Xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển bền vững, định hình tương lai đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050
TCCS - Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh không ngừng vươn lên, trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh mẽ ở phía bắc với nhiều dấu ấn nổi bật, là một trong những cực tăng trưởng, trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Khát vọng xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển bền vững từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đòi hỏi sự đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh Quảng Ninh nằm án ngữ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, về phương diện tự nhiên và địa lý, có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi và biên giới; cảnh trí tươi đẹp, kỳ vĩ, hiền hòa, vô cùng sống động. Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương nổi tiếng của Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh, với vị trí địa lý chiến lược, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và nền văn hóa đa dạng. Trong đó, có những yếu tố “thiên tạo” như: Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vùng mỏ (than), địa chất, địa mạo; có những yếu tố “nhân tạo”, như: Di sản Yên Tử gắn với Thiền phái Trúc Lâm, mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa, thương cảng Vân Đồn… Ngoài ra, còn có cả những yếu tố thuộc về cốt cách, con người Quảng Ninh, với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”.
Nền kinh tế của Quảng Ninh đa dạng với sự đóng góp lớn từ các ngành như: du lịch, công nghiệp, thương nghiệp, và ngư nghiệp. Trong đó, ngành du lịch, đặc biệt là du lịch biển với vịnh Hạ Long là điểm nhấn đặc sắc, là một trong những động lực quan trọng đóng góp lớn vào nguồn ngân sách của tỉnh, góp phần làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế. Những tiềm năng và thế mạnh này đã tạo ra nhiều cơ hội lớn cho Quảng Ninh phát triển không chỉ trong hiện tại mà còn trong tương lai. Sự đa dạng và bền vững trong chiến lược phát triển có thể giúp tỉnh Quảng Ninh duy trì sự ổn định và phát triển toàn diện, bền vững trên mọi lĩnh vực đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.
Một số định hướng phát triển đến năm 2030
Mục tiêu phát triển đến năm 2030 là xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; là cực tăng trưởng của khu vực phía bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 10%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt từ 19.000 đến 20.000 USD. Để hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh, trong những năm tiếp theo đến năm 2030, có một số định hướng quan trọng sau:
Một là, phát triển lĩnh vực du lịch bền vững
Quảng Ninh cần đặt sự bảo tồn môi trường lên hàng đầu, bảo đảm sự phát triển du lịch không ảnh hưởng xấu đến thiên nhiên và văn hóa của địa phương. Quan tâm và đề cao vai trò của môi trường tự nhiên, bảo đảm an ninh sinh thái; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa đời sống con người với môi trường tự nhiên; gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, bảo tồn vùng sinh quyển và phát triển các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng, đẳng cấp, khác biệt và độc đáo, có sức cuốn hút mạnh mẽ dựa trên giá trị di sản thiên nhiên thế giới và các tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh. Khuyến khích sự đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ trong ngành du lịch, từ du lịch biển đến du lịch sinh thái và văn hóa, nhằm thu hút một lượng lớn khách du lịch và tối ưu hóa các nguồn lực. Liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và với các trung tâm du lịch lớn. Tăng cường quảng bá và tiếp cận thị trường quốc tế để thu hút đa dạng hơn nguồn du khách. Quảng Ninh phấn đấu sẽ trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế, địa bàn trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, trung tâm nghỉ dưỡng giải trí cao cấp.
Hai là, đổi mới phát triển mạnh mẽ kinh tế biển
Quảng Ninh đặt nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế biển bền vững và tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực công nghiệp sang khu vực dịch vụ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Mục tiêu hướng đến là phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh; xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước. Đặt ra yêu cầu tỉnh Quảng Ninh thực hiện phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, đa ngành, đa lĩnh vực, năng suất, chất lượng và hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, như: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; xây dựng phát triển khu kinh tế ven biển; nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững; công nghiệp ven biển theo hướng thân thiện môi trường; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Hướng tới sự đa dạng hóa nền kinh tế với việc phát triển công nghiệp biển, bao gồm cả năng lượng tái tạo từ biển, công nghiệp cá biển và phát triển sản phẩm công nghiệp sáng tạo thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chú trọng nghề nuôi biển bền vững, xây dựng Quảng Ninh thành trung tâm nuôi trồng thủy sản của miền Bắc.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao
Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững và mọi sự phát triển đều vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Con người là nhân tố quyết định, nên phải tập trung nguồn lực và trí tuệ cho đào tạo con người biết xây dựng thể chế và tư duy đổi mới với nhiệt huyết, sáng tạo không ngừng và không bị mai một. Do đó, cần tập trung nâng cao chất lượng giáo viên, xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất giáo dục, đồng thời tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp mới. Xác định phát triển giáo dục đào tạo là phương diện quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, bảo đảm hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”. Đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài. Nghiên cứu ban hành nhiều cơ chế, chính sách, dành nguồn lực, kinh phí cho sự nghiệp giáo dục, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong toàn tỉnh.Tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi của tỉnh Quảng Ninh: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.
Bốn là, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng cộng đồng thông minh
Thực hiện huyển đổi số toàn diện, ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, với trọng tâm là phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện áp dụng công nghệ thông tin để quản lý và cải thiện chất lượng dịch vụ công cộng. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tạo bước tiến vượt bậc về các chỉ số PCI, PAR Index của tỉnh, nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến Quảng Ninh. Thúc đẩy sự tương tác giữa cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương thông qua các ứng dụng và nền tảng trực tuyến. Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, công khai; đạt các chuẩn mực quốc tế, minh bạch, coi trọng trách nhiệm giải trình, thường xuyên đối thoại với nhân dân... Tập trung vào các trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động, giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thực hiện ứng dụng đô thị thông minh đem lại hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, quản lý đô thị. Phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bản sắc và bền vững với quy mô lớn; những thôn, xã thông minh đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, kéo gần hơn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, xây dựng nông thôn Quảng Ninh ngày càng văn minh, hiện đại. Góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh, thu hút dân cư từ nơi khác đến; phát triển kinh tế đô thị hiệu quả, nhất là đô thị du lịch chất lượng cao; thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa, con người và thiên nhiên đậm bản sắc Quảng Ninh. Các nguồn lực xây dựng đô thị thông minh còn hạn chế thì việc huy động sự tham gia của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Tăng cường kêu gọi đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ đô thị thông minh, phát triển đô thị thông minh, như: Khu đô thị mới có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ứng dụng công nghệ đô thị thông minh; phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh và các dự án hạ tầng đồng bộ...
Định hướng phát triển tỉnh Quảng Ninh với tầm nhìn đến năm 2050
Từ quá trình hiện thực hóa các mục tiêu đến năm 2030, là điều kiện quan trọng để xác định tầm nhìn phát triển đến năm 2050: Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Một số định hướng phát triển quan trọng như sau:
Một là, chuyển đổi sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững
Quản lý, bảo vệ môi trường là chìa khóa để duy trì sự hấp dẫn, phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Cần thiết lập các chính sách và biện pháp để giảm ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh quyển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng từ nguồn hóa thạch. Đặt mục tiêu chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững ngành than, điện theo quy hoạch gắn với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và quá trình chuyển đổi năng lượng. Đề xuất và thực hiện các chính sách và biện pháp để bảo vệ môi trường và duy trì cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên tự nhiên. Tăng cường nỗ lực bảo vệ môi trường, đặc biệt là vịnh Hạ Long, là giải pháp quan trọng để duy trì và phát triển ngành du lịch. Các dự án và chính sách bền vững có thể giúp giữ gìn nguồn tài nguyên và môi trường.
Hai là, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo công nghệ
Khoa học - công nghệ là đầu vào của đổi mới sáng tạo, sau đó các hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ chuyển tri thức thành giá trị. Hướng tới việc trở thành trung tâm đổi mới và phát triển công nghiệp 4.0, với sự đa dạng hóa các ngành công nghiệp và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đầu tư vào các ngành công nghiệp hiện đại và công nghệ có thể giúp tạo ra nguồn lực lao động chất lượng cao và thúc đẩy sự đổi mới. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm. Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến để tạo ra những lợi ích lâu dài cho cộng đồng và doanh nghiệp. Nhu cầu ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng cấp bách vì vậy doanh nghiệp nên xác định xu hướng thị trường, sản phẩm, dịch vụ mới với mục tiêu nâng cao năng suất... để ứng dụng phù hợp. Tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp và ngành công nghiệp sáng tạo.
Ba là, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông hiện đại
Tăng cường đầu tư vào các dự án giao thông, bao gồm cả cảng biển, để nâng cao khả năng kết nối và thuận tiện cho giao thương. Mở rộng và nâng cấp hạ tầng giao thông, kết nối Quảng Ninh với các khu vực khác và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Sân bay, đường cao tốc sẽ là động lực để Vân Đồn phát triển mạnh mẽ trở thành Khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp... Hình thành không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới theo hướng bền vững hơn, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội... mở ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế thương mại, du lịch dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp, kinh tế biển với định hình về không gian phát triển “một tâm, 2 tuyến, đa chiều, 2 mũi đột phá, 3 vùng động lực”. Phát triển các dự án giao thông thông minh để giảm thiểu ùn tắc và làm giảm lượng khí thải gây ô nhiễm.
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những vấn đề trên, tỉnh Quảng Ninh đang hướng tới một tương lai phát triển bền vững và phồn thịnh. Điều đó không chỉ giúp củng cố, thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà còn tạo ra một môi trường sống tốt đẹp, thịnh vượng cho cả cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Sự đồng lòng, dọc ngang thông suốt của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư chính là động lực quan trọng để biến định hướng và tầm nhìn này thành hiện thực. Đó là Quảng Ninh sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ trên bản đồ du lịch thế giới mà còn là sự thu hút đặc biệt ở sự phát triển toàn diện và bền vững. Quảng Ninh sẽ sớm đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, năng động, một trung tâm du lịch quốc tế nổi tiếng của Việt Nam và thế giới./.
Tỉnh ủy Quảng Ninh đẩy mạnh công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng - Những kết quả qua nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025  (19/12/2023)
Khu vực duyên hải miền Trung thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và thích ứng với biến đổi khí hậu  (18/12/2023)
Khai thác lợi thế “vốn văn hóa biển, đảo” cho phát triển nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ninh  (18/12/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển