Động thái mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Liên minh châu Âu

TS. Nguyễn Lan Hương
Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
19:33, ngày 07-09-2021

TCCS - Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá ở mức thấp nhất dưới thời kỳ của chính quyền tiền nhiệm, các nước đối tác và đồng minh EU kỳ vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cứu vãn và khôi phục lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Cụm từ “tái thiết quan hệ” được lặp lại nhiều lần với hy vọng các thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời kỳ của chính quyền mới sẽ mang lại triển vọng hơn cho quan hệ giữa hai bên.

Nỗ lực khắc phục di sản ảm đạm

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái), Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (phải) tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ, ngày 15-6-2021 _ Ảnh: THX/TTXVN

Mối quan hệ Mỹ - EU mang lại những lợi ích chiến lược kinh tế, an ninh, chính trị quan trọng cho cả hai bên. Về kinh tế, năm 2020, EU chiếm gần 1/5 tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ (1). Mỹ và EU là điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của nhau. Mối quan hệ kinh tế Mỹ - EU là mối quan hệ kinh tế lớn nhất thế giới, có giá trị bằng 1/3 GDP toàn cầu, chiếm 1/2 tiêu dùng cá nhân toàn cầu và tạo ra 16 triệu việc làm ở hai bờ Đại Tây Dương (2)Về an ninh và chính trị, vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giúp bảo đảm an ninh cho EU và thúc đẩy các đồng minh châu Âu về dân chủ và thịnh vượng. Còn EU cũng có vai trò quan trọng giúp củng cố và hỗ trợ các lợi ích an ninh và chính trị của Mỹ. Ngay cả khi mối quan hệ hai bên ở mức thấp nhất dưới thời kỳ của chính quyền Tổng thống Mỹ D. Trump, Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ năm 2017 vẫn đưa ra tuyên bố rằng, Mỹ sẽ an toàn hơn khi châu Âu thịnh vượng và ổn định, đồng thời có thể giúp Mỹ bảo vệ các ưu tiên và giá trị. 

Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, quan hệ giữa hai bên đã suy thoái nghiêm trọng. Nổi lên trong quan hệ Mỹ - EU không chỉ là bất đồng chính sách mà còn cả sự hoài nghi của Mỹ về các giá trị tạo dựng nền tảng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương (3). Điều này thể hiện rõ khi Mỹ liên tục đưa ra hàng loạt tuyên bố gây sốc, như đe dọa rút khỏi NATO, hay việc Mỹ rút khỏi các thỏa thuận quốc tế do EU hậu thuẫn (như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận hạt nhân của Nhóm P5+1 với Iran - JCPOA, Tổ chức Y tế thế giới - WHO…). Những động thái này của Mỹ đã làm suy yếu trật tự dựa trên luật lệ vốn tạo nên khuôn khổ hợp tác Mỹ - EU bấy lâu nay, khiến một số đồng minh châu Âu lo ngại về các cam kết của Mỹ đối với khu vực. Đây là lý do các nước châu Âu mong muốn sự khác biệt dưới thời kỳ của Tổng thống J. Biden, bởi ít nhất chính quyền mới của Mỹ không có những tuyên bố đe dọa ảnh hưởng tới quan hệ song phương và có tầm nhìn tái thiết quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Có thể thấy một số điểm nhấn trong tầm nhìn của Tổng thống J. Biden mang lại hy vọng mở ra chu kỳ quan hệ mới.

Thứ nhất, chính sách đối ngoại của Tổng thống J. Biden hướng tới việc nước Mỹ quay trở lại con đường ngoại giao dựa trên đối thoại và đàm phán, tham gia trở lại các cam kết đa phương và hợp tác nhằm tạo môi trường khôi phục, cải thiện quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Ngày 4-2-2021, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống J. Biden tuyên bố: “Nước Mỹ đã trở lại. Ngoại giao trở lại vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ”(4). Việc nước Mỹ quay trở lại đối thoại, đàm phán và ngoại giao báo hiệu sự chấm dứt chủ nghĩa biệt lập vốn bị các đồng minh lo ngại và phản đối. Những hành động theo hướng đa phương của chính quyền Tổng thống J. Biden được các đối tác EU hoan nghênh, như việc Mỹ gia nhập lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, WHO, bắt đầu lại các cuộc đàm phán để khôi phục Thỏa thuận JCPOA... Đây là sự khẳng định của chính quyền Tổng thống J. Biden rằng, Mỹ sẽ ủng hộ và hợp tác với các đồng minh để củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Thứ hai, Tổng thống J. Biden khẳng định “liên minh là một trong những tài sản lớn nhất của Mỹ”, đồng thời nhấn mạnh: “Nước Mỹ không đi một mình, chúng tôi sẽ dẫn đầu các đồng minh của mình”, bởi các quốc gia không thể một mình đối phó với tất cả các cuộc khủng hoảng hiện nay, nhất là đối với đại dịch COVID-19(5). Tầm nhìn của Tổng thống J. Biden hướng tới tập hợp lực lượng gồm các đồng minh và đối tác để định hình hệ thống quốc tế nhằm cạnh tranh với các cường quốc đang trỗi dậy. Trên thực tế, việc chú trọng nhiều hơn các nhóm tiểu đa phương như nhóm Bộ Tứ (gồm: Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản), hay Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ cho thấy dưới thời kỳ của Tổng thống J. Biden, Mỹ tiếp tục thúc đẩy các hình thức đa phương đặc biệt bên cạnh các thể chế quốc tế truyền thống. EU là đối tác của Mỹ trong nhiều vấn đề, nhất là các vấn đề liên quan tới dân chủ và công nghệ.

Thứ ba, Mỹ coi việc tái thiết quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương là trọng tâm của chính quyền mới sau bốn năm quan hệ băng giá. Mỹ nỗ lực tái khẳng định cam kết mạnh mẽ với châu Âu trên cơ sở khẳng định liên minh là “nền tảng của tất cả những gì nước Mỹ hy vọng đạt được trong thế kỷ XXI”(6). Việc Tổng thống J. Biden thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến châu Âu (tháng 6-2021), tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7), Hội nghị thượng đỉnh NATO và trên hết là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Âu thể hiện mong muốn “hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương” của Mỹ. Do đó, những điểm mới trong tầm nhìn đối ngoại của Tổng thống J. Biden được cho là định hướng các hành động chính sách giúp cải thiện quan hệ Mỹ - EU trong thời gian tới.

Củng cố, thúc đẩy quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Nhằm cải thiện quan hệ với các đồng minh châu Âu, chính quyền của Tổng thống J. Biden đã có một loạt hành động chính sách tích cực: 1- Trấn an đồng minh thông qua các khẳng định, cam kết chính sách duy trì quan hệ, tái lập quan hệ, đổi mới quan hệ; 2- Tích cực can dự thông qua các cuộc tiếp xúc; 3- Coi trọng xử lý bất đồng để dần gỡ bỏ rào cản trong quan hệ hai bên; 4- Chuyển trọng tâm từ xung đột lợi ích sang củng cố lợi ích chung; 5- Thiết lập cơ chế mới để tăng cường hợp tác. Cụ thể là:

Trấn an đồng minh

Kể từ khi nhậm chức, chính sách xuyên Đại Tây Dương của chính quyền Tổng thống J. Biden hướng tới xây dựng lại lòng tin và trấn an các đồng minh châu Âu thông qua những bảo đảm an ninh cũng như cam kết mạnh mẽ. Trong chuyến thăm châu Âu tháng 6-2021, Tổng thống J. Biden đã đưa ra tuyên bố trấn an các đồng minh châu Âu, khẳng định “Mỹ có lợi ích vượt trội trong duy trì quan hệ với NATO và EU”(7); đồng thời, hiệp ước phòng thủ chung của NATO là “nghĩa vụ bất khả xâm phạm”(8). Tổng thống J. Biden cũng khẳng định tình bạn của Mỹ rất “vững chắc” và an ninh của châu Âu là “trách nhiệm tận tâm” (9) của Mỹ. Những trấn an của Tổng thống J. Biden đã phần nào có tác dụng khi Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh NATO mở ra “một chương mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương”(10).

Tích cực can dự ngoại giao

Ngoại trừ thời gian ngắn ban đầu bị trì hoãn do đại dịch COVID-19 và những chia rẽ trong nước làm chậm việc bổ nhiệm và xác nhận các vị trí trong chính phủ, chính quyền của Tổng thống J. Biden đã nhanh chóng tiến hành các tương tác với các đồng minh châu Âu ở cường độ cao thông qua nhiều sự kiện lớn. Ngày 25-3-2021, Tổng thống J. Biden đã có cuộc họp với Hội đồng châu Âu. Đây là cuộc họp đầu tiên có sự tham gia của một tổng thống Mỹ kể từ thời kỳ của Tổng thống G. W. Bush vào năm 2001. Hội nghị thượng Mỹ - EU vào trung tuần tháng 6-2021 tại Brussels (Bỉ) cũng là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU đầu tiên kể từ năm 2014 có sự tham gia của Tổng thống Mỹ và là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống J. Biden có ý nghĩa đặc biệt. Mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU lần này là chỉ đánh dấu “nước Mỹ đã trở lại” và sẵn sàng dẫn dắt thế giới sau sự gián đoạn trong liên minh và quan hệ với các đối tác châu Âu, cũng như việc rút khỏi các cam kết toàn cầu trong những năm dưới thời kỳ của Tổng thống D. Trump. Điều mà Tổng thống J. Biden đang muốn đưa ra thông điệp là sự hồi sinh vai trò lãnh đạo và hoạt động ngoại giao của Mỹ sẽ được gắn chặt trong mạng lưới quan hệ xuyên Đại Tây Dương, ngay cả khi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là mối quan tâm của Mỹ trước những thách thức từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, chú trọng quan hệ đối tác và liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng rất quan trọng trong ứng phó với các thách thức từ Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell tại cuộc gặp ngày 24-3-2021 nhất trí Mỹ và EU sẽ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, tuân thủ luật pháp quốc tế hỗ trợ sự ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương _  Ảnh: AFP

Cùng với đó, đội ngũ chính khách trong chính quyền của Tổng thống J. Biden cũng có những hoạt động sôi động. Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken liên tục tham gia nhiều cuộc họp, như cuộc họp với Hội đồng Đối ngoại EU ở Brussels, Bỉ (tháng 2-2021), Hội nghị Bộ trưởng G-7 (tháng 5-2021). Trong đó, chuyến đi của Ngoại trưởng A. Blinken tham dự Hội nghị Ngoại trưởng NATO (tháng 3-2021) được một số quan chức châu Âu gọi là “một cuộc tấn công thuyết phục” sau bốn năm thực thi chính sách cứng rắn của cựu Tổng thống D. Trump. Tại đó, Ngoại trưởng A. Blinken tuyên bố mục tiêu của chuyến công du là nhằm “khẳng định quyết tâm của Mỹ tái khôi phục liên minh và sự hợp tác”. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng A. Blinken tích cực tham gia các cuộc gặp song phương và khu vực nhỏ hơn với từng quốc gia châu Âu. Trong chuyến thăm Anh khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng G-7, Ngoại trưởng A. Blinken khẳng định, nước Mỹ không có “đồng minh nào gần gũi hơn, đối tác nào thân thiết hơn” nước Anh, còn Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đáp lại rằng hai bên đang “kề vai sát cánh” xử lý các vấn đề như đương đầu với các đối thủ. Có thể thấy, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tham dự hàng loạt hội nghị của Tổng thống J. Biden cũng như của các quan chức cấp cao Mỹ vừa qua báo hiệu quan hệ xuyên Đại Tây Dương là một trong những nội dung được ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Xử lý các bất đồng

Chú trọng xử lý bất đồng trong quan hệ với EU nhằm phát triển quan hệ giữa hai bên cũng là nội dung được chính quyền của Tổng thống J. Biden thúc đẩy. Hợp tác kinh tế và ứng phó với Trung Quốc là hai lĩnh vực điển hình cho thấy một số tiến bộ mà hai bên đạt được trong nỗ lực tháo gỡ rào cản trong quan hệ.

Trong lĩnh vực kinh tế, trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay là giải quyết các vấn đề cọ xát thương mại và nhằm bảo đảm rằng, những bất đồng còn tồn tại không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ tổng thể Mỹ - EU như thường thấy dưới thời kỳ của Tổng thống D. Trump. Kết quả lớn nhất hiện nay trong kinh tế là Mỹ và EU tạm thời đưa ra phương án giải quyết tranh chấp thương mại về vấn đề bảo trợ cho Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus và Boeing kéo dài trong suốt 17 năm thông qua thỏa thuận ngừng áp thuế quan trả đũa trong thời hạn 5 năm. Cuộc chiến giữa hai nhà sản xuất máy bay đã làm xáo trộn quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương trong gần hai thập niên. Trong bối cảnh đó, việc “đình chiến” tạo cơ hội cho hai bên cùng hướng tới một giải pháp bền vững hơn, góp phần trì hoãn việc thực thi hàng tỷ USD thuế quan vốn bị hai bên đe dọa lẫn nhau. Ngoài ra, các điều khoản thỏa thuận “đình chiến” tạo cơ hội nối lại các hoạt động thương mại trước khi kết thúc thời hạn 5 năm. Giám đốc điều hành của Viện Aspen Đức, Stormy-Annika Mildner cho rằng, động thái này là một dấu hiệu tích cực và có khả năng giải quyết cuộc chiến thuế quan nếu hai bên có ý chí chính trị thực hiện.

Đội ngũ lãnh đạo của Tập đoàn Airbus_Ảnh: airbus.com

Về ứng phó với Trung Quốc, mặc dù EU quyết định đàm phán Hiệp định Đầu tư toàn diện (CAI) với Trung Quốc khiến một số quan chức trong chính quyền của Tổng thống J. Biden thất vọng, song Mỹ vẫn nỗ lực đưa ra cách tiếp cận xuyên Đại Tây Dương nhằm tránh gây sức ép buộc châu Âu phải đưa ra lựa chọn. Trong cuộc gặp với các ngoại trưởng châu Âu tại Brussels, Bỉ (tháng 3-2021), Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken trấn an rằng, Mỹ “sẽ không buộc các đồng minh phải lựa chọn” nhưng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “cùng nhau đẩy lùi Trung Quốc và thể hiện sức mạnh trong sự thống nhất”(11). Do đó, các nước châu Âu nói chung cảm thấy yên tâm về cách tiếp cận tổng thể của chính quyền Tổng thống J. Biden đối với Trung Quốc, trong đó có những điểm tương đồng với cách nhìn của EU coi Trung Quốc là “đối tác đàm phán, đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống”(12).

Chuyển trọng tâm từ xung đột lợi ích sang củng cố các lợi ích chung

Việc cựu Tổng thống D. Trump theo phương châm “Nước Mỹ trên hết” và cách tiếp cận đã khiến Mỹ trong thời kỳ này luôn chú trọng tới các điểm nhấn về xung đột lợi ích trong quan hệ với các nước, kể cả đối với các đồng minh châu Âu. Đây là nguyên nhân chính khiến quan hệ hai bên xấu đi nghiêm trọng. Khác với chính quyền tiền nhiệm, chính quyền của Tổng thống J. Biden chuyển trọng tâm từ xung đột lợi ích sang củng cố các lợi ích chung, góp phần tăng cường hợp tác hai bên.

Trong các tuyên bố công khai của mình, các quan chức Mỹ đề xuất hợp tác trong xử lý những thách thức chung, từ đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng biến đổi khí hậu, đến nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống J. Biden có sứ mệnh tập hợp các đối tác hợp tác, “thể hiện năng lực của các nền dân chủ vừa có thể đương đầu với những thách thức, vừa có thể ngăn chặn các mối đe dọa của thời đại mới” (13). Quyết định tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-7, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU và Hội nghị thượng đỉnh NATO của Tổng thống J. Biden trước khi diễn ra cuộc gặp với Tổng thống Nga V. Putin tại Genève (Thụy Sĩ) là một nỗ lực nhằm gắn kết các đồng minh của Mỹ trong việc bảo vệ các giá trị phương Tây trước những thách thức ngày càng lớn từ Nga và Trung Quốc. Việc thông qua Tuyên bố về các xã hội mở tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 phản ánh sự nhấn mạnh của Tổng thống J. Biden về tầm quan trọng của việc bảo tồn và thúc đẩy “các xã hội mở, các giá trị dân chủ và chủ nghĩa đa phương làm nền tảng cho phẩm giá, cơ hội và sự thịnh vượng của tất cả mọi người”(14). Trong bài phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), Tổng thống J. Biden nói: “Chúng ta phải chứng minh cho thế giới và chính người dân của chúng ta thấy rằng, nền dân chủ vẫn có thể thắng thế trước những thách thức của thời đại” (15).

Thiết lập cơ chế mới tăng cường hợp tác

Chính quyền của Tổng thống J. Biden nỗ lực thiết lập cơ chế hợp tác mới với các nước châu Âu. Trong thời gian ngắn sau khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống J. Biden cùng với các nước châu Âu đã thiết lập một số cơ chế hợp tác mới tạo thêm khuôn khổ hợp tác song phương. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU (tháng 6-2021), hai bên đã thành lập một hội đồng mới để điều phối việc du lịch xuyên Đại Tây Dương trở lại bình thường sau đại dịch COVID-19, một hội đồng về thương mại và công nghệ và một hội đồng về năng lượng và khí hậu. Trong số đó, Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU (TTC) là cơ chế mới rất đáng quan tâm, bởi: Thứ nhất, cơ chế thể hiện phản ứng thiết thực của châu Âu trước lời kêu gọi hợp tác của Mỹ trong xử lý những thách thức từ Trung Quốc, một nội dung thường gây tranh cãi về mặt chính trị với các nước châu Âu do EU và các nước thành viên có quan điểm về Trung Quốc khác với quan điểm của Mỹ. Sự hình thành các cơ chế mới kiểu này sẽ giúp hai bên tăng cường phối hợp trong các vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Thứ hai, cơ chế này sẽ cung cấp một không gian đối thoại giúp Mỹ và EU vừa có thể đạt được sự đồng thuận mang tính xây dựng, vừa có thể kiểm soát được những khác biệt vốn phức tạp và cần sự tham gia của một số cơ quan chính phủ khi cần giải quyết.

Những động thái chính sách trên được cho là mang lại những kết quả tích cực. Các dấu hiệu cho thấy sự phối hợp chính sách giữa Mỹ và EU dần trở nên tốt hơn, chẳng hạn như sự đồng thuận trong phối hợp các biện pháp trừng phạt gần đây đối với Nga trong việc cáo buộc liên quan tới nhân vật đối lập Alexei Navalny; việc đạt được tuyên bố chung giữa Mỹ - EU khẳng định cam kết đổi mới liên minh trong nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, tại các hội nghị thượng đỉnh G7, NATO và EU hồi tháng 6-2021, Mỹ đã đạt được mức độ liên kết chưa từng có với EU trong lập trường đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, để bảo đảm quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương hiệu quả, chính quyền của Tổng thống J. Biden cần tiếp tục nỗ lực vượt qua một số trở ngại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg trong cuộc gặp tại Munich (Đức) hồi năm 2015 _ Ảnh: Reuters

Trước hết, cần tiếp tục xử lý một số rào cản vẫn đang tồn tại trong quan hệ hai bên, như lệnh áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm thứ cấp của EU nhập khẩu vào Mỹ vì lý do an ninh quốc gia của Mỹ, việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc triển khai đường ống dẫn khí trong dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” của Nga vốn được Đức ủng hộ, hay việc Mỹ gây sức ép với EU ngừng áp dụng kế hoạch thuế kỹ thuật số lên những tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ. Hai là, cần đưa ra giải pháp ổn thỏa để giải quyết tình trạng người dân châu Âu dần mất lòng tin vào hệ thống chính trị Mỹ. Ba là, kịp thời nắm bắt và xử lý những cọ xát mới nảy sinh, không để các bất đồng mới vượt tầm kiểm soát, chẳng hạn như sự chia rẽ trong vấn đề vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi Mỹ ủng hộ từ bỏ bằng sáng chế vaccine còn EU thì phản đối. Cuối cùng và cũng là trở ngại lớn nhất đó là việc chính quyền của Tổng thống J. Biden cần có các giải pháp đột phá để giải quyết căn nguyên của mọi vấn đề nằm ở sự suy giảm lợi ích song trùng giữa hai bên hiện nay. Nguyên nhân dẫn tới mối quan hệ Mỹ - EU xấu đi không chỉ do hệ quả từ những quyết sách của chính quyền tiền nhiệm mà còn do những biến đổi thực tế vô cùng khác so với thời kỳ hợp tác xuyên Đại Tây Dương trước kia. Nếu như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, châu Âu phụ thuộc vào Mỹ cả về kinh tế và an ninh thì hiện nay, châu Âu đã có thể chủ động theo đuổi lợi ích của mình. Đơn cử như việc châu Âu phát triển thị trường và công nghệ mới, dẫn tới không tránh khỏi va chạm với các lợi ích này của Mỹ; hay việc châu Âu muốn khai thác quan hệ với Trung Quốc vì lợi ích của khu vực, dẫn tới việc phớt lờ Mỹ trong đàm phán Hiệp định CAI với Trung Quốc khi mà Mỹ đang cạnh tranh quyết liệt với quốc gia này. Về phía Mỹ, giá trị của châu Âu với Mỹ cũng đang suy giảm trên bàn cờ địa chiến lược. Trung Quốc trỗi dậy thay thế Nga trở thành đối thủ chính của Mỹ khiến châu Âu không còn là nhân tố có vai trò chính ở khu vực. Do đó, các biện pháp nhằm phòng ngừa châu Âu nghiêng về phía Nga hay Trung Quốc có thể làm tăng thêm sự bất an của châu Âu và gây bất đồng giữa hai bên.

Như vậy, kể từ khi nhậm chức vào tháng 1-2021, Tổng thống J. Biden đã nhấn mạnh mục tiêu khôi phục lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Chính quyền của Tổng thống J. Biden đã thông qua một loạt động thái chính sách từ trấn an các đồng minh châu Âu đến khởi động các sáng kiến mới ​​xuyên Đại Tây Dương. Theo đó, Tổng thống J. Biden đã đạt được những bước tiến đáng kể trong mục tiêu khôi phục quan hệ giữa hai bên. Các nhà ngoại giao châu Âu bắt đầu bày tỏ sự hài lòng về mức độ can dự ngoại giao của Mỹ và cho rằng chính quyền mới của Mỹ đang có một khởi đầu tốt, cả về mặt thông điệp và tạo ra bầu không khí phù hợp cho mối quan hệ. Tuy nhiên, do nguyên nhân sâu xa của những khác biệt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương bởi việc suy giảm những cơ sở lợi ích chung, nên để khôi phục và phát triển quan hệ giữa hai bên một cách bền vững, chính quyền của Tổng thống J. Biden vẫn cần nhiều nỗ lực đưa ra các hành động đột phá và chính sách hiệu quả hơn nữa./.

---------------------------

(1) Akhtar, Shayerah: “U.S. - EU trade and investment ties: Magnitude and scope”, CRS in focus, IF 10930
(2) Danger, Susan: “100 days later: charting the course”, http://www.amchameu.eu/blog/100-days-later-charting-course
(3) Whineray, David: “Trump has irrevocably changed american relations with Europe and Biden probably can’t fix it”, https://carnegieendowment.org/2020/05/06/trump-has-irrevocably-changed-american-relations-with-europe-and-biden-probably-can-t-fix-it-pub-81739
(4) The White House: “Remarks by President Biden on America’s place in the world”,  whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/02/04/remarks-by-president-biden-on-americas-place-in-the-world/
(5) Tharoor, Ishaan: “Biden’s foreign policy aims to ‘win the 21st century’”, https://www.washingtonpost.com/world/2021/04/28/biden-foreign-policy-100-days-speech/
(6) The White House: “Inaugural address by President Joseph R. Biden, Jr.”, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/02/19/remarks-by-president-biden-at-the-2021-virtual-munich-security-conference/
(7) World Insights: “Uncertainties ahead in transatlantic ties despite Biden’s symbolic gesture”, http://www.china.org.cn/world/Off_the_Wire/2021-06/16/content_77571400.htm
(8), (10) Stokols, Eli and Tracy Wilkinson: “‘Watch me’, Biden assures NATO allies after Trump mocked alliance as ‘obsolete’”, https://www.latimes.com/politics/story/2021-06-14/biden-heads-to-nato-for-bridge-building-after-trump-mocked-alliance
(9) Edward Luce: “America is back - and wants everyone to focus on China”, https://www.ft.com/content/f029ba6a-2b4c-45c0-b423-74089d953173
(11) Nick Wadhams: “Blinken says U.S. won’t force ‘Us-or-Them’ choice with China”, https://www.bloomberg.com/news/articles/2021-03-24/blinken-says-biden-won-t-force-us-or-them-choice-with-china
(12) University of London: “EU - China relations after the SOTEU - Negotiating partner, economic competitor, systemic rival”, https://www.qmul.ac.uk/euplant/blog/items/eu-china-relations-after-the-soteu---negotiating-partner-economic-competitor-systemic-rival.html
(13) Balfour, Rosa: “The EU - U.S. Summit is a test for new transatlantic cooperation”, https://carnegieeurope.eu/strategiceurope/84769
(14) Saran, Shyam: “At G7, Biden achieved western consensus - more against Russia than China”, https://theprint.in/opinion/at-g7-biden-achieved-western-consensus-more-against-russia-than-china/678545/
(15) The White House: “Remarks by President Biden in press conference”, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/06/14/remarks-by-president-biden-in-press-conference-3/