng sản; tăng cường chức năng điều hành của Nhà nước; phát huy cao độ nguồn lực dồi dào từ các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân. Điều đáng lưu tâm nhất trong cách tiếp cận của Trung Quốc là yêu cầu về sự tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật của hệ thống quản trị xã hội, “nhốt quyền lực trong lồng chế độ” để “vận hành quyền lực trong ánh sáng”. Đó chính là cơ sở vững chắc để tạo dựng một xã hội công bằng, công khai, minh bạch, trong đó mọi người dân đều có thể tận dụng cơ hội để làm việc một cách trách nhiệm và hưởng thụ quyền lợi xứng đáng với sự cống hiến của mình. Quản trị xã hội bằng luật pháp là nhân tố thiết thực tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường đoàn kết toàn dân, bảo đảm an ninh xã hội. Đó là điều mà nhiều nước trên thế giới cũng đang hướng tới./.
-------------------------
(1) 邓小平文选第二卷(1994),第328页, 人民出版社 (Tạm dịch: Đặng Tiểu Bình văn tuyển, Nxb. Nhân dân, Bắc Kinh, 1994, t. 2, tr. 328)
(2) Xem: Những vấn đề lý luận của Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr. 149 - 164
(3) 江泽民论有中国特色社会主义(专题摘编),中央文献出版社,第313页 (Tạm dịch: Giang Trạch Dân bàn về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc (đoạn trích chuyên đề), Nxb. Văn hiến Trung ương, 2002, tr. 313)
(4) 习近平: 中国共产党第二十次全国代表大会的报告 (Tạm dịch: Tập Cận Bình: Báo cáo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc), ngày 25-10-2022, http://www.news.cn/politics/cpc20/2022-10/25/c_1129079429.htm
(5) 中国共产党十六届中央委员会第六次全体会议公报 (Tạm dịch: Công báo về Hội nghị Trung ương 6 khóa XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc), ngày 11-10-2006, http://www.gov.cn/jrzg/2006-10/11/content_410302.htm
(6) 十八大报告辅导读本 (2012年),人民出版社,第270页 (Tạm dịch: Hướng dẫn học tập Báo cáo Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb. Nhân dân, 2012, tr. 270)
(7) 中国共产党第十八次全国代表大会文件汇编 (2012年),人民出版社,第32页 (Tạm dịch: Tập hợp văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb. Nhân dân, 2012, tr. 32)
(8) Tập Cận Bình về quản lý đất nước Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 200
(9) 中共中央印发《法治社会建设实施纲要(2020 - 2025年)(Tạm dịch: Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố “Cương yếu xây dựng xã hội pháp trị (giai đoạn 2020 - 2025), ngày 7-12-2020, https://www.gov.cn/zhengce/2020-12/07/content_5567791.htm
(10) 习近平谈治国理政, 外文出版社,第77页 (Tạm dịch: Tập Cận Bình bàn về quản trị đất nước, Nxb. Ngoại văn, 2014, tr. 77)
(11) 十八大报告辅导读本 (2012年),人民出版社,第271页 (Tạm dịch: Tài liệu hướng dẫn học tập Báo cáo Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb. Nhân dân, 2012, tr. 271)
(12)人民日报社评论部 (2015年):“四个全面”学习读本,人民出版社,第181-182页 (Tạm dịch: Ban Bình luận Nhân dân nhật báo: Hướng dẫn học tập “Bốn toàn diện”, Nxb. Nhân dân, 2015, tr. 181 - 182)
(13) 胡续鲲主编 (2013年):转型期社会管理研究,中国社会科学出版社,第465页 (Tạm dịch: Hồ Tục Côn chủ biên: Nghiên cứu về chuyển đổi mô hình quản lý xã hội, Nxb. Khoa học xã hội Trung Quốc, 2013, tr. 465)
(14) Xem: 四个全面”学习读本 (2015年),人民出版社 (Tạm dịch: Tài liệu học tập “Bốn toàn diện”, Nxb. Nhân dân, 2015) (15) Phùng Thị Huệ, Nguyễn Xuân Cường: “Đổi mới chức năng dịch vụ công của nhà nước ở Trung Quốc thời gian gần đây”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 12-2016, tr. 6
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm với đoàn doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc về kinh tế xanh, kinh tế số  (15/05/2024)
Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024: “Cùng phát triển hướng đến tương lai”  (16/04/2024)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc  (12/01/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam