Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Liên minh châu Âu và một số thách thức
TCCS - Quan hệ đối tác chiến lược giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) là minh chứng khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ “đối tác trong liên kết” giữa hai tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới trong tăng cường hợp tác đa phương, thúc đẩy thương mại tự do trên cơ sở chia sẻ các giá trị và lợi ích chung.
Quan hệ hợp tác ASEAN - EU
Năm 1977, ASEAN và Cộng đồng châu Âu (EC) thiết lập quan hệ đối tác đối thoại. Năm 1980, tại cuộc họp cấp Bộ trưởng lần thứ hai, ASEAN và EU đặt ra mục tiêu về thương mại, kinh tế và phát triển nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai khu vực. Trong những năm 90 của thế kỷ XX, quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN - EU gặp bế tắc do ảnh hưởng của các vấn đề Đông Timor và Myanmar. Năm 1994, quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN - EU được khởi động trở lại. Tháng 12-2020, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 23, hai bên nhất trí chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU. Sau 45 năm, quan hệ ASEAN - EU được thúc đẩy mở rộng bao trùm trên tất cả các lĩnh vực, như chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa, xã hội và hợp tác phát triển. Hiện hai bên đang phối hợp triển khai Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU giai đoạn 2023 - 2027.
Quan hệ đối tác ASEAN - EU là một trong những quan hệ đối tác phát triển mạnh mẽ nhất trên tất cả các lĩnh vực:
Về chính trị, với vị trí nằm giữa “trái tim” Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ASEAN là trung tâm trong Chiến lược hợp tác của EU tại khu vực. Thành công của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giúp tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN và đưa ASEAN trở thành đối tác quan trọng hơn đối với EU, tạo tiền đề nâng cao khả năng thương lượng của ASEAN với tư cách là một phần của khối thương mại đa phương trong khu vực. EU tham gia các cơ chế mà ASEAN thiết lập như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), và các cơ chế liên quan khác, như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU (AEMM), Cuộc họp Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN - EU… Những cơ chế này cũng là những viên gạch góp phần vào quá trình xây dựng nên cấu trúc mới ở khu vực(1).
Trong các cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU thường niên, khi trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các nước ASEAN và EU đều nhất trí cần bảo đảm một môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, tạo thuận lợi cho các nước tập trung phát triển nền kinh tế. Bên cạnh đó, tại các phiên bàn thảo về tình hình Biển Đông, EU luôn thể hiện rõ lập trường của mình, điều này giúp tăng cường vai trò an ninh của EU trong khu vực thay vì chỉ là đối tác thương mại, đồng thời thúc đẩy quản trị khu vực một cách phù hợp.
Về kinh tế - thương mại, EU là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của ASEAN trong giai đoạn 1977 - 2022. Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU (sau Mỹ và Trung Quốc), còn EU là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của ASEAN. Giai đoạn 2021 - 2022 chứng kiến bước phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong trao đổi thương mại hai chiều giữa EU và ASEAN. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 269 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm 2020. Năm 2022, con số này là 295,2 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2021; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU vào ASEAN đạt 24 tỷ USD(2). Việc tăng cường phối hợp giữa ASEAN và EU góp phần ổn định kết nối chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi trao đổi thương mại, đầu tư và tạo tiền đề để nghiên cứu khả năng xây dựng hiệp định thương mại song phương giữa ASEAN và EU trên cơ sở các FTA song phương đã có giữa EU với một số nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam. EU luôn coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và chú trọng phối hợp với ASEAN nhằm tận dụng hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU.
Tháng 8-2021, tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU - một hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) - ASEAN và EU nhất trí xem xét khả năng xây dựng hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên trong tương lai và sớm ký kết Thỏa thuận về Vận tải đường không ASEAN - EU toàn diện (CATA) để tăng cường sự hợp tác và phát triển giữa hai bên.
Việc RCEP có hiệu lực cũng đã tạo ra thị trường hội nhập lớn hơn cho ASEAN, giúp loại bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, mang lại nhiều cơ hội thương mại và đầu tư hơn cho các doanh nghiệp của EU đang kinh doanh hoặc đầu tư vào các nước ASEAN. ASEAN và EU đều có cách tiếp cận tương ứng đối với những động lực chính để tăng trưởng bền vững, bao gồm giải quyết vấn đề việc làm, gia tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy thương mại. Tháng 8-2023, tại Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) - EU lần thứ 19 ở Thành phố Semarang (Indonesia), hai bên đều ghi nhận tiến độ triển khai Chương trình công tác thương mại và đầu tư ASEAN - EU (TIWP) giai đoạn 2022 - 2023; khuyến khích tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ TIWP và thông qua Chương trình TIWP ASEAN - EU giai đoạn 2024 - 2025 để định hướng cho quan hệ hợp tác kinh tế song phương thời gian tới.
Về quốc phòng - an ninh, EU là đối tác tích cực của ASEAN trong bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực, đặc biệt là trong vấn đề xử lý các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. EU và ASEAN tiếp tục thúc đẩy kết nối trong và giữa hai khối, phù hợp với các cam kết chung. Trong đó, EU chú trọng thúc đẩy hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh biển, thông qua các Cuộc họp tham vấn quan chức cao cấp ASEAN - EU về Phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC - EU) và Đối thoại cao cấp ASEAN - EU về hợp tác an ninh biển (HLD - MS). EU hiện đồng chủ trì các Nhóm giữa kỳ (ISM) về an ninh biển, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Về văn hóa - giáo dục, giáo dục luôn là trọng tâm trong quan hệ đối tác EU - ASEAN. Vì vậy, EU chú trọng hỗ trợ ASEAN trong nâng cao chất lượng giáo dục thông qua các chương trình học bổng và hỗ trợ giáo dục sau đại học trong khuôn khổ Chương trình EU hỗ trợ giáo dục đại học tại khu vực ASEAN (SHARE) - là chương trình giáo dục đại học hàng đầu của EU. Bên cạnh đó, EU còn hỗ trợ ASEAN thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới.
Về hợp tác phát triển, EU là nhà tài trợ lớn nhất của ASEAN trong lĩnh vực giảm nghèo và hội nhập khu vực. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, EU đã tài trợ cho ASEAN 33 triệu liều vaccine(3) bởi EU là nhà xuất khẩu vaccine lớn nhất trên thế giới và đóng góp hơn 3 tỷ euro qua Cơ chế COVAX để bảo đảm cung ứng vaccine cho các nước có thu nhập trung bình và thấp. Năm 2020, EU công bố ba dự án hợp tác phát triển mới với ASEAN, tổng giá trị lên tới 13 triệu euro (khoảng 15 triệu USD), thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác bất chấp những hệ lụy của đại dịch COVID-19 và bất ổn kinh tế toàn cầu. Cụ thể là: 1- Dự án các thành phố xanh và thông minh của ASEAN, trị giá 5 triệu euro; 2- Dự án quản trị rừng, cấp phép và thương mại lâm sản bền vững trong toàn khu vực (FLEGT), trị giá 5 triệu euro; 3- Dự án tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI), trị giá 3 triệu euro.
EU khẳng định sẽ không ngừng tăng cường và mở rộng hơn nữa hợp tác với ASEAN trên mọi lĩnh vực, như chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, kết nối hạ tầng cứng và mềm, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, thương mại bền vững… và khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các thể chế tài chính quan trọng, như Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB). Với nhu cầu phục hồi kinh tế - xã hội mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, hợp tác giữa ASEAN và EU góp phần thúc đẩy các chiến lược của EU hiệu quả và bền vững hơn, bao trùm và linh hoạt hơn.
Kế hoạch hành động ASEAN - EU giai đoạn 2018 - 2022 đã đạt được những thành tựu quan trọng và hiện hai bên đang sớm hoàn tất Kế hoạch hành động giai đoạn 2023 - 2027. Với vai trò quan trọng hàng đầu trong các nỗ lực toàn cầu về ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại đa phương, hỗ trợ thúc đẩy phục hồi và ứng phó với biến đổi khí hậu, tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussels, Bỉ (tháng 12-2022), EU công bố sẽ triển khai Chương trình Sáng kiến xanh trị giá 30 triệu euro hỗ trợ các dự án hợp tác cụ thể với ASEAN(4). Bên cạnh đó, EU đã triển khai chương trình Nhóm châu Âu (Team Europe) trị giá 800 triệu euro để hỗ trợ ASEAN ứng phó với những tác động về kinh tế và sức khỏe do đại dịch COVID-19 gây ra(5); tiếp tục ủng hộ các sáng kiến phòng, chống đại dịch COVID-19 của ASEAN, cũng như phối hợp bảo đảm sự tiếp cận, cung ứng, nghiên cứu và phát triển vaccine an toàn, đồng đều và hiệu quả tại khu vực.
Ý nghĩa và lợi ích của mối quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU
Việc ASEAN và EU nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược đã khẳng định sự đồng thuận của hai bên trong thúc đẩy hợp tác trên cơ sở chia sẻ các giá trị, nguyên tắc và lợi ích chung, đề cao hợp tác đa phương, thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ nhằm đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Cả ASEAN và EU đều có chung mục đích hướng tới chủ nghĩa đa phương hiệu quả, không chỉ trong thương mại và kinh doanh, mà còn trong tất cả các lĩnh vực, từ biến đổi khí hậu đến an ninh hàng hải.
Hiện EU đã ký kết FTA song phương với hai nước thành viên của ASEAN là Singapore (năm 2019), Việt Nam (năm 2020) và đang đàm phán FTA với Indonesia và Thái Lan, mong muốn khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại tự do với Malaysia và Philippines. Tỷ trọng kim ngạch thương mại giữa EU với 6 nước ASEAN này chiếm tới 95% tổng kim ngạch thương mại với ASEAN. ASEAN hy vọng đẩy nhanh các cuộc đàm phán FTA ASEAN - EU (khởi động từ năm 2007) để mở rộng hơn nữa thị trường của ASEAN tại EU và thúc đẩy quá trình hội nhập của ASEAN với mục tiêu FTA giữa EU và ASEAN sẽ là FTA liên khu vực đầu tiên trên thế giới.
Một số nội dung chính mà quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU hướng tới:
Một là, nhu cầu phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 thông qua các hỗ trợ của Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) và Cơ chế kháng cự và phục hồi EU.
Hai là, tầm quan trọng chiến lược của quan hệ đối tác kinh tế và ghi nhận những nỗ lực nhằm tăng cường, củng cố hơn nữa dòng chảy thương mại và đầu tư hai chiều giữa ASEAN và EU, hỗ trợ quá trình phục hồi toàn diện của hai khu vực, nhất là đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Ba là, thực hiện các cam kết đối với Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc cũng như Thỏa thuận Paris trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và các cơ chế đối thoại ASEAN - EU có liên quan.
Bốn là, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, tái khẳng định Tuyên bố ASEAN - EU về Hợp tác an ninh mạng được thông qua năm 2019.
Năm là, thúc đẩy sự tham gia của ASEAN và EU trong hàng loạt vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bao gồm an ninh hàng hải, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia (CTTC) trong khuôn khổ ARF.
Việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU được xem là “bước đi lịch sử”, bởi: Thứ nhất, trong bối cảnh địa - chính trị thế giới với xu hướng bất ổn ngày càng gia tăng và chủ nghĩa đa phương đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay, quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU sẽ hình thành một liên kết bền chặt hơn. Các kết quả mà hai bên đạt được sẽ bảo vệ những giá trị chung, thể hiện sự phản đối trật tự thế giới mà “sức mạnh làm nên luật lệ”; thứ hai, tạo cơ hội để cả ASEAN và EU tham gia nhiều hơn vào việc giám sát, định hình và đẩy mạnh hợp tác về thương mại, quốc phòng - an ninh và phát triển bền vững của khu vực. Cấp độ quan hệ đối tác chiến lược tạo nền tảng vững chắc để ASEAN và EU xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn.
Nâng cấp mối quan hệ cũng cho thấy hai bên đều coi trọng và đánh giá cao vai trò của nhau trên trường quốc tế. Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU có thể được coi là sự hợp nhất của một loạt thỏa thuận hợp tác và các mục tiêu chung hiện nay, bao gồm hợp tác kinh tế và sự hỗ trợ liên tục của EU đối với hội nhập ASEAN và hợp tác trong các vấn đề, như ứng phó với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, hợp tác hàng hải và an ninh mạng.
Đối với ASEAN, việc nâng cấp quan hệ với EU là một nhu cầu và là một bước đi có ý nghĩa đối với ASEAN để mở rộng không gian chiến lược của Hiệp hội, ứng phó với những cạnh tranh và bất ổn ngày càng gia tăng trong khu vực. Rõ ràng, với thực lực hiện có của ASEAN, việc triển khai các chính sách ngoại giao mềm dẻo, gia tăng “sức mạnh mềm”, tăng cường đoàn kết khu vực và tìm kiếm hợp tác với bên thứ ba là những lựa chọn ưu tiên trong triển khai chính sách đối ngoại của Hiệp hội.
Sự tham gia ngày càng sâu rộng của các nước EU vào khu vực Đông Nam Á, mang lại những lợi ích kinh tế đối với các nước trong khu vực, cùng những cam kết bảo vệ vị trí trung tâm và ủng hộ tiến trình hội nhập của ASEAN. Do vậy, ASEAN ngày càng coi EU là một trong những đối tác hợp tác đáng tin cậy, thúc đẩy các mục tiêu của ASEAN dựa trên cơ sở tăng cường lòng tin, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Hiện nay, sự gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, các cuộc xung đột khu vực đã gây ra những hậu quả lâu dài đến nền kinh tế ASEAN. Trong bối cảnh đó, việc EU tiếp tục thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ ASEAN trong thu hẹp khoảng cách phát triển, gắn kết các tiểu vùng với tiến trình phát triển chung của ASEAN, hướng tới phát triển đồng đều và bền vững, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Đối với EU, việc nâng cấp quan hệ với ASEAN là một nội dung quan trọng trong chiến lược châu Á của EU, đồng thời là một thành quả ngoại giao trong bối cảnh quan hệ với Mỹ và Trung Quốc gặp nhiều thách thức. EU coi ASEAN là đối tác quan trọng của EU ở khu vực để sẵn sàng chia sẻ nhiều lợi ích, tiềm năng và thế mạnh hợp tác.
Nâng tầm quan hệ với ASEAN, EU một lần nữa khẳng định ủng hộ ASEAN giữ vai trò trung tâm trong việc định hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp, với nền tảng là các cơ chế và tiến trình do ASEAN dẫn dắt. Việc EU gia tăng tính tự chủ, gia tăng khả năng hành động ở châu Á là nhu cầu cần thiết để bảo vệ các lợi ích của EU ở khu vực. Trở thành đối tác chiến lược của ASEAN, EU có nhiều cơ hội quan trọng để tăng cường ảnh hưởng trong các lĩnh vực, như an ninh, chính trị, kinh tế - thương mại, giao lưu nhân dân.
Một số vấn đề đặt ra hiện nay
Việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU có tầm quan trọng trong bối cảnh thế giới, khu vực đang đối mặt với nhiều biến động phức tạp. Những nguy cơ về đứt gẫy chuỗi cung ứng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng nổi lên, đòi hỏi các nước trong khu vực tăng cường hợp tác hơn nữa. EU mong muốn đa dạng hóa các mối quan hệ trong khu vực, trong đó ASEAN đóng vai trò nổi bật trong việc định hướng của châu Âu ở khu vực châu Á. Còn ASEAN mong muốn EU tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược cũng như vai trò, vị thế và tiềm năng của mỗi bên. Để tiếp tục đưa mối quan hệ hợp tác ASEAN - EU lên tầm cao mới, cả ASEAN và EU đều cần chú trọng các thỏa thuận đạt được, hướng tới xây dựng những khuôn khổ hợp tác mới; đồng thời, tập trung mở rộng, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực EU có thế mạnh và ASEAN có nhu cầu, trên cơ sở cùng có lợi, cân bằng, cần tính đến khác biệt về trình độ phát triển, văn hóa.
Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU đang đối mặt với một số thách thức, như cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, xu hướng chống toàn cầu hóa, sự gián đoạn công nghệ, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống... Tuy nhiên, mối quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác song phương tiếp tục phát triển. Để đạt được yếu tố “chiến lược” của quan hệ đối tác, hai bên cần chú trọng một số vấn đề:
Thứ nhất, tính “thống nhất” của mỗi khối trong quá trình triển khai quan hệ đối tác chiến lược với các đối tác khác. Cả ASEAN và EU đều cần nhất quán giữa quan hệ của ASEAN với EU, quan hệ của ASEAN với từng nước thành viên EU riêng lẻ và ngược lại. Trên thực tế, một số quốc gia thành viên của mỗi khối đã có các chiến lược đối ngoại với những ưu tiên cụ thể về an ninh và thương mại, cũng như cách tiếp cận ngoại giao riêng.
Thứ hai, sự dung hòa can dự song phương và hợp tác đa phương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện sự cứng rắn và Mỹ đang tái khởi động đẩy mạnh quan hệ với các nước đồng minh, xoay trục sang châu Á. Rõ ràng, sự đan xen lợi ích, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, những tính toán chiến lược và cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nước lớn, sự lôi kéo và tập hợp lực lượng tại khu vực và trên bình diện quốc tế đặt ra những thách thức ngày càng lớn cho cả hai bên.
Thứ ba, những khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung về chuẩn mực và quan niệm giá trị, các vấn đề dân chủ, nhân quyền, khác biệt về văn hóa, khác biệt trong lập trường về các vấn đề khu vực và liên khu vực, cũng như các lợi ích khác nhau giữa các quốc gia thành viên của mỗi khối. Việc tạo ra không gian triển khai quan hệ đối tác chiến lược sẽ là một thách thức hiện hữu.
Mặc dù còn nhiều thách thức phía trước để hiện thực hóa nội hàm quan hệ “Đối tác chiến lược”, song rõ ràng việc ASEAN và EU thống nhất đi tới thiết lập khuôn khổ mới cho mối quan hệ cho thấy, hai bên đều quyết tâm xây dựng một liên kết bền chặt hơn nhằm bảo vệ các giá trị chung. Quan hệ đối tác chiến lược sẽ thúc đẩy sự phù hợp trong quản trị khu vực, cách tiếp cận đúng đắn đối với một số vấn đề hành động chung, đồng thời tránh những thách thức lớn. Việc thống nhất trong các vấn đề an ninh phi truyền thống (như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo, an ninh nguồn nước, an toàn thực phẩm, quản lý thiên tai…) là một trong những lĩnh vực hợp tác mang lại hiệu quả nhất đối với quan hệ giữa hai bên.
Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng đối mặt với nguy cơ lôi kéo của các lực lượng bên ngoài khu vực, thách thức vị trí trung tâm của ASEAN. Do vậy, EU có thể đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ vai trò trung tâm của ASEAN và cùng với các cường quốc trung gian khác định hình chương trình nghị sự khu vực và toàn cầu. Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU củng cố chiến lược rộng lớn hơn của ASEAN với các đối tác bên ngoài. Về mặt thương mại, ASEAN đã và đang tích cực xây dựng một Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) toàn diện sau khi đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc bãi bỏ thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại. EU đang nỗ lực thiết lập các tiêu chuẩn, tạo thuận lợi thương mại và các lĩnh vực khác để giúp loại bỏ các rào cản phi thuế quan. Giữa hai khu vực hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng kinh tế chưa được khai thác và EU muốn hướng tới mục tiêu chung là đạt được thương mại tự do hoàn toàn trong khu vực.
Việc nâng cấp quan hệ từ Đối tác đối thoại thành Đối tác chiến lược ASEAN - EU được xem là một bước tiến quan trọng, thể hiện mối quan hệ giữa hai bên đang phát triển năng động và toàn diện trên mọi mặt. Hai bên đều coi trọng và đánh giá cao vai trò của nhau trên trường quốc tế. ASEAN đang trở thành đối tác quan trọng của các cường quốc kinh tế trên thế giới, phản ánh vị thế ngày càng gia tăng của ASEAN. Cả ASEAN và EU cần phải phối hợp hành động để đưa ra một tầm nhìn thay thế, đáp ứng sự đa dạng và khác biệt của mỗi bên. Thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU gắn kết và sâu sắc hơn sẽ góp phần tận dụng hiệu quả tiềm năng và thế mạnh hiện có để thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, cũng như thể hiện vai trò đi đầu trong các nỗ lực ứng phó với những thách thức toàn cầu./.
Các đối tác chiến lược khác của ASEAN là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
-----------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 420
(2) ASEAN - EU cam kết thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư, Trang điện tử Trung tâm WTO và hội nhập, ngày 21-8-2023, https://trungtamwto.vn/chuyen-de/24287-asean--eu-cam-ket-thuc-day-quan-he-thuong-mai-va-dau-tu
(3) EU là nhà đầu tư lớn thứ 2 vào ASEAN, Báo Nhân dân điện tử, ngày 6-8-2021, https://nhandan.vn/eu-la-nha-dau-tu-lon-thu-2-vao-asean-post658693.html
(4) Hoàng Thùy: “EU chi 10 tỷ euro hỗ trợ dự án hợp tác với ASEAN”, Báo điện tử Vietnamplus, ngày 15-12-2022, https://vnexpress.net/eu-chi-10-ty-euro-ho-tro-du-an-hop-tac-voi-asean-4548337.html
(5) Hương Giang, Đức Hùng: “Team Europe cam kết hỗ trợ 800 triệu euro cho các quốc gia ASEAN”, Báo điện tử Vietnamplus, ngày 21-4-2021, https://www.vietnamplus.vn/team-europe-cam-ket-ho-tro-800-trieu-euro-cho-cac-quoc-gia-asean/707017.vnp
Quan hệ Việt Nam - Pháp: Năm mươi năm hợp tác và phát triển  (26/03/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc và tiếp Hội đồng kinh doanh EU - ASEAN  (14/02/2023)
An ninh mạng ở Liên minh châu Âu: Thực trạng và giải pháp chiến lược  (26/05/2022)
Liên minh châu Âu với sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu”  (20/04/2022)
Đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia lên tầm cao mới  (21/03/2022)
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Anh: Thực trạng và triển vọng  (27/02/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển