Cấp độ căng thẳng mới và toàn diện trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc
TCCS - Quan hệ Mỹ - Trung Quốc đối mặt với nhiều sóng gió khiến quan hệ hai nước có chiều hướng tiếp tục xấu đi. Dự báo thời gian tới, quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới này sẽ bước vào cấp độ căng thẳng toàn diện, dù cả hai bên đều cố gắng tránh đổ vỡ và đối đầu trực diện.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc tiếp tục căng thẳng
Về phía Mỹ
Năm 2020, khi ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, quan hệ Mỹ - Trung Quốc không những không hạ nhiệt căng thẳng, mà còn tiếp tục xấu đi. Ngay trong năm đầu nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống J. Biden đã có hàng loạt động thái cứng rắn; tiếp tục duy trì sách lược đối phó với Trung Quốc. Thậm chí, một số chuyên gia phân tích cho rằng, chính quyền Tổng thống J. Biden còn quyết liệt hơn trong chính sách đối với Trung Quốc khi coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”. Trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời được đưa ra vào tháng 3-2021, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ toàn diện, cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực, tiếp tục xác định mối đe dọa khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán. Theo đó, trong 8 định hướng chính sách đối ngoại, Mỹ ưu tiên khôi phục quan hệ với các đồng minh, đối tác để giải quyết “thách thức địa - chính trị lớn nhất trong thế kỷ XXI” của Mỹ đó là quan hệ với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh quan điểm “cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc”(1). Theo đó, Mỹ tăng cường củng cố “Bộ Tứ” (QUAD), thành lập liên minh ba bên AUKUS.
Tiếp nối chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong năm 2021, ngày 11-2-2022, chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược mới này được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong chính sách của Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á, nhất là khi Trung Quốc và Nga ra Tuyên bố chung về hợp tác chiến lược “không giới hạn” giữa hai nước vào tháng 2-2022(2).
Nhằm đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế, tháng 5-2022, Mỹ công bố “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng” (IPEF), tập trung thiết lập các quy tắc mới cho thương mại và nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác chuỗi cung ứng, thiết lập các cam kết mới về biến đổi khí hậu và ngăn chặn rửa tiền, hối lộ. Mỹ cam kết sẽ đầu tư mạnh để bảo đảm giành thắng lợi trong cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giới phân tích cho rằng, IPEF được đưa ra nhằm đối trọng với các hoạt động tăng cường ngoại giao kinh tế trong khu vực của Trung Quốc, như việc Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); thúc đẩy mạnh mẽ vai trò trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2022 (NSS-2022), ưu tiên chiến lược đầu tiên của Mỹ là chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và kiềm chế Nga. Mỹ coi Trung Quốc và Nga là những thách thức cấp bách nhất. Trong đó, Trung Quốc là “thách thức địa - chính trị lớn nhất, là đối thủ cạnh tranh duy nhất có mục tiêu định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó”(3). Tiếp đó, Chiến lược Quốc phòng (NDS-2022) của Mỹ xác định Trung Quốc và Nga là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ. Về lâu dài, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất của Mỹ(4). Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Trung Quốc đang tìm cách định hình lại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hệ thống quốc tế để phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, động thái được cho là “thách thức toàn diện và nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ”. Do đó, tâm điểm của NDS-2022 là “răn đe kết hợp”, trong đó Mỹ sẽ sử dụng đồng bộ sức mạnh quân sự, áp lực kinh tế và chính trị, tăng cường hợp tác với mạng lưới các đồng minh và đối tác để tìm cách “ngăn chặn kẻ thù tấn công” nước Mỹ. Mục tiêu chính của NDS-2022 là ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các khu vực quan trọng cũng như các hành động quyết đoán của Trung Quốc có thể đe dọa đến lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ. Trong Báo cáo Phòng thủ tên lửa (MDR) - được công bố cùng ngày với NDS-2022 - cũng nhận định, Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong công nghệ tên lửa siêu vượt âm, tên lửa đạn đạo(5). Do đó, Mỹ và các đồng minh, đối tác sẽ ngày càng đối mặt với thách thức khi Trung Quốc và Nga đều có năng lực hạt nhân hiện đại và đa dạng, điều này sẽ gây ra những căng thẳng trong quá trình ổn định chiến lược của Mỹ. Đáng chú ý, NDS-2022 đánh giá Trung Quốc và Nga đặt ra nhiều thách thức nguy hiểm hơn đối với vấn đề an ninh, an toàn của Mỹ. NDS-2022 xác định 4 ưu tiên quốc phòng để tăng cường khả năng răn đe, gồm: 1- Bảo vệ nước Mỹ, đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực từ Trung Quốc; 2- Ngăn chặn các cuộc tấn công chiến lược chống Mỹ, đồng minh và các đối tác của Mỹ; 3- Ngăn chặn hành vi xâm lược và sẵn sàng ứng chiến khi cần thiết; 4- Xây dựng một lực lượng chung và hệ sinh thái quốc phòng vững mạnh.
Ngày 29-11-2022, trong báo cáo thường niên về tiềm lực quân sự Trung Quốc năm 2022, Mỹ cho rằng, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngày càng nỗ lực hiện đại hóa và nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu để có thể tiến hành các hoạt động tác chiến trên bộ, trên không và trên biển, cũng như chiến tranh hạt nhân, vũ trụ, tác chiến điện tử và tác chiến trên không gian mạng. Trung Quốc đang tăng cường năng lực tác chiến cho PLA để bảo đảm “chiến đấu và giành chiến thắng trong mọi cuộc chiến tranh” chống “kẻ thù mạnh”, chống sự can thiệp của bên thứ ba vào một cuộc xung đột dọc theo ngoại vi của Trung Quốc và mở rộng sức mạnh quân sự ra toàn cầu(6). Đặc biệt, trong báo cáo, Mỹ cũng đề cập đến việc Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng và sự hiện diện quân sự ở nước ngoài. Việc hải quân Trung Quốc chuyển trọng tâm từ “phòng thủ gần biển” sang “bảo vệ xa biển” cho thấy, mục tiêu mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân Trung Quốc đang không ngừng vươn xa. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách mở rộng kết cấu hạ tầng hậu cần và căn cứ ở nước ngoài để cho phép quân đội Trung Quốc có thể triển khai và duy trì sức mạnh quân sự ở khu vực xa hơn. Một mạng lưới hậu cần quân sự toàn cầu của quân đội Trung Quốc có thể làm gián đoạn các hoạt động quân sự của Mỹ(7).
Về phía Trung Quốc
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay, quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc luôn tồn tại vấn đề Đài Loan (Trung Quốc). Kể từ Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972, Mỹ luôn thừa nhận chính sách “một Trung Quốc”. Tuy nhiên, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống D. Trump, Mỹ có ý định đưa vấn đề Đài Loan để “mặc cả” về chính sách “một Trung Quốc”. Các học giả Trung Quốc cho rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden đã kế thừa chiến lược “lấy Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc”. Mỹ đẩy mạnh vai trò chính trị, kinh tế và an ninh quân sự của Đài Loan trong chiến lược cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc và chiến lược toàn cầu của Mỹ... Chuyến thăm đến Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong năm 2022 là minh chứng cho nhận định này, khiến quan hệ Mỹ - Trung Quốc lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ.
Ngày 28-2-2022, tại sự kiện kỷ niệm 50 năm Thông cáo chung Thượng Hải, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, quan hệ Trung Quốc - Mỹ hiện đang đối mặt với những “thách thức gay gắt hiếm thấy kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao”, kêu gọi Mỹ ngừng ủng hộ “Đài Loan độc lập”, không “dùng Đài Loan kiểm soát Trung Quốc”(8). Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đánh giá, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc đã đi vào tầng sâu toàn diện và mang tính chiến lược rõ nét…, trong đó, Đài Loan vẫn là “vấn đề gai góc” trong quan hệ hai bên... Hơn nữa, chính sách của Mỹ đã chuyển từ “ưu tiên chống khủng bố” sang “cạnh tranh chiến lược với các nước lớn”, trong đó xác định Trung Quốc và Nga là đối thủ. Do đó, Trung Quốc coi xử lý quan hệ với Mỹ là vấn đề then chốt trong chính sách đối ngoại; triển khai cạnh tranh toàn diện với Mỹ và tập hợp lực lượng; kiên quyết bảo vệ các lợi ích quốc gia cốt lõi, vạch ra những “giới hạn đỏ” trên mặt trận ngoại giao, mà một trong những giới hạn đó chính là vấn đề Đài Loan.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: “Giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện thống nhất hoàn toàn Tổ quốc là nhiệm vụ lịch sử không bao giờ thay đổi của Đảng… kiên định bất dịch thúc đẩy đại nghiệp thống nhất Tổ quốc”, “kiên trì triển vọng thống nhất hòa bình, nhưng quyết không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực, bảo lưu việc lựa chọn mọi biện pháp bắt buộc cần thiết, điều này là nhằm vào sự can thiệp của thế lực bên ngoài và một số ít phần tử ủng hộ “Đài Loan độc lập” cũng như hoạt động chia rẽ của họ”(9).
Mặc dù quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc được đánh giá là căng thẳng, nhưng theo giới quan sát, hai bên cũng đang nỗ lực kiểm soát mối quan hệ, tránh dẫn đến xung đột, đối đầu trên thực địa. Ngày 14-11-2022, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc gặp trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại Indonesia. Phía Trung Quốc đánh giá, cuộc gặp đã đạt được các mục tiêu mong đợi là vạch ra các “giới hạn đỏ” nhằm ngăn chặn xung đột, chỉ ra phương hướng thúc đẩy quan hệ song phương, thảo luận về hợp tác có thể triển khai. Đây được coi là điểm khởi đầu mới cho quan hệ hai nước. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định, mặc dù giữa hai nước còn nhiều khác biệt, nhưng điều quan trọng là không để những khác biệt này trở thành rào cản trong quan hệ song phương. Quan hệ Trung Quốc - Mỹ hiện chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của hai nước và người dân, cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế. Do đó, các nhà lãnh đạo cần xây dựng hướng đi đúng đắn cho quan hệ Mỹ - Trung Quốc và nâng tầm quan hệ song phương(10). Đặc biệt, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình còn khẳng định, thế giới “đủ lớn” để Mỹ và Trung Quốc cùng tồn tại và phát triển thịnh vượng; nhấn mạnh rằng hai nước nên hình thành nhận thức đúng đắn về các chính sách đối nội, đối ngoại và các ý định chiến lược của nhau. Trung Quốc “không tìm cách thay đổi trật tự quốc tế hiện có hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ và không có ý định thách thức hoặc thay thế Mỹ”(11). Về phía Mỹ, Tổng thống J. Biden mong muốn cuộc gặp sẽ “xây dựng một nền tảng” cho mối quan hệ hai bên, nghĩa là để ngăn mối quan hệ này “rơi tự do” vào một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn; khẳng định chủ trương theo đuổi “sự cạnh tranh” chứ không phải là “xung đột” trong quan hệ giữa hai cường quốc; sẵn sàng làm rõ “lằn ranh đỏ” của mỗi bên để giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột, nắm được lợi ích quan trọng của mỗi bên để tìm ra cách giải quyết.
Đáng chú ý, trong NDS-2022, Mỹ cho rằng, xung đột với Trung Quốc có thể tránh khỏi và Mỹ không mong muốn xảy ra xung đột với Trung Quốc. Ưu tiên của NDS-2022 là hỗ trợ phát triển hợp tác với Trung Quốc trên những lĩnh vực có lợi cho lợi ích và giá trị của Mỹ, đồng thời quản lý cạnh tranh chiến lược giữa hai nước và theo đuổi hợp tác với Trung Quốc về các thách thức chung.
Dự báo quan hệ Mỹ - Trung Quốc thời gian tới
Trong các chiến lược công bố năm 2022, Mỹ đều xác định Trung Quốc là thách thức chiến lược lâu dài, là mối đe dọa hàng đầu đối với Mỹ. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng được xác định là trọng tâm chiến lược của Mỹ. Do đó, quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong năm 2023 và thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng, đối đầu toàn diện là chủ yếu, lâu dài, trên các lĩnh vực chiến lược như an ninh, chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học - công nghệ…; trong khi hợp tác là thứ yếu, mang tính thời điểm trong một số lĩnh vực mang lại lợi ích chung, như biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế toàn cầu, y tế, sức khỏe cộng đồng và an ninh lương thực…
Về chính trị, đối ngoại, trong NDS-2022, Mỹ cho rằng “thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đã kết thúc và thời kỳ cạnh tranh nước lớn đã bắt đầu”, quan hệ Mỹ - Trung Quốc bước vào thời kỳ cạnh tranh chiến lược và quan hệ Mỹ - Nga đang ở trạng thái cận chiến(12). Do đó, cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt tại các khu vực, nhất là trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đối với Trung Đông - khu vực nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ, có quan hệ truyền thống chặt chẽ với Mỹ - Tổng thống J. Biden cho biết, Mỹ không để Nga và Trung Quốc lấp đầy “khoảng trống quyền lực” tại khu vực này; đồng thời tuyên bố với các nhà lãnh đạo các quốc gia Trung Đông rằng, Mỹ “sẽ không rời đi và để lại khoảng trống để Trung Quốc, Nga hay Iran... lấp vào”(13). Trong khi đó, ngày 3-12-2022, Trung Quốc cũng công bố “Báo cáo hợp tác Trung Quốc - Arab trong thời đại mới”, chỉ rõ mô hình hợp tác toàn diện, đa tầng cấp và rộng rãi giữa hai bên, nhằm chung tay xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc - Arab” trong thời đại mới, được đánh giá là mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ của Trung Quốc với khu vực này. Khái niệm Trung Đông là “vùng đệm” trong cạnh tranh nước lớn và chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Trung Đông (tháng 12-2022) được coi là bước tiến mới của Trung Quốc tại khu vực này.
Tại châu Phi, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đã khiến các nước phương Tây xem xét lại chính sách đối ngoại, quan tâm đến châu Phi từ góc độ năng lượng, ngoại giao, ý thức hệ…, khiến châu Phi đang trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc. Những động thái, sự kiện diễn ra trong thời gian gần đây cho thấy, sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc ở khu vực châu Phi trong năm 2023 sẽ diễn ra mạnh mẽ. Tháng 8-2022, Mỹ công bố chiến lược của Mỹ với châu Phi cận Sahara, trong đó nhấn mạnh, các nước châu Phi là “bên tham gia địa - chiến lược và là đối tác chính” trong các vấn đề cấp bách hiện nay. Ngày 15-12-2022, Tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi tiếp tục khẳng định cam kết của Mỹ và châu Phi trong việc củng cố các lĩnh vực hợp tác lâu dài, mở rộng quan hệ đối tác để giải quyết các thách thức và nắm bắt cơ hội; đồng thời, Mỹ thông báo về khoản viện trợ mới trị giá 2,5 tỷ USD cho an ninh lương thực ở châu Phi, cam kết giúp châu Phi ứng phó với ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine. Hội nghị được xem là một trong những nỗ lực làm mới và củng cố quan hệ với các quốc gia châu Phi của chính quyền Tổng thống J. Biden. Trong khi đó, ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi cũng ngày càng sâu rộng cả trên lĩnh vực chính trị và kinh tế. Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) đã thu hút được sự tham gia của hầu hết các quốc gia trong khu vực, giúp Trung Quốc tạo dựng được chỗ đứng khá vững chắc tại châu lục. Đặc biệt, ngay sau khi nhậm chức, tân Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã có chuyến công du kéo dài một tuần (từ ngày 9 đến ngày 16-1-2023) đến châu Phi nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác hợp tác, cũng như thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và châu Phi. Hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) giữa Trung Quốc với châu Phi cũng đạt được nhiều bước tiến mới.
Tại khu vực Đông Nam Á, cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc dự báo tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực chính trị, kinh tế. Về chính trị, cạnh tranh ảnh hưởng gia tăng thông qua các hội nghị thượng đỉnh hoặc tuyên truyền chính sách trên các phương tiện truyền thông. Chiến dịch tuyên truyền đối ngoại tại khu vực được coi là công cụ chính sách quan trọng của Trung Quốc ở nước ngoài nhằm giảm thiểu sự lan rộng của “thuyết mối đe dọa Trung Quốc”, đồng thời tận dụng các cơ quan truyền thông quốc tế nhằm cải thiện hình ảnh của Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ thông qua các hội nghị thượng đỉnh với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để thúc đẩy đầu tư. Về kinh tế, Trung Quốc và ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn của nhau; trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 798,4 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, năm 2022, Mỹ đứng đầu về tổng vốn đầu tư vào ASEAN với 40 tỷ USD, tăng 41%; đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN tăng gần 96%, đạt 14 tỷ USD. Việc rút ngắn khoảng cách về thương mại và đầu tư của Trung Quốc với Mỹ ở khu vực này đang diễn ra với tốc độ khá nhanh, vì vậy, ưu thế cạnh tranh của Mỹ ở khu vực có phần sụt giảm. Sự cạnh tranh kinh tế giữa hai nước tại khu vực còn được thể hiện rõ nét khi IPEF của Mỹ chính thức khởi động từ tháng 5-2022 - được cho là để cạnh tranh với RCEP có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Giới quan sát cho rằng, IPEF cho đến nay chưa có hiệu quả thực tế về kinh tế và thương mại. Trong ngắn hạn, IPEF khó có thể làm thay đổi tình trạng các nước Đông Nam Á phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc diễn ra từ nhiều năm qua.
Ngày 14-11-2022, cuộc gặp thượng đỉnh Trung Quốc - Mỹ mặc dù được cho là ít nhiều làm hài lòng các bên, nhưng giới quan sát cho rằng, hợp tác kinh tế và thương mại là vấn đề quan trọng của cuộc gặp lần này, nhưng ngoài việc nhắc lại lập trường của nhau, hai bên không đạt được thành quả thực chất nào. Do tác động của nhiều yếu tố, nhất là từ phía Mỹ, hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ ngày càng tách rời và xu thế tách rời này sẽ khó đảo ngược. Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden tiếp tục áp dụng chính sách của chính quyền tiền nhiệm: Trong ngắn hạn tìm cách nhanh chóng thu hẹp thâm hụt thương mại song phương; mục tiêu dài hạn là xóa bỏ các yếu tố mang tính kết cấu dẫn đến tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Cả Trung Quốc và Mỹ đều thừa nhận vấn đề mất cân bằng thương mại song phương đang diễn ra nghiêm trọng. Theo thống kê của Trung Quốc, giai đoạn từ năm 2002 - 2021, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc đối với Mỹ lên đến 4.100 tỷ USD, chiếm 68,8% tổng thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc trong cùng kỳ, trong đó giai đoạn 2017 - 2021 chiếm 65,3%. Theo thống kê của Mỹ, giai đoạn 2002 - 2021, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ đối với Trung Quốc đạt 5.600 tỷ USD, chiếm 37,3% tổng thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ trong cùng kỳ, trong đó giai đoạn 2017 - 2021 chiếm 39,7%(14). Vì vậy, xung đột kinh tế giữa hai nước được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng khi Trung Quốc khó có thể nhượng bộ với Mỹ về việc điều hành kinh tế theo tiêu chuẩn của phương Tây, như không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, không dành cho doanh nghiệp nhà nước những ưu đãi chính sách và trợ cấp đặc biệt, cho phép doanh nghiệp nhà nước kinh doanh trên cơ sở tuân thủ hoàn toàn các quy tắc thương mại; trong khi Mỹ dường như không có ý định thỏa hiệp. Vì lẽ đó, quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc sẽ ngày càng chịu sức ép lớn hơn.
Ngoài ra, cạnh tranh trong lĩnh vực khoa học - công nghệ với Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục được chính quyền Tổng thống J. Biden đẩy mạnh trong năm 2023 và thời gian tới. Sự ra đời của đạo luật chip và khoa học trong năm 2022 và Liên minh Chip 4 được xem là nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận kỹ thuật công nghệ cao. Đây là đòn mạnh giáng vào tham vọng làm chủ công nghệ cốt lõi của Trung Quốc với kế hoạch “Made in China 2025”. Đồng thời, tháng 9-2022, Mỹ thông qua Sắc lệnh mở rộng về phát triển y sinh nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc về nguyên liệu và sản xuất của Mỹ với nước ngoài. Trong năm 2023, Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chiến lược, kế hoạch này, gia tăng các biện pháp trừng phạt, hạn chế Trung Quốc tiếp cận lĩnh vực công nghệ cao nhằm ngăn chặn Trung Quốc vươn lên giành vị trí thống trị của Mỹ.
Có thể thấy, quan hệ Mỹ - Trung Quốc không những không giảm thiểu căng thẳng mà còn tiếp tục lao dốc với các chiến lược, tuyên bố, các đòn trừng phạt, hạn chế nhau, nhất là từ phía Mỹ. Tuy nhiên, xen lẫn giữa những bất đồng, hai bên vẫn cố gắng kiểm soát để quan hệ song phương không rơi xuống bờ vực đổ vỡ, đối đầu trực diện. Thời gian tới, xu hướng cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa hai bên trên tất cả các lĩnh vực, tại các khu vực trọng yếu khó có thể có những đột phá hạ nhiệt, mà dự kiến vẫn sẽ tiếp tục gia tăng quyết liệt; đặc biệt, xu hướng tập hợp lực lượng của cả hai bên vẫn tiếp tục được đẩy mạnh./.
-----------------------------------
(1) Antony J. Blinken: “A Foreign Policy for the American People” (Tạm dịch: Chính sách đối ngoại cho người dân Mỹ), ngày 3-3-2021, https://www.state.gov/a-foreign-policy-for-the-american-people/
(2) Anna Kireeva: “The limits to Russia and China’s ‘no limits’ friendship” (Tạm dịch: Giới hạn cho tình hữu nghị “không giới hạn” của Nga và Trung Quốc), ngày 23-3-2022, https://www.eastasiaforum.org/2022/03/23/the-limits-to-russia-and-chinas-no-limits-friendship/
(3) The Biden-Harris Administration’s National Security Strategy (Tạm dịch: Chiến lược An ninh quốc gia của chính quyền Biden-Harris), ngày 12-10-2022, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/10/12/fact-sheet-the-biden-harris-administrations-national-security-strategy/
(4) Department of Defense Releases its 2022 Strategic Reviews - National Defense Strategy, Nuclear Posture Review, and Missile Defense Review (Tạm dịch: Bộ Quốc phòng công bố đánh giá chiến lược năm 2022 - Chiến lược phòng thủ quốc gia, đánh giá vị thế hạt nhân và đánh giá phòng thủ tên lửa), ngày 27-10-2022, https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3201683/department-of-defense-releases-its-2022-strategic-reviews-national-defense-stra/
(5) C. Todd Lopez: “DOD Releases National Defense Strategy, Missile Defense, Nuclear Posture Reviews” (Tạm dịch: DOD công bố Chiến lược phòng thủ quốc gia, phòng thủ tên lửa, tình hình hạt nhân”, ngày 27-10-2022, https://www.defense.gov/News/News-Stories/Article/Article/3202438/dod-releases-national-defense-strategy-missile-defense-nuclear-posture-reviews/
(6) Jim Garamone: “China Military Power Report Examines Changes in Beijing's Strategy” (Tạm dịch: Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc xem xét những thay đổi trong chiến lược của Bắc Kinh), ngày 27-10-2022, https://www.defense.gov/News/News-tories/Article/Article/3230682/china-military-power-report-examines-changes-in-beijings-strategy/
(7) 2022 Pentagon Report on Chinese Military Development (Tạm dịch: Báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2022 về sự phát triển quân sự của Trung Quốc), ngày 29-11-2022, https://news.usni.org/2022/11/29/2022-pentagon-report-on-chinese-military-development
(8) Bích Thuận: “Trung Quốc cho rằng “Thông cáo chung Thượng Hải” 1972 không được tuân thủ hiệu quả”, Báo điện tử VOV, ngày 28-2-2022, https://amp.vov.vn/the-gioi/trung-quoc-cho-rang-thong-cao-chung-thuong-hai-khong-duoc-tuan-thu-hieu-qua-post927229.vov
(9) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 272, ngày 22-10-2022
(10) Xem: Thùy Dương: “Nhìn lại hai kết quả quan trọng sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc”, Báo điện tử Tin tức Thông tấn xã Việt Nam, ngày 15-11-2022, https://baotintuc.vn/the-gioi/nhin-lai-hai-ket-qua-quan-trong-sau-cuoc-gap-thuong-dinh-my-trung-quoc-20221115113232992.htm
(11) Đỗ Thảo: “Thượng đỉnh Mỹ - Trung: Thế giới đủ lớn để hai nước cùng thịnh vượng”, Tạp chí điện tử Mekong - ASEAN, ngày 15-11-2022, https://mekongasean.vn/thuong-dinh-my-trung-the-gioi-du-lon-de-hai-nuoc-cung-thinh-vuong-post14219.html
(12) Amy Mackinnon: “Biden’s White House Finally Unveils Its National Security Strategy” (Tạm dịch: Nhà Trắng của Biden cuối cùng cũng công bố chiến lược an ninh quốc gia), ngày 12-10-2022, https://foreignpolicy.com/2022/10/12/biden-national-security-strategy-russia-china-middle-class
(13) Xem: Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 4474, ngày 9-12-2022, tr. 17
(14) Xem: Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 008, ngày 10-1-2023, tr. 24
Lòng tin trong quan hệ quốc tế và xây dựng lòng tin trong bối cảnh mới  (20/05/2023)
Cục diện thế giới năm 2022: Định hình trong bất định  (03/04/2023)
Tiếp cận lý thuyết về vấn đề năng lượng trong quan hệ quốc tế  (25/03/2023)
Một số vấn đề nổi bật của thế giới hiện nay  (15/02/2023)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển